CÁCH ĐÁNH GIÁ VÀ CÀI THIỆN KHẢ NĂNG PHỤC HỒI VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH

DAVID KOPANS

Trích “Vượt qua nghịch cảnh”; Tác giả: Nhiều tác giả; Người dịch: Daisy; NXB Công Thương, 2021  

DAVID KOPANS là người sáng lập và Giám đốc điều hành của PF Loop, một công ty có mục tiêu tạo ra sự thay đổi tích cực trên thế giới thông qua các ứng dụng phần mềm và dịch vụ kỹ thuật số dựa trên nghiên cứu tâm lý tích cực.

Hãy hồi tưởng lại cuộc họp ngoài văn phòng gần đây nhất của bạn. Bạn và những người còn lại trong nhóm có thể ngập đầu trong các báo cáo và bảng tính, dữ kiện và thông tin. Trên bàn bày la liệt những tài liệu để trao đổi thông tin: hàng đống dữ liệu, bảng cân đối kế toán và các báo cáo kết quả kinh doanh. Các nhà quản lý hiểu rằng phân tích rõ ràng – cả định lượng và định tính – là chìa khóa để xây dựng một doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt. Tuy nhiên, khi nói đến việc đo lường và củng cố khả năng thích ứng, phát triển và thành công của cá nhân, hiếm khi chúng ta áp dụng cùng một phương pháp như vậy.

Nhưng chúng ta nên làm điều đó. Dựa trên kinh nghiệm của bản thân khi thành lập, xây dựng và phát triển các công ty, cũng như các nghiên cứu qua nhiều thập kỷ đã chỉ ra các thành phần cơ bản của khả năng phục hồi cá nhân, tôi đã khám phá ra một số điều cơ bản bạn có thể làm để thực sự đánh giá, quản lý và củng cố khả năng phục hồi của chính mình theo cùng một cách mà bạn sẽ tăng khả năng phục hồi của công ty mình:

Xây dựng “tiền tệ tích cực” của bạn. Chúng ta không thể chỉ in khả năng phục hồi như cách các quốc gia in tiền. Các cá nhân phải sử dụng cái mà tôi gọi là phương pháp tiếp cận “tiền tề tích cực” dựa trên các tương tác, sự kiện và ký ức tích cực thực tế – các yếu tố được biết đến để tăng khả năng phục hồi. Loại tiền này chỉ được “in ra” và lưu trữ dưới dạng tài sản khi chúng ta tập trung vào những điều tích cực và bày tỏ lòng biết ơn đối với chúng. Tại sao? Bởi duy trì một góc nhìn tích cực và thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn là những thỏi vàng có giá trị thực sự trong việc hỗ trợ và xây dựng khả năng phục hồi.

Nghiên cứu của Robert Emmons thuộc Đại học California, Davis, Michael McCullough thuộc Đại học Miami, và những người khác cho thấy rõ rằng chúng là một trong những phương pháp đáng tin cậy nhất để tăng hạnh phúc cá nhân và sự hài lòng trong cuộc sống. Tạo ra tiền tệ tích cực như vậy có thể giúp giảm lo lắng, giảm các triệu chứng bệnh tật và cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn. Tất nhiên, tất cả đều dẫn đến khả năng phục hồi cá nhân tốt hơn.

Lưu trữ hồ sơ. Không có công cụ nào chúng tôi sử dụng để đánh giá các công ty hoạt động tốt nếu không lưu trữ hồ sơ tốt. Điều đó cũng đúng khi nói đến việc xây dựng khả năng phục hồi của cá nhân. Theo nghiên cứu của chuyên gia tâm lý học tích cực Martin Seligman của Đại học Pennsylvania, khi bạn ghi lại các tương tác, sự kiện và ký ức tích cực bằng chữ viết, chúng đem lại giá trị cao hơn so với các hình thức hoạt động bằng văn bản. Hãy lưu trữ các giao dịch tiền tệ tích cực (bằng cách ghi chúng vào sổ đóng bìa da hoặc trên các thiết bị sổ). Các điểm dữ liệu bạn ghi lại có thể đơn giản như cách ghi lại bản kiểm kê theo danh mục (chẳng hạn như gia đình, bạn bè hoặc công việc) trong sổ giấy, nhập thông tin vào bảng tính hoặc gán thẻ cho các mục trong nhật ký trên các thiết bị số.

Tạo “thị trường bò tót”. Thị trường tài chính bùng nổ khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư muốn tham gia. Tương tự, khả năng phục hồi của chúng ta tăng lên khi chúng ta khuyến khích những người mua tích cực tham gia thị trường. Đó không phải là một nhiệm vụ khó khăn; sự tích cực có tính lan tỏa xã hội. Trong nghiên cứu đằng sau cuốn sách Connected The Surprising Power of Our Social Networks and How They Shape Our Lives (tạm dịch: Kết nối: Sức mạnh đáng ngạc nhiên của mạng xã hội và cách chúng định hình cuộc sống của chúng ta), Nicholas Christakis của Đại học Harvard và James Fowler của Đại học California, San Diego đã trình bày chi tiết về việc mức độ hạnh phúc phụ thuộc không chỉ vào lựa chọn và hành động của chúng ta mà còn vào hành động của những người xung quanh ta nữa. Điều này có nghĩa là khi bản thân chúng ta trở nên tích cực hơn, chúng ta khuyến khích người khác làm điều tương tự, và điều này sẽ tạo ra một vòng phản hồi tích cực “đảo chiều”, khả năng phục hồi của chính chúng ta cũng được cải thiện và củng cố nhờ hành động tích cực của người khác.

Thực hiện phương pháp tiếp cận “danh mục đầu tư”. Các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thường đa dạng hóa rủi ro. Tương tự, các cá nhân kiên cường nên đa dạng hóa tiền tệ tích cực của họ. Họ muốn tăng khả năng phục hồi tổng thể bằng cách đánh giá xem đâu là thứ mang lại lợi nhuận cao nhất trong toàn bộ “danh mục đầu tư” của họ và sau đó đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực đó. Thông thường, những tài sản sinh lợi cao này đến từ cuộc sống của chúng ta bên ngoài văn phòng làm việc. Thật vậy, dù chúng ta dành phần lớn thời gian thức để làm việc, công việc không nên là trọng tâm của tổng thể quan điểm tích cực. Trong một báo cáo năm 2015 có tựa đề “Nghiên cứu về Hạnh phúc” từ công ty Giải pháp gắn kết Blackhawk, những người được hỏi xếp hạng công việc của họ đứng thứ tám trong danh sách 12 thứ đóng góp vào hạnh phúc tổng thể. Xếp ở vị trí đầu tiên là gia đình, bạn bè, sức khỏe, sở thích và cộng đồng. Theo đó, bằng cách tạo ra tiền tệ tích cực hơn trong những lĩnh vực đó, bạn sẽ tăng khả năng làm việc trong trạng thái tốt nhất.

Báo cáo thường xuyên. Cuối cùng, cũng giống như đánh giá tài chính định kỳ của một công ty là việc quan trọng để xây dựng một doanh nghiệp có khả năng phục hồi, việc xây dựng khả năng phục hồi của từng cá nhân đòi hỏi phải thường xuyên xem xét dữ liệu tiền tệ tích cực. Đánh giá này không chỉ cho phép bạn thu thập thông tin chi tiết và thực hiện các hành động sữa chữa mà còn tăng cường khả năng phục hồi của bạn bằng cách đơn giản là tăng khả năng tiếp xúc với các tương tác tích cực và biểu hiện của lòng biết ơn. Theo đề xuất trong một thử nghiệm nổi tiếng năm 2014 do các nhà khoa học dữ liệu của Facebook thực hiện và được xuất bản trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, nếu nguồn cấp dữ liệu của bạn có dấu hiện tích cực, thì bạn cũng vậy.

Ngay cả khi bạn không phân tích sâu dữ liệu tiền tệ tích cực của mình như số liệu của Phố Wall, chỉ cần thường xuyên tiếp xúc với nó sẽ khiến bạn trở nên kiên cường hơn. Vì vậy, hãy tìm một thời điểm đều đặn để ăn mừng và suy ngẫm về tiền tệ tích cực của bạn (tôi làm điều đó trong khi chờ cà phê cho bữa sáng). Hãy biến nó thành thói quen và khả năng phục hồi của bạn – và của bạn bè, gia đình và đồng nghiệp – sẽ tăng lên.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  2. LÀM VIỆC NHÓM: MỖI THÀNH VIÊN ĐỀU CÓ MỘT VỊ TRÍ THÍCH HỢP ĐỂ PHÁT HUY HẾT KHẢ NĂNG CỦA MÌNH
  3. LÀM VIỆC VÌ MỘT LÝ TƯỞNG

Bài viết khác của tác giả

  1. CÁCH ĐÁNH GIÁ, QUẢN LÝ VÀ CẢI THIỆN KHẢ NĂNG PHỤC HỒI

Bài viết mới

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN
  3. LÒNG TỪ ÁI