LỤC TỔ HUỆ NĂNG
Sư dạy chúng rằng: Thiện tri thức! Pháp môn đây của ta lấy định huệ làm căn bản. Đại chúng chớ mê mà nói định và huệ riêng khác. Định và huệ là một thể, chẳng phải là hai. Định là thể của huệ, huệ là dụng của định, ngay lúc huệ thì định ở trong huệ, ngay lúc định thì huệ ở trong định. Nếu biết nghĩa đây tức là định huệ đồng học.
Các người học đạo chớ nói trước định rồi phát huệ, trước huệ rồi phát định, mỗi cái phân riêng. Nếu thấy như vậy thì pháp thành ra có hai tướng. Miệng nói lời thiện mà trong tâm chẳng thiện, nói khống rằng có định huệ mà định huệ chẳng đồng một thể. Nếu tâm miệng điều thiện thì trong ngoài nhất như, định huệ là bình đẳng.
Tự ngộ tu hành chẳng phải ở nơi tranh luận. Nếu tranh trước sau, bèn đồng với người mê. Chẳng dứt được hơn thua, cao thấp thì cùng tăng thêm chấp ngã chấp pháp, chẳng lìa được bốn tướng.
Thiện tri thức! Định huệ do đâu mà bình đẳng? Giống như đèn sáng, có đèn là sáng, không có đèn thì tối. Đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của đèn, tên tuy có hai, thể vốn đồng nhất. Pháp định huệ đây cũng như vậy.
Sư dạy chúng rằng: Thiện tri thức! Nhất hạnh tam muội là nơi tất cả chỗ đi đứng nằm ngồi thường hành một trực tâm đó vậy. Kinh Tịnh Danh nói: Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là Tịnh độ.
Chớ nên tâm hành cong quẹo mà miệng thì cứ nói sự ngay thẳng; miệng nói nhất hạnh tam muội mà chẳng hành trực tâm. Chỉ hành trực tâm là với tất cả pháp chớ có bám nắm một pháp nào.
Người mê bám vào pháp tướng, chấp Nhất hạnh tam muội, nói rằng thường ngồi chẳng động, vọng niệm chẳng khởi nơi tâm, đó là nhất hạnh tam muội. Nếu hiểu như vậy tức là đồng với loài vô hình, trở lại thành cái nhân duyên ngăn chướng đạo.
Thiện tri thức! Đạo vốn thông lưu, sao lại làm cho ngưng trệ. Tâm chẳng trụ pháp thì đạo thông lưu, còn tâm trụ vào pháp, đó gọi là tự trói buộc mình.
Nếu nói thường ngồi chẳng động là phải thì như Xá Lợi Phất ngồi yên lặng trong rừng, lại bị Duy Ma Cật trách đó vậy.
Thiện tri thức! Lại có người dạy ngồi để xem tâm quán tịnh, chẳng động chẳng khởi, cứ theo đó mà cho là công phu. Người mê chẳng hiểu, bèn chấp lấy đó mà thành điên dại. Nhiều người dạy nhau như thế thật là lầm to!
Sư dạy rằng: thiện tri thức! Chánh giáo xưa nay không có đốn tiệm, chỉ tánh người có sắc bén có cùn lụt mà thôi. Người mê thì tu lần lần. Người ngộ thì tức thời khế hợp. Sự tự biết bản tâm, tự thấy bản tánh thì không có sai khác. Vì vậy lập ra cái giả danh đốn tiệm.
Thiện tri thức! Pháp môn đây của ta từ xưa đến nay, trước hết lập Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc.
Vô tướng là nơi tướng mà lìa tướng. Vô niệm là nơi niệm mà vô niệm. Vô trụ là bản tánh của con người.
Bản tánh ấy nơi thiện ác, xấu tốt thế gian, cho đến kẻ oán người thân, khi nói năng xúc phạm, châm chích, tranh cãi, đều xem là Không, chẳng nghĩ đến đáp trả oán hại. Ở trong niệm niệm chẳng nghĩ đến cảnh trước kia. Nếu niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm nối nhau chẳng dứt thì gọi là buộc. Nơi các pháp niệm niệm chẳng trụ thì không có gì trói buộc. Ấy là nghĩa lấy vô trụ làm gốc.
Thiện tri thức! Ngoài lìa hết thảy các tướng, gọi là vô tướng. Hằng lìa các tướng tức là pháp thể thanh tịnh. Ấy là lấy vô tướng làm thể.
Thiện tri thức! Ở ngay nơi cảnh mà tâm chẳng nhiễm, gọi là vô niệm. Ở ngay nơi niệm mà thường lìa các cảnh, chẳng nơi cảnh mà sanh tâm.
Nếu chỉ trăm việc chẳng nghĩ, diệt trừ hết các niệm, một niệm dứt hết thì chết, rồi thọ sanh nơi khác, đó là lầm to. Người học đạo cần phải suy nghĩ điều ấy. Nếu chẳng biết ý chỉ của pháp rồi tự mình lầm còn chưa hại mấy, lại khuyên dạy người khác, tự mê chẳng thấy lại chê bai kinh Phật.
Do vậy mới lập vô niệm làm tông.
Thiện tri thức! Thế nào là lập vô niệm làm tông? Chỉ vì người mê miệng thì nói thấy tánh mà nơi cảnh lại có niệm bèn khởi tà kiến, tất cả vọng tưởng trần lao từ đây mà sanh ra.
Trong tự tánh vốn không có một pháp gì có thể đắc. Nếu có chỗ đắc rồi vọng nói họa phước, đó là trần lao tà kiến. Thế nên pháp môn đây lập vô niệm làm tông.
Thiện tri thức! Vô là không có sự gì? Niệm là niệm cái gì? Vô là không có hai tướng, không có tâm trần lao. Niệm là niệm bản tánh Chân Như, Chân Như là thể của niệm, niệm là dụng của Chân Như.
Tự tánh Chân Như khởi niệm, chẳng phải mắt tai mũi lưỡi có thể niệm được. Chân Như có tánh do đó mới có niệm khởi. Nếu Chân Như không có thì mắt tai sắc thanh liền tiêu hoại ngay.
Thiện tri thức! Tự tánh chân như khởi niệm, sáu căn tuy có thấy nghe hay biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh, chân tánh vẫn thường tự tại.
Thế nên kinh nói: “Hay khéo phân biệt tướng các pháp mà trong đệ nhất nghĩa chẳng động”.