TIẾN TRÌNH HAI BƯỚC ĐỂ THAY ĐỔI ĐẶC TÍNH CỦA BẠN

JAMES CLEAR

Trích: Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ; Việt dịch: Vũ Thị Yên - Trần Quỳnh Như;  NXB Thế Giới.  


Đặc tính của bạn được thể hiện qua các thói quen. Bạn không được sinh ra với những niềm tin được định sẵn. Mỗi một niềm tin bao gồm cả những niềm tin về chính bản thân bạn được tiếp thu và điều kiện hóa thông qua kinh nghiệm [*Thực ra có một vài khía cạnh của đặc tính có xu hướng không thay đổi theo thời gian – giống như việc xác định ai cao, ai thấp vậy. Nhưng dù cho có nhiều hơn nữa những phẩm chất và đặc điểm cố định thì việc bạn nhìn nhận dưới ánh sáng tích cực hay tiêu cực đều được quyết định bởi những kinh nghiệm trong đời bạn].

Nói một cách chính xác hơn, thói quen chính là cách mà bạn thể hiện đặc tính của mình. Khi bạn gấp gọn chăn gối mỗi ngày khi rời giường, bạn thể hiện đặc tính mình là một người ngăn nắp. Khi bạn viết lách mỗi ngày, bạn thể hiện đặc tính mình là một người sáng tạo. Khi bạn tập luyện mỗi ngày, bạn thể hiện đặc tính mình là một người ưa thể thao. Bạn càng làm đi làm lại một hành vi nhiều bao nhiêu thì bạn càng củng cố thêm đặc tính gắn liền với hành vi đó nhiều bấy nhiêu. Thực tế từ đặc tính /identity khởi nguồn được ghép từ hai từ trong tiếng Latin, từ essentitas, có nghĩa là tồn tại/bản thể và từ identitem, có nghĩa là được lặp đi lặp lại.

Đặc tính của bạn theo nghĩa đen có nghĩa là “bản thể được lặp đi lặp lại.” Cho dù đặc tính hiện giờ của bạn là gì, bạn chỉ tin tưởng nó bởi vì bạn có bằng chứng rõ ràng. Nếu bạn đi nhà thờ mỗi Chủ nhật trong vòng hai mươi năm, bạn có bằng chứng về việc bạn là một người theo tôn giáo. Nếu bạn học môn sinh học mỗi tối, bạn có bằng chứng về việc bạn là một người chăm chỉ. Nếu bạn tới phòng tập gym ngay cả khi trời tuyết rơi, bạn có bằng chứng về việc bạn là người yêu thích tập luyện. Càng nhiều bằng chứng liên quan tới một niềm tin, bạn càng tin vào nó mạnh mẽ hơn.

Trong suốt những năm tháng trước đây tôi chưa từng nghĩ đến việc mình có thể viết sách. Nếu bạn hỏi bất kỳ giáo viên trung học hay giáo sư đại học nào đã từng dạy tôi, bạn sẽ nhận được câu trả lời từ các thầy cô rằng về khoản viết lách tôi chỉ ở mức trung bình: chắc chắn không phải là người có tài năng nổi bật gì. Khi tôi bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình, trong năm đầu tiên tôi đăng bài viết mới vào mỗi thứ hai và thứ năm hàng tuần. Khi các bằng chứng rõ ràng hơn thì đặc tính là một nhà văn cũng thể hiện rõ hơn. Xuất phát điểm tôi không phải là một nhà văn. Tôi trở thành nhà văn thông qua những thói quen của bản thân. Tất nhiên các thói quen không phải là những hành động duy nhất ảnh hưởng lên đặc tính của bạn, nhưng thông qua ưu điểm là sự thường xuyên chúng thường là những nhân tố có tác động quan trọng nhất.

Mỗi một trải nghiệm trong cuộc sống sẽ thay đổi hình ảnh bản thân bạn, nhưng nó không phải là việc bạn coi mình là một cầu thủ bóng đá bởi bạn sút một quả bóng hay là một họa sĩ bởi vì bạn nguệch ngoạc ra một bức tranh. Tuy nhiên, khi bạn lặp lại những hành động này, tính hiển nhiên sẽ tăng dần và hình ảnh bản thân bạn sẽ bắt đầu thay đổi. Ảnh hưởng của những trải nghiệm chỉ xảy ra một lần với mỗi người thường có xu hướng mờ nhòa dần trong khi ảnh hưởng của những thói quen lại được củng cố chắc chắn theo thời gian, điều này có ý nghĩa rằng là các thói quen của bạn đóng góp chủ yếu những chứng cứ định hình nên đặc tính của bạn. Theo cách này, quá trình xây dựng thói quen thực chất là quá trình trở thành chính bạn. Đây là một tiến trình tiến hóa dần dần. Chúng ta không thay đổi bằng cách vỗ tay một cái và quyết định luôn chúng ta là một con người hoàn toàn mới. Chúng ta thay đổi từng chút một, ngày qua ngày, từ thói quen này sang thói quen khác.

Chúng ta trải nghiệm sự thay đổi bản thân một cách liên tục không ngừng nghỉ. Mỗi thói quen là một lời gợi ý: “Này có lẽ đây là tôi đấy.” Nếu bạn đọc xong một cuốn sách, có thể sau đó bạn lại trở thành kiểu người thích đọc sách. Nếu bạn tới phòng tập gym, có thể sau đó bạn lại trở thành kiểu người thích tập thể thao. Nếu bạn tập chơi guitar, có thể bạn sẽ trở thành kiểu người thích âm nhạc. Mỗi một hành động bạn thực hiện sẽ bỏ một phiếu cho cho kiểu người mà bạn mong muốn trở thành. Không có trường hợp cá biệt đơn lẻ nào có thể thay đổi được niềm tin của bạn. Một khi những lá phiếu bầu nhiều lên thì cũng đồng nghĩa với việc tăng lên tính hiển nhiên của đặc tính mới của bạn. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao sự khác biệt đầy ý nghĩa lại không yêu cầu sự thay đổi quyết liệt. Những thói quen nhỏ bé có thể đem lại những khác biệt lớn lao bằng việc cung cấp tính hiển nhiên của một đặc tính mới. Và nếu một thay đổi có ý nghĩa thì nó thực sự lớn lao.

Đây chính là nghịch lý của việc thực hiện những cải thiện nhỏ bé. Nói một cách tổng quan, bạn có thể nhận ra rằng các thói quen chính là con đường dẫn tới sự thay đổi đặc tính của bạn. Cách thực tiễn nhất để thay đổi con người bạn chính là thay đổi những gì bạn làm.
• Mỗi một lần bạn viết xong một trang, bạn là một nhà văn. – Mỗi một lần bạn tập đàn violin, bạn là một
nhạccông.
• Mỗi một lần bạn bắt đầu luyện tập, bạn là một vận động viên.
• Mỗi lần bạn khích lệ đồng nghiệp, bạn là một người lãnh đạo.
• Mỗi một thói quen không chỉ đem lại kết quả mà còn dạy cho bạn một điều còn quan trọng hơn gấp
nhiều lần: hãy tin tưởng bản thân mình.

Bạn bắt đầu tin rằng bạn có thể thực sự làm tốt những việc này. Khi những lá phiếu nhiều hơn và tính hiển nhiên bắt đầu thay đổi, câu chuyện mà bạn kể với bản thân cũng bắt đầu thay đổi theo. Tất nhiên là việc này cũng sẽ vận hành theo cách ngược lại. Mỗi khi bạn lựa chọn thực hiện một thói quen xấu, đó cũng là một lá phiếu dành cho đặc tính. Tin tốt lành ở đây là bạn không cần phải là một người hoàn hảo. Trong bất kỳ cuộc bầu cử nào, sẽ có những lá phiếu dành cho cả hai phe. Bạn không cần một lá phiếu đồng thuận để dành chiến thắng trong cuộc bầu cử; bạn chỉ cần sự ủng hộ của số đông.

Cũng không có vấn đề gì nếu bạn dành một vài phiếu bầu cho một thói quen xấu hoặc một thói quen không hiệu quả. Mục tiêu của bạn đơn giản là chiếm đa số trong phần lớn thời gian.Những đặc tính mới yêu cầu những xác thực mới. Nếu bạn vẫn tiếp tục giữ những phiếu bầu như bạn vẫn luôn luôn làm, bạn sẽ chỉ có được những kết quả tương tự với những kết quả mà bạn vẫn đang có. Nếu không có gì thay đổi, thì cũng không có gì thay đổi trong tương lai.

Quá trình hai bước chỉ đơn giản như dưới đây:1. Quyết định con người mà bạn muốn trở thành. 2. Chứng minh nó với chính bản thân bạn bằng những thắng lợi nhỏ. Bước đầu tiên là quyết định con người bạn muốn trở thành. Nó đúng với bất kỳ cấp độ nào – cá nhân, đội nhóm – cộng đồng – hay cả quốc gia.

Bạn muốn đạt được điều gì? Những nguyên tắc và giá trị của bạn là gì? Ai là người bạn mong muốn trở thành? Đây là những câu hỏi lớn, và rất nhiều người không chắc chắn về việc phải bắt đầu từ đâu – nhưng họ biết loại kết quả nào họ mong muốn: có cơ bụng sáu múi, hoặc giảm bớt căng thẳng lo lắng, hoặc nhân đôi lương hàng tháng. Điều này tốt thôi. Bắt đầu từ đó và bước thụt lùi dần từ những kết quả mà bạn mong muốn có được về tới kiểu người có thể đạt được những kết quả đó. Hãy hỏi bản thân câu hỏi, “Kiểu người như thế nào có thể đạt được kết quả như tôi mong muốn?”. Kiểu người như thế nào có thể giảm được 40 pounds?

Kiểu người như thế nào có thể học một ngoại ngữ mới? Kiểu người như thế nào có thể khởi nghiệp thành công? Ví dụ, “Kiểu người như thế nào có thể viết được một cuốn sách?”. Hiển nhiên là một người có óc nhất quán và đang tin cậy. Bây giờ bạn chuyển sự tập trung của bản thân từ việc viết ra một cuốn sách (dựa trên mục tiêu) sang kiểu người có đầu óc nhất quán và tập trung (dựa trên đặc tính). Quá trình này có thể dẫn tới những niềm tin kiểu như:
– Tôi là một người giáo viên luôn đứng về phía sinh viên của mình.
– Tôi là một vị bác sĩ luôn kiên nhẫn dành thời gian cho và sự cảm thông cho từng bệnh nhân của mình.
– Tôi là một người lãnh đạo luôn ủng hộ cấp dưới của mình.

Một khi bạn đã xác định được mẫu người mà bạn muốn trở thành, bạn có thể bắt đầu bước những bước nhỏ để củng cố đặc tính mà bạn mong ước. Một người bạn của tôi, cô ấy đã giảm được 100 pounds bằng việc tự hỏi bản thân câu hỏi, “Một người khỏe mạnh sẽ làm những gì nhỉ?” Suốt một ngày dài, cô ấy sẽ tự hỏi bản thân câu hỏi đó như một lời chỉ dẫn. Một người khỏe mạnh thì sẽ đi bộ hay gọi taxi? Một người khỏe mạnh thì sẽ gọi một cái bánh burrito hay một đĩa salad? Cô ấy đã hình dung rằng nếu cô ấy hành xử như một người khỏe mạnh trong một thời gian đủ lâu, dần dần cô ấy sẽ trở thành môt người như vậy. Cô ấy đã đúng.

Khái niệm thói quen dựa trên đặc tính là phần giới thiệu đầu tiên cho một đề tài quan trọng khác của cuốn sách này: vòng lặp phản hồi [*Từ gốc: feedback loops]. Thói quen tạo nên đặc tính, và đặc tính định hình thói quen. Đây là con đường hai chiều. Sự hình thành của tất cả các thói quen là một vòng lặp phản hồi (khái niệm này chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn trong chương tiếp theo), nhưng có một việc quan trọng ở đây là hãy để cho những giá trị, những nguyên tắc và đặc tính điều khiển vòng lặp, hơn là để cho kết quả điều khiển. Trọng tâm luôn luôn hướng về việc trở thành mẫu người mong muốn chứ không phải là đạt được một kết quả nhất định nào đó.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TẬP THÓI QUEN DUY TRÌ TRONG 100 NGÀY
  2. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  3. NUÔI DƯỠNG THÓI QUEN MỈM CƯỜI

Bài viết khác của tác giả

  1. TÍNH TRÁCH NHIỆM CỦA HỢP ĐỒNG THÓI QUEN
  2. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH
  3. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI

Bài viết mới

  1. ĐỐI PHÓ VỚI VẬN ĐEN
  2. ĐỪNG ĐỂ THAM LAM CỘT TRÓI BẠN.
  3. CHỮA LÀNH TINH THẦN