LỜI NÓI ĐẦU – BA TRĂM NGHÌN THẾ GIỚI THƠM

NHẬT CHIÊU

Trích: Ba Nghìn Thế Giới Thơm; NXB Văn Học, Nhã Nam.

Nhật Bản là xứ sở của cái đẹp, và như thế có nghĩa là xứ sở của thi ca, của ca đạo.

Kể từ hợp tuyển thơ ca vĩ đại đầu tiên của đảo quốc hoa anh đào là Manyoshu (Vạn diệp tập) của thế kỷ VIII với 4.500 bài thơ đến nay, thơ ca Nhật nảy nở nhiều như lá, như cỏ. Nối tiếp Manyoshu là những thi tuyển biên soạn theo sắc lệnh nhưng đầy cảm hứng như Kokinshu (Cổ kim tập), Shuishu (Thập di tập), Senzaishu (Thiên tải tập), Shinkokinshu (Tân cổ kim tập), Shinshokukokinshu (Tân tục cổ kim tập)…

Thơ ca Phù Tang không bắt đầu bằng sử thi hay những trường ca đồ sộ như Iliad, Odyssey của Hy Lạp, hay Mahabharata, Ramayana của Ấn Độ.

Mà bắt đầu bằng những vần thơ trữ tình gọi là waka (hòa ca, tức thơ của người Nhật, còn gọi là tanka, tức đoản ca), là thể thơ ngắn, toàn bài chỉ bao gồm ba mươi mốt âm tiết.

Những tuôn chảy trong vỏ ốc nhỏ ấy là tiếng vọng của đại dương tình yêu và đại dương thiên nhiên, nghĩa là của trái tim vô hạn và bốn mùa vô tận xứ.

Vậy mà người Nhật vẫn chưa hài lòng với cái ngắn gọn của waka. Họ phát minh thêm thể haiku (bài cú) chỉ vỏn vẹn có mười bảy âm tiết và nó trở thành thể thơ ngắn nhất thế giới.

Nhỏ nhoi là vậy, thơ haiku vẫn có thể chứa đựng ba nghìn thế giới.

Như một thiền ngôn xưa, trong hạt cải nhỏ xíu bao hàm cả nhật nguyệt, trên đầu sợi lông dồn tụ cả càn khôn.

Từ xưa, người Nhật tin rằng thơ ca có năng lực linh thiêng gọi là ngôn linh (kotodama).

Có hồn linh trong những câu thơ.

Vì thế mà nhà thơ Hitomaro, bậc ca thánh thời cổ, đã ca hát:

Em nằm như rong biển

Bên ta cứ rập rờn

Khi không còn ta nữa

Em như là hơi sương

Như cỏ mùa hạ héo

Bóng hình ai rũ xuống

Mong chờ và mơ tưởng

Núi đồi ơi, cúi xuống

Cho ta nhìn người thương.

Có thể núi đồi sẽ nghe lệnh nhà thơ, và khi tâm ta phát tiết uy lực, thì cả những vì sao cũng sẽ đổi ngôi.

Thiên nhiên và con người quyện vào nhau trong thơ waka.

Thơ ca ấy, bầu trời ấy, trái tim ấy tràn ngập màu sắc hoa đào. Và nếu không có hoa đào? Công chúa Shokushi từ thế kỷ XII gửi lại lời bi ca này:

Hoa đào đi rồi

Tâm tư không màu sắc

Khi nhìn quanh tôi

Trong bầu trời rỗng

Mưa mùa xuân rơi.

Không còn cái đẹp của thiên nhiên và tình yêu, dường như chỉ còn lại hư không trong trái tim.

Và nếu như loại bỏ cái đẹp ấy đi, thơ ca Nhật chỉ còn lại hư không.

Thiên nhiên và mọi sinh linh phát tiết ra cái đẹp, ra thơ ca. Trong lời tựa tiếng Nhật của Cổ kim tập (Kokinshu), nhà thơ Kino Tsurayuki viết:

“Từ trái tim con người như hạt giống, thơ ca Nhật Bản mọc lên và nảy nở thành vô số lá cây của ngôn từ. Bởi con người hào hứng với bao điều mắt thấy tai nghe, họ tìm cách thể hiện những cảm nghĩ trong trái tim mình qua thơ ca. Khi nghe dạ oanh ca hát trong hoa và ếch nhái trong nước kêu vang, ai lại không thấy là mọi sinh vật đều phát tiết thơ ca?…”

Và chính Tsurayuki đã dùng vốc nước rơi trong thiên nhiên để ẩn dụ cho khát vọng tình yêu rất tài tình như sau:

Vốc nước đã rơi

Qua kẽ tay tôi

Trở về con suối

Tôi chưa hết khát

Đã xa em rồi.

Chưa hết, trong vốc nước đó có tất cả khát vọng của con người. Vốc nước trong thơ waka là khát vọng.

Đến thơ haiku, thay vì khát vọng, ta có hương vị thiền. Như giọt sương trong thơ Basho:

Chẳng quên trong đời

Mùi cô tịch trắng

Của giọt sương rơi.

Thơ haiku thường không xao động tình yêu như thơ waka. Haiku trao tặng cho ta một niềm vui lặng lẽ, như một làn hương nhẹ bay đi.

Thơ ca cổ điển Nhật Bản là vậy. Không hoành tráng, thênh thang như đại lộ thơ của nhiều xứ khác. Không giông tố sấm sét. Cũng không lề luật trang trọng như ai.

Không tiêu đề, không đối, không vần, không cầu kỳ.

Thơ ca ấy là lối đi dưới lá. Hoặc là một cửa động cô tịch. Bạn gọi thì nó sẽ thưa. Nghĩa là cửa động sẽ mở khi có tri âm: Vừng ơi, mở ra! Có nguy cơ là cửa động vẫn đóng im lìm… vì ta chưa tìm ra tiếng gọi. Nhưng thơ ca nào cũng vậy mà, riêng gì thơ ca Nhật Bản chứ? Thử mở lòng như một chút nhụy hoa mơ đi:

Hoa mơ một chút nhụy

Ba nghìn thế giới thơm.

(Nhất điểm mai hoa nhụy

Tam thiên thế giới hương.)

Trong thơ ca Nhật, làn hương biểu hiện cách thế kết nối các thi ảnh với nhau, một làn hương vô hình nhưng có thể sáng tạo ra biết bao ý nghĩa.

Mà vẫn còn bí ẩn…

NHẬT CHIÊU

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BASHÔ
  2. THÂN NÀY LÀ PHẬT, CÕI NÀY LÀ HOA
  3. MỘT CÁNH HOA BỤT

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN