HÃY QUÊN ĐI MỌI ĐAU KHỔ

DADI JANKI

Trích: "Từ Nội Tâm Hướng Ra Bên Ngoài"; Việt Dịch: Minh Chi; NXB Văn Hóa Sài Gòn.


Nếu nói cho mình, thì tôi không biết kể chuyện vui như thế nào. Nhưng nếu gặp một người nào đang khóc, đang đau khổ, tôi sẽ không bỏ rơi họ cho đến khi thấy anh ta hay cô ta mỉm cười. Tôi không cần làm gì hết, chỉ cần đem lại sự bình an và lòng thương yêu con người đó. Từ sâu thẳm trong lòng, tôi có thể cảm nhận được những gì họ đã trải qua và những gì họ đã đón nhận; sự đau khổ hiện hữu trong họ chỉ vì họ có thói quen tập trung vào những chuyện nhỏ nhoi, khiến họ luôn sống với bộ mặt sầu não. Trạng thái đó của họ cũng khiến cho những người xung quanh lo âu và sợ hãi, không biết điều gì đã xảy ra trong tâm trí họ.

Người ta đau khổ vì người ta thường bám vào các tình huống, mà không biết rằng những tình huống đó xảy ra ở bên ngoài, không nằm trong tầm kiểm soát của mình. Việc quan tâm đến nó càng khiến họ thêm bức bách. Chỉ cần để cho tình huống ấy qua đi, họ sẽ lại trở nên vui tươi và bình tĩnh, bắt đầu mỉm cười với cuộc sống đang có. Đến một lúc nào đó, khi những lo lắng không đáng có đã qua. Nghệ thuật sống hướng từ nội tâm ra bên ngoài giúp chúng ta bỏ qua những chuyện xung quanh, tạo ra sức mạnh nội tâm và giải thoát chúng ta khỏi những vướng mắc của cuộc sống.

Với bạn cũng vậy, khi bỏ qua những chuyên xảy ra ở bên ngoài, các bạn sẽ cảm thấy tự do, ổn định và tràn đầy hạnh phúc. Trong niềm hạnh phúc có cả sức mạnh của sự bình an và tình yêu thương. Nơi nào có sự bình an và tình yêu thương, nơi đó bạn cảm nhận như một đế vương, bạn có lòng tự trọng, và cảm thấy mình rất mạnh mẽ, không như đứa trẻ con dễ dàng bị chao đảo và sợ hãi.

Cũng cần chú ý tới chất lượng của những suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí mình, vì đó là tâm trí của bạn. Có được những suy nghĩ trong sáng, cao thượng và kiên quyết, bạn sẽ trải nghiệm được sự bình an tâm trí, mà không cần có nghi lễ, thế ngồi và tụng niệm.

Hãy tự hỏi trái tim mình: “Tôi có được những cảm xúc trong sáng, tích cực đối với mọi người và đối với bản thân hay không? Tôi có chú ý tới điều này và xem đó là ưu tiên trong cuộc sống của mình hay không?”. Những cảm xúc trong sáng, tốt đẹp ấy tạo ra năng lượng, tuôn chảy một cách tự nhiên ra bên ngoài, bảo vệ bạn khỏi mọi ảnh hưởng tiêu cực.

Nếu chú ý một chút, bạn sẽ không phạm lỗi lầm, không cảm thấy buồn khổ và cũng không khiến người khác phải nghĩ ngợi về tâm trạng đau khổ của mình. Nếu không, người khác sẽ chú ý tới bạn, chú ý tới con người khốn khổ đang gặp khó khăn, và bạn cảm thấy mình thấp kém. Điều này tạo nên áp lực cho bạn và làm ảnh hưởng đến người khác.

Trong cuộc sống của mình, chúng ta thường nghĩ: không nên có cảm giác buồn khổ hay lo âu về bất cứ ai hay về bất cứ chuyện gì. Chúng ta cũng không để một người nào khác có cảm giác đó với mình. Chúng ta không sợ hãi một người nào khác, và cũng không làm ai sợ hãi. Chúng ta hợp tác với mọi người trong tình yêu thương và giúp đỡ họ khi cần thiết.

Ngay khi một người nào đó không yêu thương bạn, bạn cũng đừng có thái độ đáp trả một cách tiêu cực bằng cách không yêu thương họ. Người khác có thể không tôn trọng tôi nhưng sao tôi lại phải từ bỏ đức hạnh của mình là tôn trọng người khác? Sẽ là điều không tốt nếu tôi có ý nghĩ không tôn trọng một người đã không tôn trọng tôi, hay là đã gây trở ngại cho tôi. Chúng ta đang ở trong một cuộc hành trình hoàn thiện bản thân, bổn phận của chúng ta là tiến bước đi trên con đường của mình, và không làm trở ngại những người khác.

Ví dụ, khi máy bay gặp phải một đám mây, viên phi công không thể hỏi tại sao, anh ta chỉ biết tìm cách vượt qua đám mây. Tổ lái thông báo hành khách phải siết chặt dây an toàn vì máy bay bị chao đảo. Nhưng bạn không được tạo ra chao đảo trong tâm trí mình, bạn phải đặt niềm tin ở tổ lái và người lái, bạn phải tỏ ra bình tĩnh và hợp tác. Phi hành đoàn sẽ cảm ơn bạn, vì bạn không tạo ra một bầu không khí sợ hãi, có thể lây lan đến các hành khách khác. Với sự bình an và lòng tin, hãy tạo ra một bầu không khí yêu thương, quên đi những gì xảy ra. Đó là sự thông thái của những nhà kể chuyện cổ tích khi họ viết: “Thế rồi, mọi việc trôi qua…”.

Điều gì tạo ra sự ổn định đó? Chắc là bạn đã từng thấy một cái tháp. Để có thể có một chiều cao như vậy, để trụ vững giữa trời đất như vậy, cái tháp phải có nền móng chôn sâu dưới đất. Con người chúng ta cũng vậy, để có được trạng thái luôn bình an, ổn định và yêu thương, chúng ta cần sống hướng nội, đi sâu vào nội tâm, cho dù cả thế giới này rung chuyển, bạn vẫn đứng vững. Khi các động cơ của bạn đều trong sáng và tích cực, dựa trên lòng thương yêu và chân lý, bạn sẽ có được sức mạnh của sự bình an.

Chân lý có phạm vi rộng hơn nhưng thông tin mà bạn có thể tư duy, nói, đọc hay viết về nó. Đạt đến trạng thái chân lý nghĩa là bạn có sức mạnh tĩnh lặng và bình an, thậm chí cũng không phải suy nghĩ nhiều, không lắng nghe nhiều, mà chỉ giữ lấy bản thân trong trí tuệ và trong nhận thức. Hãy “hòa tan” tất cả mọi chuyện xảy ra ở bên trong hay bên ngoài, như đại dương tiếp nhận các con sông, mà vẫn bình lặng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. PHÁ VỠ THÁI ĐỘ TỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỐI KHỔ ĐAU
  2. HẠNH PHÚC VÀ ĐAU KHỔ – QUAN ĐIỂM CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA Y HỌC BẰNG CHỨNG
  3. TẠI SAO CHÚNG TA ĐAU KHỔ

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NIỀM HẠNH PHÚC
  2. PHỤC HỒI SỰ THANH KHIẾT NHƯ THẾ NÀO?
  3. BÍ MẬT TỪ NỘI TÂM – CỘI NGUỒN NĂNG LƯỢNG SỐNG

Bài viết mới

  1. SỰ TƯƠNG ĐỒNG CỦA THIỀN TRẦN NHÂN TÔNG VÀ ĐẠI TOÀN THIỆN
  2. NGƯỜI CHO ĐI NHIỀU NHẤT SẼ THẮNG
  3. NGUỒN LINH SÁNG TRONG VEO