CHỈ DẠY VỀ ĐẠT GIÁC NGỘ VÀO GIÂY PHÚT CHẾT

PADMASAMBHAVA

Trích: Những Kho Tàng Từ Đỉnh Cây Tùng Xù;Thiện Tri Thức, 2017

Lại một lần nữa, vào cùng thời gian, nhà vua lễ lạy và đi nhiễu quanh Padmasambhava. Bấy giờ ông hỏi đạo sư: Thưa đại sư: con là một ông vua ít đức tin nhưng giàu có và nổi tiếng, và con cùng triều thần xung khắc với Pháp. Con không phải là một người tốt, mà đúng hơn là người xấu. Con ham mê những trò tiêu khiên và hưởng thụ và không tâm linh chút nào. Con chỉ ham thích những sự vật của cuộc đời này và thậm chí không sợ viễn cảnh đi vào những cõi thấp đời sau. Xin hãy thương xót con! Con xin ngài ban cho một giáo huấn để đạt đến giác ngộ vào lúc chết.

Sau khi nói thế, ông lễ lạy với lòng sùng mộ và khóc. Đạo sư nhìn ông và rút ra lời tinh túy nhất, ban cho như sau: Emaho! Rất kỳ diệu khi con cảm thấy đức tin tận đáy lòng. Bệ hạ, chớ có sợ hãi khi chết. Ta có một giáo huấn về con đường ngắn của Mật Chú, nhờ đó dù một người nhiều tội lỗi cũng có thể đạt giác ngộ trước những người khác. Nó là một giáo huấn để tránh trung ấm, thế nên hãy nghe, bệ hạ.

Trước hết, chúng ta vào tử cung do sự không biết của chúng ta và năng lực của nghiệp. Tiếp theo, chúng ta ở đó một thời gian ngắn trên trái đất này. Cuối cùng, chúng ta sẽ chết và thân thể nằm trên đất khi tâm du hành bởi nghiệp lực. Tâm sẽ nhận một thân khác trong sáu cõi chúng sanh và tiếp tục lang thang trong sanh tử như vậy.

Cho dù chúng ta thành công sống một đời đầy đủ một trăm năm, chúng ta tiêu phí nửa đời để ngủ ban đêm như một xác chết. Khi nằm mộng, chúng ta chịu vô số vui buồn. Thế nên, tốt nhất thì những giờ thức của chúng ta không hơn năm mươi năm.

Trước khi chúng ta sanh ra từ bà mẹ, cái chết đã là sở hữu tự nhiên của chúng ta. Dù vậy người ta không nhớ được cái chết của họ và lao vào những hành động tham lam và hiếu chiến như thể họ là bất tử.

Cái chết không đến vào lúc được báo trước; khi nào nó xảy ra con không biết. Có nhiều loại chết, thế thì ngày ấy sẽ đến khi cái chết thì không thể tránh.

Hãy nghe đây, bệ hạ. Có ba cách chết: cao, trung bình, và thấp.

  • Chết như một ông vua khi người nào như con chết mà còn bám luyến đất đai và tài sản; đó là cách chết thấp. Khi chết, hãy thoát khỏi bám luyến.
  • Chết như một người ăn xin là chết không có một chút bám luyến vào đồ vật tài sản. Đó là cách chết trung bình. Cũng có cách chết giống như một con hươu núi.
  • Chết trong đơn độc, hoàn toàn không có thậm chí ý niệm bám luyến hay nắm giữ, là cách chết tốt nhất.

Hãy nghe đây, bệ hạ. Vào lúc chết, có ba cách để đạt giác ngộ:

  • Người khả năng thấp có sự tích tập công đức và trí huệ và đạt giác ngộ trong đời sau.
  • Người khả năng trung bình đã quen với tu hành và đạt giác ngộ trong trung ấm.
  • Người khả năng cao đã có được chứng ngộ và thức tỉnh với giác ngộ thì không đi qua trung ấm.

Giáo huấn đặc biệt này để đạt giác ngộ không đi qua trung ấm; nó là con đường ngắn của Mật Chú. Ta sẽ dạy ông giáo huấn gốc này trong ba điểm:

  • Xác quyết gốc rễ của bản sắc của mọi đối tượng được tri giác bên ngoài là bản sắc của không gian. Như vậy con làm trống không sáu thế giới bên ngoài và thoát khỏi gốc rễ tái sanh trong sáu loại chúng sanh.
  • Xác quyết gốc rễ của bản sắc của người tri giác bên trong là bản sắc của tâm trống không và nhận biết. Như vậy con làm trống không những cửa tử cung của những nội dung bên trong của chúng sanh và thoát khỏi gốc rễ của mọi loại tái sanh.
  • Xác quyết gốc rễ của những hiện tượng bằng cách chứng ngộ rằng vô minh chưa hề sanh khởi. Như vậy con sẽ thoát khỏi gốc rễ của tốt và xấu.

Đây là giáo huấn trong ba điểm.

Đức vua hỏi: Đại sư, con xác quyết gốc rễ của những đối tượng được tri giác bên ngoài như thế nào? Làm sao con thoát khỏi gốc rễ tái sanh trong sáu loại trong thế giới bên ngoài như cái bình chứa?

Đạo sư trả lời: Bệ hạ, hãy nghe đây. “Những đối tượng được tri giác bên ngoài” ám chỉ cái gì? Những hình tướng hiện có gồm mười triệu lần một tỷ thế giới của Núi Tu di với bốn châu lục. Trong kinh nghiệm của chúng ta, chúng được thấy là đất, đá, núi, cây cối, rừng. Chúng thuộc về tri giác sai lầm của những chúng sanh không chứng ngộ.

Kinh Hiện thân của Chứng ngộ nói:

Dù bản sắc độc nhất của một vật

Có thể được thấy trong sáu cách sai lầm và một cách đúng.

Lầm lẫn là cả hai loại

Lấy thí dụ về nước: chư thiên thấy nó là cam lồ, a tu la là vũ khí, người là nước, thú vật là đồ uống, quỷ đói là mũ máu hôi tanh, và chúng sanh địa ngục là đồng nấu lỏng. Thật ra nó không là cái nào trong sáu cái ấy, như vậy có sáu cái thấy sai lầm.

Hai viễn cảnh được nhìn là lầm lẫn. Người cực đoan thường tuyên bố rằng nguyên nhân và hậu quả đều thường, thế nên một người chết thì tái sanh làm một người, một con lừa lại làm một con lừa, và vân vân. Cực đoan chấp đoạn cho rằng thân thể được đồng hóa với bốn nguyên tố và tâm với không gian, rằng những sự cố hiện tại thì không có chuỗi nhân quả, và không có tái sanh sau khi chết. Cả hai đều là những quan niệm sai lầm.

Vậy thì, vấn đề thực sự là gì ? Những hiện tượng không là gì cả và hoàn toàn thoát khỏi cái được giữ trong tâm. Về những hình tướng hiện diện như đá và núi, rừng và cây chớ tin chúng là cái gì cả, và chớ khẳng định chúng là cái gì cả. Hình tướng xuất hiện của chúng là một hình tướng tự nhiên, và tánh Không của chúng là một tánh Không tự nhiên. Như bản sắc của không gian, hãy để bản sắc của chúng là trống không tự nhiên, và để cho hình tướng của chúng không có một tự tánh.

Khi con không nắm lấy hình tướng của những vật này, con không nảy sinh bám luyến. Như vậy con cắt đứt gốc rễ của thế giới bên ngoài như bình chứa. Thoát khỏi tái sanh trong sáu loại chúng sanh, con đã trống không sáu nguyên nhân. Tại sao thế? Bởi vì kinh nghiệm về sáu loại chúng sanh là một mê lầm như huyễn. Thoát khỏi mê lầm như huyễn này, hình tướng xuất hiện của những đối tượng của chúng sẽ không còn được thấy ở đâu cả.

Đức vua hỏi : Như sao là xác quyết gốc rễ của tâm tri giác bên trong là cái biết trống không?

Đạo sư trả lời: Bệ hạ, hãy nghe đây. Xác quyết rằng gốc rễ của tâm tri giác bên trong là cái biết trống không và làm trống không cửa tử cung cho tâm bên trong thì được biết là thoát khỏi gốc rễ tái sanh.

“Tâm tri giác bên trong” nghĩa là gì? Nó gồm (tâm bên trong), cha mẹ và người cùng ở, anh chị em và con cháu, kẻ thù và bạn hữu. Vậy thì, cái gì là bản thân người tri giác? Đó là tâm với những xúc cảm. Khi xác quyết nó là gì, tâm này không thể được chứng minh là cái gì cả, cũng không phải là hoàn toàn không có gì.

Khi không được thấu hiểu, cái tâm làm tất cả này gây cho con tai họa. Khi tâm này – người suy nghĩ của những tư tưởng rối loạn – được chứng ngộ và xác quyết, nó là một cái biết không bị giới hạn. Điều này được biết là chứng ngộ tinh túy tâm. Cái không thể được chứng minh là cái gì thì được biết là pháp giới, không gian căn bản của mọi sự. Dù biết, nó là một cái biết không có biên giới. Dù tri giác, nó là một tánh Không không thể được chứng minh là cái gì cả.

Khi con không nắm lấy những đối tượng được tri giác như là cha hay mẹ, con làm cạn kiệt sự bám chấp và ái luyến. Như vậy con không có sợ hãi tái sanh qua những cửa tử cung của sáu loại chúng sanh. 

Đức vua hỏi: Cần thiết phải chứng ngộ sự không sanh khởi của vô minh. Cái gì nghĩa là “không sanh”?

Đạo sư trả lời: Biết rằng tinh túy tâm không thể được chứng minh là có bản sắc hình dạng gì cả và hoàn toàn thoát khỏi những thuộc tính được tạo dựng thì gọi là biết sanh khởi như là trí huệ. Điều này cũng được gọi là biết chính mình bởi chính mình. Điều này cũng được gọi là chứng ngộ chân lý của vô sanh. Đó là sự xác quyết về tinh túy thực sự của con. Như vậy, con thoát khỏi những hiện tượng nghiệp của xấu và tốt. Bất kể con đã tạo việc tốt nhiều bao nhiêu, con thoát khỏi hy vọng cho Phật quả, và bất kể con đã làm việc xấu nhiều bao nhiêu, con thoát khỏi sợ hãi vì các cõi thấp và địa ngục. Trong đó, không có nghiệp cũng không có sự chín thành của nghiệp.

Đây không phải là một tưởng tượng viển vông, một niềm tin, hay một sáng tạo; nó được xác nhận trong mọi tuyên bố cao cả, như trong Đại Bát nhã ba la mật: “Trong bản tánh trống không ấy của mọi hiện tượng, không có nghiệp cũng không có sự chín thành của nghiệp.” Hơn nữa, Một Trăm Năm Mươi Cách thức nói:

Cũng như hoa sen đỏ tươi sáng

Không nhiễm ô bởi bất kỳ dơ bẩn nào,

Bản tánh trống không của mọi vật

Vẫn không nhiễm ô bởi những khuyết tật của nghiệp.

Pháp giới Vĩ đại nói:

Nếu nó duyên theo nghiệp

Nó không phải là trí huệ tự hiện hữu.

Lâu đài Meru Kim cương nói:

Tự ngã là không có tự ngã. Cái khác là không có cái khác. “Cả hai” là không có “cả hai”. “Không phải cả hai” cũng không phải là “không phải cả hai.” Cái “không phải” này không có tính vô biên. Đây là tại sao chúng không thật và được chế tạo bởi thức.

Kinh Thỉnh hỏi bởi Đại Dương Trí Huệ nói:

Những kinh Đại thừa này không giống với những đường lối của thế gian. Tại sao thế? Bởi vì tất cả chúng sanh không có sự tương tục kéo dài.

Như vậy, khi con nhận biết rằng mọi sự là mê lầm của tâm con, con đã xác quyết bản tánh của các sự vật và thoát khỏi gốc rễ của tốt và xấu.

Đức vua hỏi: Đại sư, làm thế nào con thức tỉnh với giác ngộ vào lúc chết mà không đi qua trung ấm?

Đạo sư trả lời: Bệ hạ, hãy nghe đây. Thiền giả có tâm thức nhạy bén nhất không nắm lấy những đối tượng được tri giác ở bên ngoài; thế nên, y cắt đứt những tà kiến về những hình tướng, và, để cho những hình tướng tự tan biến vào chính chúng, y không kinh nghiệm những đối tượng được tri giác trong trung ấm. Như thế, một thế giới bên ngoài như một đồ chứa không sanh khởi.

Khi tâm tri giác bên trong không có thể chứng minh được là có bản sắc trong bất kỳ cách nào, sanh tử tự tan biến vào chính nó. Không có thần thức trong trung ấm, những cửa tử cung đưa đến sáu loại chúng sanh thành trống không. Thoát khỏi những nguyên nhân cho tái sanh, pháp tánh tan biến vào chính nó.

Khi thiền giả này bỏ thân, y gặp gỡ không gian của tánh giác. Với y, sức mạnh thúc đẩy của những hành động tốt và xấu đã cạn kiệt.

Đức vua hỏi: Đại sư, quả của ba thân biểu lộ như thế nào cho vị thiền giả như vậy?

Đạo sư trả lời: Bởi vì nền tảng của pháp tánh vượt khỏi lãnh vực của lời nói và diễn tả, sự tương tục như không gian không có cái gì cả được gọi là quả của pháp thân. Từ sự tương tục như không gian là pháp thân này, những báo thân như mây xuất hiện được trang nghiêm bằng những tướng chánh và phụ trong kinh nghiệm của những bố tát hàng thập địa. Như mưa, những hóa thân làm lợi lạc cho những ai cần được gây cảm hứng trong cách nào cần thiết nhờ vô biên những lưu xuất. Tantra Tinh túy Giấu kín nói như vầy:

Trong sự tương tục của bầu trời trống không,

Chúng thành hình, như những đám mây.

Bằng cách rưới xuống như mưa,

Chúng nuôi dưỡng cỏ cây, rừng núi.

Cũng thế, từ pháp thân không thể quan niệm,

Lãnh vực được chứng ngộ bởi ba yoga,

Xuất hiện những báo thân,

Lãnh vực của những bồ tát Đại thừa.

Từ đây xuất hiện những hóa thân, Lãnh vực của mọi chúng sanh tốt phước. Đây là cách quả của ba thân biểu lộ.

Đạo sư kết luận cho vua với giáo huấn này: Bệ hạ, hãy hiểu điều này. Không có thì giờ để hoang phí! Hãy tu và kinh nghiệm bản tánh sâu xa này của pháp tánh! Cho dù con hiểu nghĩa sâu xa, chớ dừng hoàn thiện những thiện nghiệp có điều kiện (tương đối). Hãy ban cho bất cứ cái gì con làm dấu ấn của không khái niệm.

Nếu con phát lộ giáo lý này cho những người khác, nó sẽ trở thành một cơ sở cho những tà kiến hiểu lầm, thế nên chớ truyền bá nó mà che giấu nó như một terma. Vào cuối thời đại này, nhà vua sẽ lại gặp nó.

Như thế Padmasambhava niêm ấn nó với lệnh miệng. Đức vua rất vui mừng, và vào ngay lúc ấy, tánh giác của ông được giải thoát vào trạng thái tự nhiên của nó. Ông tràn ngập sự biết ơn đối với đạo sư.

Đây là con đường ngắn của Mật Chú, giáo huấn cho một người tội lỗi lớn lao thức tỉnh với giác ngộ trước những người khác.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NGƯỜI TA CẦN GIỮ TÂM TRONG SUỐT THIỀN ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO
  2. GIÁO HUẤN CHỈ THẲNG CHO BÀ LÃO
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH