NAPOLEON HILL
Trích: “Tư Duy Tích Cực Tạo Thành Công”; Biên dịch: Thu Hà – Vương Long; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2017
Ý tưởng mà chúng tôi sắp chia sẻ sẽ giúp bạn tìm thấy sự giàu có vượt xa mong đợi của bạn và mang lại cho bạn một niềm hạnh phúc vô bờ. Nhân cách của bạn sẽ được tôn lên. Bạn sẽ được yêu thương và quý mến hơn bao giờ hết.
Nguyên tắc này đã được tác giả Lloyd C. Douglas mô tả trong rất nhiều câu chuyện của ông. Sau khi nghỉ hưu khỏi mục sư đoàn, Douglas chuyển sang viết tiểu thuyết. Sách của ông có thể đến với hàng ngàn người, còn những bộ phim của ông có thể tiếp cận hàng triệu người. Bất kể ở thể loại nào, ông đều mong muốn truyền tải một thông điệp duy nhất, dù thông điệp ấy chưa bao giờ được mô tả rõ ràng và chi tiết như trong tiểu thuyết Nỗi Ám Ảnh Tích Cực (The Magnificent Obsession). Nguyên tắc được đề cập ở đây hiển nhiên đến mức những người cần đến nó nhất lại thường bỏ qua. Nguyên tắc ấy đơn giản như thế này: Hãy giúp đỡ người khác.
Hãy chia sẻ mà không trông chờ sự hồi đáp, trả ơn hay những lời khen tặng. Hãy giữ bí mật những việc tốt mà bạn làm cho người khác.
Nếu được như thế, bạn sẽ khơi dậy những nguồn sức mạnh tiềm ẩn. Nếu không hy vọng vào sự hồi đáp khi bạn giúp đỡ một ai đó, bạn sẽ nhận được những phúc lành và sự tưởng thưởng xứng đáng.
Dù bạn là ai, bạn vẫn có thể giúp đỡ người khác. Ai cũng có thể giúp đỡ người khác. Bạn không cần phải giàu có hay đầy quyền lực mới nghĩ đến việc giúp đỡ những người xung quanh. Bất kể là ai, với quá khứ ra sao, bạn vẫn có thể giúp đỡ mọi người.
Hãy lấy ví dụ về một kẻ tội lỗi.
Bạn sẽ không bao giờ biết tên ông ấy. Đó là một bí mật. Khi được yêu cầu quyên góp cho tổ chức Boys Club of America – một tổ chức hoạt động nhằm mục đích xây dựng nhân cách cho trẻ em – ông ấy đã từ chối. Quả là ông đã cư xử rất thô lỗ với những người đến gặp ông ngày hôm đó.
“Cút đi!” – Ông ấy nói. – “Tôi đã chán ngấy và mệt mỏi với những kẻ đi xin tiền rồi!”.
Người đại diện bước ra, nhưng anh ta bỗng quay đầu và nói một cách chân thành với người đàn ông đang ngồi sau bàn làm việc. “Ông không muốn chia sẻ với người nghèo, nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ với ông một phần của những gì mà tôi đang có. Đó là một lời cầu nguyện. Cầu Chúa ban phúc cho ông”. Nói xong, anh ta quay đi thật nhanh và bước ra khỏi nơi đó.
Chỉ vài ngày sau, một sự kiện thú vị đã xảy ra.
Người đàn ông từng quát lên “Cút đi!” đến gõ cửa văn phòng người đại diện của tổ chức Boys Clubs. Ông ta mang theo một tấm chi phiếu trị giá nửa triệu đô-la để quyên góp. Khi đặt tấm chi phiếu lên bàn, ông nói: “Tôi muốn trao tặng khoản tiền này với một điều kiện là anh không bao giờ để người khác biết tôi đã làm điều đó”.
“Tại sao?” – Người đại diện hỏi ông.
“Tôi không muốn các cô cậu bé biết tên tôi và nghĩ tôi là một người tốt. Tôi không phải người tốt. Tôi từng là một kẻ tội lỗi.”
Và đó là lý do tại sao bạn không bao giờ được biết tên ông ấy.
Cũng giống như người đại diện của tổ chức Boys Club bạn có thể không có nhiều tiền, nhưng bạn vẫn có thể chia sẻ bằng cách cho đi một phần những gì mình đang có.
Tài sản quý giá nhất và sức mạnh to lớn nhất của bạn có thể là thứ không nhìn thấy được. Khi đó, không ai có thể lấy chúng đi. Chỉ mình bạn có thể chia sẻ chúng mà thôi.
Càng chia sẻ bao nhiêu, bạn càng nhận được nhiều bấy nhiêu. Hãy luôn nhớ rằng: Cho là nhận.
Nếu còn nghi ngờ về điều chúng tôi vừa nói, bạn có thể kiểm chứng bằng cách cho đi một nụ cười, một lời nói chân thành một thái độ vui vẻ, sự trân trọng từ tận đáy lòng, lời khen tặng, lời động viên, niềm hy vọng, lòng tin, cái vỗ tay khen ngợi, những suy nghĩ tốt đẹp, biểu hiện yêu quý dành cho bạn bè, và nhiều niềm hạnh phúc khác nữa.
Bạn hãy thử cho đi một trong những thứ đó, bạn sẽ thấy những gì đã cho đi sẽ được nhân lên gấp nhiều lần. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không cùng nhau chia sẻ những điều tốt đẹp?
Tham gia hoạt động từ thiện. Chúng tôi có biết một người mẹ bị mất đi đứa con gái duy nhất, một thiếu nữ xinh đẹp, vui vẻ, luôn mang đến nụ cười và sự lạc quan cho tất cả những ai quen biết cô. Để vơi đi nỗi buồn, người mẹ đã tham gia các hoạt động từ thiện. Giờ đây, bà là một trong hàng ngàn phụ nữ đang giúp cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Bà từng nói với chúng tôi:
“Nỗi đau đớn cùng cực khi mất đi đứa con gái duy nhất không bao giờ nguôi ngoại trong tâm trí tôi. Con bé là toàn bộ tương lai, là tất cả hy vọng của chúng tôi. Đứa con duy nhất của chúng tôi qua đời khi mới được 14 tuổi rưỡi. Chúng tôi không thể nào diễn tả hết nỗi mất mát quá lớn đó. Mọi việc trước mắt bỗng dưng tối sầm, bởi lẽ ánh sáng của cuộc đời chúng tôi đã tắt ngấm. Cuộc sống toàn vẹn mà chúng tôi đang có phút chốc trở nên trống rỗng. Những cảm giác vốn ngọt ngào nay hóa thành cay đắng.
Tôi và chồng tôi đã phản ứng tiêu cực như bao người khác. Cuộc sống của chúng tôi bị bao vây bởi một câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp: TẠI SAO? Chồng tôi bỏ việc, chúng tôi bán nhà và đi du lịch triền miên để mong khuây khỏa phần nào trong lòng. Chỉ khi đối mặt với thực tế chua chát rằng không ai có thể chạy trốn nỗi đau và ký ức, chúng tôi mới quyết định trở về nhà. Rồi chúng tôi lần hồi nhận ra rằng không phải chỉ một mình chúng tôi có nỗi đau. Chúng tôi không tìm thấy niềm an ủi do động cơ của chúng tôi quá cá nhân. Phải mất nhiều tháng sau, đầu óc tôi mới bắt đầu chấp nhận một thực tế là tất cả mọi thứ: niềm vui của trẻ em, sức khỏe, hạnh phúc… đều là những món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta. Mỗi người phải biết trân trọng ý nghĩa đích thực và giá trị không thể thay thế của chúng.
Dù mất đi đứa con gái thân yêu, nhưng cuộc đời đã bù đắp cho tôi bằng tình thương yêu, sự cảm thông với con người, biết chia sẻ trước khó khăn của người khác. Càng làm quen với nỗi mất mát bao nhiêu, chúng tôi lại càng muốn giúp đỡ người khác bấy nhiêu.
Tôi đã tìm thấy niềm vui trong hoạt động cộng đồng, từ thiện. Và tôi đã gia nhập tổ chức City of Hope.
Thời gian trôi qua, tôi dần dần cảm thấy thanh thản. Tôi tha thiết mong rằng tất cả những ai từng chịu nỗi đau mất người thân sẽ tìm thấy niềm an ủi và sự khuây khỏa trong việc giúp đỡ người khác”.
Hiện nay, City of Hope, một trung tâm nghiên cứu và y tế quốc gia, đã nhận chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân. Và người mẹ này đã tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn khi tham gia các hoạt động từ thiện ở đây.
Áp dụng những gì đã học từ trong sách vở vào thực tế cuộc sống. Orison Swett Marden mồ côi từ năm lên bảy. Ngay từ nhỏ, ông đã đọc cuốn Tự Giúp Mình (Self-Help) của Samuel Smiles. Giống như Marden, tác giả cũng mồ côi từ khi còn bé và đã tìm thấy những bí mật dẫn đến thành công. Cuốn sách này đã khơi dậy một khát khao cháy bỏng trong Marden: khát khao biến đổi và làm cho thế giới quanh mình trở nên tốt đẹp hơn.
Trong thời kỳ phát đạt nhất ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 1893, Marden sở hữu và điều hành bốn khách sạn. Sau khi bàn giao công việc quản lý khách sạn cho người khác, ông dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để viết sách. Kết quả là ông đã hoàn thành tâm nguyện viết một cuốn sách tạo động lực cho giới trẻ, tương tự như cuốn Tự giúp mình đã từng tạo động lực cho ông. Khi Marden đang miệt mài bên tập bản thảo, một trò đùa quái ác của số phận bỗng ập xuống như để thử thách lòng can đảm của ông.
Marden đặt tựa quyển sách là Vượt Lên Phía Trước (Pushing to the Front). Ông còn chọn cho mình phương châm có mới: “Hãy tận dụng từng cơ hội dù là nhỏ nhất, bởi lẽ bạn không thể biết trước khi nào số phận sẽ làm thay đổi các đời bạn!”.
Ngay tại thời điểm đó, một biến cố lớn xảy ra.
Đó là cuộc khủng hoảng kinh hoàng năm 1893. Hai trong số bốn khách sạn của Marden bị thiêu rụi. Tập bản thảo sắp hoàn tất của ông cũng bị đốt thành tro. Cuộc sống giàu sang, sung túc của ông bỗng chốc tan thành mây khói.
Nhưng Marden vẫn giữ được thái độ tích cực. Ông quan sát cuộc sống xã hội bên ngoài để tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra với nền kinh tế. Nhìn đâu ông cũng thấy những nỗi hoang mang và sợ hãi: sợ hãi vì đồng đô-la mất giá từng ngày, hụt hẫng trước sự sụp đổ của các tập đoàn lớn, lo lắng vì cổ phiếu tuột dốc và bất lực trước tình trạng hỗn loạn của nền công nghiệp…
Chính những nỗi sợ hãi này đã khiến cho thị trường chứng khoán sụp đổ. 567 ngân hàng, các công ty đầu tư ủy thác và cho vay, 156 công ty đường sắt đã báo cáo thua lỗ với những con số khổng lồ. Đình Công diễn ra khắp nơi. Hàng triệu người bị mất việc làm. Cũng năm đó, nông dân bị mất mùa do hạn hán kéo dài.
Marden nhận thấy phải có một ai đó hay một điều gì đó tạo động lực đưa đất nước và dân chúng Mỹ thoát khỏi tình trạng bế tắc này. Ông nhận được một số lời mời về làm quản lý cho các khách sạn khác. Nhưng ông từ chối tất cả. Ông vẫn ấp ủ khát vọng của mình. Ông bắt tay viết một cuốn sách khác. Phương châm mới của ông là một câu tự tạo động lực. Đó là: Mọi cơ hội đều lớn!
Ông nói với bạn bè: “Nếu một lúc nào đó người dân cần đến sự giúp đỡ của thái độ tích cực thì đó chính là lúc này đây!”.
Ông làm việc trong chuồng nuôi ngựa và tiêu 1 đô-la rưỡi mỗi tuần. Ông miệt mài viết cả ngày lẫn đêm và ông đã hoàn tất ấn bản đầu tiên của cuốn Vượt Lên Phía Trước ngay trong năm 1893.
Cuốn sách đã được công chúng đón nhận ngay lập tức, thậm chí nó còn được sử dụng làm sách giáo khoa và sách đọc thêm trong các trường học. Nhiều công ty cũng khuyến khích nhân viên đọc cuốn sách này. Nhà giáo, chính trị gia, tu sĩ, thương nhân, giám đốc doanh nghiệp…, tất cả đều xem cuốn sách như một công cụ hữu ích giúp họ tạo động lực vươn tới bằng một thái độ tích cực. Cuốn sách của Marden đã được in ra 25 thứ tiếng khác nhau với hàng triệu bản bán ra trên toàn thế giới.
Marden tin rằng tính cách chính là nền tảng để tạo dựng và duy trì sự thành công. Ông tin rằng con người chính là thành tựu vĩ đại nhất, còn tính cách con người là sự thành công lớn nhất. Ông dạy mọi người bí quyết để thành công trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính. Tuy nhiên, ông cũng kiên quyết phản đối thái độ chạy theo đồng tiền và sự tham lam thái quá. Ông dạy rằng còn một điều đáng trân trọng hơn cả mục đích kiếm sống: đó là một cuộc sống cao quý.
Marden dẫn chứng về một số người từng kiếm được hàng triệu đô-la, nhưng vẫn là người hoàn toàn thất bại khi họ chấp nhận đánh đổi cả gia đình, danh dự và sức khỏe của bản thân, nghĩa là tất cả mọi thứ, để chạy theo đồng tiền. Họ là những kẻ thất bại, dù số của cải mà họ tích lũy được lớn đến mức nào. Ông còn nói rằng mọi người đều có thể thành công mà không nhất thiết phải trở thành chủ tịch một tập đoàn hay một triệu phú.
Marden đã làm mọi người thức tỉnh, bởi ông giúp họ nhận ra một sự thật đơn giản: ai cũng có thể thành công nếu biết vận dụng những đức tính tốt đẹp.
Marden đã chứng minh rằng một khát vọng cháy bỏng có thể dẫn đến những hành động nhằm mang lại thành tựu lớn về sau.
Bạn thấy đấy, Orison Swett Marden phải có lòng can đảm và thái độ sẵn sàng hy sinh như thế nào để biến khát vọng của mình thành hiện thực.
Việc theo đuổi khát vọng đòi hỏi mọi người phải có lòng can đảm. Người ta có thể nói rằng những gì bạn đang theo đuổi sẽ không bao giờ thành hiện thực, song thời gian, khát vọng cháy bỏng và nỗ lực không ngừng sẽ giúp bạn đạt được ước mơ. Bất chấp lời nói “Điều đó không thực hiện được đâu”, bạn đừng nản chí mà hãy cố gắng tìm ra một giải pháp khả thi nhằm thực hiện công việc đó!
Bạn sẽ thành công bất chấp mọi trở ngại! Cách đây nhiều năm, một sinh viên Đại học Chicago và bạn bè của cậu đã đến nghe buổi thuyết trình của Arthur Conan Doyle với chủ đề về thuyết duy linh. Họ chỉ tham gia cho vui. Họ định đến để chế giễu buổi thuyết trình này. Nhưng rồi, J. B. Rhine, một trong số các sinh viên đó có ấn tượng mạnh trước sự nghiêm túc của người diễn thuyết. Cậu bắt đầu chú ý lắng nghe. Một số ý tưởng khiến cậu phải lưu tâm. Cậu không thể nào xua đuổi những ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Arthur Conan Doyle đã kể những câu chuyện về một số người nổi tiếng, những người đang tìm hiểu thế giới tâm linh. J. B. Rhine quyết định sẽ nghiên cứu về lĩnh vực này.
Rhine, giờ đã là Giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu các Hiện tượng siêu nhiên của Đại học Duke, North Carolina, sau này nói rằng: “Có những điều đáng ra tôi cần phải biết khi còn là sinh viên. Sau buổi thuyết trình của Doyle, tôi mới bắt đầu nhận ra một đôi điều trong số đó. Nền tảng giáo dục mà tôi được học đã bỏ qua rất nhiều kiến thức quan trọng, chẳng hạn như các biện pháp giúp tìm hiểu những điều chưa biết. Tôi bắt đầu nhận ra một số sai lầm trong hệ thống giáo dục vào thời kỳ đó”.
Ông bắt đầu quan tâm đến quyền tự do tìm hiểu kiến thức của mọi người. Ông tỏ ra phẫn nộ trước một hệ thống giáo dục luôn ngăn cấm con người tìm hiểu sự thật dưới mọi hình thức, trong mọi lĩnh vực. Ông ấp ủ một khát vọng cháy bỏng là được tìm hiểu về sức mạnh tâm linh của con người. Chính khát vọng cháy bỏng đó của ông đã giúp ông thành công.
Rhine có tâm nguyện dành trọn đời mình cho công tác giảng dạy ở trường đại học. Ông được cảnh báo là nếu đeo đuổi khát vọng đó thì ông sẽ đánh mất danh tiếng của mình, vả lại thu nhập của nghề giáo cũng chẳng là bao. Bạn bè và các giảng viên đồng nghiệp thường xuyên chế giễu và tìm mọi cách để can ngăn ông. Một số người còn tránh xa ông. “Tôi phải tìm ra sự thật cho chính mình”, ông nói với người bạn là một nhà khoa học.
Người bạn kia liền đáp: “Khi nào tìm ra sự thật thì cậu cứ giữ lấy cho riêng mình nhé! Sẽ chẳng ai tin cậu đâu!”.
Và ông đã giữ lấy những phát hiện kỳ diệu cho riêng mình cho đến khi thu thập đầy đủ cứ liệu khoa học. Hiện nay Tiến sĩ Rhine đã là một nhà khoa học nổi tiếng và được kính trọng trên toàn thế giới.
Suốt 45 năm qua, ông đã phải đấu tranh kịch liệt vô những điều cấm kỵ, sự ngu muội, thái độ phản đối và những lời chế nhạo. Một trong những trở ngại lớn nhất mà Tiến sĩ Rhine thường xuyên đối mặt trong suốt nhiều năm liên là việc thiếu vốn để mở rộng công tác nghiên cứu. Chẳng hạn như trước đây, chiếc máy điện não đồ (EEG) duy nhất ông sử dụng để nghiên cứu được lấy từ một đống rác. Một bệnh viện nào đó đã vứt nó đi.
Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình sẽ tạo ra một Nỗi ám ảnh tích cực bằng cách đóng góp một phần công sức cho công tác từ thiện và chia sẻ những gì mình có? Nếu có suy nghĩ này thì bạn đã nhận ra được một sự thật. Đó là nỗi ám ảnh mà rất nhiều vị giáo sư đại học đã và đang sở hữu để tìm ra chân lý trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhờ những nỗ lực khám phá của họ mà nhân loại mới có thể tiếp tục tiến bộ hơn trong tương lai. Do dành trọn thời gian cho công việc nghiên cứu những chân lý mới nên họ luôn gặp khó khăn trong việc tìm đủ nguồn vốn để sắm sửa trang thiết bị cần thiết. Họ cũng không có đủ tiền để trang trải cho cuộc sống cá nhân và cuộc sống của những người cùng họ tham gia vào dự án nghiên cứu, v.v.
Vì vậy, các bạn có thể đóng góp một phần công sức của mình cho những mục đích cao cả như thế và xây dựng cho riêng bản thân một Nỗi ám ảnh tích cực.
Như thế, Nỗi ám ảnh tích cực và tiền bạc có liên quan với nhau. Có thể bạn sẽ hỏi rằng: Làm sao chúng ta lại có thể đánh đồng tiền bạc với Nỗi ám ảnh tích cực? Nếu thực sự các bạn hỏi câu đó thì chúng tôi xin hỏi lại bạn câu này: “Tiền bạc không tốt hay sao?”.
Tiền bạc. Rất nhiều người có suy nghĩ tiêu cực nói rằng “Tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội ác. Tuy nhiên, Kinh thánh không nói như thế, mà là “Lòng tham tiền là nguồn cơn của mọi tội lỗi”. Hai câu nói này có sự khác biệt rất lớn, dù chỉ hơn kém nhau một vài từ mà thôi.
Các tác giả đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những người có suy nghĩ tiêu cực phản ứng một cách thiếu thiện chí với cuốn Cách Nghĩ để Thành Công. Những người này chỉ có thể làm giàu trong một năm ngắn ngủi nào đó, trong khi họ lẽ ra có thể làm giàu suốt cả đời bằng cách thay đổi thái độ từ tiêu cực sang tích cực. Nếu muốn được như vậy thì họ phải xóa bỏ những “tấm mạng nhện” có liên quan đến tiền bạc trong suy nghĩ của họ.
Tiền là phương tiện để trao đổi hàng hóa, dịch vụ và tiền có thể được sử dụng vì mục đích tốt hay xấu. Cách Nghĩ để Thành Công đã tạo động lực cho hàng ngàn độc giả giành được sự giàu có bằng một thái độ tích cực. Họ đã tìm được nguồn cảm hứng từ Cách Nghĩ để Thành Công thông qua các nhân vật nổi tiếng như Henry Ford, William Wrigley, Henry L. Doherty, John D. Rockefeller, Thomas Alva Edison, Edward A. Filene, Julius Rosenwald, Edward J. Bok và Andrew Carnegie.
Những người được liệt kê ở trên đã lập ra một số quỹ tài trợ với tổng số tiền trên một tỉ đô-la. Khoản tiền này được dành riêng cho các hoạt động từ thiện, tôn giáo và giáo dục. Chi phí bỏ ra và khoản tiền tài trợ được trích từ các quỹ này thường hơn 200 triệu đô-la mỗi năm.
Vậy tiền có tốt không? Tất cả chúng ta hẳn đều đã biết câu trả lời!
Câu chuyện về cuộc đời của Andrew Carnegie sẽ thuyết phục độc giả rằng Carnegie đã chia sẻ với người khác một phần những gì ông có: tiền, triết lý sống và nhiều thứ khác nữa. Chúng ta hãy học hỏi những triết lý sống của ông ấy. Chúng ta hãy xem mình có thể áp dụng những triết lý ấy vào cuộc sống đời thường như thế nào.
Một triết lý sống đơn giản. Một cậu bé nhập cư người Scotland nghèo khổ đã trở thành người đàn ông giàu nhất nước Mỹ. Sau đây là câu chuyện đầy thú vị ấy.
Từ bé, Andrew Carnegie luôn tìm thấy nguồn cảm hứng từ một triết lý sống rất đơn giản: Bất kỳ điều gì trong cuộc sống đều rất đáng để chúng ta nỗ lực! Chính triết lý này đã giúp ông trở nên giàu có.
Trước khi qua đời ở tuổi 83, Carnegie đã làm việc rất siêng năng trong hàng chục năm ròng để chia sẻ một cách thông minh sự giàu có của mình với thế hệ cùng thời với ông và cả những thế hệ sau này.
Khi còn sống, Carnegie đã tài trợ hơn nửa tỉ đô-la cho các khoản tài trợ trực tiếp, các quỹ từ thiện và nhiều quỹ khác. Việc ông đóng góp hàng triệu đô-la để xây dựng các thư viện công cộng là một ví dụ điển hình cho cách áp dụng triết lý sống của ông, đó là:
Bất kỳ điều gì trong cuộc sống đều rất đáng để chúng ta nỗ lực!
Số sách trong các thư viện này đã, đang và sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho những ai muốn có kiến thức, thông tin và trí tuệ.
Vào năm 1900, Napoleon Hill, ở độ tuổi 18, đã nhận làm phóng viên cho một tạp chí để kiếm tiền trang trải chi phí học đại học. Ông đã phỏng vấn nhà luyện thép, triết gia hàng đầu và cũng là nhà hảo tâm có tiếng, Andrew Carnegie. Cuộc phỏng vấn đầu tiên đã kéo dài đến ba giờ đồng hồ. Sau đó, con người vĩ đại này đã quyết định mời chàng thanh niên trẻ tuổi đến thăm nhà mình.
Trong ba ngày, Carnegie đã truyền thụ cho Napoleon Hill những triết lý sống của mình. Cuối cùng, ông đã tạo động lực cho người phóng viên trẻ để cống hiến ít nhất hai mươi năm cuộc đời cho mục đích học tập, nghiên cứu và tìm kiếm những nguyên tắc thành công. Andrew Carnegie nói với Napoleon Hill rằng sự giàu có của ông không chỉ đơn giản nằm ở tiền bạc, mà còn liên quan đến một thứ khác – vốn được ông gọi là triết lý sống của thành tựu Mỹ. Ông ủy thác cho Napoleon Hill làm đại diện của mình để chia sẻ triết lý ấy cho toàn thế giới.
Và trong cuốn sách này, Hill đang chia sẻ triết lý ấy với các bạn.