TU QUÁN

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Thực Hành Theo Luận Đại Thừa Khởi Tín; NXB Tôn Giáo, Công ty Sách Thiện Tri Thức năm 2021.

Lại nữa, nếu người chỉ tu pháp Chỉ thì tâm bị chìm lặng, hoặc khởi sanh giải đãi, chẳng thích các việc thiện, xa lìa Đại bi, thế nên cần tu Quán.

Nếu người chỉ tu Định thì tâm dễ bị trầm lặng, ưa vắng vẻ tịch lặng, xa dần chúng sanh, nghĩa là xa dần con đường Bồ tát rồi không màng đến các việc thiện, và xa lìa Đại bi. Các việc thiện sanh khởi từ tâm Đại bi là công việc của Bồ tát hạnh; thiếu Đại bi, Bồ tát chỉ đi bằng một chân Trí huệ.

Muốn vào sanh tử để độ thoát chúng sanh, Bồ tát phải tu quán để biết bản chất của sanh tử, biết sự khổ đau của chúng sanh, từ đó mà có Đại bi làm nền tảng để sống cùng chúng sanh, độ thoát họ.

Chỉ hay Định mới là phương diện Tịch của pháp tánh Chân Như, cần có Quán là phương diện Chiếu của pháp tánh Chân Như để bổ sung nhau tiến đến Định – Quán hay Tịch – Chiếu của Chân Như. Chỉ Quán đồng thời là “cả hai không lìa bỏ nhau để cùng hiện tiền.”

Tu tập Quán là nên quán tất cả các pháp hữu vi thế gian không thể dừng lâu, khoảnh khắc biến hoại. Tất cả tâm hành niệm niệm sanh diệt, do đó nên khổ. Cần quán các pháp quá khứ do niệm mà có, mơ hồ như giấc mộng. Cần quán các pháp hiện tại do niệm mà có, giống như ánh chớp. Cần quán các pháp tương lai do niệm mà có, giống như mây hốt nhiên mà khởi. Cần quán tất cả thân thể thế gian đều bất tịnh, đủ mọi thứ dơ bẩn, không có chút gì đáng ưa thích.

Ở đây là quán các pháp hữu vi thế gian có bản chất là vô thường, khổ, vô ngã, và bất tịnh.

Quán được như vậy thì tâm hành giả lìa được sự nắm giữ các pháp thế gian sanh tử. Không nắm giữ, tức là giải thoát.

Các tướng thế gian, dù là sự vật, con người, thế giới đều không dừng trụ được, khoảnh khắc biến hoại. Tất cả tâm hành, hoạt động của tâm, của từng ý niệm đều sanh diệt trong mỗi khoảnh khắc. Bám giữ chúng bèn tạo ra sự khổ, vì chúng không thể nắm giữ được.

Các pháp quá khứ, hiện tại, tương lai đều do niệm mà tạm có, chúng không thật, như mộng, như huyễn, như chiêm bao, như ánh chớp. Niệm không có tự tánh mà sanh ra các pháp, các tướng cảnh giới, nên chúng cũng không có tự tánh: “Tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh, tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt.”

Một trong những bám giữ mê đắm nhất là cái thân, thân mình và thân người. Nhưng mọi loại thân cho đến từng phần tử nhỏ nhất của thân đều bất tịnh, hư thối.

Bốn cái quán về sự vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh của thế gian làm cho chúng ta có thể lìa bỏ các niệm mê lầm tham bám của mình. Tâm thôi tham bám, nắm giữ, xa lìa này là tâm giải thoát vì không còn bị các tướng và tưởng thuộc không thật của thế gian mà chúng sanh lại gây ra nghiệp quả chịu khổ, cái quán này đưa hành giả từ Trí huệ bước qua lòng bi. Rồi với sự quán thấy như thế nhìn đến số phận chúng sanh, họ chẳng biết gì, cứ đeo đuổi mãi cái vốn là vô tự tánh, không thật để mãi chịu ràng buộc khổ đau, hành giả khởi tâm bi mẫn, thương xót. Đại bi sanh từ Trí huệ là lòng bi vững vàng nhất, do trực tiếp thấy chứ chẳng phải do tin hay do người khác nói. Như thế Trí huệ và Đại bi đi song song với nhau, Trí huệ thấy đến đâu Đại bi lớn đến đó.

Suy nghĩ, thấy hiểu nỗi khổ không dứt của chúng sanh như vậy bèn phát đại thệ nguyện cứu giúp chúng sanh. “Nguyện tâm tôi lìa được phân biệt”, đó là nguyện tích tập Trí huệ khiến cho tăng trưởng vì Trí huệ là lìa phân biệt, là vô phân biệt. “Tu hành tất cả công đức khắp mười phương” “là tích tập công đức. “Dùng vô lượng phương tiện cứu vớt tất cả chúng sanh khổ não” là Đại bi có đầy đủ phương tiện là Trí huệ và công đức. Nguyện ấy còn đi kèm với các ba la mật Tinh tấn, Nhẫn, Bố thí, Trì giới: “trong tất cả thời, tất cả nơi chốn, gánh vác các điều thiện, chẳng bỏ tu học, chẳng giải đãi.”

Trí huệ và Đại bi là hai chân của Bồ tát đi trên con đường Bồ tát hạnh. Trí huệ và Đại bi càng rộng sâu thì sự chứng ngộ Chân Như càng rộng sâu.

Chỉ trừ khi ngồi thiền là chuyên niệm nơi Chỉ, còn trong tất cả các thời khác đều nên quán sát cái gì nên làm, cái gì không nên làm.

Khi đi khi đứng, khi nằm khi dậy, đều nên Chỉ Quán cùng hành. Nghĩa là tuy niệm các pháp tự tánh bất sanh, mà lại đồng thời niệm nhân duyên hòa hợp, các nghiệp thiện ác, quả báo khổ vui chẳng mất chẳng hoại. Tuy niệm nhân duyên nghiệp báo thiện ác mà cũng đồng thời niệm tánh (của chúng) bất khả đắc.

Chỉ trừ khi ngồi thiền thì tu Chỉ, còn các thời khác, đi đứng nằm ngồi, hoạt động thì Chỉ Quán song tu.

“Niệm các pháp tự tánh bất sanh”, “niệm tánh của chúng bất khả đắc”, đây là tu Chỉ. Tu Chỉ chú trọng vào tánh, niệm tánh, an trụ vào tánh, vào tánh Không. “Lại đồng thời niệm nhân duyên hòa hợp, nghiệp báo thiện ác”, “niệm nhân duyên nghiệp báo thiện ác”, đây là tu Quán. Tu Quán chú trọng vào tướng, bởi vì quán là quán trên tướng. Tu Quán là quán thấy các tướng dù thiện dù ác đều do hòa hợp mà có, đều do nhiều nhân duyên hợp lại mà thành. Thế nên các tướng là duyên sanh, không có tự tướng, không có tự tánh, nên là Không.

Tóm lại, Chỉ là an trụ vào tánh Không, Quán là quan sát để thấy tướng các pháp là tướng Không. Với Chỉ và Quán, hành giả thấy tánh Không, tướng Không và an trụ trong đó để hoạt động Đại bi cứu vớt chúng sanh. An trụ trong tánh Không để hoạt động cứu vớt chúng sanh nên hoạt động ấy cũng như huyễn: người huyễn làm việc huyễn. Do đó Đại bi làm việc vì chúng sanh nhưng vẫn giải thoát, và giải thoát mà chẳng bỏ chúng sanh.

Sanh tử tánh tướng đều Không nên sanh tử vốn là giải thoát, như hoa đốm giữa trời, như lông rùa, sừng thỏ.v..

Một thí dụ, Chỉ là tấm gương, không một vật, một hình bóng gì, hoàn toàn thanh tịnh. Quán là các hình bóng trong tấm gương, hiện hữu nhưng như huyễn, và vì như huyễn nên thanh tịnh. Chỉ Quán đồng thời là gương đồng thời có các hình bóng, nhưng cả hai gương và bóng, đồng thời thanh tịnh.

Tu hành là phải sống thường trực trong Chỉ Quán song tu, Chỉ Quán đồng thời, như thế chúng ta mới giải tan sanh tử trong từng niệm từng niệm. Nếu không giải tan được sanh tử trong mỗi niệm, sanh tử sẽ huân tập, hình thành càng ngày càng vững chắc, càng có thật, càng được vật chất hóa. Không cho sanh tử lọt vào, chúng ta phải chánh niệm tỉnh giác, tức là Chỉ Quán trong từng giây phút một. Một điều ai cũng nhận thấy là một chuyện vui, một chuyện buồn không bị Chỉ Quán đánh tan ngay thì sẽ lọt vào nghiệp thức hay Tạng thức, đến mấy mươi năm sau đôi khi lại khởi lên quấy nhiễu.

Nếu tu Chỉ thì đối trị được sự trụ bám thế gian của phàm phu và có thể xả bỏ cái thấy khiếp nhược của Nhị thừa. Nếu tu Quán thì đối trị được cái lỗi tâm hẹp yếu chẳng khởi Đại bi của Nhị thừa và xa lìa được việc chẳng tu thiện căn của phàm phu.

Do những nghĩa ấy nên hai môn Chỉ Quán cùng hỗ trợ nhau thành tựu, chẳng lìa bỏ nhau. Nếu không đủ cả Chỉ Quán thì không thể vào được đạo Bồ đề.

Tu Chỉ là tu “sắc tức là Không”. Sanh tử là Không, là vô tự tánh, là như huyễn, do đó đối trị được sự trụ bám thế gian của phàm phu và lìa bỏ được cái thấy khiếp nhược sợ hãi sanh tử của Nhị thừa.

Tu Quán là tu “Không tức là sắc”. Không chẳng phải là hư vô, không có gì, mà Không này có đủ thế giới, chúng sanh, các việc thiện ác. Nhưng có mà không phải là thật có, mà là giả có, huyễn có. Tu Quán là để phá trừ cái chấp hư vô, không có gì cả, cái kiến chấp sai lầm về Không.

Tu Quán “Không tức là sắc” thì đối trị được cái lỗi của tâm hẹp yếu của Nhị thừa, cho rằng Niết bàn tánh Không lìa ngoài sắc, và do đó Niết bàn ấy có giới hạn, có nơi chốn. Trong khi Niết bàn của Bồ tát là Vô trụ xứ Niết bàn, vượt ngoài sắc mà cũng ở ngay trong sắc, một Niết bàn không tùy thuộc vào việc có sắc hay không có sắc. Với cái Quán này, Bồ tát không sợ tướng, không lìa tướng, không lìa tướng sanh tử và tướng chúng sanh, vì biết tất cả mọi tướng đều từ Không sanh ra nên vẫn có bản tánh là Không. Với cái quán không lìa tướng này, Bồ tát tránh được việc không khởi lòng Đại bi đối với chúng sanh của Nhị thừa, bởi vì đối với Nhị thừa thì trong Không không có chúng sanh. Và cũng tránh được việc phàm phu không tu thiện căn, khi cho Không là không có gì cả, không cần làm các việc thiện.

Như thế, tu Quán giúp hành giả không chấp không để đạt được cái Không thật sự, cái Không Trung đạo. Với cả Chỉ và Quán này, hành giả đạt được bản tánh của cả sanh tử và Niết bàn. Bản tánh này, dùng chữ của luận, là “đạo Bồ đề”, vừa Chỉ vừa Quán, vừa Định vừa Huệ, vừa Tịch vừa Chiếu, vừa Không vừa Bất Không.

Phương tiện tu hành thù thắng:

Lại nữa, chúng sanh muốn học pháp này, muốn cầu chánh tín mà tâm khiếp nhược, do vì sợ ở thế giới Ta bà này chẳng thể thường gặp chư Phật để gần gũi cúng dường, sợ tín tâm khó thành tựu, ý muốn thối lui. Nên biết rằng Như Lai có phương tiện thù thắng, nhiếp hộ tín tâm. Nhờ do ý chuyên niệm Phật, nên được tùy nguyện sanh vào cõi Phật ở phương kia, thường được thấy Phật, vĩnh viễn xa lìa đường xấu ác.

Như kinh nói: “Nếu người chuyên niệm Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực Lạc, đem những thiện căn tu tập, Hồi hướng nguyện cầu sanh vào thế giới ấy, tức được sanh qua. Cho nên thường được thấy Phật, trọn không còn thối lui. Nếu quán Pháp thân Chân Như của đức Phật ấy, thường chuyên tu tập, cuối cùng được sanh, trụ vào chánh định.

“Muốn học pháp này” là học pháp Đại thừa. Nhưng ở cõi Ta bà (có nghĩa là cõi Kham nhẫn), có nhiều khó khăn, “đời ác năm trược, nên khó thực hành tu tập, có khi thối thất. Thế nên đức Phật chỉ dạy cho pháp “ý chuyên niệm Phật” để được sanh qua thế giới Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, “thường được thấy Phật, vĩnh viễn xa lìa đường xấu ác”.

Ở Tịnh độ Tây phương có đầy đủ nhân duyên để được chánh tín ở mức cao nhất “chứng ngộ phát tâm” ở địa thứ Mười, có sự bao bọc của Phật, Pháp, Tăng, có môi trường là thế giới tốt đẹp không có sự xấu ác, khiến khỏi bị ô nhiễm, thối thất.

Với bổn nguyện của Phật A Di Đà nguyện độ tất cả những chúng sanh nào muốn sanh qua Cực Lạc làm nền tảng, hành giả phát và duy trì nguyện sanh qua cõi ấy, chuyên ý niệm Phật, tích tập công đức thiện căn và Hồi hướng công đức về Tịnh độ. Hành giả “quán Pháp thân Chân Như của đức Phật ấy, thường chuyên tu tập, cuối cùng được sanh qua, trụ vào chánh định”. Mục tiêu của sanh qua cõi Phật A Di Đà là đạt đến Pháp thân Chân Như của đức Phật A Di Đà, cũng là Pháp thân của tất cả chư Phật, như thế gọi là “trụ vào chánh định”.

Trong 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, phần nhiều dành cho những người muốn được sanh qua cõi ấy hoặc đã sanh vào cõi ấy, nhưng cũng có hơn một phần ba dành cho những người ở khắp Pháp Giới tu hành Bồ tát đạo nhưng vẫn ở cõi mình. Các vị này cũng được lợi lạc, có thể đắc Vô sanh pháp nhẫn (địa thứ Tám), mà Kinh A Di Đà gọi là A bệ bạt trí (Bất thối chuyển), khi tu hành niệm Phật A Di Đà (lời nguyện thứ 47). Bởi vì cái chung của Phật A Di Đà và tất cả các đức Phật khác là Pháp thân Chân Như. Pháp thân Chân Như cũng là Nền tảng, Con đường, và Quả của bộ Luận Đại Thừa Khởi Tín và của tất cả các con đường Đại thừa. Như thế Tịnh độ, Thiền, hay Mật.v.v. không khác nhau ở Nền tảng và Quả, vì đều có chung một Nền tảng và Quả là Pháp thân Chân Như.

 

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. QUÁN SÁT TÂM MÌNH
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. QUAN SÁT TÂM ÔNG

Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  2. KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO
  3. SỐNG AN VUI

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA THỰC SỰ LÀ AI?
  2. NĂNG LỰC QUAN TRỌNG NHẤT: CÓ TRÁCH NHIỆM
  3. TIN TƯỞNG RẰNG NHỮNG THỬ THÁCH ĐỀU CÓ THỂ VƯỢT QUA