HT. THÍCH NHẤT HẠNH
Nguồn: thuvienhoasen.org
Ông già Noel đích thực không cần phải có râu dài màu trắng, không cần phải mặc áo đỏ, không cần phải đi hia đỏ. Nếu chúng ta kẹt vào tướng của ông già Noel, thì chúng ta không thấy được ông già Noel.
Vậy thì có ông già Noel, hay không có ông già Noel?
Đó không phải là vấn đề. Chúng ta phải nhìn ông già Noel bằng con mắt vô tướng. Nếu trong quá khứ ta đã từng có một quan niệm về ông già Noel, thì quan niệm đó có thể là quan niệm ngây thơ của một em bé. Một mai ta bừng tỉnh, ta mỉm cười, biết rằng mình đã vượt thoát ý niệm ngây thơ về ông già Noel. Vượt thoát rồi, nhưng ta vẫn duy trì hình ảnh ông già Noel cho thế hệ tương lai.
Bụt cũng vậy, Chúa cũng vậy, đều là những ông già Noel cả. Nhưng nếu ta cho rằng những hình ảnh đó là những sản phẩm hoàn toàn của tưởng tượng thì cũng không đúng. Tại vì ông già Noel cần thiết cho cuộc đời. Bụt, Chúa, các vị Bồ-tát cần thiết cho cuộc đời.
Tuy vậy, nếu ta muốn lớn lên, không phải về mặt tuổi tác mà về đời sống tâm linh, ta muốn tiếp xúc được với sự thật thì ta phải có khả năng buông bỏ những ý niệm, những hình ảnh trẻ thơ của ta. Ta từng có quan niệm về Bụt, về Chúa, và ta đã sống với quan niệm đó từ thời ấu thơ. Khi được học hỏi, thực tập, từ từ ta có khả năng buông bỏ những quan niệm trẻ thơ ấy về Bụt và về Chúa.
Nếu chúng ta không buông bỏ cái tướng ông già Noel, thì làm sao ta thấy được ước mơ của bọn trẻ con và lòng thương yêu của những bậc cha mẹ? Ông già Noel có mặt trong những em bé, và có mặt trong những người cha, những người mẹ.
Ông già Noel là một phẩm vật sáng tạo của tâm thức. Là sáng tạo phẩm thì nó phải có thật chứ sao không có thật được?
Sáng tạo phẩm đó được nhận thức qua một hình thái trong văn hóa do con người vẽ ra. Người ta vẽ ra hình Bụt, người ta vẽ ra hình Chúa, người ta vẽ ra hình Bồ-tát, người ta vẽ ra hình ông già Noel.
Ta phải phá tan những hình ảnh mà con người đã vẽ ra để có thể tiếp xúc với sự thật. Không phải Bụt không có, Chúa không có, tình yêu không có, bác ái không có. Đó là những thực tại, nhưng không phải là những đối tượng mong cầu đang có mặt ở ngoài ta. Nó không phải là cái gì khác (the other, l’autre), nó không phải là một thực thể độc lập có ngoài tâm thức ta, ngoài con người ta, ngoài sự sống của ta.
Khi thấy được như vậy, thì ta không còn tìm cầu, không còn theo đuổi nữa. Ta không đánh mất bản thân của ta, không lâm vào cái mặc cảm ta là con số không. Lưỡi gươm trí tuệ là lưỡi gươm có thể chặt đứt được tất cả những khái niệm đó, những ảo ảnh đó, những tướng trạng đó, những hình thức đó.