BASHÔ

NHẬT CHIÊU

Trích từ: “Nhật Bản trong chiếc gương soi”. Tác giả: Nhật Chiêu

Ba trăm năm sau ngày Bashô (Ba Tiêu) mất, ta có dịp nhìn lại ông, thi hào vĩ đại của quần đảo hoa anh đào, nhìn lại thơ haiku (bài cú hay hài cú) mà ông đã hoàn thiện.

Và ta chợt nhận ra con đường sâu thẳm mà ông đi, hài – cú – đạo ấy, con đường tâm linh chính là con đường bình thường giữa cuộc đời, con đường có đoá hoa nhỏ bé nazuna bên hàng giậu, như hình ảnh trong một bài haiku của ông :

 

Ôi đoá nazuna

đôi mắt tôi nhìn kĩ

bên hàng giậu nở hoa.

 

Bài thơ chỉ vẻn vẹn có 17 âm tiết như hầu hết mọi bài haiku khác. Và nazuna chỉ là một loài hoa dại, sắc trắng, nhỏ nhoi, mọc bên đường, không ai để ý.

Những bông hoa bên vệ đường mà ta thường quên lãng lại lôi cuốn những tâm hồn cao nhã như Bashô, như Tagore… Chẳng phải là Tagore đã từng viết : “Trong vội vã, ta bỏ quên những bông hoa bên hàng giậu ven đường”, đó sao ?

 

Nhưng những bông hoa ấy, đoá hoa nazuna ấy, không phải là tặng vật của tình yêu hay sao ? Không phải là kết tinh của đất trời hay sao ? Đó cũng là một sinh mệnh quý báu đang bừng nở trong nắng xuân. Và tự thể của bông hoa ấy, cho dù đơn sơ và khiêm nhường đến thế, vẫn rạng ngời vinh quang của sáng tạo. Sáng tạo của vũ trụ. Vẫn huyền diệu một làn hương bí ẩn.

 

Bạn hãy nhìn Bashô như đoá nazuna ấy. Bạn hãy nhìn thơ haiku như đóa nazuna ấy. Hãy nhìn Bashô và nazuna như trăng soi đáy nước, như rạng đông bên trời.

Đoá nazuna ấy cũng là chiếc gương con soi chiếu toàn thể vũ trụ. Có ta trong nazuna và có nazuna trong ta. Mỗi bài haiku là một chiếc gương. Trong gương ấy là thiên nhiên của muôn mùa. Trong gương ấy là tâm hồn nghìn đời.

 

Matsuô Bashô (1644 – 1694) là người đã đem lại cho thơ haiku một dạng thức toàn bích và một Thiền vị thâm trầm.Thơ ca của Bashô vươn lên tuyệt đỉnh vào đầu thời đại Genrôku (1688 – 1703), một thời đại được mô tả là Phục hưng của Nhật Bản. Nó thuộc về văn hoá Êđô, văn hoá của thị dân và những người bình thường.

Ba thế kỉ trôi qua kể từ ngày Bashô mất. Cũng như Goethe là Đức, Tagore là Ấn Độ, Hafiz là Ba Tư… Bashô là Nhật Bản.

 

Bashô thuộc dòng dõi võ sĩ (samurai) ra đời ở miền nam Nhật Bản. Lên chín, được Chúa đại danh ở Iga vời vào phủ làm bạn đồng học với con trai mình, một thiếu niên chỉ lớn hơn Bashô hai tuổi. Hai thiếu niên trở thành đôi bạn thân thiết cùng nhau chơi đùa và học tập.

Nhưng rồi vị công tử ấy chết vào năm 24 tuổi. Bashô rất đau lòng. Nhiều năm sau, thơ ông còn gợi đến cái chết của người bạn thân ấy.

 

Sau đó, Bashô quyết định rời bỏ lâu đài xứ Iga, một nơi đầy kỉ niệm, dù không được phép của Chúa đại danh. Ông cũng muốn xa rời người goá phụ trẻ đẹp của bạn mà ông đã thầm lặng yêu thương và biết đó chỉ là mối tình vô vọng.

Năm năm kế tiếp, Bashô sống ở Kyôtô. Ông tiếp tục học cổ văn Nhật với Kigin. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu cổ văn Trung Quốc và thư pháp với một vài bậc thầy khác. Ông sống trong nhà Kigin hoặc trong một đền chùa.

Sau đó, Bashô rời bỏ kinh đô, đến Êđô, thủ phủ của chế độ mạc phủ Tôkugawa. Êđô có thể là thành phố lớn nhất thời đó. Văn hoá Êđô là văn hoá thị dân. Ở cả Kyôtô, Ôsaka và Êđô, sinh lực mới của xã hội tập trung vào thành phần trung lưu đang vươn dậy. Nhưng tất nhiên, trung tâm thời đại mới là Êđô.

 

Bashô gia nhập văn giới Êđô một cách nhanh chóng. Vào năm 1675, khi nhà thơ nổi tiếng Sôin từ Ôsaka đến, Bashô là một trong các nhà thơ được mời tham dự soạn renga (liên ca) với ông.

Liên ca đã làm nảy sinh một thể thơ độc đáo là haiku. Hay nói rõ hơn, haiku bắt nguồn từ thể thơ truyền thống tanka (đoản ca). Một bài tanka gồm 31 âm tiết có thể chia thành hai phần. Một nhà thơ soạn phần đầu ba câu và người khác sẽ soạn hai câu còn lại. Kéo dài cách làm này, ta có liên ca.

Thể liên ca thiên về trào lộng được gọi là haikai renga (bài hài liên ca).

Phần đầu ba câu trong thể liên ca được mệnh danh là hokku (phát cú), tức là vần thơ khởi xướng.

Cuối cùng, hai từ haikai và hokku được ghép với nhau, tạo ra chữ HAIKU, cái tên quen thuộc mà ta thấy ngày nay cho thể thơ cực ngắn chỉ có 17 âm tiết.

Tuy nhiên, không phải bài haiku nào cũng đúng 17 âm. Và nó không nhất thiết phải xếp thành ba câu hay ba hàng. Trong văn bản chữ Nhật, haiku có thể được viết thành một dòng duy nhất.

 

Thể thơ ấy, Bashô đã đem trọn đời mình rèn luyện nó, nâng nó lên thành thơ ca chân thực, đưa nó về với đời sống và thiên nhiên. Khi Bashô đến Êđô vào năm 1672 thì ở đấy đã lừng danh hai thi phái haiku, một của Têitôku và một của Sôin. Mặc dù vậy, trước sự ra đời của điều được gọi là “tiêu phong” (Shôfu : phong cách Bashô), haiku vẫn chỉ là một trò chơi của xã hội phù thế, có tính thù tạc, giải trí nhiều hơn là đeo đuổi những mục tiêu cao nhã, những đòi hỏi tâm linh tha thiết.

Thơ haiku chờ đợi một linh hồn mới. Ai sẽ ban cấp điều đó cho nó, kết hợp nơi nó sự trào lộng và trang trọng, hoan lạc và cô tịch, cái nhỏ nhoi và cao cả, cái đơn sơ và chiều sâu, cái bình thường và huyền diệu, trào lộng và trữ tình, sự nghèo nàn và phong nhiêu… nó đang chờ đợi một phép lạ.

Và Bashô đến.

 

Một thương gia giàu có xây cho nhà thơ một căn nhà nhỏ ở Fukagawa, gần dòng sông Sumiđa. Bên nhà có một cây chuối do học trò trồng cho Bashô. Ở Nhật, cây chuối không có trái. Nhưng Bashô rất yêu nó. Người Nhật gọi nó là bashô (ba tiêu) và nhà thơ trú ngụ bên dòng sông Sumiđa ấy đã lấy cây chuối làm bút hiệu cho mình. Còn nhà ở thì được ông gọi là Bashôan (Ba tiêu am). Tên thật của ông là Munêfusa và họ là Matsuô.

 

Về cây chuối mà ông yêu, Bashô viết :

“Cây kết hoa, nhưng không giống với loài hoa khác, chúng không có vẻ rực rỡ. Thân cây không ai đốn hạ làm gì, vì nó vô dụng. Tuy vậy, tôi yêu cây chính vì sự vô dụng ấy… Tôi ngồi dưới bóng cây, vui hưởng gió mưa đập vào nó”.

Giữa thời buổi buôn bán náo nhiệt, đầy tinh thần vụ lợi của một Êđô tưng bừng háo sắc, một tình yêu cái vô dụng như thế chính là thái độ sống đặc biệt của Bashô.

 

Cũng từ khi đến Êđô, nghĩa là từ năm 28 tuổi, Bashô tu tập Thiền đạo dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Bucchô (Phật Đỉnh) ở Chôkêiji (Trường Khê tự). Bashô là một con người thanh thản tắm mình trong biển thiền. Mỗi vần thơ ông viết đều ngát làn hương Thiền vị.

 

Cuộc đời Bashô là những cuộc hành hương vô tận. Những con đường gió bụi qua các thị trấn, những đồng không mông quạnh, những hẻm núi và vực thẳm…

Chuyến đi năm 1684 là cuộc hành hương đến Thần cung Isê. Và từ đó, Bashô trở thành một nhà thơ phiêu lãng, thuộc về đội ngũ của những nhà thơ phiêu lãng nổi tiếng, như Lý Bạch và Đỗ Phủ ở Trung Quốc, như Sôgi và Saigyô ở Nhật Bản. Mỗi chuyến đi thường để lại một tập bút kí thơ viết theo thể haibun, pha trộn văn xuôi tự sự với thơ haiku.

 

Chuyến hành hương kế tiếp hướng về Kashima. Theo dòng sông Tônê, Bashô đến “thị trấn của nước” mà thăm viếng sư phụ của mình là Thiền sư Bucchô. Ông cũng đi thăm những cây anh đào nổi tiếng ở Yôshinô, không xa Kyôtô bao nhiêu. Bashô trở về lâu đài xưa ở Iga vào giữa mùa xuân, bùi ngùi đứng dưới bóng cây anh đào mà hơn hai mươi năm xưa, ông và người bạn yểu mệnh từng vui đùa học tập.

 

Nhiều điều xiết bao

Gợi hồn ta nhớ

Những cánh hoa anh đào.

 

Ngay sau chuyến đi ngắn ngày ấy, Bashô lại bỏ ra nửa năm trời lang thang, từ Êđô đến bờ biển Suma. Ông đến Sarashina để chứng kiến mùa trăng ở đỉnh Ôbasutê.

Nhưng chuyến đi dài nhất và nổi tiếng nhất của Bashô là cuộc du hành lên phương Bắc được thực hiện vào năm ông 45 tuổi. Du hành vào thời ấy, nhất là lên phương Bắc, còn đầy gian khổ bất trắc. Vậy mà Bashô cùng với đệ tử là Sôra thường đi bộ.

Rời Êđô vào mùa xuân 1689, Bashô lang thang phiêu bạt gần ba năm trời. Vào thời đó, miền Bắc là nơi hầu như còn hoang dã, còn chứa đựng một sự huyền bí sâu xa.

Bashô đi hết vòng cung của những con đường phương Bắc. Sau đó, ông du quanh hồ Biwa (Tỳ Bà). Trên đường đi, Bashô tạm trú trong một vài thảo am, nổi nhất trong số đó là Huyễn trú am (Genju-am).

 

Những năm kế tiếp, Bashô sống hầu như hoàn toàn trong cô tịch, theo ý nguyện của chính ông : “Niềm cô tịch sẽ là bạn tôi, và sự nghèo nàn sẽ là của cải của tôi. Trong tuổi năm mươi, đấy là điều tôi tự nguyện”.

Cánh cửa khép suốt ngày đó chỉ thỉnh thoảng mở ra khi có một “biến cố” như hoa bìm bìm vừa nở ngoài hàng giậu.

 

Vào mùa xuân 1694, Bashô quyết định lên đường đi thăm phương Nam. Đến Ôsaka, ông được các văn nhân ở đó đón tiếp trọng thể. Nhưng Bashô lâm bệnh nặng. Đệ tử khắp nơi nghe tin ông, tụ về bên gường bệnh của nhà thơ mà họ tôn thờ và yêu quý.

 

Một đêm mùa đông năm 1694, Bashô gọi đem bút mực tới, viết một bài “từ thế chi ca” :

 

Dang dở cuộc hành trình

chỉ còn mộng tôi phiêu lãng

trên những cánh đồng hoang.

 

Và Bashô mất vào ngày 12/10/1694 tại Ôsaka trong khi những giấc mộng còn lang thang phiêu bạt trên những cánh đồng hoang, trên những ngã tư đời hư huyễn, trên những con đường sâu thẳm và vô danh, trên những ao hồ vĩnh cửu…Chừng ba trăm học trò đưa tiễn thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng. Bashô dường như là nhà thơ có nhiều môn đồ nhất, trong đó có mười người trở thành những nhà thơ haiku nổi danh, được gọi chung là “Ba Tiêu thập triết”.

Dù được chôn cất trong một ngôi chùa, Bashô cũng được phong thần trong nhiều ngôi đền Thần đạo, có đền còn lấy tên theo một câu thơ của ông.

Sau khi Bashô mất vài mươi năm, các bài thơ của ông cùng một số đệ tử được tập hợp thành Bashô shichibu shu (Ba Tiêu thất bộ tập) bao gồm các tác phẩm : Ngày đông, Ngày xuân, Hoang dã, Bầu rượu, Áo rơm cho khỉ, Túi đựng than, Kế tục áo rơm cho khỉ.

 

Nói đến thơ Bashô, người ta thường nhắc tới những bài haiku riêng lẻ. Nhưng thật ra, nên hiểu thơ ca Bashô trong tính chất toàn diện của nó, trong văn chương haiku của Bashô.

Nếu ta nói với người Nhật của thế kỉ XVII rằng Bashô là bậc thầy của thơ haiku thì có thể họ rất ngạc nhiên. Cái mà hiện nay ta gọi là haiku thì thời đó mọi người và cả Bashô gọi nó là hokku (phát cú), tức là vần thơ khởi xướng của liên ca mà ta đã nhắc tới ở trên. Thời ấy Bashô không nổi tiếng vì thơ haiku mà vì ông là bậc thầy của liên ca.

Văn chương liên ca của Bashô bao gồm các thể loại sau :

 

. Các bài thơ hokku (tức haiku) : mỗi bài thường 17 âm tiết.

. Haikai renga (bài hát liên ca) thơ liên ca trào lộng.

. Haibun (bài văn) : hợp thể giữa văn xuôi bút kí và thơ haiku.

 

Tất cả thể loại trên, Bashô đều sở trường.

Ông viết năm nhật kí du hành nổi tiếng theo thể haibun :

– Nhật kí gió mưa đồng nội (Nozarashi kikô : Dã sái kỉ hành).

– Nhật kí Kashima (Kashima kikô : Kashima kỉ hành).

– Nhật kí Yôshinô (Yoshino kikô : Yoshino kỉ hành). – Nhật kí Sarashina (Sarashina kikô : Sarashina kỉ hành).

– Con đường sâu thẳm (Ôku nô hôsômichi : Áo chi tế đạo).

 

Bashô chỉ thật sự thành công với thể thơ haiku kể từ bài thơ về con quạ, viết vào năm ông 37 tuổi :

 

Trên cành khô

cánh quạ đậu

chiều thu.

 

Bài thơ trở thành một hiện tượng thơ ca, mở đầu cho phong cách Bashô, cho điều gọi là Tiêu phong (Shôfu).

Nó rất giản dị. Tuy nhiên nó diễn tả được điều hầu như không thể diễn tả. Nó dùng một thi pháp mà Henderson gọi là “nguyên lý tương quan nội tại” trong đó sự tương phản cũng quan trọng như sự tương đồng :

“Ở đây, không đơn giản chỉ là trên phong cảnh héo úa đậu xuống một chiều thu giống như hình bóng một con quạ, nó còn là sự tương phản của thân hình đen muội nhỏ xíu của con quạ với bóng tối bao la vô định hình của buổi chiều hôm và với nhiều điều khác nữa tuỳ người đọc”.

 

Hình ảnh một cánh quạ cô đơn đậu trên cành cây trơ trụi giữa một chiều thu mông mênh của Bashô đã cuốn hút ta vào thế giới của u huyền và cô tịch, ném ta vào trầm mặc chân không.

Chữ “đậu” trong nguyên tác là “tomari” viết theo chữ Hán là “chỉ”. Chỉ có nghĩa là dừng lại, đứng lại. Trong các từ ngữ diễn tả sự thiền định, có từ “chỉ quán”, cho thấy thiền định là làm cho tâm dứt bặt mọi vọng niệm, mọi ảo tưởng để quan sát thực tại đầy đủ và thâm sâu. Con quạ và buổi chiều thu dường như cũng đang thiền định. Cả vũ trụ lúc đó cơ hồ đang thiền định.

Toàn thể hình ảnh trong bài thơ là sự cô tịch (sabi). Cành cây, con quạ, chiều thu là sự cô tịch mà Bashô mang trong trái tim mình trong khi ông lắng nghe niềm im lặng bất tuyệt của chân không.

 

Nhưng dù gợi lên nhiều ý nghĩa, nó không bao giờ là sự chết hay sự bất động. Ở đây, sức mạnh của cô tịch chính là sức mạnh của chân không. Sabi (tịch) chính là mu (vô). Bài thơ đưa ta đến với cô tịch, tiếp xúc với cô tịch chứ không phải với sự chết.

Cánh quạ, cành khô và buổi chiều thu dung chứa nhau, góp phần tạo nên một vũ trụ tương tuỳ, vũ trụ mà ta sống mỗi ngày.

 

Thời gian lướt qua cánh quạ ấy, qua cành cây ấy, qua buổi chiều thu ấy. Hơn ba trăm năm rồi, nó vẫn đứng im, làm chứng cho sự xuất hiện của một thiên tài thơ ca vĩ đại Bashô, người tạo dựng cho Nhật Bản một định mệnh thơ ca bất hủ : Haiku.

 

Vài ba năm sau, Bashô lại làm thế giới thơ ca chấn động vì cái nhảy của một… con ếch. Đó là con ếch nổi danh nhất trong thơ ca :

 

Ao cũ

con ếch nhảy vào

vang tiếng nước xao.

 

Biết bao lời bình đã được viết ra về bài thơ k bí này. Toàn bộ thơ ca Nhật Bản, từ năm 1686, năm bài thơ ra đời, dường như chỉ là tiếng vang của nước, thuỷ âm (mizu nô ôtô) mà con ếch của Bashô đã khuấy động nên.

Theo nguyên lý của chính Bashô thì “thơ ca chỉ sinh ra từ sự hoà điệu khi ta và sự vật trở thành một, khi ta đã lặn sâu vào trong lòng sự vật để nhìn thấy điều gì đó tựa như tia sáng mờ ảo đang ẩn giấu ở đấy…”

 

Bài “Ao cũ” đã thể hiện được lí tưởng trên của Bashô một cách toàn bích.

“Ao cũ” (Furu ikê) không nằm ở đâu cả mà đồng thời nằm trong Bashô, trong chúng ta. Nó cũ nghìn xưa đồng thời có mặt ngay bây giờ bởi vì nó là thiên nhiên. Một con ếch (kawazu) đã đánh thức vũ trụ dậy bằng bước nhảy của chính mình. Ta nhỏ nhoi như con ếch và ta là con ếch đang nhảy vào cuộc sống, đồng thời ta là chiếc ao cũ và là tiếng vang của chính ta, là tiếng vang của vũ trụ.

Một cành khô hay một ao cũ. Một con quạ im lìm hay một con ếch nhảy. Một ngày xuân hay một chiều thu. Toàn thể đời sống tập trung trong con quạ im lìm đó và con ếch nhảy vào ao đó, mà toàn bộ đời sống vẫn không mất một mảy may sinh lực nào.

Tuy nhiên, bạn đừng hoài công tìm kiếm một khái niệm nào trong những bài thơ trên. Không khái niệm nào hết. Và con quạ chỉ là con quạ. Con ếch chỉ là con ếch. Đó là cái “như như” của sự vật.

Chỉ cần bạn cảm nghiệm được niềm cô tịch u huyền của tạo vật. Rồi thì buổi chiều thu kia hay tiếng vang của nước ấy sẽ tràn đầy một thị kiến vô biên trong tâm hồn bạn.

Và ta cảm thấy những bài thơ haiku nhỏ bé sao mà mênh mông đến thế, giọt sương sao mà tráng lệ đến thế, cọng cỏ sao mà hùng vĩ đến thế, và chiếc lá rơi chứa đầy sự huyền diệu.

 

Một kiệt tác khác cũng của Bashô là tập bút kí Con đường sâu thẳm, viên trân châu của văn học Nhật.

Đó là tác phẩm được viết vào khoảng cuối đời, kể về chuyến du hành lên phương Bắc của Bashô vào năm 1689.

Con đường sâu thẳm trong tiếng Nhật là Ôku nô hôsômichi (Áo chi tế đạo), dịch sát là “Con đường hẹp lên miền Ôku”. Ôku (Áo) là tên một xứ miền Bắc Nhật Bản còn có nghĩa là thâm áo, thẳm sâu.

 

Mở đầu cho tác phẩm lớn nhất của đời mình, Bashô viết :

“Tháng ngày là khách du hành của vĩnh cửu. Mỗi năm đến và đi cũng đều là lữ khách”.

 

Câu đó lấy ý trong bài Xuân dạ yến đào lí viên tự của Lý Bạch “Phù thiên địa giả, vạn vật chi nghịch lữ, quang âm giả, bách đại chi quá khách” (Trời đất là quán trọ của vạn vật, quang âm là khách qua đường của trăm đời).

 

Sau đó, Bashô tiếp:

“Những người trôi trên thuyền hay cả đời rong ngựa đang ở trên cuộc hành trình vĩnh cửu và nhà ở cũng là những con đường họ dẫm lên. Nhiều người chết già trên đường và tôi hàng năm qua hằng xúc động trước mỗi áng mây cô đơn cuốn theo gió, trước những ý nghĩ phiêu bạt không ngừng.

Năm rồi tôi lang thang dọc theo bờ biển. Đến mùa thu tôi quay về căn lều nhỏ của mình bên bờ sông mà quét đi mạng nhện. Năm tàn dần. Khi mùa xuân đến và sương mù vương không, tôi tính tới việc vượt qua biên giới Shirakawa mà vào Ôku. Tôi như bị thần du hành ám ảnh, chẳng còn thanh thản xét suy những hồn linh đường sá vẫy tay kêu gọi và tôi không làm gì được.

Tôi vá víu những chiếc quần rách của mình và thay dây trên chiếc mũ tơi. Để chuẩn bị đi đứng vững mạnh, tôi đốt cỏ thuốc mà chăm sóc đôi chân.

Cuối cùng, tôi bán túp lều để dọn tới nhà người bạn chờ lên đường, tâm hồn không ngớt mơ tưởng đến vầng trăng mà chẳng bao lâu nữa sẽ chào đón tôi ở Matsushima…”

 

Bashô miêu tả ngày khởi hành như sau :

“Sớm ngày 27 tháng ba tôi lên đường. Bóng tối còn bảng lảng trên bầu trời. Vầng trăng vẫn còn đó, dù nhợt nhạt. Cái bóng mơ hồ của đỉnh Fuji và hoa anh đào ở Uênô cùng Yanaka đang từ biệt tôi.

Bạn bè đã tề tựu từ đêm qua và họ đi thuyền cùng tôi vài dặm. Dù vậy, khi chúng tôi xuống thuyền ở Senji, ý nghĩ về ba ngàn dặm ở phía trước bỗng dưng tràn ngập tim tôi, và nhà cửa cũng như gương mặt bạn bè trở thành cái bóng trước đôi mắt đầy lệ :

 

“Mùa xuân ra đi

tiếng chim thổn thức

mắt cá lệ đầy.”

 

Trong Con đường sâu thẳm, thơ và văn xuôi hoà quyện nhau thật tự nhiên, một sự hài hoà rất hiếm thấy ở một tác phẩm nào khác, kể cả những tác phẩm haibun trước đây của Bashô.

Con đường sâu thẳm chính là những cảm nghiệm của Bashô về vĩnh cửu. Tuy chỉ là một tập sách mỏng (chừng 50 trang) nhưng nó nằm trong số các tác phẩm trọng đại nhất của văn chương Nhật và thuộc về các tác phẩm cổ điển của nhân loại.

Con đường sâu thẳm ấy đưa Bashô qua nhiều cảnh đời khác nhau, những giấc mơ, những nỗi buồn tục luỵ, tình người, cái chết…

 

Thơ Bashô chứng tỏ rằng haiku đi với cuộc đời bình thường mà không bao giờ tầm thường. Haiku chạm đến những đề tài bình thường nhất nhưng rồi bụi đời tưởng chừng được nâng lên, cùng với trăng sao xoay chuyển.

Có lần, Bashô ngủ trọ trong một lữ quán. Có hai cô du nữ (kĩ nữ) từ xa đến trọ, thấy ông mặc áo hành giả bèn đến đảnh lễ và rưng rưng nước mắt.

Dưới mái quán, Bashô lắng nghe những câu chuyện buồn của họ, những câu chuyện của đời người. Dưới mắt kẻ khác, họ là hiện thân sa đoạ, là một chủng loại đã rơi xuống quá thấp trong thế giới con người. Nhưng Bashô nâng họ dậy, đặt họ giữa những đoá hoa đinh hương và vầng trăng bên trời :

 

Quán bên đường

Các du nữ ngủ

Trăng và đinh hương.

 

Khi đến thị trấn Kanaazawa, đứng bên mồ của một nhà thơ trẻ từng là đệ tử của mình, đã chết vào mùa đông năm ngoái, Bashô viết :

 

Hãy rung lên, ôi nấm mồ

Giọng ta than khóc

Là làn gió thu.

 

Trong Con đường sâu thẳm, theo Yuasa, “Bashô đã nắm vững nghệ thuật viết haibun hoàn toàn đến nỗi văn xuôi và haiku thắp sáng nhau như hai tấm gương đối xứng. Đấy là điều mà không ai trước ông làm được.”

 

Trên đường du hành, Bashô thường tạm trú trong một vài thảo am như Huyễn trú am (Genjuan), Vô danh am (Mumêian) và Lạc thị xá (Rakusshisha).

Bài tuỳ bút nổi tiếng Huyễn trú am chi kí (Genjuan nô ki) viết về thời gian ấy, thổ lộ niềm hạnh phúc ở am đời hư huyễn :

 

“Và tôi lê chân dọc theo bờ biển hoang dại của phương Bắc, nơi mỗi bước chân băng qua cồn cát đều khốn khó. Tôi lang thang ven bờ hồ tìm nơi trú ngụ, một nhánh lau sậy mà chiếc tổ chim cộc trắng sẽ tấp vào trên dòng nước chảy. Đây là nơi huyễn trú của tôi, và nó đứng bên mạn núi gọi là Kôkubu. Gần đấy có một đền thờ xưa cũ, nơi tôi cảm thấy mình được gột sạch cát bụi trần gian. Chủ nhân của nó đã bỏ đi từ tám năm trước ; am còn lại phía sau giữa ngã tư đời hư huyễn…Trong niềm vui, tôi gọi bồ câu rừng :

Chim kankôđôri

nỗi buồn sâu thẳm

đọng vào tôi đi.

 

Làm sao mà tôi không hạnh phúc cho được. Quang cảnh này có thể sánh ngang với những thắng cảnh tuyệt vời nhất ở Trung Quốc.”

 

Khắp Nhật Bản, nơi nào Bashô đi qua hầu như đều mọc lên những tấm bia kỉ niệm. Có hơn ba trăm tấm như thế. Nhiều gò đất, theo truyền thuyết chứa các vật dụng đi đường của Bashô. Ở Kisakata, một đài kỉ niệm được dựng trong vườn chùa Kanmaji, tôn xưng là thánh thơ. Sự hâm mộ đặc biệt này một phần do ông đã viết một bài haiku nổi tiếng về nơi ấy :

 

Vịnh Kisakata

như nàng Tây Thi ngủ

trong mùa mưa và trong hoa.

 

Những tấm bia kỉ niệm ấy có khắc thơ haiku của Bashô nên được gọi là kubi (cú bi).

Trên lưng một đá tảng ở đồi Kemari-zuka, dưới bóng một cây dẻ cổ thụ là bài haiku :

 

Ngón tay nhỏ nhoi

hạt dẻ còn trong vỏ

xin mùa thu đừng rơi.

 

Ngày nay, quanh bài thơ ấy, những hạt dẻ vẫn còn rơi, những mùa thu ra đi và trở lại.

Khi lang thang ở Ôkitsu, Bashô có viết một bài thơ về gió mùa thu và nó được khắc ho vào một tấm bia kỉ niệm đặt bên con đường cái quan :

 

Gió mùa thu

thổi niềm cô tịch

bay đi khắp đời.

 

Sau đó, thị trấn gặp nhiều điều không may và người dân muốn ném tảng đá thơ ấy xuống biển, nhưng hoà thượng ở Sêikenji nhận nó về vườn chùa và đặt nó bên hồ nước. Khi thị trấn trở nên thịnh vượng, người dân hối hận đã thất lễ với thơ, rước đá về chỗ cũ. Một thời gian sau, thị trấn lại tồi tệ, và tấm bia lại quay về vườn chùa !

Nó vẫn còn đấy, bài thơ cô tịch soi bóng mặt nước bình yên không phù phiếm đổi thay như lòng người.

 

Nếu như Nguyễn Du của Việt Nam băn khoăn không biết ba trăm năm sau có ai còn nhớ đến mình nữa không, để khóc về ông, để khóc vì ông và để khóc với ông.

Thì Matsuô Bashô của Nhật bản cũng băn khoăn không biết con đường mình đi, con đường Tiêu phong ấy có còn ai đi về nữa không.

Con đường Tiêu phong. Đó là con đường thơ haiku, hài cú – đạo (haiku nô michi).

Chẳng những Bashô là người đã làm cho haiku trở thành thơ ca thực sự mà còn biến nó thành một con đường. Con đường trong nghĩa thâm sâu của Phương Đông : Đạo (Đô).

Vì thế, thơ haiku từ Bashô trở đi, trong nghệ thuật viên mãn của nó, có thể được gọi là hài – cú – đạo.

 

Niềm băn khoăn của Bashô về con đường thơ ca của mình được thể hiện trong bài haiku sau đây :

 

Trên con đường nay

giữa chiều thu ấy

đi về không ai.

 

Cũng như không bao giờ chúng ta quên Tố Như, ba trăm năm sau Bashô, chúng ta vẫn nói về con đường thơ haiku. Con đường ấy, hài – cú – đạo, ba trăm năm sau thiên hạ vẫn còn hành hương.

Haiku đã vươn xa ngoài biên giới Nhật, trở thành một dòng thơ lớn của thế giới, ảnh hưởng đến thơ ca hiện đại. Thơ ca phương Tây, trong những tìm kiếm và thể nghiệm của mình, đã nhiều lần đi theo phong thái haiku.

Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi ta đọc thấy nhiều bài haiku trong các ngôn ngữ khác nhau của những thi hào như Rilke (Đức), Eluard (Pháp), Seferis (Hy Lạp), Machado (Tây Ban Nha), Tablada (Mihicô), Virgilio (Mĩ)…

Con đường thơ mà Bashô tưởng vô cùng cô quạnh, vắngvẻ lại vô cùng đông đúc. Chiều thu cô tịch mà Bashô hình dung lại biến thành một ngày xuân vĩnh cửu.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THÂN NÀY LÀ PHẬT, CÕI NÀY LÀ HOA
  2. LỜI NÓI ĐẦU – BA TRĂM NGHÌN THẾ GIỚI THƠM
  3. MỘT CÁNH HOA BỤT

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ