NHỮNG LỜI KHUYÊN SÁNG SUỐT: ĐỂ BIẾT KHI NÀO CẦN GÁC VẤN ĐỂ LẠI

NANCY K. NAPIER

Trích: Những Khoảnh Khắc Xuất Thần; NXB Kinh Tế Quốc Dân

Làm thế nào bạn có thể biết đã đến lúc phải gác vấn đề lại? Phải thư giãn thôi? Phải thay đổi hoạt động đang làm để giải quyết vấn đề? Một số người đã biết được “khi nào nên gác công việc lại”, và những cách làm của họ cung cấp cho ta một số kinh nghiệm sáng suốt.

Hãy nói về nó.

Khi đang viết cuốn Phía đông vườn địa đàng, tác phẩm tuyệt vời nhất của mình, nhà văn John Steinbeck, người đã giành giải Nobel văn học, đã cất giữ một thứ mà ông gọi là “cuốn nhật ký”. Người biên tập của ông đã tặng ông một tập vở khổ lớn được bọc da. Trên lề trái quyển vở, Steinbeck đã viết một số bức thư cho người biên tập đó và được giữ kín cho tới khi cuốn tiểu thuyết được hoàn thành. Bên lề phải, ông phác thảo ra nội dung cuốn tiểu thuyết. Với Steinbeck, những lá thư viết cho Pascal Covici (tên thân mật là Pat) chủ yếu để “khởi động” một ngày viết lách của ông, nhưng quá trình này lại được thực hiện suốt 11 tháng liền. Những lá thư là những tản mạn nội tâm, là những câu chuyện “thực tế” về việc làm thế nào một người có thể vượt qua những thách thức sáng tạo để viết lên một cuốn tiểu thuyết. Sự suy giảm hay tràn trề sinh lực, khả năng tập trung vào những khó khăn trong việc tạo ra tình huống hay nhân vật. Suy nghĩ của ông dành cho quá trình không liên quan tới công việc sáng tạo, các cách để “đi đường vòng” hay thay đổi hoạt động mà ông biết rất có lợi cho mình, và cả những lần ông tạo ra được một “bứt phá” hay một khoảnh khắc bừng ngộ đều được ghi lại và đôi khi miêu tả rất tỉ mỉ. Quá trình miêu tả ấy bổ ích cho những ai đọc cuốn sách đó và có thể là một bài thực hành rất giá trị cho bản thân chúng ta để nhận ra được khi gho chúng ta cần gác lại vấn đề cũng như những hoạt động nào hiệu quả với chúng ta khi chúng ta cần sử dụng kỹ thuật đi đường vòng kia.

Những người như Steinbeck, Craig Boobar hay Ryan Woodings đều biết rõ khi nào cần thư giãn và vì họ biết những hoạt động – đi bộ hay ngâm mình trong nước nóng – hữu ích với họ – họ có thể sử dụng những kỹ thuật ấy và chờ đợi phần thưởng đến với mình. Họ tin rằng nếu đã có kinh nghiệm rồi, thì những khoảnh khắc xuất thần cuối cùng cũng sẽ xuất hiện, có hệ thống và dễ dự đoán hơn. Trên một phương diện nào đó, chúng ta đang phát triển trí nhớ cơ học về sự bừng ngộ, một yếu tố cần thiết cho “nhu cầu xuất thần”.

Lần tới, nếu bạn phải đối mặt với một vấn đề lớn hay đang vật lộn với việc học một khái niệm mới, hãy viết nó ra, kể cho người khác về nó, và cố gắng “quan sát” bản thân từ vị trí không liên quan gì tới vấn đề đó nữa.

Xác định xem bạn cần phải “đập đầu mình” trong bao lâu.

Giám đốc phát triển phần mềm, Craig Boobar, rất giỏi trong việc biết “khi nào nên gác vấn đề lại” hoặc khi nào nên thư giãn, gạt vấn đề sang một bên. Khi còn trẻ, ông đã làm việc không mệt mỏi để giải quyết các vấn đề cho đến khi mệt là, chứ không bao giờ từ bỏ các vấn đề đó. Ông cũng thường đập đầu mình vào tường” và không thể hiểu tại sao các chi tiết đơn lẻ của vấn đề không tự định hình giúp ông. Giờ đây, khi đã là một người đầy kinh nghiệm ở lứa tuổi tứ tuần, ông đã hiểu ra nhiều điều. Sau nhiều năm tự tìm ra được cho mình một quy trình riêng, ông đã hiểu rằng với một vấn đề hóc búa, ông sẽ đánh vật với nó trong khoảng 3 ngày, sau đó thư giãn, tập trung “vừa đủ” vào vấn đề để gieo “những mầm suy nghĩ cho bộ não” và sau đó thay đổi những việc mình đang làm và chờ đợi những khoảnh khắc xuất thần lóe lên. Ông cho rằng việc “để cho bản thân không bị ràng buộc gì” rất có ích và ông vô cùng “kinh ngạc” rằng ông đã giải quyết được vấn đề khó khăn kia khi đang tắm nóng sau khi gác lại nó và đi ngủ. Ông đã tin tưởng vào bản thân mình và biết rằng hành động thư giãn có thể giúp ông giải quyết được các vấn đề trong tương lai.

Khi bạn đang phải đối mặt với một vấn đề, hãy cố gắng thử giải quyết vấn đề đó trong một khoảng thời gian nào đó trước khi phải thay đổi hoạt động – để biết được liệu bạn cần một ngày hay năm ngày, hai tiếng hay đến mười hai tiếng không nghĩ gì tới vấn đề đó nữa. Một số người tôi đã nói chuyện đều cảm thấy rằng, khi họ hiểu được cách giải quyết vấn đề của riêng họ, để có thể tạo ra được những khoảnh khắc xuất thần, thời gian họ cần để thư giãn ngày càng giảm đi. Họ nhận thấy việc tập trung cao độ hơn và dừng lại sớm hơn và sau đó để kệ cho những hoạt động vô hình xảy ra, giúp họ thu lại được nhiều kết quả hơn về sau.

Tìm ra đường vòng tốt nhất cho bạn.

Để biết được khi nào ta nên bước ra khỏi vấn đề và tìm kiếm những hoạt động giúp kích thích những khoảnh khắc xuất thần, chúng ta cần trở nên nhận thức rõ hơn, tỉnh táo hơn về những khoảnh khắc ấy. Xin nhắc lại, hãy theo dõi bản thân để tìm ra con đường vòng nào phù hợp nhất với bạn – có thể là đi bộ, học chơi một thứ nhạc cụ mới, hay đứng tắm dưới vòi hoa sen.

Khi đã nhận thức tốt hơn việc khi nào cần “gác lại vấn đề” hay cần thư giãn và những hoạt động nào có thể giúp bản thân tạo ra được những khoảnh khắc xuất thần, chúng ta sẽ có nhiều khả năng tạo ra được nhiều khoảnh khắc ấy hơn. Giống như Weller, một số người cần đi dạo hay leo núi chứ không phải là “công việc” chạy bộ. Nước nóng có phù hợp với bạn không? Có lẽ một vài thay đổi khác nhau sẽ có ích cho những loại vấn đề khác nhau.

Hãy giữ bên mình một cuốn vở nhỏ và ghi lại những gì bạn làm trong suốt thời gian đánh vật với một vấn đề và những gì bạn làm khi đang thư giãn. Hãy cố gắng đánh giá xem có hoạt động nào có thể giúp nghĩ ra một giải pháp. Hãy tìm thời điểm tốt nhất trong ngày để suy nghĩ về vấn đề và để thay đổi các hoạt động.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CỨ THỬ XEM – NHỮNG KHOẢNH KHẮC XUẤT THẦN
  2. KẾT NỐI NHỮNG ĐIỂM RỜI RẠC CUỐI CÙNG
  3. ĐẶT CHIẾC BÚT CHÌ VÀO BÀN TAY NGƯỜI KHÁC

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ