PIERO FERRUCCI
Trích: Giá Trị Cuả Sự Tử Tế; Dịch: Phạm Quốc Anh; NXB Saigon Books và NXB Hồng Đức
Có ai được gọi là chuyên gia về niềm vui không? Tôi tin là có, và chuyên gia giỏi nhất mà tôi biết là Roberto Assagioli, cha đẻ của ngành tâm lý học tổng hợp. Ông là chuyên gia bởi ông nghiên cứu về niềm vui, nhưng hơn hết bởi ông là hiện thân của niềm vui. Lần đầu gặp Assagioli, trông ông giống một người thầy lớn tuổi, gầy gò có bộ râu bạc trắng cùng vẻ ngoài toát lên hình mẫu của những người cao tuổi thông thái. Ông là một bác sĩ tâm lý và là người đầu tiên mang ngành phân tâm học về với nước Ý. Tuy nhiên, phân tâm học chưa làm ông thỏa mãn bởi nó quá chú trọng đến bệnh lý học. Assagioli hứng thú với những giá trị tích cực như cái đẹp, tình yêu, lòng tin, sự hài hòa, hòa bình, và niềm vui. Theo ông, bản chất đích thực của con người chúng ta, sâu xa hơn bất kỳ nỗi thống khổ hay tuyệt vọng nào ta có thể cảm nhận được, nằm ở cái tâm tự do của nhận thức. Tìm được cái tâm ấy sẽ mang lại niềm vui. Đó chính là cảm xúc tự nhiên của chúng ta, là thứ xúc cảm chúng ta sinh ra để đón nhận.
Nhiều ý tưởng được diễn đạt trong cuốn sách này là do tôi học được từ Assagioli. Ông thường lưu giữ lại các tập ghi chú, với một hoặc vài tập tài liệu về mỗi giá trị. Ông coi những giá trị ấy như những thực thể giống chúng ta chứ không chỉ là những khái niệm trừu tượng. Và nếu chúng là những thực thể, ta hoàn toàn có thể gặp gỡ và dành chút thời gian trò chuyện với chúng. Chúng có thể truyền lại cho ta những lưu ý đặc biệt, kích thích, dẫn dắt và truyền cảm hứng trong ta.
Lần đầu tiên khi nghe về khái niệm này, tôi thấy vô cùng hoài nghi. Với tôi, những giá trị tinh thần như sự thanh thản hay lòng dùng cảm chỉ là một ý niệm. Có thể ý niệm đó là tốt, hoặc có thể chỉ được dùng khi quở trách hay phán xét ai đó, ví dụ như: “Hẳn là anh phải dũng cảm lắm” hay “Anh nên bình tĩnh lại đi”. Nhưng đối với Assagioli, việc kết nối với một giá trị là một trải nghiệm thực như ăn một cây kem hay đi dạo vậy. Tôi nhanh chóng nhận ra tất cả những điều đó là một phần trong cuộc sống của ông. Đó là cả một thế giới mà tôi không hề biết đến, và nó không được nền văn hóa vật chất của chúng ta công nhận: một thế giới của những nhận thức chủ quan và tinh tế, cùng sự trao đổi năng lượng. Dần dần tôi nhận thấy chúng ta bộc lộ ra ngoài những gì mình cảm nhận được, rằng ta có thể phát ra năng lượng của xung đột và giận dữ, hoặc hài hòa và thanh thản. Tồn tại một trường năng lượng xung quanh ta, mỗi “vầng hào quang” ấy của chúng ta đều tương tác lẫn nhau. Bởi vậy mỗi khi Assagioli bước vào một căn phòng, mọi người trong căn phòng ấy bỗng nhiên cảm thấy phấn chấn.
Thoạt tiên tôi cảm thấy tất cả những điều này giống như một bước đi lùi về thế giới pháp thuật và duy tâm. Nhưng ý của Assagioli không phải như vậy. Ý ông là những thực tế ấy cần được nghiên cứu, ví dụ như sóng điện từ, mặc dù vô hình nhưng có thể dùng để truyền tải âm thanh, hình ảnh cho vô tuyến truyền hình, và ý tưởng hay cảm xúc cũng vậy. Bởi thế nên sau mỗi lần thiền, Assagioli sẽ thực hiện kỹ thuật bức xạ, được biết đến hàng thế kỷ nay là “chúc an lành” trong nhiều nghi thức tâm linh. Trong lúc thiền, ta nạp vào những năng lượng mới và tích cực. Tuy nhiên, nếu ta không san sẻ nguồn năng lượng này mà chỉ giữ cho riêng mình, ta dễ bị bội thực tâm linh. Việc truyền những năng lượng ấy cho người khác rất có lợi cho ta. Tất cả những gì tốt đẹp nên được tuần hoàn chứ không phải giữ lại. Assagioli sử dụng lời dạy trong Phật pháp: yêu thương cho muôn loài, trắc ẩn tới muôn loài, niềm vui cho muôn loài, bình an tới muôn loài.
Một ngày nọ trong khi thiền, với hai mắt còn đang nhắm, chúng tôi đạt tới “niềm vui cho muôn loài”, và tôi mở mắt ra nhìn Assagioli. Ông vẫn chăm chú thiền, đắm mình trong niềm vui. Tôi không nghĩ mình đã từng thấy ai lan tỏa niềm vui một cách rõ rệt và mãnh liệt như vậy. Một người mà trước đây đã từng chịu nhục hình trong chiến tranh, từng mất một người con, từng bị sỉ vả vì những ý tưởng cấp tiến của mình, … Tôi quan sát ông bằng sự tò mò dưới con mắt khoa học. Nhưng rồi niềm vui ấy cũng nhanh chóng lây qua tôi: Khi tôi nhìn thấy nó trong ông, tôi cũng thấy nó rộn ràng trong lòng mình. Hai mắt vẫn nhắm nghiền, hẳn Assagioli phải cảm thấy rằng tôi đang quan sát ông. Ông mở mắt và nhìn thẳng vào tôi. Đó là một khoảnh khắc đẹp phi thường. Tôi nhận ra rằng hai người có thể gặp nhau trong niềm vui – một niềm vui mà ở đó không ai cố ganh đua, trục lợi, hay chứng tỏ mình đúng. Đó là niềm vui của sự sống.
Niềm vui, hay chí ít là một thái độ vui vẻ, lạc quan, chính là cội nguồn của lòng tốt. Hãy thử hình dung bạn đón nhận một việc tốt bằng thái độ lạnh lùng, miễn cưỡng mà xem. Ví dụ, ai đó đưa bạn về nhà nhưng mặt mày sưng sỉa cả quãng đường. Hay người đó chuẩn bị một bữa ăn cho bạn, nhưng luôn miệng nhắc về những gì anh ta làm vì bạn. Hoặc vừa giúp bạn tìm chùm chìa khóa bị thất lạc, vừa lên giọng về việc bạn đã bất cẩn ra sao. Chẳng ai muốn đón nhận những lòng tốt như vậy, bởi lòng tốt đích thực được cho đi một cách vui vẻ. Bạn chẳng thể đối tốt với người khác nếu như không vui tươi lên xíu nào.
Vậy mà có nhiều người không nghĩ vậy. Ngược lại, niềm vui thường bị coi là hiện thân của chủ nghĩa vị kỷ hay sự hời hợt. Tôi biết một người đàn ông làm công tác tình nguyện cho những tình huống cấp cứu trong y tế. Ở Florence, có một truyền thống lâu đời và rất đáng khâm phục về tham gia công việc tình nguyện. Thời xưa, những người làm tình nguyện sẽ mặc đồ đen, thậm chí là đội cả mũ trùm để không bị ai nhận ra. Việc giúp đỡ tình nguyện phải là vô danh, và ta không nên giúp đỡ hay an ủi người khác để được biết ơn hay nhận những món lợi khác. Vậy cũng tốt. Người đàn ông này tới tham dự một buổi gặp mặt giới thiệu, và ông cùng những người mới đến đều được hỏi vì sao họ muốn làm công việc tình nguyện này. Ông ta đáp, “Bởi giúp đỡ người khác mang lại niềm vui”. Nghe những lời ấy, một trong những thành viên lớn tuổi hơn khẽ nhíu mày và nhìn ông thật lâu bằng con mắt có ý quở trách.
Cái nhìn ấy nói lên rằng, “Việc làm này không phải để tự tán dương lòng vị tha của bản thân. Sự giúp đỡ tình nguyện phải được làm bằng sự hy sinh”. Có lẽ điều mà người đang nhíu mày ấu nói không hẳn sai. Lòng vị tha đích thực đi ngược lại với những gì ta vẫn nghĩ về nó và đòi hỏi ta từ bỏ những lợi ích cá nhân – như sự nghỉ ngơi, thoải mái, thời gian rảnh, và những điều tương tự. Tuy nhiên, liệu bạn muốn được ai giúp đỡ, một người phải hy sinh thân mình, hay một người làm điều đó một cách vui vẻ?
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, một yếu tố cấu thành tạo nên lòng tốt là tâm tính vui vẻ. Và tương đồng với vui vẻ là sự hài hước – là khả năng nhìn thấy những gì đối lập và lố bịch trong cuộc sống và không tự quan trọng hóa bản thân. Bất cứ ai sở hữu giá trị này được an toàn khỏi sự thổi phồng của cảm xúc và những hỉ nộ ái ố trong cuộc sống thường ngày. Kể từ khi Norman Cousins tự chữa lành chứng viêm cột sống dính khớp bằng cách xem các thước phim của anh em nhà Marx, những nghiên cứu về tác dụng chữa lành và kích thích của giá trị tuyệt với này nở rộ. Tỷ như, người ta đã phát hiện ra rằng khiếu hài hước khiến ta trở nên sáng tạo hơn: các đối tượng vừa được xem xong một bộ phim hoạt hình tìm ra lời giải nhanh hơn cho một vấn đề thực tế. Khiếu hài hước cũng được chứng minh là có sức mạnh làm giảm bớt đau đớn thể chất – và đó là một ưu điểm không hề nhỏ chút nào.
Ta cũng biết khiếu hài hước giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm huyết áp, và giảm căng thẳng. Những kết quả ấy thật đáng nể! Nhưng tốt hơn hết ta không nên phân tích khiếu hài nước quá kỹ càng, mà nên nói về hài hước với những lượng nhỏ. Trước đây, tôi từng mắc sai lầm khi hướng dẫn một buổi chuyên đề về sự hài hước. Đó là buổi chuyên đề nhàm chán nhất tôi từng hướng dẫn. Như Mark Twain đã nói, nghiên cứu về sự hài hước giống như mổ xẻ một con cóc – cuối cùng ta chỉ còn lại một con cóc đã chết.
Ta hãy cùng quay lại chủ đề chung về sự hạnh phúc – một đề tài dễ thảo luận hơn đôi chút bởi dù mang tính trừu tượng, nó liên quan đến định hướng cơ bản của chúng ta trong cuộc sống. Có hai giả thuyết chiếm ưu thế: giả thuyết đầu tiên nói rằng hạnh phúc chỉ đến khi thỏa mãn đạt cực đại – “thuyết chủ nghĩa khoái lạc”. Giả thuyết thứ hai nói rằng ta hạnh phúc khi ta tìm được ý nghĩa, dù phải trải qua khó khăn hay đau khổ – “thuyết chủ nghĩa hạnh phúc”, có nguồn gốc từ từ daimon, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là cái tôi chân thật duy nhất. Với tôi giả thuyết thứ hai có tính thuyết phục hơn. Quan trọng là ta tin tưởng vào điều gì. Niềm vui đến khi cuộc sống của ta có ý nghĩa.
Mihaly Csikszentmihalyi từng nói sự thỏa mãn tự nó không đủ để níu giữ niềm vui. Trong nghiên cứu của mình về dòng chảy, hay còn gọi là trải nghiệm tối ưu, ông ghi lại trạng thái cảm xúc của nhiều người vào những thời điểm khác nhau trong một ngày. Khi nào thì cảm xúc trong họ tuôn trào? Hầu hết đều không phải khi họ đang thư giãn bên bờ biển hay một bữa thịnh soạn, mà là khi họ đắm mình vào một hoạt động đòi hỏi tính kỷ luật, tập trung, và niềm đam mê. Là khi họ chơi cờ vua, chơi đàn vi-ô-lông, hay đang đọc một cuốn sách về triết học, hoặc đang nhảy múa. Dù là việc gì đi nữa, nó cũng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ.
Nhưng điều quan trọng không chỉ là cảm xúc tuôn trào ấy. Đó còn là tâm trạng ta có thường ngày nữa. Và câu hỏi thiết yếu là: Ta là người lạc quan hay bi quan? Có nhiều nghiên cứu đã cho thấy thái độ lạc quan mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Martin Seligman đã viết về chủ đề này trong sách của ông. Ông chỉ ra rằng những chính trị gia nào sử dụng các từ mang tính tích cực trong bài phát biểu của mình thì có khả năng đắc cử cao hơn, cũng giống như những vận động viên có thái độ lạc quan thì dễ thành công hơn. Một làn sóng các nghiên cứu mới và sự khởi xướng của “tâm lý học tích cực” đã thu hút được nhiều sự chú ý về chủ đề này. Trong lúc đó, một nghiên cứu được thực hiện tại Phòng khám Mayo cho thấy trong 839 cá nhân được xét nghiệm cách đây ba mươi năm, những người được xếp vào nhóm bi quan có tỷ lệ tử vong cao hơn 40% so với những người thuộc nhóm lạc quan. Nhìn chung, tính lạc quan bảo vệ cơ thể con người khỏi các bệnh về đường tim mạch và giúp tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch. Tóm lại, những người lạc quan sống vui vẻ hơn và ít tốn chi phí thuốc thang.
Nhưng ta không cần nghiên cứu mới biết niềm vui mang lại cảm giác tuyệt vời. Câu hỏi ở đây là, vậy thì ta phải sống như thế nào? Hoặc chí ít làm sao để ta có thể lạc quan hơn đôi chút? Tôi cho rằng việc này không quá khó. Có ít nhất hai bước dễ dàng mà ai cũng có thể làm được. Đầu tiên ta phải tự tìm hiểu chính bản thân mình. Không cần nghĩ ngợi quá sâu xa, hầu hết chúng ta đều có thể nhanh chóng tìm ra vài nguyên nhân khiến ta không thể tận hưởng cuộc sống: sống theo chủ nghĩa hoàn hảo, để cảm giác tội lỗi ám ảnh mình, quá quan trọng hóa vấn đề, chỉ chăm chăm chú ý vào những điều tối tệ trong cuộc sống. Thật đáng ngạc nhiên là chỉ cần nhận thức được rằng mình đang tự hủy hoại bản thân là đã đủ để ta tách mình khỏi những thái độ tiêu cực đó rồi. Suy cho cùng, chúng ta luôn đi tìm hạnh phúc trong cuộc đời mình. Khi người mẹ thay vì cười lại làm mặt lạnh với con của mình, đứa bé sẽ phản kháng và quấy khóc không ngừng. Đứa bé muốn nụ cười, không phải một gương mặt vô cảm. Chắc hẳn điều mà Assagioli luôn nói là đúng: Chúng ta sinh ra là để được hạnh phúc.
Thế rồi ta lại cố gắng hết sức để không được hạnh phúc. Ta thường tìm ra những lý do để sợ hãi cảm giác hạnh phúc. Nghe thì thật lố bịch: Cớ làm sao ta lại sợ điều ta khát khao nhất? Ta sợ niềm vui và hạnh phúc bởi một vài nguyên nhân. Trước hết là bởi ta thấy mình không xứng đáng, như thể hạnh phúc chỉ dành cho những người đã trải qua nhiều khó khăn. Hơn nữa là bởi điều đó có vẻ chẳng mấy quan trọng: Với nhường ấy nỗi đau khổ trên thế gian, làm sao ta lại thấy hạnh phúc được cơ chứ? Rồi ta lo sợ rằng một khi ta đã trải qua khó khăn và bắt đầu tận hưởng cuộc sống, những người khác sẽ vì ganh tỵ mà khiến ta cảm thấy lạc lõng và cô lập. Ta cũng sợ rằng niềm vui sướng đích thực sẽ không kéo dài được bao lâu, và ta sẽ thấy bất hạnh thêm khi biết mình đã mất đi những gì. Cuối cùng, ta sợ được hạnh phúc bởi khi cảm xúc là mãnh liệt nhất, nó chiếm trọn lấy tâm hồn ta: niềm hạnh phúc ấy có thể quá lớn tới độ ta lo sợ mình sẽ đánh mất nó.
Cách thứ hai để tiếp cận niềm vui còn đơn giản hơn nữa: tự hỏi bản thân điều gì khiến ta hạnh phúc, một câu hỏi hay mà hiếm khi ta tự hỏi mình. Thật lạ kỳ, nhưng đôi lúc cuộc sống ta thay đổi bởi một câu hỏi hay. Điều gì khiến ta hạnh phúc? Thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, dành thời gian ở bên người ta yêu thương, hoạt động thể chất, đọc một cuốn sách, nghe nhạc, tìm về chốn vắng vẻ; có rất nhiều cách, một số có vẻ xa vời, nhưng một số lại rất thân thuộc. Chỉ cần ta quyết tâm làm điều đó mà thôi. Tôi thực sự tin rằng hầu hết chúng ta không cần quá hai mươi tư giờ để tìm ra niềm vui – và rằng niềm vui nằm rất gần trong tầm tay của mọi người. Những người còn lại có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn đôi chút.
Ta cần phải vượt qua nỗi hoài nghi lớn nhất rằng khi tìm được niềm vui cho bản thân, bằng cách nào đó ta tự rời xa mình khỏi những người xung quanh. Thực ra, sự ích kỷ và lòng vị tha có thể làm bạn mà không nhất thiết phải là kẻ thù. Nếu ta đi tìm niềm vui, ta sẽ thấy lạc quan và cởi mở hơn với người khác. Ta sẽ ở cùng phía với họ. Các nghiên cứu trên nhiều góc độ cho thấy khi ta hạnh phúc, ta cũng trở nên vị tha hơn. Các nghiên cứu khác lại cho thấy khi ta vị tha, ta cũng hạnh phúc hơn. Ví dụ, những người tham gia một hoạt động tình nguyện nào đó thường cảm thấy hạnh phúc và cân bằng hơn những người không tham gia những hoạt động như vậy.
Hơn thế nữa, ta hạnh phúc hơn khi có mối quan hệ tốt đẹp. với những người xung quanh. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chất lượng chứ không phải số lượng của các mối quan hệ mới là khởi nguồn cho một sức khỏe tâm trí và thể chất tốt. Thậm chí các nghiên cứu ấy còn cho thấy sức khỏe, năng lượng, và cảm xúc tính cực cũng biến đổi tương đương với những cảm xúc ta có trong mối quan hệ với người khác. Chính xác thì những người hay nghĩ cho người khác, là một phần trong cuộc sống của họ, cố gắng giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn, và gắn bó với họ sẽ là những người dễ tìm thấy hạnh phúc và kho báu vô giá của niềm vui nhất.
Cái tôi và lòng vị tha không nhất thiết phải đối lập với nhau. Ta có thể trở nên thật sự hữu ích với người khác nếu ta theo đuổi những gì nuôi dưỡng và tạo cảm hứng cho ta. Đây là điểm bắt đầu nếu như ta muốn đem lòng tốt vào cuộc sống của mình. Làm sao mà ta có thể vừa dầu độc bản thân bằng sự cay đắng, âm thầm ganh ghét người khác bởi họ may mắn hơn ta, phàn nàn vì ta chẳng làm được hay có được thứ mình muốn, khóc lóc khi chuyện xảy ra không theo ý ta muốn, lập mưu trả thù, … mà vừa sống tốt được? Trước hết, ta phải tìm ra điều gì mang lại niềm vui cho mình. Đây là một nhiệm vụ tối quan trọng cho tất cả chúng ta. Rồi từ đó mọi chuyện mới có thể êm xuôi được: niềm vui khiến ta tận hưởng những mối quan hệ của mình dồi dào năng lượng hơn, và trở nên đẹp đẽ hơn.
Điểm mấu chốt nằm ở ý định ban đầu có trong sáng hay không. Những ai sống tốt một cách vô tư sẽ dễ cảm nhận được niềm vui hơn những người có hành động tương tự nhưng mong chờ nhận lại điều gì đó có lợi cho mình. “Làm như vậy thì tôi được gì chứ?”, câu hỏi này cuối cùng lại khiến ta xao nhãng. Ta lo rằng có thể ta sẽ không nhận được thứ mà ta mong muốn, rằng ta có thể bị lừa gạt, và rằng lòng tốt của ta có thể chẳng được công nhận hay mang lại lợi ích gì. Tuy nhiên, khi nghĩ như vậy, ta đã quên không tận hưởng niềm vui chân chính trong bản thân mình.
Trong một câu truyện cổ phương Đông, Ngọc Hoàng muốn ban thưởng cho một người đàn ông vì lòng tốt hiếm có và những ý định trong sáng của anh. Ngài cho gọi một vị hầu cận đến gặp người đàn ông này và nói cho anh ta biết: Anh ta sẽ có bất cứ thứ gì anh ta khao khát. Vị hầu cận xuất hiện trước mặt người đàn ông tốt bụng và báo tin mừng cho anh. Anh ta đáp, “Ồ, nhưng tôi thấy hạnh phúc rồi. Tôi đã có tất cả những gì mình mong muốn”. Vị hầu cận giải thích rằng anh ta nên cư xử khéo léo với Ngọc Hoàng. Nếu Ngài đã muốn ban tặng cho anh một món quà, tốt hơn hết là hãy nhận lấy nó. Nghe vậy, người đàn ông tốt bụng đáp, “Thế thì, tôi muốn mọi người xung quanh tôi được bình an. Nhưng tôi không muốn biết về sự bình an ấy”. Kể từ đó, bất cứ nơi đâu người đàn ông tốt bụng đặt chân đến, những cành hoa héo khô lại nở rộ bông, những con thú đau bệnh thì khỏe mạnh trở lại, những người ốm yếu được chữa lành, những kẻ bất hạnh thoát khỏi gánh lo của mình, những người đáng hờn giận liền làm lành với nhau, và những người gặp bế tắc giải quyết được vấn đề của họ. Tất cả những điều ấy diễn ra mà người đàn ông tốt bụng không hay biết – nó diễn ra trong sự hiện diện của anh ta, nhưng không bay giờ ở ngay trước mắt. Chẳng có lòng tự kiêu hay kỳ vọng nào cả. Vô tư và toại nguyện, người đàn ông tốt bụng ấy đi khắp các nẻo đường trên thế gian, lan truyền niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người.