NỀN GIÁO DỤC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI
Trích: Nền Giáo Dục Ấn Độ Cổ Đại; Nguồn thuvienhoasen.org.
“Hiện tại được ôm tròn trong quá khứ” là sự thật cũ mòn. Vẻ huy hoàng của Ấn Độ cổ đại, vẫn còn rực sáng đến hiện tại, và sẽ còn làm mê hoặc đến tương lai. Khía cạnh độc đáo của Ấn Độ cổ đại là nền văn hóa được hình thành mà không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chính trị, kinh tế hay các yếu tố xã hội nho giáo. Hầu như tất cả mọi lĩnh vực đời sống đều bị chi phối bởi tôn giáo. Văn hóa Ấn Độ tràn ngập khắp do cảm tính tôn giáo. Sự tiếp cận của tổ tiên với đời sống và những phân tích vi tế của họ cùng với việc đặt ra những điều lệ cho bổn phận, tất cả đều cho thấy giá trị tinh thần được ấp ủ trong tâm. Thực tế chính trị cũng như xã hội đều không hạn chế trong ranh giới địa lý hạn hẹp. Thái độ về cuộc sống của họ được đặc tả từ bề rộng của cách nhìn, nó đồng nhất với bổn phận với sự dâng hiến cho lý tưởng ‘đẹp nhất của nhân loại.’
Ấn Độ vẫn không hài lòng với sự phát triển lãnh thổ và nền văn hóa dân tộc của mình; quốc gia này đã khai sinh ra ý niệm ‘Superonan’ và tiến trình đa dạng của toàn nhân loại đã trở thành mục tiêu duy nhất cho nền văn minh của mình. Cho đến ngày hôm nay, khi Ấn Độ rên rỉ dưới sự căng thẳng của thiếu thốn, điều xấu ác trong xã hội và thất bại về chính trị, vẫn có một vầng sáng vây quanh đất nước này, tỏa chiếu vào tinh thần rực sáng của mình. Ấn Độ vẫn là một mẫu mực cho nỗi khổ đau của nhân loại.
Một dòng tư tưởng mới lạ nổi lên từ tôn giáo, vượt trội trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và phạm vi xã hội, tạo nên dòng chảy cuộc sống trong tư tưởng Phệ-đà Ấn Độ. Chính thể Ấn Độ cổ đại, tránh xa những bất ổn gây bạo động, hóa giải xung đột và tính tự kiêu tự đại, đều dựa trên nguyên tắc tình thương, lòng tôn trọng, và cách cư xử tốt đẹp. Sự phát triển cá nhân được nhắm vào đồng nhất với tập thể. Trong lĩnh vực kinh tế, các hành xử được điều khiển bởi những cảm thức tế nhị và thuần túy tôn giáo, cho đến mức toàn bộ cơ cấu xã hội được lập trên nền tảng tinh thần cảm tính và những nguyên tắc cao thượng. Đời sống có mục tiêu lý tưởng nhất định, đạt đến lý tưởng đó là suy nghĩ để vượt qua mọi thành tựu vật chất. Sự phát triển về giáo dục vào thời cổ Ấn Độ cũng được lập trên nguyên lý nầy. ‘Việc học tập ở Ấn Độ qua từng thời đại, đã được đánh giá và theo đuổi không phải vì cho riêng mình, nếu chúng ta có thể đánh giá như vậy, mà bởi vì mục đích như một phần của tôn giáo. Đó là nhắm đến ý nghĩa giải thoát hay là tự chứng, như là phương tiện đưa đến cứu cánh tột cùng của đời sống, có nghĩa là giải thoát (mukti).’
Sự sáng tạo của toàn bộ nền văn học, khoa học và nghệ thuật Ấn Độ chỉ phản ánh nỗ lực đạt đến cùng một dự định với chính nó. Văn học cổ đại Ấn Độ, như nó đang hiện hữu, chính là phương tiện của tôn giáo, như được nhìn bởi Macdonnell, ‘Vì sự sinh ra của thi ca Phệ-đà cổ xưa nhất, chúng ta tìm thấy văn học Ấn Độ, trong một thời kỳ hơn 1000 năm, cho thấy ‘một dấu ấn tôn giáo đặc trưng’; ngay cả những tác phẩm gần nhất của thời kỳ Phệ-đà vốn không thể được gọi trực tiếp là tôn giáo nhưng có ý định vượt qua cả mục tiêu tôn giáo. Điều nầy, quả thực, hàm ý trong thuật ngữ Vedic, vì chữ Phệ-đà (Veda), chủ yếu biểu thị cho tri thức (từ ngữ căn là Vid, có nghĩa là biết; to know), chỉ định rõ ‘tri thức thần thánh’ như là một nhánh của văn học.
Nền giáo dục Ấn Độ cổ đại có liên quan trực tiếp đến truyền thống triết học và nhận thức luận (epistemological) Ấn Độ. Ý tưởng về tính phù du của cuộc đời và thế giới, ý niệm về sự chết và tính phù phiếm của lạc thú phàm trần đã cung cấp một góc nhìn đặc biệt. Thực tế, toàn bộ truyền thống giáo dục đã phát xuất từ những nguyên lý nầy. Đó là lý do tại sao các bậc hiền triết Ấn Độ hiến mình cho sự nghiên cứu về thế giới siêu cảm giác (supra-sensible) và tìm hiểu về tâm linh các thần thánh rồi rập khuôn theo đời sống của họ. Họ không bao giờ xem thế giới vật chất là có thật; và các năng lực của họ, [cũng không có thật] thay vì ảnh hưởng sự tiến bộ bên ngoài nhằm đến sáng tạo và mở rộng bản ngã nội tại. Dù cho cái Chết không kích động sự sợ hãi trong họ bởi vì họ xem điều ấy như là một hiện tượng tự nhiên không thể nào tránh khỏi, nhưng họ quan niệm về một đời sống vĩnh hằng để giải thoát vĩnh viễn khỏi dòng đời lê thê và cái chết nầy.
Do đó, thế giới nói chung đối với họ dường như là huyễn ảo, và trạng thái hợp nhất linh hồn với Thần linh (Divine Being), được xem là Thực tại tối thượng. Thế nên mục tiêu của giáo dục là tĩnh tâm để trải nghiệm Thực tại tối thượng và tiến tới tự nhận thức. (Chitti-Vṛtti-nirodha). Tuy nhiên, có thể bổ sung rằng nền giáo dục đó không quên lãng sự phát triển năng lực của học sinh dành cho sự tiến bộ của họ.
Học sinh thời xưa, khi vừa thoát khỏi hang ổ náo loạn và thú vui thế giới vật chất, về sống giữa tự nhiên bao quanh, ngồi dưới chân thầy, sẽ nắm bắt toàn bộ những vấn đề khó hiểu của đời sống qua sự lắng nghe, suy gẫm và quán chiếu. Đời sống học sinh thanh tịnh và tinh khiết như tuyết. Cuộc đời đối với anh ta không có gì khác hơn là một phòng thí nghiệm. Có thể anh ta vẫn không hài lòng chỉ với cái học sách vở mà rất cần kiến thức thực tiễn về thế giới và xã hội thông qua sự liên hệ mật thiết với con người. ‘Chỉ có sự thực chứng tâm linh về Chân lý–phân tích dòng tư tưởng–sẽ chưa là đủ, dù bước đầu, thực chất điều ấy cũng như là đối tượng.’ Thế nên một nỗ lực để cho các học sinh thời cổ đại, có khả năng chính mình trải nghiệm Chân lý tối thượng và khuôn định xã hội phù hợp theo đó.
Việc lưu trú của học sinh trong nhà thầy giáo kèm theo ý nghĩa tự nguyện phục vụ thầy đã là truyền thống độc đáo của thời cổ Ấn Độ. Học sinh, thông qua sự tiếp xúc gần gũi với thầy mình, tự nhiên sẽ tiếp thu những phẩm tính của thầy qua sự phấn đấu. Đây được xem như điều không thể thiếu được cho sự phát triển toàn diện nhất về nhân cách, vì người thầy được xem là biểu tượng cho toàn thể những ý tưởng tốt đẹp, những truyền thống và những quy tắc hành xử trong xã hội để từ đó học sinh thừa nhận. Thế nên sự quan hệ mật thiết của thầy và trò khiến cho sau nầy học trò hoàn toàn quen thuộc với mọi truyền thống hoà quyện tinh thần xã hội.
Bên cạnh điều nầy, một đặc điểm khác của hệ thống giáo dục Ấn Độ là nền giáo dục đó kết hợp với mục tiêu thực tiễn của đời sống. Sự lưu trú của học sinh trong nhà thầy giáo sẽ làm cho chúng dễ phát huy khả năng giao tiếp xã hội khi chính nhiệm vụ thiêng liêng của anh ta là phải kiếm củi, lấy nước và làm các việc nội trợ khác cho thầy. Theo cách nầy, không những học sinh sẽ nhận được những giáo huấn liên quan đến đời sống gia đình, mà còn học được những bài học cụ thể về chân giá trị của lao động và phục vụ. Học sinh nhận được lợi lạc vô biên về tinh thần và vật chất tự nhiên bằng sự chăm sóc đàn bò của gia đình thầy và phục vụ thầy bằng nhiều cách khác nhau. Vấn đề kỷ luật đối với học sinh thời nay vốn đã gây bức xúc cho việc hoạch định giải pháp giáo dục, sẽ được giải quyết một cách tự nhiên bằng cách bổ sung những lợi thế của học sinh thời cổ đại, vốn chỉ đón nhận ý nghĩa rèn luyện trong việc trông nom gia súc, trồng trọt và nông trại, v.v… Có câu chuyên kể trong Áo nghĩa thư Chhandogaya về đại hiền triết Satya Kāma, người suốt thời kỳ tập sinh phải chăm sóc đàn bò của nhà thầy, đàn bò sinh sôi nẩy nở dưới sự chăm sóc của ông từ 400 lên đến 1000 con. Tương tự trong Brihadaranyaka kể cho chúng ta về Ṛṣī Yajnavalkya đã được vua Janaka nhân đức ban tặng 1000 con bò vì kiến thức uyên thâm. Do vậy, rõ ràng giáo dục không chỉ là lý thuyết, mà có liên hệ một cách không thể tách rời với thực tế đời sống. Trong Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Vedas), chúng ta bắt gặp ví dụ nhà thơ hiền triết có người cha là thầy thuốc (bhishag) và mẹ là người thợ xay bắp (upala-prakashini). Như thế, nền giáo dục cao cấp không mâu thuẫn với lao động chân tay. Các bậc hiền triết vĩ đại đã làm sáng tỏ những vấn đề phức tạp trong phạm vi thường tình của cuộc sống hằng ngày. Phương pháp giáo dục tiến hành với tuyên ngôn ‘Học bằng cách Làm’ và điều ấy được biết là đã bắt đầu vào thời hiện đại ở Mỹ, chính là cốt lõi và là tính chất của nền giáo dục thời cổ Ấn Độ. Đời sống được cung ứng như là phòng thí nghiệm cho nền giáo dục thực nghiệm, từ đó nhiều truyền thống cao quý được phát huy.
Tương tự, việc khất thực của tập sinh vì sự sống của chính họ và phục vụ thầy được giải thích như là đặc trưng bố thí của hệ thống giáo dục Ấn Độ cổ đại. Mục đích là không làm cho tập sinh tùy thuộc vào người khác, cũng không khiến họ đối lập với cái tốt của xã hội. Mặt khác, việc khất thực của tập sinh trong thời cổ đại được xem là niềm vinh dự. Điều ấy nuôi dưỡng trong tâm người học sinh cảm thức cao quý về sự xả ly và các đức tính nhân bản khác. Hệ thống giáo dục nầy, bằng sự thăng hoa tất cả cảm xúc phóng túng và tự kỷ trong tuổi trẻ đã khiến cho họ đối diện với thực tế đời sống. Thế nên, đó là bài học cụ thể cho sự vun trồng đạo đức tự lập và ý thức biết ơn cùng bổn phận đối với xã hội.
Như thế chúng ta thấy rằng hệ thống giáo dục Ấn Độ cổ đại phát huy trên ý nghĩa nhu cầu cá nhân cũng như xã hội. Gốc rễ cắm chắc vào chiều sâu cuộc đời, do vậy, sự đơm hoa kết trái là tự nhiên. Nó có một lý tưởng nhất định và sứ mệnh nhất định. Trọng tâm của nền giáo dục cổ đại đặt ở giữa Hệ động vật (Fauna) Hệ thực vật (Flora) và Tự nhiên (Nature), là suối nguồn vô tận, tồn tại mãi mãi của nền văn minh và văn hóa Ấn Độ. Người Ấn Độ nhờ vào thái độ bàng quang về của cải vật chất, nên có lẽ không có thể đánh giá được sự tiến bộ trong môi trường chính trị và kinh tế; nhưng trong lĩnh vực giáo dục, sự đóng góp của họ không phải là không có ý nghĩa. Trong khi nhiều người ở thế giới phương Tây chỉ học những chuyện phù phiếm trong ngôn ngữ lễ phép lịch sự, thì người Ấn Độ thăm dò đến chiều sâu của siêu hình học và tư tưởng triết học. Ấn Độ xua tan vẻ u ám vô minh và phát huy khả tính chiếu soi thế gian bằng trí huệ của mình. Thế nên Ấn Độ dâng tặng một thước đo cho văn minh nhân loại. Các bậc thầy Ấn Độ cổ đại rút ra một dạng thức giáo dục đặc biệt, nhờ đó sự hòa hợp được thiết lập giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy linh; thế nên đời sống nhân loại hướng đến sự hoàn mỹ.