CỨ ĐỂ CON BUỒN

SUSAN STIFFELMAN

Trích: Hiện Diện Bên Con - Ý Nghĩa Tối Hậu Của Việc Làm Cha Mẹ; Trần Đức dịch; NXB Dân Trí, Sách Thiện Tri Thức.

Có một yếu tố khác mà tôi muốn khám phá ở Angie và Eric: Tôi muốn biết họ cảm thấy thế nào khi để con buồn hoặc thất vọng. Đây là điều mà tôi luôn xem xét với những cha mẹ có con hay tức giận và gây hấn. Tôi thường thấy các bậc cha mẹ này gặp khó khăn lớn trong việc chứng kiến và chịu đựng nỗi buồn đau của con. Mặc dù tình mẫu/phụ tử là một tình cảm ngọt ngào, nhưng nó đánh dấu một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt: Nhận ra rằng con cái là những cá thể độc lập trên hành trình cuộc đời của chúng.

Tôi vẫn nhớ cuộc trò chuyện với Sally, một trong những người bạn thân nhất của mình. Cuộc nói chuyện diễn ra khi tôi nhận thấy cuộc hôn nhân của tôi không còn khả năng tiếp tục. Tôi rất đau lòng vì không thể bảo vệ con trai mình trước những gì sắp xảy ra. Là một nhà tâm lý trị liệu từng chứng kiến rất nhiều trẻ em phải vật lộn sau cuộc ly hôn của cha mẹ, vậy mà tôi lại đẩy con trai mình bước vào chặng đường đó? Tôi nói với Sally, “Ari sẽ trải qua nhiều khó khăn nếu bố mẹ chia tay, con sẽ không có được sự hỗ trợ cần thiết ở chặng đường phía trước”. Tôi không bao giờ quên câu trả lời của Sally khi đó, cô ấy nhìn vào mắt tôi và nói, “Làm sao bạn có thể biết được những gì con trai bạn cần phải trải qua.”

Tôi đã hiểu. Tôi hiểu rằng mặc dù không gì có thể ngăn cản tôi cố gắng hết sức để cung cấp cho con trai một cuộc sống tốt đẹp, nhưng luôn có những trải nghiệm những khó khăn từ cuộc sống xảy đến với con mà tôi không thể che chắn. Điều tốt nhất tôi có thể làm vào những lúc đó là hiện diện với tình yêu thương bên con trai khi con trải nghiệm nỗi đau và sự thất vọng. Giờ đây khi con trai tôi đã hai mươi bốn tuổi, tôi có thể thấy cách mà con đã trở nên mạnh mẽ và nhân ái hơn vì đã vượt qua những mất mát, điều mà tôi vốn không muốn con phải chịu đựng.

Nói vậy không có nghĩa là tôi đề nghị hãy đặt trẻ em vào những hoàn cảnh khó khăn để trui rèn nhân cách; không gì sai sự thật hơn thế. Khi chúng ta không thể che chắn cho con mình khỏi những trải nghiệm đau đớn, thì tốt nhất là hãy có mặt đầy đủ với chúng, giúp chúng vượt qua quá trình này bằng cách để chúng cảm nhận được nỗi buồn và sự thất vọng.

Có một cảnh sâu sắc trong chương trình Parenthood minh họa điều này một cách tuyệt vời. Max, cậu con trai mười lăm tuổi của Christina và Adam, rất chật vật để có thể theo học tại trường trung học vì cậu mắc chứng tự kỷ và vì thế bị tẩy chay. May mắn thay, cậu bé đã phát hiện ra mình có năng khiếu chụp ảnh tuyệt vời, và cậu đã được giao công việc chụp ảnh kỷ yếu. Đáng tiếc là, cậu bắt đầu hoạt động thú vị này ở trường bằng bức hình chụp một bé gái khi cô bé đang khóc nức nở trước mặt bạn bè. Cô bé đã bảo Max đừng chụp nữa, nhưng cậu ấy khăng khăng rằng mình phải chụp ảnh cho kỷ yếu, và bức hình đã được thực hiện. Nhà trường gọi cha mẹ cậu đến để họp và thông báo rằng Max không thể tiếp tục được giao việc chụp ảnh kỷ yếu nữa. Giáo viên đã chuyển Max sang nhóm làm thiết kế bố cục. Bố mẹ Max đã cầu xin giáo viên và hiệu trưởng xem xét lại, họ tìm mọi cách tháo gỡ để cố gắng đảm bảo rằng con trai sẽ có trải nghiệm đẹp với hoạt động chụp ảnh yêu thích của cậu. Nhưng những lời than phiền của bé gái kia khiến Max không thể tiếp tục công việc này.

Christina lãnh trách nhiệm nặng nề là thông báo cho Max rằng con không còn được tiếp tục công việc chụp ảnh kỷ yếu của trường nữa. Cô bước vào phòng con trai, ngồi xuống và với sự đau khổ tột cùng, cô thông báo với Max rằng, con đã được chuyển từ công việc chụp ảnh sang làm bố cục. “Gì? Con không muốn làm thiết kế bố cục! Con muốn là người chụp ảnh! Con là người có khả năng làm việc này tốt nhất trường mà!” Christina nói, “Mẹ biết, Max, nhưng giáo viên đã quyết định và sẽ không thay đổi quyết định.” Max rất tức giận. Điều đó là không công bằng với cậu; trong suy nghĩ của mình, cậu chẳng làm gì sai, và theo logic, cậu nên là người chụp ảnh kỷ yếu. Cậu hỏi, “Mẹ sẽ làm gì tiếp theo đây?” Với trái tim đau nhói, Christina nhìn con trai và nói đơn giản: “Mẹ chỉ ngồi đây với con và buồn thôi.”

Tôi đã vô cùng xúc động trước cảnh này. Bởi vì Christina đã vượt qua nỗi đau khổ của việc không thể ngăn con trai mình đánh mất một thứ vô cùng quan trọng với cậu, và cô đã có thể ở bên con trai khi cậu buộc phải buông bỏ thứ mà cậu rất muốn có. Cô ấy không giải thích, thanh minh hay thậm chí cũng không cố gắng làm gì đó để con cảm thấy dễ chịu hơn. Thay vào đó, cô ấy chỉ đơn giản có mặt với con, tin tưởng rằng những con sóng thất vọng sẽ tràn qua con trai và sau đó sẽ lắng xuống, rồi con sẽ tìm được cách vượt qua mất mát và chấp nhận thực tế này.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐỂ TRẺ HỌC CÁCH ĐỐI DIỆN VỚI THẤT VỌNG
  2. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  3. HIỆN DIỆN BÊN CON TRONG CUỘC SỐNG THƯỜNG NHẬT

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ