ĐẠO ĐỨC TRONG MỘT VŨ TRỤ VÔ HẠN

Trích: Khát Vọng Tới Cái Vô Hạn; Phạm Văn Thiều, Phạm Nguyễn Việt Hưng dịch; NXB Trẻ, NXB Tri Thức

19/07/2025
36 lượt xem

 

Như vậy, tồn tại khả năng rằng, vũ trụ, dù dưới dạng một đa vũ trụ hay không, là vô hạn trong thời gian hay trong không gian, thậm chí trong cả hai. Nếu đúng như thế, ta nên nghĩ thế nào? Làm thế nào để sống trong một vũ trụ vô hạn? Sự vô hạn sẽ làm đảo lộn mọi ý tưởng quen thuộc của chúng ta trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đạo đức. Jorge Luis Borges, người đã xem xét kỹ lưỡng các vô hạn, đã nhận xét: “Đó là một khái niệm làm biến chất và rối loạn mọi thứ. Tôi không nói đến cái xấu, mà vương quốc của nó bị giới hạn trong đạo đức; tôi muốn nói về vô hạn”.

Bạn hãy tưởng tượng mình đang ở trong một vũ trụ vô hạn. Tổng cái thiện (hay cái ác) trong vũ trụ này sẽ là vô hạn. Điều này có nghĩa là không gì trong những việc tốt (như cứu người) hay xấu (như giết người) mà bạn có thể làm sẽ tạo ra sự khác biệt, bởi cộng hay trừ một số gì đó với đại lượng vô hạn luôn cho một kết quả vô hạn. Vậy thì hành động để làm gì khi ta không thể làm thay đổi được tiến trình của sự vật? Và đó chính là nan đề đạo đức đầu tiên của một vũ trụ vô hạn: nếu đạo đức bắt buộc, chẳng hạn, phải làm nhẹ những nỗi đau của nhân loại, thì hành động của chúng ta sẽ chẳng có ý nghĩa gì trong một vũ trụ vô hạn, bởi nó không thể làm thay đổi được chút gì dòng chảy của các sự kiện. Chúng ta cần tìm kiếm các động lực khác. Một vũ trụ vô hạn sẽ phá hoại các nền tảng của đạo đức. Tại sao kẻ tội phạm lại kìm chế việc giết ai đó, nếu như vô số các bản sao của hắn vẫn tiếp tục sống? Hắn có thể tự nhủ hành động của mình sẽ chẳng gây ra hậu quả gì. Hắn có thể cầu xin sự khoan hồng của bồi thẩm đoàn: nếu hắn không làm điều đó thì có thể một trong những phiên bản của hắn sẽ làm. Trong một vũ trụ vô hạn, đạo đức phải nhấn mạnh vào ý nghĩa của hành động chứ không phải hậu quả của hành động nữa.

Nhiều vấn đề đạo đức khác cũng nảy sinh trực tiếp từ nghịch lý vô hạn bản sao. Trong một vũ trụ vô hạn, không có gì là bản gốc cả. Không có gì là mới, không có hành động nào là đầu tiên hay cuối cùng. Nếu như có cơ hội một sự kiện xảy ra, thì nó đang xảy ra vô số lần, ngay lúc bạn đang đọc dòng chữ này. Phân tán trong vũ trụ, vô số các bản sao của mỗi chúng ta đang lựa chọn và đưa ra các quyết định cũng có thể giống như chúng ta. Một lần nữa vấn đề cái thiện và cái ác lại được đặt ra. Tại sao ta lại chọn cái thiện khi vô số bản sao của ta có thể chọn cái ác? Dù làm gì chăng nữa, sẽ có vô số nơi trong vũ trụ cái ác sẽ xảy ra, có vô số Hitler hay Pol Pot thực hiện hành vi tàn ác. Điều này sẽ gây ra sự nản lòng. Nhưng ngược lại cũng sẽ có vô số các thế giới mà ở đó cái thiện sẽ chiến thắng. Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche đánh giá rằng việc biết chúng ta sẽ tái sinh vô hạn, lặp lại cùng những hành động với cùng hậu quả sung sướng hay bất hạnh, sẽ thúc đẩy chúng ta hành động tốt bởi hành động xấu một cách vô tận sẽ gây cho chúng ta một cảm giác xấu hổ.

Trong một số truyền thống tâm linh, nghịch lý vô hạn bản sao kéo theo những hậu quả không thể chấp nhận được. Chẳng hạn như trong Cơ Đốc Giáo, Chúa xuống Trái Đất để cứu chuộc tội lỗi gây ra bởi con người; đó chính là giáo lý Hóa thân. Trong một vũ trụ vô hạn, sẽ có vô số các vũ trụ cũng cần tới một Christ cứu thế. Thánh Augustin nghĩ rằng các thế giới khác này không thể tồn tại bởi “đức Christ chỉ chết một lần để cứu loài người”. Như vậy ông bác bỏ giả thuyết về vô số thế giới nơi cái xấu hoành hành và cần sự có mặt của đấng Christ cứu thế. Nếu ta chấp nhận giả thiết chỉ có một Hóa thân duy nhất, ta sẽ có hai lựa chọn: một là vũ trụ là hữu hạn và nghịch lý nhân bản vô hạn sẽ không còn lý do tồn tại; hoặc là nó là vô hạn, và chúng ta ở trong một tình huống kỳ lạ với duy nhất Trái Đất biết tới cái xấu và các thế giới ngoài hành tinh khác đều hoàn hảo về mặt đạo đức, và không cần tới một đấng Christ cứu thế. Theo quan điểm đạo đức, Trái Đất sẽ là một nơi bị ruồng bỏ trong vũ trụ. Nhưng, có lẽ, một thế giới ngoài hành tinh hoàn toàn không có cái xấu, theo logic, là không thể, bởi sự có mặt của các sinh vật có ý thức cùng với tự do ý chí. Trong mức độ, mọi hành động đều gây ra một chuỗi vô hạn các hậu quả, thì chắc chắn là không thể chỉ có các hành động kéo theo các hậu quả tốt.

Nghịch lý nhân bản vô hạn cũng gây ra nhiều vấn đề trong truyền thống Phật giáo, đặc biệt là trong khái niệm tinh thần. Theo Phật giáo, tinh thần được coi như là một “continuum (hay dòng) ý thức”, phân biệt với vật chất và không phải sinh ra từ vật chất, điều này khác với quan điểm của một số nhà sinh học thần kinh. Những người này nghĩ rằng không cần tới một dòng ý thức cùng tồn tại với vật chất, bởi vì ý thức có thể xuất hiện từ vật chất một khi các mạng neuron của các sinh vật vượt quá một ngưỡng phức tạp nào đó. Theo quan điểm duy vật này, ý thức chỉ là kết quả của dòng điện hóa chạy trong mạng neuron. Tuy nhiên, theo quan điểm Phật giáo, mà tôi ủng hộ, các dòng ý thức truyền từ giá đỡ vật chất này sang giá đỡ khác theo số các vòng sinh, sống và chết. Ý tưởng “trở về” hay “lặp lại” cũng có mặt ở đây, nhưng nó không phải là vĩnh hằng. Các vòng tái sinh sẽ kết thúc khi đạt được Giác ngộ (hay Niết bàn) – có nghĩa là đạt được tri thức tối cao. Trong Phật giáo, việc tập hợp các nguyên tử giống hệt nhau không nhất thiết tạo nên hai cá nhân giống hệt nhau, bởi ý thức không xuất phát từ vật chất. Và do nguyên lý nhân bản vô hạn dựa trên sự lặp lại vô hạn của cùng một tập hợp vật chất, nhưng không nói gì tới các dòng ý thức, nên nghịch lý này không có lý do tồn tại. Theo quan điểm Phật giáo, các dòng ý thức tiến hóa theo cái được gọi là karma (nghiệp): tập hợp các tư tưởng, lời nói và hành động của các cuộc đời trước. Nghiệp này tạo thành một liên kết nhân quả giữa các tiền kiếp, hiện tại và tương lai và mỗi người một khác. Ý tưởng những người giống hệt nhau có cùng nghiệp lặp lại vô hạn, với các dòng ý thức y hệt nhau hóa thân trong các bản sao vật chất cũng y như nhau là không tương thích với quan điểm Phật giáo.

Tất cả các hậu quả đạo đức khác thường này đã làm cho một số nhà tư tưởng bác bỏ ý tưởng về một vũ trụ vô hạn như là sự ghê tởm về mặt đạo đức. Liệu thiện và ác còn có ý nghĩa gì trong một thế giới mà mọi thứ có thể xảy ra đều xảy ra? Với những ai nghĩ rằng vũ trụ có một ý nghĩa, thì ý tưởng về một vũ trụ hữu hạn, và tức là không có nghịch lý nhân bản vô hạn, sẽ là đáng ao ước biết bao. Đó chính là quan điểm của Thánh Augustin như ta đã thấy.

Một số người khác quan tâm tới một lối thoát khác. Đối với họ, ngay cả trong một vũ trụ vô hạn, không phải mọi thứ đều có thể xảy ra, bởi vì trong các định luật vật lý và sinh học có các ràng buộc chi phối sự tiến hóa của vũ trụ. Các ràng buộc này chỉ cho phép tồn tại một số hữu hạn, chứ không phải vô hạn, các kịch bản khả dĩ. Các kịch bản này chỉ tạo thuận lợi cho sự tồn tại của các thế giới có xuất hiện sự sống và ý thức đi cùng với sự xuất hiện của đạo đức và luân lý.