TUYỆT ĐỐI KHÔNG TRỐN TRÁNH – SỰ THẬT VỀ GIÁC NGỘ

ADYASHANTI

Trích: Sự Thật Về Giác Ngộ; Việt dịch: Phạm Hải Anh; NXB. Văn hóa văn nghệ, 2018

Tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu chuyện. Cách đây vài năm, trên đảo Maui, tôi đã nói chuyện về cách sự thật biểu hiện trong bối cảnh đời sống sau khi thức tỉnh. Tôi yêu cầu thính giả cùng tôi xem xét những câu hỏi sau đây: Sẽ thế nào khi ta không lần tránh bất kỳ điều gì ta biết là sự thật? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không trốn tránh ở mọi lĩnh vực cuộc sống? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tuyệt đối không tránh né chính mình, bởi vì đó thực sự là cuộc sống đã thức tỉnh?

Hôm sau có một cuộc hội thảo khác, có phần hồi đáp. Một quý ông khoảng năm, sáu mươi tuổi đã giơ tay lên, và kể một điều thật thú vị. Ông nói: “Tôi đã nghe buổi nói chuyện tối qua về sự trung thực, thẳng thắn, về sự sẵn lòng đối mặt với chính bản chất của mình và không trốn tránh trong một vài nhận thức quá khứ”.

“Vợ tôi và tôi đã mấp mé ly hôn một thời gian dài cho đến nay. Lúc về nhà sau khi nghe ông nói chuyện, chúng tôi ngồi xuống và bắt đầu nói với nhau sự thật. Chúng tôi bắt đầu kể cho nhau những gì là sự thật với mình”.

Ông ấy tiếp tục nói rằng nó không giống như khi họ đã từng nói với nhau về sự thật, hồi đó giống như cố gắng thuyết phục nhau về cái đúng. Nó không phải là về chuyện hai người ai đúng ai sai. Chỉ đơn giản là nói ra sự thật. Thú nhận chính xác những gì họ đã trải qua trong một thời gian dài, thú nhận thực tế là họ cảm thấy cách biệt và xa nhau, thú nhận chính những bí mật đang khiến họ cảm thấy cách biệt và lẻ loi. “Chúng tôi thực sự chỉ ngồi đó và nói với nhau sự thật”, ông ấy nói: “Tôi nói sự thật, và sau đó tôi để vợ tôi nói sự thật. Rồi tôi nói sự thật và lại để cô ấy nói sự thật”.

Người đàn ông nói rằng không phải ông và vợ mình định giải quyết cái gì hay cố gắng đi đến kết luận; họ chỉ đơn giản là không trốn tránh nữa. Họ thực sự đã nói chuyện từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng (ông cũng nói vì thế mà lúc này ông còn lờ đờ và mệt mỏi !)

Ông kết thúc rằng đó là đêm đặc biệt nhất trong cả cuộc đời mình: đêm chỉ có nói thật. Không khẳng định hay phủ nhận sự thật, chỉ đơn giản nói một cách chân thành, hoàn toàn không che giấu.

Qua nhiều năm làm việc với mọi người, kể cả người đã có những thức tỉnh cực kỳ sâu sắc, tôi thấy rằng hầu hết mọi người đều có nỗi sợ phải thành thật, thực sự trung thực – không chỉ với người khác, mà còn với bản thân mình. Tất nhiên, cốt lõi của sự sợ hãi này là hầu hết mọi người, theo bản năng, đều biết rằng nếu thực sự chân thành và trung thực, họ sẽ không còn có thể kiểm soát bất kỳ ai.

Chúng ta không thể kiểm soát người mà chúng ta đã thành thật với họ. Chúng ta chỉ có thể kiểm soát người khác nếu chúng ta nói nửa sự thật, nếu chúng ta cạo bỏ cái thật. Khi chúng ta nói ra toàn bộ sự thật, nội tâm chúng ta đột nhiên phơi bày ra ngoài hết. Không còn gì ẩn giấu nữa. Đối với hầu hết mọi người, sự phơi bày đó gây ra nỗi sợ hãi kinh khủng. Đa số sẽ nghĩ: “Trời ơi, nếu ai đó có thể nhìn thấu gan ruột tôi, có thể thấy những gì đang xảy ra những cái tôi sợ hãi, những thứ tôi nghi ngờ, những ý nghĩ thực sự của tôi, hẳn là họ sẽ kinh hãi lắm”.

Đa số mọi người đều đang tự bảo vệ mình. Họ giấu rất nhiều thứ bên trong. Họ không sống một cách thẳng thắn, trung thực và chân thành, bởi vì nếu làm thế, họ sẽ không kiểm soát được. Tất nhiên, họ vẫn không kiểm soát được gì nhưng ngay cả ảo tưởng về kiểm soát cũng không có nốt.

Người đàn ông ấy đã kể với tôi về cái đêm bất thường của mình và nói: “Nói thật là vợ tôi và tôi không biết chúng tôi sẽ ở với nhau hay không”. Đã nhiều năm nay họ vẫn kết hôn, nhưng thời điểm này họ không biết nó sẽ thế nào. Nhưng họ đã thẳng thắn nói ra điều đó. Họ trung thực để biết rằng mình đã bắt đầu bằng cách nói với nhau sự thật, bằng cách thẳng thắn và thực là mình, không cố gắng để kiểm soát kết quả.

Đa số mọi người đi qua thời thơ ấu đều ít nhiều có trải nghiệm tổn thương vì nói ra sự thật. Dọc đường, người ta bảo họ “Không nói thế được đâu” hoặc “Không nên nói điều đó” hoặc “Điều đó không thích hợp”. Kết quả là hầu hết chúng ta đều bị lập trình rất sâu bên trong, rằng cứ là chính mình thì không ổn. Chúng ta bị lập trình để tin rằng có những lúc có thể thành thật và thẳng thắn, nhưng có những lúc thành thật và thẳng thắn là không tốt. Con người ta đa số thực sự bị nhồi sọ – không chỉ trong tâm trí mà còn trong cơ thể và cảm xúc của họ – rằng nếu họ thành thật, đúng là mình thì điều xấu sẽ xảy ra. Ai đó sẽ không thích. Họ sợ họ sẽ không thể kiểm soát môi trường của mình vì nếu nói ra sự thật.

Nhưng nói sự thật là một khía cạnh của thức tỉnh. Có lẽ nó không có vẻ như vậy, bởi vì nó rất thiết thực và rất con người. Nó không có gì siêu việt. Nó không phải là về ý thức thuần túy. Nó là về ý thức thuần túy thể hiện ra như một con người theo cách không bị chia rẽ. Chúng ta phải có khả năng biểu hiện những gì mình nhận thức, chúng ta cũng phải nắm được và bắt đầu để ý đến chính cái sức mạnh bên trong đã ngăn chúng ta không biểu hiện sự thật trong mọi tình huống.

Gần như lần nào tôi nói chuyện kiểu này trước công chúng cũng có người sau đó đến nói với tôi: “Thầy còn nhớ buổi nói chuyện của thầy về sự trung thực, thẳng thắn và tất cả những cái đó chứ?”. Và tôi đáp: “Vâng, tôi nhớ cuộc nói chuyện đó”. Rồi họ sẽ nói: “Chà, có người đã đến bãi đậu xe và quyết định rằng bà ấy cần bảo cho tôi biết tất cả những điều thối tha bà ấy nghĩ về tôi – nhân danh sự trung thực”.

Và tôi chỉ biết lắc đầu. Tôi thậm chí rất ngại nói chuyện về chủ đề này bởi vì nó rất dễ bị hiểu lầm. Sự thật có tiêu chuẩn rất cao. Sự thật không phải là đồ chơi. Nói những gì chân thật trong tâm chúng ta không phải là nói điều chúng ta nghĩ không phải là nói ra ý kiến của chúng ta. Không phải là đổ thùng rác tâm trí chúng ta vào người khác. Tất cả đều là ảo giác, lệch lạc, giả tưởng. Sự thật không phải là xả các ý kiến của ta vào ai đó. Đó không phải là sự thật. Sự thật không nói lên niềm tin của chúng ta về mọi thứ. Đó không phải là sự thật. Đó là những cách chúng ta dùng để trốn tránh sự thật.

Sự thật sâu thẳm hơn thế. Khi chúng ta nói ra sự thật, nó có ý nghĩa của một lời thú nhận. Tôi không có ý là thú nhận điều gì đó xấu hay sai, nhưng tôi muốn nói đến cảm giác chúng ta hoàn toàn không che giấu gì nữa. Sự thật là một điều đơn giản. Nói sự thật là nói từ nhận thức hoàn toàn và tuyệt đối không được bảo vệ.

Nói thật một cách nhất quán, chúng ta không chỉ phải đối mặt với mọi ngóc ngách trong thâm tâm đang run sợ phải nói ra sự thật mà còn phải nhìn vào hình mẫu niềm tin cá nhân của mình, nó nói với chúng ta “Tôi không thể làm điều đó”. Những hình mẫu niềm tin này bản chất không dựa trên thực tại. Biết điều này không thôi chưa đủ, bạn phải thực sự nhìn ra nó, để thực sự nhận thức chính xác điều bạn tin. Hình mẫu niềm tin cụ thể nào lôi kéo bạn trở lại nhị nguyên, khiến bạn rơi vào mâu thuẫn và trốn tránh? Chỉ khi đó, bạn mới có thể nói ra sự thật theo cách như tôi nói.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỰ LỪA DỐI
  2. SỰ THỨC TỈNH KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG TƯỢNG
  3. NÓI SỰ THẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN – HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ
  2. SỰ TRĂN TRỞ CỦA LOÀI NGƯỜI (phần 1/8) – CHÚNG TA TIN VÀO NHỮNG GÌ CHÚNG TA NGHĨ
  3. TỰ DO THỰC SỰ

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG