ADYASHANTI
Trong nhiều năm khi có những buổi nói chuyện về sự tự do, sự giác ngộ, sự giải thoát, tôi khám phá ra rằng hầu hết người ta tìm kiếm sự giác ngộ hay giải thoát nhưng thực sự không biết nó là gì. Thật là một sự mỉa mai khi người ta dùng rất nhiều năng lượng, có khi hy sinh cả cuộc sống, nhốt mình lại trong những tu viện, hay đến những buổi thuyết pháp khi có bất cứ nhà sư nào đến giảng, tốn rất nhiều tiền bạc cho sách vở, những buổi seminars, nơi mà họ đặt lên những vấn đề tâm linh rất sôi động, nhưng thật sự không hiểu họ đang đeo đuổi cái gì.
Điều này là một cú sốc đối với tôi khi tôi bắt đầu hỏi họ nghĩ như thế nào về sự giác ngộ. Câu trả lời thành thật nhất thường là sự gãi đầu và chợt nhận ra: “Tôi cũng thật sự không biết nó là gì”. Và những người không thành thật lắm thường lặp lại những điều người khác đã nói, chẳng hạn như: “Sự kết hợp với Đấng Thiêng Liêng”. Còn những người khác thì nói lên những gì mà họ tưởng tượng trong đầu, với bắt đầu câu là: “Khi sự giác ngộ xảy ra nó sẽ là…”, điền vào chỗ trống. Thường có những sự ao ước muốn đạt trạng thái cực khoái kéo dài mãi mãi.
Trong Zen có câu: “Nếu bạn ngồi xuống, yên lặng, và đối diện với bức tường trong một thời gian dài, sẽ có điều gì đó xảy ra”. Nhiều người đã làm theo cách này và có sự trải nghiệm thích thú – có thể là trạng thái thoải mái dễ chịu kéo dài vài phút đến vài giờ. Và cũng có thể cảm giác này chỉ kéo dài vài giây trong lúc thiền định nào đó, trước khi tâm trí bắt đầu chen vào: “Nếu như cảm giác này có thể kéo dài mãi mãi xuyên thời gian, có lẽ sự tự do mang ý nghĩa là như vậy”.
Tuy nhiên, sự trải nghiệm của tôi về sự giác ngộ đơn giản là sự phá hủy toàn bộ những gì tôi nghĩ về nó sẽ diễn ra như thế nào. Và tôi chưa bao giờ gặp bất cứ người nào thức tỉnh thật sự với Chân Lý mà không nói điều đó. Họ trở lại nói với tôi là: “Nó không giống như bất cứ điều gì tôi đã nghĩ về nó. Và nó không giống như bất cứ trải nghiệm tâm linh nào trước đây của tôi, bao gồm trạng thái hỷ lạc, yêu thương, hòa nhập với Thiêng Liêng…”
Một lần nữa, như đã nói trong Zen, “Nếu bạn ngồi xuống, im lặng và đối diện với bức tường trong thời gian dài, những trải nghiệm đó sẽ xảy ra với bạn”. Và hãy đoán xem cái gì sẽ xảy ra với những trải nghiệm đó? Chúng sẽ biến mất đi. Nhiều người biết điều này nhưng làm như không biết. Nhiều người có những trải nghiệm tâm linh biết chắc là không có một trải nghiệm nào kéo dài, bởi vì nếu có, họ đã không tìm kiếm sự trải nghiệm tiếp theo. Cho nên thường những người đi vào trò chơi tâm linh trong một thời gian dài sẽ ngẫm ra là không có sự trải nghiệm nào kéo dài mãi mãi.
Không ai muốn đối diện sự thật này. Người ta có thể nghe cả trăm đến ngàn lần về sự giác ngộ không phải là sự trải nghiệm, nhưng họ vẫn mang câu hỏi đến những buổi tu học: “Adya, những gì tôi đạt được khi tôi đến đây, tôi đều đánh mất nó khi tôi rời khỏi”. Điều đó dĩ nhiên, bất cứ trải nghiệm nào bạn có, bạn sẽ đánh mất nó. Đó là bản chất của sự trải nghiệm.
Nghe có vẻ thích thú khi nói sự tự do là cái gì không đến và không đi, nhưng cái thứ duy nhất mà tâm trí có thể làm là tưởng tượng một sự trải nghiệm kéo dài mãi mãi, không đến và không đi. Và nó sẽ nghĩ: “Tôi chỉ là chưa biết cách nào để kéo dài sự trải nghiệm này đúng để nó không đến và không đi. Tôi chưa có làm đúng”.
Tôi đã từng ngồi đối diện với bức tường mười lăm năm với tư cách là một học trò của giòng Zen, và có nhiều sự trải nghiệm đã xảy ra. Những sự kiện đó bao gồm sự trải nghiệm năng lượng kundalini vỡ òa, sự hợp nhất thần bí, hỷ lạc, và tràn ngập bởi ánh sáng và tình yêu Thiêng Liêng. Và như nhiều người ngồi đối diện với bức tường, tôi nhận biết những sự trải nghiệm này không xảy ra thường hằng như tôi mong muốn. Và trong những mốc điểm của cuộc hành trình, tôi chợt có khuynh hướng nghĩ: “Đây thật sự đúng rồi! Sự trải nghiệm vui sướng tràn ngập, nên đúng là nó !” Tâm trí tôi trải rộng tột cùng và có nhiều sự hiểu biết ập đến làm tôi không thể đón nhận hết. Nếu bạn muốn có những trải nghiệm này, có một công thức để đạt được – hãy ngồi đối diện với bức tường thật nhiều giờ trong ngày.
Nhưng điều mà tôi đã nhận biết được, sau này tôi mới biết đó là một ân sủng, là trong lúc xảy ra những sự trải nghiệm đẹp đẽ đó, thường không kéo dài như ý muốn, có một tiếng nói nho nhỏ vang lên: “Hãy đi tới, cái này không phải!” Nguyên phần còn lại của người tôi thì nghĩ, “Đây thật sự là nó, bởi vì tất cả từ thân đến tâm của tôi đều nói như thế. Sự an lạc thật bao la nên đúng nó thật rồi”. Nhưng tiếng thì thầm vẫn đến và nói: “Đừng dừng ở đây, không phải là nó”.
Nếu tôi có chọn lựa, tôi sẽ tóm tiếng thì thầm đó và ném nó ra cửa sổ, bởi vì tôi biết những người khác cũng có những sự nhận biết lớn lao, nhưng họ còn có thể tận hưởng chúng trong vài ngày, vài tuần, và có vài trường hợp vài tháng. Nhưng tôi hiếm khi có những sự nhận biết kéo dài hơn mười phút. Điều đó không có nghĩa là nó dừng xảy ra ngay lập tức. Nó chỉ có nghĩa là trong lúc xảy ra, tôi biết chắc chắn là đó không phải là nó, dù bất cứ trải nghiệm nào. Tôi nói điều này với một sự biết ơn vô vàn vì từng lúc, từng lúc, nó đã đẩy tôi ra khỏi cái nơi mà có lẽ tâm trí tôi muốn an định và nắm giữ.
Nếu bạn cố gắng giữ lấy một sự trải nghiệm, bạn sẽ trải nghiệm đau khổ khi nó rời bỏ. Thật là kỳ quái khi sự đau khổ này lại không làm chúng ta đi tới, mà nó làm chúng ta quay 180 độ để tìm lấy sự trải nghiệm mà chúng ta đã đánh mất. Rất nhiều lần sự đau khổ này chỉ uổng phí thời gian, bởi vì chúng ta không học được bài học là bất cứ sự trải nghiệm nào đến và đi đều không phải sự giác ngộ, nhưng chúng ta lại lập đi lập lại muốn trì níu chúng mãi mãi.
Nếu chúng ta may mắn, chúng ta sẽ biết ngay lập tức, một sự trải nghiệm qua đi không phải là nó, chúng ta nhận biết là bất cứ sự trải nghiệm nào đều không phải là sự giác ngộ. Bởi vì tất cả sự trải nghiệm là một điều gì đó xảy ra với tôi, và bất cứ sự trải nghiệm nào xảy ra với tôi đều được giới hạn bởi thời gian, có nghĩa đơn giản là nó đến và nó đi. Đây là một ân sủng khi tôi nhận biết điều này, vì nó kéo ngắn cuộc hành trình của tôi một cách đáng kể.
Khi chúng ta nói đến hay tìm đến sự giác ngộ, vốn là một từ bị lạm dụng nhiều nhất trong tự điển tâm linh, cái điều mà chúng ta thật sự tìm là câu trả lời cho câu hỏi: “Chân Lý là gì?” Câu hỏi này mang một chiều hướng hoàn toàn khác với câu: “Làm sao tôi có được sự trải nghiệm này? Làm sao tôi duy trì nó?” Hỏi: “Chân Lý là gì?” là một công trình phá vỡ. Nhiều chiều hướng tâm linh là một công trình xây dựng. Chúng ta thăng lên, và thăng lên – những tư tưởng thăng lên, năng lượng kundalini thăng lên, ý thức thăng lên. Nó tiếp tục xây dựng và xây dựng, và một người có cảm giác: “Tôi tiến hơn, tôi tiến hơn”.
Nhưng sự giác ngộ là một công trình phá vỡ. Nó chỉ đơn giản chỉ cho bạn biết tất cả những gì bạn tin tưởng đều không đúng. Tất cả những gì bạn nghĩ về bạn, bất cứ hình ảnh gì: tốt, xấu, không tốt không xấu – bạn đều không phải là nó. Bất cứ bạn nghĩ bạn là ai đều không đúng. Bất cứ điều gì bạn nghĩ về Thượng Đế đều sai. Bạn không thể có một tư tưởng đúng về Thượng Đế, cho nên tất cả những ý nghĩ của bạn về Thượng Đế đều tuyệt nhiên nói lên những điều mà không phải là Thượng Đế. Bất cứ điều gì bạn nghĩ về thế giới đều tuyệt nhiên nói lên những điều mà không là phải thế giới. Bất cứ điều gì bạn nghĩ về sự giác ngộ đều tuyệt nhiên nói lên những điều mà không phải là sự giác ngộ.
Bạn đã nắm bắt được hương vị của nó chưa? Nó là một công trình phá vỡ. Nó phá vỡ điều gì? Tất cả mọi thứ. Nếu nó không phá vỡ hết tất cả, nó không phải là một sự giải thoát tột cùng. Nếu nó còn một thứ hay còn một cái nhìn nào đó mà chưa được giở bỏ, sự giải thoát chưa thể xảy ra.
Hầu hết trong cuộc sống con người, tất cả đều tránh né chân lý. Chân lý mà chúng ta tránh né là Chân Lý của sự trống rỗng. Chúng ta không muốn thấy là chúng ta không là gì cả. Chúng ta không muốn thấy là tất cả những gì chúng ta tin tưởng đều sai. Chúng ta không muốn thấy là tất cả những gì người khác tin tưởng đều sai. Chúng ta không muốn thấy tất cả những gì chúng ta nghĩ về Thượng Đế đều không phải Thượng Đế. Chúng ta không muốn thấy cái ý nghĩa mà Buddha truyền đạt khi Ngài nói: không có cái tôi.
Chúng ta nhanh chóng khỏa lấp bằng những lời tuyên bố tích cực. Đáng lẽ cần phải thấy là không có cái tôi và tất cả những cái gì tâm trí nghĩ là đúng thật sự là trống rỗng, tâm trí của chúng ta sẽ nhanh chóng điền vào những câu như: “Tôi là sự tỉnh thức” hay “Tất cả là hỷ lạc” hay “Thượng Đế là tình yêu”. Chúng ta không muốn thấy là có một sự trống rỗng ngay chính trung tâm của sự sống của chúng ta.
Xuyên qua nhiều thế kỷ, khi con đường tâm linh được nói đến gần với Chân Lý, thì người ta lại nhanh chóng che đậy nó lại. Ngay cả trong Zen – một trong những hình thái thanh khiết không chạy đuổi theo những sự trải nghiệm giác ngộ – vẫn có một sự tránh né về sự giảng dạy nền tảng trọng tâm, là không có cái tôi. Chính vì vậy khi bạn giở bất cứ tạp chí nào, dù là tạp chí Phật học, bạn vẫn không thấy sự giảng dạy trọng tâm này. Nó không có. Hầu hết những bài viết đều nói bạn hãy trở nên bác ái và yêu thương, làm sao để thiền được tốt hơn, đếm hơi thở, niệm chú, hay tưởng tượng về điều thanh cao, v.v…Ngay cả trong Phật giáo, luôn luôn được che đậy, mặc dù khó thể nào che đậy giáo lý căn bản của người sáng lập: không có cái tôi. Mặc dù nó không bị che giấu, nhưng rất ít được nhắc đến, và nếu như có, thường là nó được tô vẽ lên. Những sự giảng dạy thật sự về sự giác ngộ sẽ giống như một lưỡi kiếm chém xuyên qua bất cứ hướng nào mà bạn đang đi đến. Nó cắt ngang đôi chân bạn, và bạn nằm sóng soài dưới sàn nhà, chảy máu.
Từ lâu đã được nói rằng Chân Lý sẽ giải phóng bạn, và cái điều thiện lành nhất chúng ta có thể làm cho bất cứ ai, bao gồm cả chính chúng ta, là nói lên sự thật. Chúng ta không thể giải phóng được khi chỉ nói với nhau những điều chúng ta thích nghe. Đó không phải là sự thiện lành mà là tồi tệ vì nó đưa chúng ta vào một vòng xoáy nô lệ không ngừng nghỉ chạy đuổi theo những thứ không thật sự tồn tại. Chân Lý có thể làm tâm trí chúng ta bất lực, nhưng đó chính là mục đích! Sự đầu hàng có nghĩa là như vậy. Sư đầu hàng không có nghĩa là: “Tôi tìm đến điều thiêng liêng, buông bỏ hết tất cả, buông bỏ cuộc sống, trái tim của tôi, tất cả để đạt được sự lợi ích tâm linh tột cùng”. Nhiều người đi quỳ lạy trăm ngàn bước chung quanh dãy Himalayas chỉ vì họ nghĩ làm như vậy họ sẽ đạt được điều gì đó tốt đẹp. Ôi! Tôi sẽ không làm điều đó. Nó là một sự hành xác đau đớn!
Sự đầu hàng cũng có ý nghĩa cúi xuống thấp giống như vậy, bên trong lẫn bên ngoài, nhưng làm không có tìm cầu một điều gì. Còn những cái khác chỉ là trò chơi. Là cái tôi. “Tôi giả bộ làm ra vẻ tâm linh bởi vì nó sẽ cho tôi một cái gì đó”. Tâm linh đúng nghĩa nhất là: “Tôi chỉ muốn Chân Lý. Tôi sẵn sàng từ bỏ hết tất cả những gì không phải Chân Lý. Nó không mang ý nghĩa là tôi thích hay không thích từ bỏ. Và nó không phải là tôi muốn Chân Lý như là một cái gì tôi đạt được để nắm giữ và sở hữu. Nó chỉ là tôi muốn Chân Lý, mà bản chất tự nhiên của nó phải là một sự không chiếm hữu”. Phải tuyệt đối buông bỏ, tuyệt đối từ bỏ, nhưng không phải để đạt được một cái gì ngược lại. Sự buông bỏ tột cùng là buông bỏ luôn cả người buông bỏ. Không có cái gì trong sự giác ngộ cho tôi cả.
Trong một ý nghĩa khác, sự giác ngộ là nhận biết được không có một cái tôi riêng biệt. Chúng ta có thể nghe một trăm ngàn lần: “Không có một cái tôi riêng biệt”. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thật sự xem xét nó một cách nghiêm túc, nó có nghĩa là gì? Chúng ta sẽ thấy rằng tất cả những gì mà cái tôi riêng biệt này nghĩ là đúng thật sự là không đúng.
Khi nếm được hương vị của sự không có cái tôi riêng biệt là một sự giải phóng hoàn toàn. “Không có cái tôi riêng biệt” không có nghĩa là một sự trải nghiệm tâm linh giống như: “Cái tôi của tôi được trải rộng vô cùng tận và tôi hoà nhập vào hết tất cả mọi thứ”. Đó là một sự trải nghiệm đẹp và tuyệt vời cho cái tôi, nhưng không phải ý nghĩa MỘT là như vậy. MỘT không phải là hòa nhập. Hòa nhập chỉ xảy ra giữa hai cái, và khi mà chỉ có một, vậy thì bất cứ sự trải nghiệm nào của sự hòa nhập thật sự là một sự ảo giác của một cái này hoà nhập với cái kia, mặc dù nó rất đẹp và tuyệt vời. Ngay cả khi tôi có sự trải nghiệm hòa nhập với cái tuyệt đối, với Thượng Đế, nó chỉ đơn giản có nghĩa là cái tôi giả tưởng này hòa nhập với một cái giả tưởng khác. Những trải nghiệm huyền bí không phải là sự giác ngộ.
MỘT là khi không có cái khác. MỘT là chỉ có cái này duy nhất. Không có cái kia ở đằng kia, chỉ có cái này. Và tất cả chỉ có như vậy. Chỉ có cái này, và nếu bạn định nghĩa cái này nghĩa là gì, thì bạn đã đồng thời định nghĩa cái mà nó không phải là. Cái này chỉ được nhận biết khi tất cả những cái khác được phá vỡ một cách tột cùng. Và khi đó sự tỉnh thức đó là một sự tỉnh thức ngoài tất cả những cái gì đến và đi. Nó là một sự tỉnh thức nằm ngoài thời gian.
Sự tỉnh thức này giống như sự tỉnh thức từ một giấc mơ buổi tối – đó cũng là lý do người ta hay dùng ẩn dụ đó trong bao thế kỷ qua. Giấc mơ giống như thật khi đang mơ. Nếu bạn cảm giác sự sống của bạn bị đe dọa giống y như thật trong giấc mơ, bạn sẽ cảm giác bấn loạn, giống như là sự bấn loạn trong đời sống thực tại nếu bạn bị đe dọa. Nhưng khi bạn tỉnh dậy vào buổi sáng, bạn sẽ nghĩ: “Lạy Chúa, nó không phải sự thật.” Nhưng trong giấc mơ thì nó rất thật. Nó chỉ tồn tại khi giấc mơ tồn tại, nó không có ý nghĩa thật như chúng ta đã nghĩ khi chúng ta đang mơ.
Con người không biết sự quan trọng như thế nào khi thức dậy ra khỏi giấc mơ giữa đêm. Bạn thật sự thức dậy khỏi chiều kích mà bạn đã lầm tưởng là thật như chiều kích hiện tại. Nó là một sự thay đổi chấn động của tâm thức. Tất cả mọi thứ tôi nghĩ là đúng trong giấc mơ cuối cùng lại không đúng.
Khi có một sự tỉnh thức tâm linh thật sự, sự chấn động hoàn toàn giống nhau. Tôi không có nói thế giới này là một giấc mơ hay là không – nó không có ý nghĩa gì khi định nghĩa về thế giới này. Nhưng tôi nói là sự trải nghiệm của sự tỉnh thức nó giống y như vậy. Nó là một sự trải nghiệm giống như là: “Trời ơi, tôi đã lầm tưởng chính tôi là một con người có tên như vầy, như vầy nhưng tôi không phải. Và nó không phải cái gì tôi cảm thấy lớn hơn hay tốt hơn hay mở rộng hơn hay thánh thiện hơn, tâm linh hơn. Nó có nghĩa là tôi không phải. Chấm dứt”.
Nó không có nghĩa là không có thân xác. Hiển nhiên là vẫn có thân xác. Nó cũng không có nghĩa là không có tâm trí. Hiển nhiên là vẫn có tâm trí. Nó không có nghĩa là không có tính cách riêng. Hiển nhiên là có tính cách riêng. Và nó cũng cảm nhận được cái tôi. Giác ngộ hay không, bạn sẽ vẫn cảm nhận được cái tôi hiện diện. Nếu như không, tâm thức không thể hoạt động trong thân xác này. Nếu như không, người khác gọi tên bạn, bạn sẽ không trả lời được. Như tôi được biết, tất cả những bậc giác ngộ từ đó đến giờ đều có thể trả lời bằng cách này hoặc cách khác.
Tôi cam đoan với bạn, bạn vẫn cảm nhận được cái tôi sau khi giác ngộ. Thân xác của bạn không thể hoạt động nếu như không cảm nhận được cái tôi. Cho nên nó là một điều giả tưởng khi nói rằng sau khi giác ngộ, bạn sẽ mất hết cảm nhận về cái tôi. Có thể khi ngồi thiền bạn tạm thời quên mất sự cảm nhận cái tôi của bạn, nên ai đó gọi tên bạn, bạn không có quay đầu lại. Tôi đã từng thấy có người ngồi thiền đến nổi không thể đứng dậy được. Ở Ấn Độ họ gọi là nirvikalpa samadhi. Nó là một trải nghiệm đẹp. Nhiều điều sáng tỏ có thể đến từ đó. Cũng có thể không có gì xảy ra. Bạn có thể có một sự trải nghiệm ngưng tạm thời sự trải nghiệm cảm nhận của cái tôi, nhưng tôi bảo đảm là nó chỉ tạm thời, bởi vì thân xác của bạn không thể hoạt động nếu như không có một sự cảm nhận về cái tôi.
Nếu bạn thật sự buông mình vào không còn cái tôi nữa, nó nằm ngoài thời gian, có nghĩa là nó không kéo dài một thời gian ngắn, hay kéo dài một thời gian dài. Nó là một sự nhận biết phi thời gian. Nếu không phải như vậy, bạn chưa nhận biết thật sự, và bạn chỉ có một sự trải nghiệm được gọi là: “Tôi tạm thời mất đi sự cảm nhận của cái tôi”. Nó không phải ý nghĩa không có cái tôi. Không có cái tôi có nghĩa là, dù cảm nhận hay không cảm nhận về cái tôi, bạn biết một cách trực giác xuyên suốt là không có cái tôi, cũng có nghĩa là không có cái khác. Chỉ có một thứ đang xảy ra. Bạn có thể gọi một thứ đó là Thượng Đế, một sự thiêng liêng, Phật tính, sự trống rỗng, sự đầy đặn…tên gọi không có gì quan trọng. Nhưng khi chỉ có một thứ đang xảy ra, thì chỉ có một thứ đang xảy ra. Chỉ có sự trống rỗng và sự vô cùng tận của nó đang phơi bày chính nó.
Sự tự do là một công trình phá vỡ hoàn toàn bởi vì nó lấy đi tất cả những gì thuộc về bạn. Đó là lý do tại sao gọi là sự giải thoát tột cùng. Nó lấy đi mọi sự tranh luận với chính bạn bởi vì chẳng có một tranh luận nào. Nó lấy đi sự tranh luận với người khác, bởi vì chẳng có bất cứ tranh luận nào. Nó lấy đi sự tranh luận với thế giới bởi vì nó chỉ có Cái Đó. Nó chỉ có một thứ đang xảy ra, và cái đó không bao giờ tranh luận với chính nó. Không bao giờ. Mãi mãi. Đó cũng là lý do tại sao nó thật sự tự do, bởi vì bạn tự do khỏi sự chia chẻ phân hai.
Khi có một sự tỉnh thức thật sự với bản chất tự nhiên của chúng ta, tâm trí của chúng ta sẽ không còn nhìn vào sự trống rỗng bởi vì không có một con người riêng biệt nhìn vào nó. Chúng ta nhận biết cái thứ nhìn vào sự trống rỗng là chính nó. Cho nên tôi không phải là người đầu tiên khi nói rằng không có người giác ngộ, chỉ có sự giác ngộ. Sự giác ngộ tỉnh thức. Không phải bạn hay tôi. Bạn hay tôi không có nghĩa gì và không tồn tại. Sự giác ngộ tỉnh thức. Đó là lý do tại sao tất cả mọi người vốn sẵn đã giác ngộ. Nhưng điều đó thường bị hiểu lầm bởi vì nó ám chỉ tất cả mọi người là những con người nhỏ xíu riêng biệt, đặc biệt hay độc đáo nào đó đã giác ngộ. Nó không phải như vậy. Một sự ảo tưởng không thể giác ngộ. Nó chỉ đúng khi sự giác ngộ được giác ngộ.
Một phần khác là sự giác ngộ đánh cắp tất cả những gì thuộc về bạn. Bất cứ xuyên qua người nào nó xảy ra, nó đều đánh cắp hết tất cả, và nó biết điều đó, nhưng nó chẳng quan tâm. Thật sự là một điều hạnh phúc khi được đánh cắp toàn bộ, không còn những quan điểm nào nữa, không còn tin tưởng những ý kiến của tâm trí, mặc dù vẫn có những ý kiến xuất hiện bởi vì vẫn còn thân xác, vẫn còn tâm trí và tính cách, nhưng tất cả không còn ý nghĩa gì nữa. Đó là lúc bạn biết được một điều gì đó rất thật đã xảy ra.
Tôi đã không nói nhiều về những khía cạnh tốt đẹp của sự giác ngộ. Nhưng không có lẽ gì khi bạn nhìn thấy được chân lý mà bạn không cười khúc khích một cách nào đó trong suốt phần còn lại cuộc sống của bạn. Không có lẽ gì bạn không thể yêu thế giới này đến chết, mặc dù bạn biết nó không thật bằng phân nửa như bạn đã nghĩ. Không có lẽ gì bạn không thể yêu con người một trăm lần hơn, mặc dù bạn biết là họ không như những gì bạn đã nghĩ. Nhưng tôi không muốn nói nhiều về những điều tốt đẹp đó, bởi vì tâm trí sẽ bắt đầu nghĩ là nó được ban tặng mật ngọt của đường kẹo. Nhưng thực chất, nó được ban tặng một thanh kiếm./.