HỌC GIẢ HÀN QUỐC Ở BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

HH. DALAI LAMA XIV

VICTOR CHAN

Trích: Trí Tuệ Của Sự Tha Thứ; Người dịch: Phạm Quốc Anh; NXB. Thế giới, 2022

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 gặp gỡ các nhà khoa học trong cuộc đối thoại về Tâm thức và Đời sống lần thứ 25 được tổ chức năm 2012 tại New York. Nguồn ảnh: mindandlife.org

VỊ HỌC GIẢ HÀN QUỐC nổi tiếng có vẻ ngoài hết sức chỉn chu, mặc trên người chiếc áo dài màu đen gần giống Hán phục, áo có cổ và dài tay, đang ngồi bắt chéo chân trước mặt Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Khi ấy là vào đầu tháng Giêng, năm 2002. Chúng tôi đang ngồi trên những tấm nệm bọc vải Tây Tạng trong căn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại tầng trên cùng của Tu viện Tây Tạng, là nơi Ngài tạm trú trong thời gian ở Bồ Đề Đạo Tràng. Trong lòng tôi có chút bực dọc. Đúng ra tôi còn đủ thời gian để tổ chức ít nhất hai cuộc phỏng vấn nữa tại đây với Đức Đạt Lai Lạt Ma, trước khi tháp tùng Ngài tới Núi Linh Thứu. Nhưng học giả Kim Yong-Oak, cựu sinh viên Harvard và hiện đang là người chủ trì của một chương trình truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng về Khổng Tử, lại sắp xếp được một cuộc gặp mặt với Ngài vào ngày trước đó. Ông đã để lại ấn tượng sâu sắc với Đức Đạt Lai Lạt Ma tới mức được Ngài cho phép tổ chức một cuộc phỏng vấn nữa vào ngày hôm ấy. Tôi đã có một cuộc phỏng vấn với Ngài trước đó hai hôm, và dường như đó sẽ là tất cả những gì mà tôi có thể làm được.

“Đây có thể là một câu hỏi ngớ ngẩn…, vị khách Hàn Quốc mở lời một cách dè dặt khi đặt câu hỏi đầu tiên cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông bỏ chiếc nón đen không vành xuống, kiểu dáng nón gợi nhớ đến những chiếc nón thủy thủ của Mỹ, để lộ cái đầu cạo nhẵn bóng. Tôi đoán ông ta mới ngoài năm mươi. “Trong suốt cuộc đời của Ngài”, vị học giả tiếp tục hỏi, từ ngữ tuôn ra nhanh hơn, “Ngài đã nghiên cứu rất nhiều cũng như tuân theo nhiều giới luật về thể xác. Ngài cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Ngài là một nhà suy tưởng vĩ đại. Ngài có thể cho tôi biết một điều gì đó riêng tư trong cuộc sống, như một trải nghiệm giác ngộ chẳng hạn?”.

Tôi bị bất ngờ bởi câu hỏi này. Nó quá nhạy cảm và ngạo ngược, đặc biệt khi đây mới chỉ là lần gặp mặt thứ hai. Tuy vậy, tôi vẫn muốn biết câu trả lời. Liệu Đức Đạt Lai Lạt Ma có tiết lộ một điều riêng tư thầm kín nào đó với một người xa lạ, luận bàn về những điều mà các bậc thầy tâm linh vĩ đại hiếm khi nhắc tới? Liệu Ngài có kể lại những trải nghiệm cá nhân về sự giác ngộ tâm linh?

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngả người về phía sau trên ghế nệm, vẻ mặt hết sức nghiêm trang.

“Cơ thể tôi giờ đã sáu mươi sáu tuổi. Nhưng xét về khía cạnh tâm linh, tôi còn rất trẻ trung”, Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp. Ngài cười sảng khoái với câu nói vui đùa của mình, cả người rung lên bần bật. “Nhưng dĩ nhiên, khái niệm vô thường cũng như khái niệm về tánh Không có sức mạnh vô cùng to lớn. Vô cùng hữu dụng. Đặc biệt là khái niệm về tánh Không”. Ngài nói, gương mặt trầm ngâm trở lại. Ông Kim lấy ra một cuốn sổ tay và bắt đầu ghi chép.

“Theo lời Ngài Long Thọ, tánh Không nghĩa là tương thuộc hay tương liên”, Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa nói vừa vươn mình về phía vị học giả Hàn Quốc. Ngài Long Thọ là một luận sư Ấn Độ sống vào thế kỷ thứ hai. Những lời thuyết pháp của Ngài đã xây dựng nền tảng cho Phật giáo Tây Tạng.

“Tánh Không không đồng nghĩa với không có gì cả”, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp lời. “Tánh Không là sự đủ đầy. Tôi nghĩ là mình có hiểu biết đôi chút về sự giác ngộ Tánh Không, tri thức về Tánh Không. Tánh Không – cũng như sự tương thuộc – giúp chúng ta có cách nhìn cởi mở hơn. Cách nhìn của chúng ta với thế giới, hay với cuộc sống của một ai đó khác. Tất cả đều trở nên rộng mở. Phát triển cho mình góc nhìn tổng thể này là điều vô cùng hữu ích.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma quay sang nói ngắn gọn bằng tiếng Tây Tạng với Lhakdor, thông dịch viên của Ngài.

“Ngài uống trà hay cà phê?” Lahkdor hỏi vị học giả.

“Thứ gì cũng được. Trà thì sao nhỉ?”

“Có lẽ cà phê tốt hơn chăng”, Đức Đạt Lai Lạt Ma ân cần nói,

“Vâng, vậy thì cà phê…”

“Một người Hàn Quốc, đã được Mỹ hóa bởi Harvard”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói đùa.

“Được rồi, tôi sẽ dùng trà”, vị khách Hàn Quốc đáp. “Vâng, có lẽ tôi đã bị Mỹ hóa quá nhiều. Nhưng mặc dù được hưởng nền giáo dục từ nước ngoài, tôi là một người có phong cách rất truyền thống tại Hàn Quốc.”

“Vậy là tốt. Rất tốt”, Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu tán thành.

“Đây là trang phục tôi tự thiết kế”, ông Kim nói, phủi tay lên bộ áo dài màu đen trơn. “Và thường tôi mặc trang phục rất truyền thống. Không khi nào tôi mặc Âu phục cả”.

Đi cùng với ông Kim tới buổi phỏng vấn là hai nhiếp ảnh gia và một thư ký. Một anh chàng nhiếp ảnh gia trẻ im lặng chụp hình từ một phía. Ông Kim quay mặt sang nói nhanh gì đó với người này, sau đó anh chàng liền đi ra phía sau nhà sư Tây Tạng để có thể chụp cận cảnh sếp của mình.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hào hứng tiếp tục cuộc phỏng vấn. “Giờ chúng ta nói đến tánh Không và lòng từ bi”, Ngài nói với vị học giả mà chẳng mảy may để tâm đến đèn nháy của máy chụp hình. “Tất nhiên, trước hết chúng ta cần hiểu được hai khái niệm này trên bình diện trí năng. Cùng với đó là những mặt tích cực của lòng từ bi và sự tiêu cực của lòng vị kỷ. Chúng tác động đến cảm xúc của chúng ta. Chúng chuyển biến một cách chậm rãi. Đó chính là phương pháp của Phật giáo. Sử dụng lý lẽ, tận dụng trí năng. Bởi vậy, đối với lòng từ bi và sự hiểu biết về tánh Không, tôi có một ít kinh nghiệm. Kinh nghiệm này mang lại lợi ích rất lớn. Nhờ vào đó, giờ tôi có thể hoàn toàn khẳng định rằng, nếu tôi thực hành nhiều hơn, lợi ích tôi nhận được thậm chí còn lớn hơn nữa. Điều đó là chắc chắn. Chỉ cần trau dồi những giá trị này, chúng ta sẽ đạt được sự bình an và hạnh phúc”.

“Thưa Đức Ngài, liệu Ngài có thể giải thích thêm về tánh Không được không?”, học giả người Hàn Quốc hỏi.

Tôi mừng là cũng giống như tôi và Oprah, ông ấy cảm thấy khái niệm này hết sức mông lung.

“Có hai tầng thực tại”, Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. “Tầng thứ nhất: Anh thấy đây là một cái bàn”. Ngài huơ tay nhẹ nhàng trên mặt chiếc bàn đặt giữa hai người. Rồi Ngài chỉ vào chiếc ly đựng nước ấm, là thức uống ưa thích mọi lúc của Ngài: “Đây là nước”.

“Ngài đang nói đến thực tại quy ước”, vị khách Hàn Quốc nói.

“Giờ thì bằng cách nào ta có thể chứng minh được sự tồn tại của thực tại quy ước này?” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, khẽ dịch ly nước tới trước mặt mình. “Thứ nước này tồn tại. Ta nhìn thấy và cảm nhận được rằng đây là nước”. Ngài cúi gần xuống mặt bàn hơn, nhìn thẳng vào chiếc ly, lấy ngón trỏ nhúng vài lần để nhấn mạnh. Ngài bỏ kính ra và gập mình lại, cho tới khi gương mặt chỉ còn cách chiếc ly vài gang tay, “Nhìn kỹ hơn thì đây vẫn là nước”.

Rồi Ngài ngồi thẳng dậy, mang kính lại, và chỉ vào Lhakdor khi ấy đang ngồi trên tấm thảm bên phải Ngài. “Nếu ta hỏi người khác, họ vẫn trả lời đây là nước. Rồi ta chấp nhận rằng: Vật này có thực”.

“Ngài đang nói về chân lý quy ước”, Kim Yong-Oak nói.

“Phải rồi, chân lý quy ước. Nhưng giả sử đột nhiên ta nhìn thấy nước ép trái cây. Thay vì nước lọc, ta thấy chiếc ly này chứa đầy nước ép màu vàng”. Đức Đạt Lai Lạt Ma lại bỏ kính ra. Ngài dụi mắt bằng mu bàn tay rồi gập mình về phía chiếc ly lần nữa. “Rồi ta cẩn thận nhìn lại: Tất cả những gì ta thấy là nước lọc. Chứng tỏ cách nhìn nhận ban đầu là sai – việc nhìn thấy màu vàng là sai. Khi ta nhìn kỹ hơn, không hề có một chút nước ép nào trong ly cả”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đeo kính lại và dò xét gương mặt của vị khách Hàn Quốc xem liệu ông ta đã hiểu được điều này chưa. Ngài từng nói rằng mọi thứ ta nhìn thấy thường ngày đều rất đáng ngờ. Khi không đủ các yếu tố về mặt vật lý, giống như trong điều kiện ánh sáng kém, ta có thể nhìn sự vật một cách sai lệch.

“Một ví dụ khác. Bởi ta mù màu, ta luôn nhìn thấy màu đen”. Ngài chỉ vào chiếc ly và nói với vị học giả, “Sáng nay, ta nhìn thấy chiếc ly này màu đen, và buổi chiều ta cũng nhìn thấy chiếc ly này màu đen. Nhưng ta không thể dám chắc điều này, Ta hỏi một người khác: “Nhìn xem, đây là màu gì vậy? Nếu người đó xác nhận đây là màu đen, vậy thì sự thật quy ước này cũng được xác nhận: Đó chính xác là màu đen”.

Ngài chỉ vào Lhakdor và hai nhiếp ảnh gia đi cùng vị học giả: “Nhưng nếu người thứ hai, thứ ba và thứ tư nói ‘Đây là màu vàng’, vậy thì, mặc dù ta chỉ nhìn thấy màu đen, nhưng có gì đó không ổn với mắt ta. Thực tại không phải là màu đen. Đây chính là cách chúng ta truy tìm sự thật, hay còn gọi là sự thật quy ước – thông qua việc tìm hiểu bằng lý trí”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đang giải thích bằng một phương pháp hết sức gần gũi với mình: một cách nhìn nhận khoa học và nghiêm túc về thế giới. Ngài không có hứng thú gì với những ý tưởng nửa vời, bỡn cợt. Sự thực là, chúng ta đang nhìn vào một con người dành hơn một thập kỷ thời trai trẻ để nghiên cứu chuyên sâu về logic học. Điều mà Ngài đang cố gắng giải thích là: phần lớn chúng ta gán ý nghĩa và tầm quan trọng cho vạn vật như một cách diễn giải và tiếp nhận thế giới xung quanh. Nhưng cảm xúc chi phối cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Để không nhìn sự vật bằng lăng kính bị bóp méo, ta cần phân tích chúng bằng những công cụ khoa học.

“Giờ hãy xét đến chân như, hay thực tại tối hậu”, Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa nói vừa chỉ tay vào ly nước của mình. “Chính xác thì đây là thứ gì?”. Ngài rướn mình thật sát về phía vị học giả người Hàn Quốc và nhìn ông ta chăm chú. “Chúng ta thấy màu sắc, hình thù. Nhưng nếu lấy đi hình thù, màu sắc, vật liệu, thì chiếc ly này còn lại gì? Liệu nó có còn ở đó không? Chiếc ly là sự hợp thành của nhiều phân tử: những hạt nhân, hạt electron, hạt quark. Nhưng mỗi phân tử ấy không phải là “chiếc ly”. Điều tương tự cũng đúng với Đất, Nước, Lửa, Gió, với toàn thế giới và với vạn vật. Đức Phật cũng vậy. Chúng ta không thể tìm thấy Đức Phật. Đó chính là chân như. Nếu như thế tục không làm ta thỏa mãn, nếu như ta đào sâu hơn để tìm kiếm chân như, ta sẽ không thể tìm được nó”.

Như vậy, điều mà Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn nói chính là chiếc ly có tánh Không. Từ “chiếc ly” chỉ đơn thuần là một cái nhãn mà chúng ta dán lên sự vật để mô tả thực tại hằng ngày. Nhưng mỗi chiếc ly tồn tại được là bởi một mạng lưới phức tạp gồm các nguyên nhân và điều kiện. Nó không tồn tại một cách độc lập. Nó không thể tự sinh ra, tự tạo thành.

Ví dụ thế này: giả sử tôi muốn tạo ra một chiếc ly màu đen. Để làm được điều này, tôi trộn đất sét đen với nước, tạo hình thù mình mong muốn, và nung hỗn hợp này trong lò. Đất sét hòa với nước trở thành chiếc ly là do tôi. Nhưng chiếc ly tồn tại được là nhờ vô vàn những phản ứng giữa các hạt nhân và nguyên tử. Vậy còn tôi, người tạo ra chiếc ly màu đen này thì sao? Nếu cha mẹ tôi chưa từng gặp nhau, thì chiếc ly màu đen này có thể sẽ không bao giờ xuất hiện trên cõi đời này.

Bởi vậy chiếc ly hoàn toàn không tồn tại độc lập. Nó thành hình là do một chuỗi những mối quan hệ phức tạp. Theo cách nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma, và cũng là quan điểm cốt lõi trong thế giới quan của Ngài, chiếc ly này “có nguồn gốc từ sự tương thuộc”. Nó trở thành chiếc ly là nhờ rất nhiều các nhân tố khác nhau, không phải tự nó mà ra. Đó chính là tánh Không. “tánh Không” là một cách biểu đạt ngắn gọn cho “sự tồn tại mà không có tự tánh”. Hay nói cách khác, tánh Không và tương thuộc là hai từ đồng nghĩa.

Đức Đạt Lai Lạt Ma không rời mắt khỏi gương mặt của vị học giả Hàn Quốc. Tôi bị chấn động bởi ánh nhìn của Ngài. Những bước đi vụng về của người thợ nhiếp ảnh cùng những tiếng kêu lách tách từ máy chụp hình không hề khiến Ngài xao nhãng.

Tại sao chúng ta phải quan tâm tới tánh Không? Khái niệm này có liên quan gì tới cuộc sống thực tại của chúng ta? Đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, góc nhìn luôn là yếu tố mang tính quyết định. Phần lớn những bất hạnh, khổ đau của chúng ta được sinh ra từ sự khác nhau trong cách nhìn nhận của chúng ta và bản chất thế giới như nó đang là. Ví dụ, tôi coi mình là một bản thể độc lập: tôi khác biệt với con gái tôi, vợ tôi, kẻ thù của tôi. Dù tôi yêu hay ghét họ, tôi vẫn tin rằng mình tồn tại độc lập với họ. Do tôi sống suốt đời với suy nghĩ đó, không nghi ngờ gì việc tâm trí tôi cho rằng có sự phân biệt rõ ràng giữa bản thân tôi và những người khác. Và những ý nghĩ vị kỷ nảy sinh từ đó.

Tuy vậy, nếu như tôi chấp nhận quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi sẽ nhận thấy rằng sự tồn tại của mình phụ thuộc vào vô số sợi dây liên kết tinh tế giữa vô số sự kiện, con người, nguyên nhân và điều kiện. Chỉ cần một trong những yếu tố đó thay đổi, tôi sẽ tồn tại theo một cách khác. Nếu Lhasa là quê hương của cha mẹ tôi, hẳn tôi đã là một người con Tây Tạng chứ không phải Trung Quốc. Nếu như tôi không bị bắt cóc tại Afghanistan vào năm 1972, hẳn tôi đã không được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Từ góc nhìn này, “bản thân” và “những người khác” chỉ có ý nghĩa trong các mối tương quan. Đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, bản chất cốt tủy của thực tại chính là sự liên kết nền tảng giữa người với người, và giữa người với mọi vật. Đây là cách mà Ngài nhìn nhận thế giới xung quanh mình. Trong suốt hơn nửa thế kỷ, Ngài tin tưởng tuyệt đối rằng mối quan tâm của “bản thân” và của “mọi người” được liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng giao nhau theo một cách hết sức hữu hình. Đó là lý do vì sao Ngài dành trọn cả cuộc đời để đấu tranh vì sự bình an của nhân loại. Ngài gọi đó là sự tư lợi vị tha, Ngài thành tâm tin rằng nếu mình giúp ích được cho người khác, thì chính Ngài là người được hưởng lợi trước tiên – bằng chứng là Ngài sẽ trở nên hạnh phúc hơn. Trong tâm Ngài không còn gì thôi thúc hơn thế.

Cuộc phỏng vấn đi đến hồi kết. Trong suốt một giờ đồng hồ, Đức Đạt Lai Lạt Ma kiên nhẫn giải thích cho Kim Yong-Oak cách Ngài chuyển hóa bản thân từng bước từng bước một, qua nhiều năm tháng nhờ việc tu tập một cách logic dựa trên óc xét đoán. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của lý trí và đặc biệt nhấn mạnh rằng bất cứ ai cũng có thể đạt được niềm hạnh phúc chân thật bằng cách tập trung vào hai nền tảng của Phật giáo: lòng Từ bi và tánh Không. Nhưng cuối cùng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chọn cách im lặng về trải nghiệm giác ngộ của cá nhân mình với vị học giả Hàn Quốc.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả HH. DALAI LAMA XIV

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết khác của tác giả VICTOR CHAN

  1. NHÌN ĐỜI SỐNG BẰNG MỘT CÁCH KHÁC
  2. CHÚNG TA SỐNG Ở ĐỜI LÀ ĐỂ HẠNH PHÚC
  3. TÂM NỔI SÓNG, TÂM BÌNH LẶNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ