CẢM NHẬN NHỮNG GÌ BẠN CẢM THẤY

PEMA CHÖDRÖN

Trích: Thong Dong Bước Đến Tự Tại Đi Về; Nguyên tác: How We Live Is How We Die; Người dịch: Sen Xanh; NXB Dân Trí; Công ty Sách Thái Hà, 2023

Khi năng lượng phiền não khởi sinh, chúng ta có xu hướng phản ứng lại với nó theo vài cách. Cách thứ nhất là hành động – hoặc bằng thân thể hoặc lời nói. Một cách khác là đè nén cảm xúc, làm cho nó tê liệt, và điều này có thể liên quan đến việc chuyển hướng sự quan tâm của chúng ta sang thứ khác, ví dụ như ngồi xem Netflix. Một cách phản ứng thứ ba đó là để cho tâm thức bị cuốn vào một kiểu kịch bản, một dạng câu chuyện mang tính chỉ trích, chê trách. Tất cả những phản ứng này đều dựa trên việc thiếu khả năng chịu đựng sự khó chịu của dạng năng lượng đó. Chúng ta có một khuynh hướng là bị loại năng lượng này làm cho phiền não, vì thế chúng ta chạy trốn sự khó chịu của mình bằng cách cố gắng thoát khỏi những gì gây ra nó. Cách tiếp cận này tương tự như cách mà những kẻ độc tài thường làm đó là giết chết người đưa tin xấu thay vì xem xét thông điệp. Nhưng khi chúng ta nuông chiều bất kỳ phản ứng nào trong những cách này, chúng ta chỉ khiến những thói quen gây ra khổ đau cho mình ngày càng mạnh thêm và nuôi dưỡng phiền não của mình dài lâu. Dù sao thì đây cũng là một bài học khó khăn. 

Mỗi người đều có những thói quen này. Chúng ta không cần phải tự trách mắng bản thân mình hoặc bất kỳ ai khác vì tiến trình này. Thay vì tự trách hoặc cảm thấy bất lực, chúng ta có thể áp dụng những phương pháp thử thách với thời gian để xử lý cảm xúc của mình một cách tích cực. Giống như mọi điều khác trong vũ trụ, những phiền não và phản ứng của chúng ta với chúng đều vô thường và không chắc thật. Đây là điều khiến chúng ta thay đổi những thói quen của bản thân. 

Nhìn chung, thiếu sự tỉnh giác chính là thứ mang lại năng lượng cho các cảm xúc của chúng ta. Đưa sự tỉnh giác vào chính là sử dụng chiếc chìa khóa diệu kỳ. Khi chúng ta nhận biết được những gì đang xảy ra, cảm xúc sẽ mất khả năng khiến chúng ta phải khổ đau. 

Bước đầu tiên trong từng phương pháp làm việc với cảm xúc chỉ đơn giản là nhận ra những gì đang xảy ra. Một trong những đặc điểm của phiền não là chúng có xu hướng khó bị phát hiện. Chúng ta chỉ chú ý tới chúng khi chúng trở nên quá lớn. Chúng ta không nhận ra được cảm xúc khi chúng chỉ mới xuất hiện; đến khi ngửi thấy mùi cháy khét hoặc cảm thấy hơi nóng của lửa thì đã quá muộn. Chúng ta đã buột ra lời nói hoặc hành động, hoặc đã trở nên quá say sưa. 

Đây là một ví dụ tương đối phổ biến của một chu trình tuần hoàn của phiền não. Bạn bắt gặp một hình bóng của ai đó ở hành lang, một người mà bạn không hòa thuận với họ. Bạn lập tức cảm thấy một sự căng thẳng nhẹ trên vai hoặc một cú giật mạnh vi tế trong lồng ngực. Đây chính là giai đoạn khởi sinh của cảm xúc. Tiếp theo, bạn biết đấy, bạn bắt đầu thấy những suy nghĩ phán xét hoặc tức giận về người đó nổi lên. Đây chính là giai đoạn mà củi trong lò bắt đầu bén lửa. Lúc này hơi nóng đã tăng lên nhiều so với giai đoạn khởi sinh cảm xúc, nhưng ít nhất, nó vẫn còn có thể được kiềm chế. Đôi khi trạng thái này cũng không bị phát hiện. Nhưng nếu bạn tiếp tục để cho câu chuyện trong tâm mình diễn biến tự tác, nó sẽ giống như bạn đổ thêm dầu vào lửa. Cuối cùng, ngay cả chiếc lò cũng không đủ để chứa đựng câu chuyện đó và nó có thể đốt cháy cả căn nhà của bạn. Tại điểm này, bạn và tất cả mọi người khác nữa sẽ đều chú ý, nhưng là quá muộn để ngăn chặn một nỗi đau vô cùng lớn không thể tránh khỏi sẽ xảy đến. Một tin nhắn có nội dung hủy hoại đã được viết ra, bạn vừa nhấn nút “Gửi đi” và không còn cách nào để thu hồi. 

Thậm chí như vậy, vẫn có những cách để khiến cho tình hình trở nên tốt hơn hoặc xấu đi. Tại mỗi thời điểm, và trong mỗi trải nghiệm bardo, chúng ta đều có hai lựa chọn cơ bản này. Chúng ta có thể khiến cho khổ đau của mình leo thang hoặc xuống nước. Chúng ta có thể khiến cho những thói quen không lợi lạc của mình mạnh lên hoặc làm cho chúng xẹp xuống. Bằng cách trở nên thức tỉnh hơn với những gì đang xảy ra, chúng ta có thể dập tắt ngay ngọn lửa đó tại giai đoạn nó mới khởi sinh hoặc thậm chí ở giai đoạn nó bắt đầu bén lửa trong lò và tự cứu mình cùng mọi người ra khỏi những khổ đau quá lớn. 

Tập một thói quen thiền định thường xuyên sẽ khiến cho chúng ta nhận biết rõ hơn về những gì đang xảy ra trong tâm thức của mình, những con sóng ngầm của tâm có xu hướng không bị phát hiện khi chúng ta mắc kẹt trong những hoạt động và tương tác hằng ngày của mình. Với thiền định, chúng ta bắt đầu phát hiện ra một vài suy nghĩ ở trạng thái giống như mới khởi sinh, những cảm xúc vi tế đến mức không bị phát hiện thường lớn dần lên trước khi chúng ta có thể nhận ra chúng. 

Một khi chúng ta trở nên thức tỉnh hơn với những phiền não của mình, bước tiếp theo là để cho bản thân cảm nhận chúng – cảm nhận những gì chúng ta đang cảm thấy. Nghe rất đơn giản, nhưng đối với nhiều người, đây là một việc đầy thử thách. Một số người cảm thấy khó khăn bởi vì họ đã từng bị tổn thương. Những người khác có một số cảm xúc mà, do một lý do nào đó, họ chỉ không muốn đối diện. Nhưng, giống như tất cả những chỉ dẫn khác trong Pháp, cảm nhận được những gì bạn đang cảm thấy là một bài thực hành. Có những cách để rèn luyện thói quen này, tạo ra sự tiến bộ dần dần. 

Trước hết, hãy bắt đầu với những cảm thọ trên thân bởi vì chúng khá trực diện và tạo ra một điểm tiếp cận tốt. Bạn đang có cảm giác như thế nào trên thân của mình. Khi chúng ta mất sự liên hệ với thân vật lý của mình, những cảm xúc của chúng ta có cơ hội lớn hơn để bùng nổ. Ngược lại, khi chúng ta hiện diện và nhận biết cảm giác trên thân, thật dễ dàng hơn nhiều để liên hệ với tâm thức của chúng ta. Vì vậy, hãy chú tâm đến cảm giác của thân – những đau nhức, mỏi mệt, ngứa, những cảm giác nóng và lạnh, những nơi bạn cảm thấy căng cứng hay thư giãn. 

Sau đó, hãy quan sát tâm thức của bạn. Nó đang hoạt náo đầy diễn ngôn hay bình an? Bạn đang ở trong tâm trạng nào? Bạn quan sát được những cảm xúc nào? Ở điểm này, một điều rất quan trọng là phát khởi một thái độ tò mò và cởi mở chứ không phải phán xét. Rất nhiều điều hay ho có thể xảy ra khi chúng ta để cho bản thân mình cảm nhận những gì ta đang cảm thấy. Chúng ta có thể có những ký ức đầy khổ đau hoặc những cảm xúc căng thẳng không dễ chịu. Đó là điều được mong đợi và không có gì to tát cả. Nhưng đừng đẩy quá mạnh và biến những điều này thành một phiên xử kéo dài. Sự luyện tâm cần phải xuất hiện, càng nhiều càng tốt, với tinh thần đầy sự chấp nhận. Để phát khởi khả năng nhận biết cần phải làm gì khi một cảm xúc tóm lấy bạn, thật hữu ích khi chỉ nhớ ba từ: hiện thân, hiện hữu từ bi. Hãy thả lỏng, buông lơi cơ thể, đưa sự chú tâm đến nơi bạn đang cảm thấy, và từ bi. Khi có một luồng cảm xúc bùng nổ, ba từ này có thể giúp bạn làm xẹp nó xuống. Hướng dẫn cốt tủy đó là hãy luôn tỉnh thức, và như Tsoknyi Rinpoche đã từng nói: “Bạn phải có mong muốn cảm nhận một vài sự khó chịu”. Sau cùng, tất cả những điều này đều là rèn tập cho bạn những thói quen hữu ích trong đời sống và cả khi cận tử, đó là hai nơi mà hiếm khi nào không phải đối mặt với nỗi đau. 

Qua thời gian, tôi đã khám phá ra rằng bất kỳ khi nào tôi cho phép bản thân mình cảm nhận những gì mình cảm thấy, tôi trở nên kiên nhẫn hơn với chính mình và dễ tha thứ hơn. Mỗi lần, tôi đều cảm thấy mình có thể thư giãn với cảm xúc của mình lâu hơn một chút. Vấn đề nằm ở chỗ: mặc dù cảm xúc phiền não là nhân gây ra khổ đau, nhưng bản thân năng lượng của cảm xúc đó là một nguồn năng lượng sáng tạo vô hạn, giống như một dòng điện. Nó không phải là thứ chúng ta muốn loại bỏ. Cái mẹo ở đây là hãy hiện hữu với dòng năng lượng mà không cần phải manh động hoặc đè nén nó. Khi làm điều này – hay nói đúng hơn là khi bạn học cách làm điều này – bạn có thể phát hiện ra những điều kỳ diệu. Irong dòng năng lượng cơ bản của phiền não, chúng ta tìm ra trí tuệ – trí tuệ vô ngã không thể nắm bắt – không bị nắm giữ hay trói cột. 

Trong những năm 1970, khi tôi vật vã khổ đau bởi những phiền não, tôi đã được dạy bởi gần như hầu hết những bậc thầy tâm linh mà tôi gặp lúc đó là hãy chuyển hóa khổ đau – đi về phía ánh sáng. Nhưng thật may cho tôi, tôi đã không biết làm thế nào. lôi không thể tìm ra cách nào để chuyển hóa. Tôi mong mỏi chuyển hóa và để lại tất cả mớ cảm xúc hỗn độn này lại phía sau, nhưng tôi đã không thể. Và rồi tôi nhận được những giáo huấn từ ngài Trungpa Rinpoche về cách tiệm cận đến với năng lượng phiền não và điều đó đã thay đổi cuộc đời tôi.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NỚI RỘNG VÒNG TRÒN CẢM THÔNG
  2. BẠN ĐÃ SẴN SÀNG THOÁT KHỎI SỰ KIỀM HÃM BẢN THÂN?
  3. SÁNG SUỐT – DỊU DÀNG – CỞI MỞ

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ