VICKI MACKENZIE
“Chánh niệm (Mindfulness) có thể được diễn giải theo hai cách. “Định”(concentration: sự tập trung) là việc chuyên nhất giống như ánh sáng laser, còn “Niệm” (awareness: sự tỉnh thức) thì có tính cách bao quát hơn. Bạn cũng có thể lấy ví dụ như việc nghe nhạc. Nếu một người thực sự nghe nhạc, thì người đó phải chăm chú vào bản nhạc đó. Như nhà thơ T.S. Eliot nói: “Nghe nhạc sâu tới mức mà nó không còn là nghe nữa, mà bạn chính là bản nhạc trong khi bản nhạc vẫn đang tiếp tục.” Đó là sự tập trung.
Nhưng cái để biết một người có chăm chú vào bản nhạc hay không chính là sự tỉnh thức. Bạn có thấy sự khác biệt không? Khi chúng ta đang tỉnh thức, chúng ta không chỉ chú tâm vào việc chúng ta đang làm mà cả những cảm thọ, những cảm xúc đang phát khởi, và cả những gì đang diễn ra quanh chúng ta nữa.
Cũng là bình thường nếu như chúng ta bỏ lỡ nó. Chúng ta nghĩ chắc hẳn cần phải có điều gì to tát, đặc biệt hơn. Mọi người nghĩ phát triển tâm linh là gì? Đó không phải là pháo nổ hoa đăng. Nó rất đơn giản. Nó là bây giờ và ở đây. Con người có ý nghĩ rằng Giác ngộ và hiện thực hóa là một điều gì đó xa xôi – một điều xảy ra rất thú vị và lộng lẫy, một điều sẽ làm chuyển hóa tất cả mọi thứ một lần và vĩnh viễn. Nhưng nó không giống như vậy một chút nào cả. Đó là một điều đôi khi đơn giản đến mức mà bạn khó có thể nhận ra. Nó đang ở đây ngay trước chúng ta, gần gũi đến mức chúng ta không nhận ra nó. Và đó là một điều có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào.
Và ngay trong giây phút mà chúng ta nhìn thấy nó, thì nó đang ở đó. Nó luôn ở đó trong tất cả thời gian, nhưng chúng ta đã đóng chặt cặp mắt nội tâm của mình. Khi mọi giây phút tỉnh thức kết hợp tất cả lại với nhau – chúng ta trở thành một vị Phật.
Trong tiếng Sanskrit từ mindfulness là “smriti”, tiếng pali là “sati” và tiếng Tây Tạng là “drenpa”. Quan trọng là tất cả chúng đều có nghĩa là “to remember” [nhớ (niệm)]. Đó chính là điều mà Thiên Chúa giáo gọi là “ở trong trạng thái hồi tưởng”. Và nó cực kỳ khó. Nếu như chúng ta có thể nhận thức được trong vài phút, thì đó đã là quá nhiều. Nếu chánh niệm (mindfulness) là đồng nghĩa với nhớ (remembering) thì suy ra kẻ thù của chánh niệm là quên hay thất niệm (forgetfulness). Chúng ta có thể nhận thức trong một vài giây phút và sau đó chúng ta lại quên. Làm sao chúng ta nhớ rằng chúng ta cần nhớ? Đó chính là vấn đề. Vấn đề là chúng ta có khuynh hướng trì trệ ghê gớm này. Đơn giản là chúng ta không có thói quen nhớ.
Vào lúc này dường như chúng ta đang nhìn qua ống nhòm và viễn cảnh thì mờ nhạt. Khi chúng ta kinh nghiệm bất kỳ điều gì, chúng ta thực hiện nó qua tấm màng lọc của tư tưởng, sự đánh giá và thành kiến. Ví dụ như khi chúng ta gặp ai đó, chúng ta sẽ không nhìn họ như họ thực sự đang là ai. Chúng ta thấy họ trong mối quan hệ với điều mà chúng ta đang nghĩ về họ – chúng ta thích hay không thích họ như thế nào, họ làm chúng ta nhớ đến ai đó, những kiểu tính cách mà họ có. Chúng ta không kinh nghiệm họ như chính họ. Mọi thứ mà chúng ta tiếp nhận cũng như vậy – tất cả những thứ chúng ta nhìn, ăn, nghe, xúc chạm. Chúng ngay lập tức được diễn tả đến cho chúng ta theo cách thức phù hợp với tư duy và kinh nghiệm của chúng ta.”
Chúng ta có thể nghĩ: “Thế thì đã sao nào?” Điều đó không quan trọng. Nhưng điều xảy ra là chúng ta đang sống trong một không gian nhỏ quanh những kinh nghiệm và do đó chúng ta ngày càng trở nên bị điều kiện hóa và ngày càng cứng nhắc hơn. Chúng ta càng trở nên giống như một cỗ máy. Ai đó “nhấn vào những chiếc nút của chúng ta” và khi họ nhấn chính xác thì kết quả sẽ là các phản ứng có điều kiện.
Điều chúng ta phải làm là đem mọi thứ vào trong sự chú tâm sâu sắc, để nhìn sự vật như chúng thật sự là, giống như ta mới nhìn thấy nó lần đầu tiên – như một chú bé con nhìn vào tranh trên tường ngôi nhà mồ (như người Tây Tạng thường nói). Đứa trẻ nhìn thấy màu sắc và đường nét mà không có đánh giá nào. Tâm nó hoàn toàn tươi mới. Đó là trạng thái của tâm mà chúng ta phải mang vào đời sống hàng ngày của mình. Nếu chúng ta có thể học cách làm điều đó, mà không làm điều gì khác, nó sẽ tự động chuyển hóa hoàn cảnh.