BẠN ĐÃ SẴN SÀNG THOÁT KHỎI SỰ KIỀM HÃM BẢN THÂN?

PEMA CHÖDRÖN

Trích: Khi Mọi Thứ Sụp Đổ, Lời Khuyên Chân Thành Trong Những Thời Điểm Khó Khăn; Nguyên tác: When Things Fall Apart; Người dịch: Quảng Diệu; NXB Hà Nội; Công ty Sách Thái Hà, 2023

Hầu hết các kỹ thuật thiền định sử dụng một đối tượng để thiền – một thứ để bạn quay lại lần này đến lần khác dù tâm trí bạn có đang bận rộn với điều gì đi nữa. Dù ở đó có đang là mưa, mưa đá, tuyết hay mưa tuyết, hay bất cứ thứ gì khác ướt át hay dơ dáy, bạn chỉ đơn giản quay trở lại với đối tượng thiền định. Trong trường hợp này, hơi thở ra là đối tượng thiền định – hơi thở ra thay đổi không ngừng, luân chuyển, không cầm nắm được nhưng đều đặn phát sinh. Còn khi bạn thở vào, hãy xem nó như là một khoảng dừng hay khoảng nghỉ. Không cần làm gì cả ngoại trừ việc chờ đến hơi thở ra kế tiếp. 

Có lần tôi đem kỹ thuật này giải thích với một người bạn đã dành nhiều năm thực hành với  phương pháp tập trung cao độ vào cả hơi thở vào và hơi thở ra cũng như các đối tượng thiền định khác. Nghe xong cô ấy phản ứng: “Không thể nào! Không ai có thể làm được điều này! Có cả một khoảng mà không có gì để tâm vào cả!” Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra khoảng nghỉ đó được đưa vào chỉ dẫn như là cơ hội để chúng ta hoàn toàn buông xuống. Tôi đã nghe những bậc thầy Thiền tông ví thiền như việc sẵn sàng chết đi hết lần này đến lần khác. Chính là như vậy – khi mỗi hơi thở đi ra và tàn diệt, đó là cơ hội để tất cả những gì đã xảy ra trước đó chết đi và để chúng ta thả lỏng thay vì hoang mang. 

Rinpoche đã yêu cầu những người hướng dẫn thiền không nói “tập trung” vào hơi thở ra mà sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn. Vì vậy chúng tôi đưa cho các thiền sinh những chỉ dẫn như: “Với hơi thở ra hãy chạm khẽ và lướt qua” hoặc là “Để ý một cách nhẹ nhàng và lơi lỏng trên hơi thở ra” hay “Hòa vào hơi thở khi nó đi ra và tan biến”. Nguyên tắc cơ bản vẫn là rộng mở và thả lỏng mà không thêm thắt điều gì, không khái niệm hóa, và giữ mình quay lại với bản tâm như chính nó, rõ ràng, sáng tỏ và trong suốt. 

Sau một thời gian, Rinpoche lại chỉnh sửa thêm. Thầy bắt đầu bảo chúng tôi gán ý nghĩ khởi lên là “suy nghĩ”. Chúng ta đang ngồi đó với hơi thở ra, và trước khi kịp nhận thấy chuyện gì đang diễn ra, chúng ta đang – lên kế hoạch, lo lắng, mơ mộng – hoàn toàn trong một thế giới khác, một thế giới tồn tại chỉ bằng những ý nghĩ. Khi chúng ta nhận ra mình đang bay bổng, chúng ta được dạy tự nhắc mình là “suy nghĩ” và không xem đó là điều gì ghê gớm, chúng ta chỉ đơn giản là quay lại với hơi thở ra. 

Tôi từng được xem người ta biểu diễn một điệu nhảy mô phỏng chỉ dẫn này. Người vũ công bước lên sân khẩu và ngồi ở tư thế thiền định. Vài giây sau, những suy nghĩ về đam mê bắt đầu trỗi dậy. Người vũ công cuốn theo, càng lúc càng điên cuồng, giống như chỉ một ý nghĩ yêu đương lướt qua lớn dần lên cho đến khi nó bùng nổ thành sự cuồng nhiệt. Khi một tiếng chuông nhỏ ngân lên, và một giọng trầm nói “suy nghĩ”, người vũ công thư giãn và quay lại với tư thế ngồi thiền. Khoảng năm giây sau, điệu nhảy về giận dữ bắt đầu, một lần nữa xuất phát từ một sự khó chịu nhỏ, rồi bộc phát dần đến mức hoang dại. Tiếp đó là điệu nhảy về cô đơn, rồi điệu nhảy về uể oải, và mỗi lúc tiếng chuông ngân lên, và tiếng nói “suy nghĩ”, người vũ công thả lỏng lâu được thêm một chút nữa, rồi một chút nữa và bắt đầu cảm thấy bình yên và cảm nhận về tính không trong việc chỉ ngồi đó. 

Nói “suy nghĩ” là một điểm thú vị trong thiền. Lúc này, một cách có ý thức chúng ta có thể luyện tập tính ôn hòa và phát triển một thái độ không chỉ trích. Cụm từ chỉ tình yêu và sự tử tế trong Sanskrit là maitri. Maitri cũng được dịch là lòng từ bi không giới hạn. Như thế mỗi lần bạn nói với chính mình “suy nghĩ”, bạn đang vun bồi lòng từ bi không giới hạn đối với bất cứ điều gì khởi lên trong tâm mình. Vì kiểu từ bi vô điều kiện này không dễ xuất hiện, phương pháp đơn giản và trực tiếp đánh thức lòng từ bi này là cực kỳ quý giá. 

Đôi khi chúng ta thấy tội lỗi, đôi khi là tự kiêu. Đôi khi những suy nghĩ và ký ức khiến ta kinh hãi và cảm thấy cực kỳ tồi tệ. Suy nghĩ đi qua tâm trí ta mọi lúc, và khi ngồi, chúng ta mở ra một khoảng trống cho chúng khởi lên. Giống như những đám mây trên bầu trời rộng lớn hay những cơn sóng trên đại đương mênh mông, tất cả những suy nghĩ của chúng ta được tiếp nhận một không gian cho phép chúng hiện diện. Nếu một ý nghĩ bám riết ta và cuốn chúng ta đi, dù chúng ta gọi nó là dễ chịu hay không dễ chịu, chỉ dẫn bảo ta chỉ cần gán tất cả chúng bằng cụm từ “suy nghĩ” với tất cả sự cởi mở và tử tế mà chúng ta có thể có và để nó tan biến trở lại trong bầu trời rộng lớn. Khi những đám mây và những đợt sóng lập tức quay lại, thì cũng không vấn đề gì. Chúng ta chỉ nhận biết nó hết lần này đến lần khác với lòng từ bi không giới hạn, gán chúng chỉ là “suy nghĩ” và để chúng đi. 

Đôi khi người ta ngồi thiền để cố gắng tránh đi những cảm giác tồi tệ hay những suy nghĩ rối bời. Có khả năng chúng ta sẽ cố dùng phương pháp gán nhãn này như là một cách để thoát khỏi điều mình đang cảm thấy phiền hà, và nếu điều gì đó sung sướng hay hứng khởi xuất hiện, chúng ta có thể nghĩ là cuối cùng mình đã “thành công” rồi cố duy trì trạng thái mà chúng ta thấy bình yên, dung hòa và không có gì để sợ. 

Do đó ngay từ đầu, tốt hơn là bạn nên tự nhắc nhở mình rằng thiền là mở lòng và thả lỏng với tất cả mọi thứ khởi lên, không lấy bỏ. Nó hoàn toàn không mang chủ ý đè nén bất cứ thứ gì, và cũng không chủ ý khuyến khích bạn bám chấp điều gì. Allen Ginsberg sử dụng cụm từ “kỳ tâm” (surprise mind). Bạn ngồi và – wham! – một sự ngạc nhiên đầy thô kệch khởi lên. Được rồi. Kệ nó. Bạn không phải chối bỏ mà chỉ cần nhận diện nó là “suy nghĩ” và buông xuống. Rồi sau đó – wow! – một sự ngạc nhiên đầy ngọt ngào khởi lên. Được rồi. Kệ nó. Bạn không nên bám lấy mà một cách ân cần nhận diện nó là “suy nghĩ” và buông xuống. Chúng ta nhận ra rằng những sự ngạc nhiên này không bao giờ hết. Milarepa, một du già Tây Tạng của thể kỷ XX 6 hát những bài ca tuyệt vời về cách thiền hợp lý. Trong một bài hát, ông nói rằng sự phóng chiếu của tâm còn nhiều hơn cả bụi trần trong một tia nắng mặt trời và thậm chí hàng trăm ngọn giáo cũng không thể nào đánh bại. Bởi vậy, là những thiền sinh, chúng ta nên ngừng tranh đấu với những suy nghĩ của mình và nhận ra rằng sự chân thành và hóm hỉnh mang đến cảm hứng và lợi lạc hơn bất cứ tính quy củ nào mà tôn giáo đang nỗ lực đạt đến hay chống trả. 

Trong bất cứ trường hợp nào, vấn đề không phải là cố thoát khỏi những suy nghĩ, mà là nhìn vào bản chất thực của chúng. Suy nghĩ sẽ lôi chúng ta đi vòng quanh nếu chúng ta dây dưa vào, trong khi thật sự chúng chỉ giống như những hình ảnh trong giấc mơ. Chúng giống như một ảo ảnh – không hoàn toàn rắn chắc như chúng ta tưởng. Chúng đơn giản chỉ là suy nghĩ. 

Qua nhiều năm, Rinpoche tiếp tục làm mới bằng cách thêm vào những chỉ dẫn về tư thế. Thầy từng nói rằng tranh đấu trong thiền chưa bao giờ là một ý hay. Vì vậy nếu thấy đau chân hay đau lưng, chúng tôi được cho phép cử động, không hề gì cả. Tuy nhiên, dần dần mọi người bắt đầu nhận ra rõ ràng là với tư thế thích hợp, chúng ta thậm chí sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu với cơ thể hơn nhiều, mà đôi khi chỉ cần một vài điều chỉnh nhỏ. Nếu chúng ta thay đổi tư thế quá mức, chúng ta chỉ cảm thấy dễ chịu hơn trong khoảng năm đến mười phút, sau đó lại phải thay đổi tư thế khác. Cuối cùng chúng tôi bắt đầu tuân theo sáu điểm trong tư thế để cảm thấy thật sự yên lòng. Sáu điểm đó là: (1) thế ngồi, (2) chân, (3) thân, (4) tay, (5) mắt, và (6) miệng, và chỉ dẫn như sau: 

  1. Dù ngồi lên bồ đoàn, trên sàn hay trên ghế, chỗ ngồi nên phẳng, không chênh bên trái, phải, trước, hay sau. 
  2. Chân xếp bằng một cách thoải mái ở phía trước – hoặc, nếu bạn ngồi trên ghế thì hai bàn chân nên chạm đất và hai đầu gối cách nhau vừa đủ. 
  3. Thân (từ phần đầu tính đến chỗ ngồi) thẳng đứng, phần lưng chắc chắn, phần thân trước mở ra. Nếu ngồi trên ghế, tốt nhất là lưng không nên dựa. Nếu bạn bắt đầu chùng xuống, thì chỉ cần ngồi thẳng trở lại. 
  4. Hai bàn tay mở, lòng bàn tay úp, đặt trên đùi. 
  5. Mắt mở, biểu hiện cho thái độ giữ mình tỉnh thức và thả lỏng đón nhận bất cứ điều gì xảy đến. Mắt hơi nhìn xuống và cố định ở điểm cách khoảng bốn đến năm bàn chân về phía trước. 
  6. Miệng hơi mở, nhờ đó hàm được thả lỏng và không khí có thể lưu thông dễ dàng qua cả miệng và mũi. Đầu lưỡi có thể chạm vào hàm trên. 

Mỗi khi ngồi thiền, bạn có thể lưu tâm tới sáu điểm này, và trong quá trình thiền, bất cứ lúc nào cảm thấy bị phân tâm, bạn có thể đưa sự chú ý của mình trở lại cơ thể và kiểm tra lại sáu điểm. Sau đó, bắt đầu lại từ đầu, quay lại với hơi thở ra. Nếu bạn thấy mình bị cuốn theo suy nghĩ, thì đừng lo lắng. Chỉ cần nói với mình “suy nghĩ”, và quay về với sự mở lòng và thả lỏng trong hơi thở ra. Lặp đi lặp lại như vậy, chỉ cần quay trở lại chính nơi bạn đang hiện diện. 

Lúc đầu, đôi khi mọi người cảm thấy phương pháp thiền này thật thú vị. Nó giống kiểu một dự án mới, và bạn nghĩ nếu mình bắt tay vào, có lẽ tất cả những thứ không mong đợi sẽ biến mất và bạn sẽ trở nên cởi mở hơn, không thành kiến, và phát triển tính thân thiện vô điều kiện. Nhưng sau một khoảng thời gian, bạn không còn cảm giác rằng việc ngồi thiền là một dự án mới nữa. 

Bạn dành ra một khoảng thời gian mỗi ngày, và ngồi xuống với chính mình. Bạn quay lại với hơi thở hết lần này đến lần khác, đi qua sự nhàm chán, bực dọc, sợ hãi, và hạnh phúc. Tính kiên trì và sự lặp lại – khi được thực hiện với tâm chân thật, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, và tử tế – bản thân nó đã là một phần thưởng. 

Một khi đã lĩnh hội chỉ dẫn này, chúng ta có thể đưa nó vào thực hành. Sau đó, chuyện gì xảy ra tiếp là tùy vào chúng ta. Rốt cuộc, chung quy lại là câu hỏi liệu chúng ta sẵn sàng đến đâu để sống tích cực hơn và thoát khỏi sự kìm hãm bản thân. Chúng ta muốn thành thật với bản thân đến mức nào?

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CẢM NHẬN NHỮNG GÌ BẠN CẢM THẤY
  2. NỚI RỘNG VÒNG TRÒN CẢM THÔNG
  3. SÁNG SUỐT – DỊU DÀNG – CỞI MỞ

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ