ĐỐI DIỆN NỖI ĐAU MẤT NHỮNG NGƯỜI THÂN

NELSON MANDELA

Sự qua đời của người mẹ là dịp để một người con trai nhìn lại và đánh giá cuộc đời mình. Những khó khăn, nhọc nhằn sự nghèo khổ của Người lại buộc tôi đặt lại vấn đề liệu mình đã chọn đúng con đường đi chưa. 

Nhưng bao giờ tôi cũng tìm đến câu trả lời như nhau. Ở Nam Phi, một người đàn ông không được phép làm ngơ trước số phận bi thảm của người dân, cho dù hậu quả ập xuống đầu mình, gia đình mình. Tôi đã lựa chọn và sự lựa chọn đúng đắn ấy tăng sức mạnh cho tôi. Nhưng nỗi đau dày vò tôi, bởi vì tôi đã không làm được gì giúp mẹ đỡ khốn khó và nỗi đau vò xé khi tôi không thể đưa người về nơi chín suối.

Đối với người tù, thời gian dường như ngừng nhảy. Với thế giới bên ngoài mọi việc lại hoàn toàn khác. Tôi nhớ lại chuyến thăm của mẹ tôi ở đảo vào mùa xuân năm 1968. Kể từ vụ án Rinovia tôi không còn được gặp Người. Mọi đổi thay diễn ra chậm chạp và nếu như người ta sống trong lòng gia đình, bên người thân thì hẳn là người ta sẽ chẳng nhận ra những đổi thay nào. Nhưng nếu ta không được gặp mặt người thân trong một khoảng thời gian dài nhiều năm, khi gặp lại ta thấy sự thay đổi là ghê gớm. Mẹ tôi đã già đi nhanh quá. Người đã phải vượt qua một chặng đường dài từ Transkei đến Robben Island cùng con trai, con gái và em gái tôi thăm đứa con trai duy nhất đang thụ án khổ sai. Do có bốn khách đến thăm, nhà cầm quyền “gia ân” cuộc trò chuyện dài 45 phút thay vì 30 phút. Tôi cũng không được gặp hai con kể từ vụ án ấy. Nhưng chúng vẫn cứ lớn lên mà không có sự hiện diện của tôi. Tôi hết sức ngạc nhiên và tự hào khi nhìn thấy Makgatho và Makazive cao lớn, khỏe mạnh và thật sự rắn rỏi. Tôi lo sợ mình vụng về đối xử với các con như những đứa trẻ thuở nào chứ không phải như những người lớn đã trưởng thành. Các con đã thay đổi, chỉ còn lại tôi là vẫn như xưa.

Mẹ tôi gầy đi quá nhiều. Điều này làm tôi không yên lòng. Mặt Người đã quá nhăn nheo. Chỉ có em gái Mabel vẫn như xưa. Tôi thật vui mừng được gặp bốn người cùng một lúc và cùng nhau nói chuyện gia đình. Nhưng tôi đã không thể cầm lòng khi sức khỏe của mẹ đáng lo ngại quá.

Tôi nói với hai con mong muốn của mình rằng các cháu cần tiếp tục đến trường, hỏi em gái Mabel về họ hàng ở Transkei quên nhà. Thời gian đi quá nhanh. Như mọi cuộc viếng thăm, niềm vui lớn lao thường lưu giữ lại làm tăng sức mạnh cho người tù hy vọng vào cuộc gặp gỡ lần sau, đối với tôi lần này là nỗi lo về sức khỏe của mẹ. Tôi lo sợ có lẽ sẽ không còn được gặp lại Người một lần nữa.

Vài tuần sau, người ta nói với tôi khi ở mỏ đá về rằng Văn phòng nhà tù đang chờ tôi. Một bức điện gửi cho tôi đang ở văn phòng. Bức điện do Makgatho đánh. Cháu báo tin mẹ tôi qua đời sau một cơn nhồi máu cơ tim. Tôi lập tức viết bản đề nghị được về làm lễ tang cho mẹ tôi. Người ta đã lạnh lùng từ chối lời đề nghị này. Giám đốc nhà tù nói: “Mandela tôi biết là ông sẽ giữ lời hứa, sẽ không tìm cách trốn thoát nhưng tôi không thể tin quần chúng của ông được. Tôi sợ rằng họ sẽ bắt cóc ông.” Việc tôi không thể đưa mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng làm cho nỗi đau buồn của mình tăng lên gấp bội. Tôi là con trai duy nhất của Người và có nghĩa vụ không thể thoái thác theo phong tục tập quán của dân tộc tôi.

Nhiều tháng sau đó, tôi luôn luôn nghĩ về mẹ. Cả cuộc đời người đạm bạc, giản dị. Hồi còn hành nghề luật sư, tôi có điều kiện hỗ trợ Người, nhưng sau khi vào tù tôi đã không còn làm gì được cho mẹ. Tôi chưa quan tâm đúng mức đến mẹ với tư cách là con trưởng và là con trai duy nhất của Người. Mẹ có thể nể tình cho đứa con vì đại sự mà trở thành bất hiếu.

Sự qua đời của người mẹ là dịp để một người con trai nhìn lại và đánh giá cuộc đời mình. Những khó khăn, nhọc nhằn sự nghèo khổ của Người lại buộc tôi đặt lại vấn đề liệu mình đã chọn đúng con đường đi chưa. Một thời gian dài mẹ tôi đã không hiểu vì sao tôi lao vào cuộc chiến đấu vì số đông. Những người họ hàng không đặt vấn đề liệu họ có thể làm như tôi và trong thực tế họ đã không làm như tôi. Vậy mà vì hoạt động của tôi mà nhiều người khác bị liên lụy, bị trừng phạt và cầm tù.

Nhưng bao giờ tôi cũng tìm đến câu trả lời như nhau. Ở Nam Phi, một người đàn ông không được phép làm ngơ trước số phận bi thảm của người dân, cho dù hậu quả ập xuống đầu mình, gia đình mình. Tôi đã lựa chọn và sự lựa chọn đúng đắn ấy tăng sức mạnh cho tôi. Nhưng nỗi đau dày vò tôi, bởi vì tôi đã không làm được gì giúp mẹ đỡ khốn khó và nỗi đau vò xé khi tôi không thể đưa người về nơi chín suối.

Nelson Mandela's Quote

Vào buổi sáng ngày 12/5/1969, cảnh sát khám nhà tôi ở Orlando và bắt Winnie mà không cần lý do gì. Người ta nói rằng nàng bị bắt căn cứ vào đạo luật “Chống khủng bố” ban hành năm 1967 “cho phép” nhà cầm quyền bắt tống ngục bất cứ kẻ nào bị nghi là hoạt động phá hoại, khủng bố. Không chỉ Winnie mà em gái nàng cũng bị bắt trong đợt khủng bố này. Khi Winnie bị dẫn đi, hai con gái chúng tôi túm váy mẹ. Winie bị ném vào nhà tù Pretoria, bị thẩm vấn và đe dọa tàn bạo. Sáu tháng sau, người ta mở phiên tòa xét xử nàng. Winnie tự bào chữa và được trắng án. Hai tuần sau đó, người ta “phong tỏa tại gia” không cho nàng đi đâu khỏi thành phố, thậm chí ra chợ cũng có “đuôi” đi theo. Winnie làm đơn ra đảo thăm tôi. Chính quyền đã từ chối thẳng thừng.

Người ta cho phép tôi viết thư cho nàng và cũng nhận thư của nàng gửi cho tôi nhiều hơn quy định sáu tháng một lần. Vào khoảng thời gian đó, tôi còn phải chịu những mất mát đau khổ khác. Vào một buổi sáng rét buốt da tháng 6 năm 1969, ba tháng sau khi tôi được tin Winnie bị tống ngục, người ta lại gọi tôi lên văn phòng nhà tù. Tôi lại có điện từ đất liền. Bức điện lần này vẫn là do Makgatho gửi đi, con trai nhỏ nhất của tôi. Bức điện chỉ có một dòng. Makgatho báo tin anh trai cháu, con trưởng của tôi, Madiba Thembekile, thường gọi là Thembi, bị tai nạn xe hơi tử thương. Hồi ấy Thembi 25 tuổi và đã có hai con nhỏ. 

Nói gì đây trước một bị kịch như vậy? Tôi đang hết sức lo lắng về Winnie, nỗi đau mất mẹ còn chưa nguôi ngoai và bây giờ thêm một tin như thế nữa… Tôi trở nên im lặng. Trong tim tôi giờ đây là khoảng trống rỗng quá lớn không có cách nào khỏa lấp được. 

Tôi trở lại xà lim, nằm lăn ra giường. Tôi không biết mình đã nằm bao lâu, chỉ biết rằng tối đó bỏ cơm. Vài người nhìn vào và im lặng bước qua. Cuối cùng Walter vào và quỳ xuống bên tôi. Tôi đưa cho anh bức điện. Anh im lặng, nắm tay tôi. Tôi không biết anh ở bên tôi bao lâu. Trong những giờ phút ấy, người ta chẳng có gì để nói và cũng chẳng cần phải nói gì với nhau.

Tôi lại đề nghị được trở về đất liền lo ma chay cho con. Đơn bị bác. Người ta chỉ cho phép tôi gửi thư cho mẹ Thembi, Evelyn. Tôi đã gắng hết sức an ủi nàng.

Kỷ niệm trở lại thời thơ ấu của Thembi. Hồi cháu còn là một đứa bé, một lần cháu đến thăm tôi tại một ngôi nhà bí mật khi tôi đang bị truy nã gắt gao, vì phải giữ bí mật, tôi đã không thể về gặp cháu và cũng không thể báo cho cháu mình đang ở đâu. Vốn thông minh, Thembi đã “theo vết chân những người tin cậy” mà tâm hồn trẻ thơ mách bảo cho cháu, đã tìm được đến nơi cần tìm. Nhưng hình ảnh ghi lại đậm nét không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi là một lần tôi “đột nhập” vào nhà khi hai mẹ con đang ngủ. Thembi tỉnh giấc ngay tức khắc, ngồi lắng nghe mọi tiếng động như là gác cho tôi. Khi chia tay, tôi đã sửng sốt khi cháu đứng lên như một người lớn, đến bên tôi, giọng nghiêm trang: “Con sẽ chăm lo gia đình thay cha trong những ngày cha phải ra đi.”

Từ ngày đó Thembi thật sự trở thành người lớn trong nhà. Cháu còn quá nhỏ, nhưng vẫn mặc chiếc áo khoác quá khổ của tôi. Áo dài xuống quá gối. Dường như Thembi rất tự hào và được an ủi trong tấm áo có hơi ấm của bố, y như tôi cách đó mấy chục năm.

—– ??? —–

Trích từ tác phẩm “Nelson Mandela – Người tù thế kỷ”

Tác giả: Nelson Mandela

Việt dịch: Trần Nhu

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. YÊU THƯƠNG VÀ TỰ DO
  2. TỰ DO CHO CHÍNH NGHĨA
  3. TÍNH THIỆN LUÔN HIỆN HỮU NƠI MỖI NGƯỜI

Bài viết khác của tác giả

  1. YÊU THƯƠNG VÀ TỰ DO
  2. TỪ MỤC ĐỒNG TRỞ THÀNH NHÀ LÃNH ĐẠO
  3. TỰ DO CHO CHÍNH NGHĨA

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP