NIỆM PHẬT

PHÁP NHIÊN THƯỢNG NHÂN

11. Niệm Phật không có hình thức. Ngoài việc xưng danh hiệu, không có hình thức gì cả.

12. Niệm Phật hoàn toàn không có hình thức. Chỉ cần biết rằng: “Hễ xưng danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì được sinh sang cõi Cực Lạc.”, do đó chí tâm Niệm Phật để cầu vãng sinh.

13. Niệm Phật lấy không hình thức làm hình thức. Chỉ biết rằng thường Niệm Phật thì đến lúc lâm chung nhất định Phật lai nghinh mà vãng sinh sang cõi Cực Lạc.

14. Vấn đề Niệm Phật tuy có nhiều ý nghĩa nhưng xưng Lục Tự Hồng Danh (NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT) thì đã bao hàm tất cả.

15. Niệm Phật chẳng phải là quán Pháp Thân Phật, cũng chẳng phải là quán tướng hảo của Phật. Chỉ một lòng chuyên xưng danh hiệu Đức A Di Đà, đó là Niệm Phật.

16. Chỉ biết rằng: “Bổn Nguyện của Đức A Di Đà chẳng hư dối, hễ xưng niệm danh hiệu của Ngài thì nhất định được vãng sinh”.

Ngoài ra không cần nghĩ gì khác.

17. Tất cả căn cơ cứ tùy theo thiên tính mà Niệm Phật để vãng sanh. Cái thân hiện nay do túc nghiệp đời trước mà có, nên trong đời này không thể thay đổi. Như người nữ mà muốn đổi thành người nam trong đời này thì không thể được.

Cứ tùy theo thiên tính mà Niệm Phật. Người trí thì lấy trí mà Niệm Phật vãng sinh. Người ngu thì dùng ngu mà Niệm Phật vãng sanh. Có đạo tâm cũng Niệm Phật vãng sinh. Không đạo tâm cũng Niệm Phật vãng sinh. Người có tà kiến cũng Niệm Phật vãng sanh. Hàng phú quý, hạng bần cùng, người tham lam, kẻ tánh nóng, bậc có từ bi, hạng không có từ bi, do BỔN NGUYỆN KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN CỦA ĐỨC A DI ĐÀ, hễ Niệm Phật thì đều được vãng sinh.

18. Hỏi: Người xuất gia Niệm Phật với người tại gia Niệm Phật hơn kém ra sao?

Đáp: Người xuất gia Niệm Phật với người tại gia Niệm Phật công đức bằng nhau không có hơn kém.

Hỏi: Chỗ này quả thật tôi không hiểu. Vì sao người xuất gia không gần đàn bà, ăn chay trường mà Niệm Phật, do đó rất đáng quý. Người tại gia thường hay nghĩ đến sắc dục, ăn thịt uống rượu mà Niệm Phật, hẳn nhiên là thấp kém. Làm sao mà bằng nhau được?

Đáp: Công đức bằng nhau không có hơn kém. Vì sao vậy? Người không biết BỔN NGUYỆN CỦA ĐỨC A DI ĐÀ mới có nghi vấn này!

19. Anh Cát Đằng (một đệ tử tại gia thuộc hạng hạ lưu của ngài) cũng mong Phật cứu độ mà niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

Pháp Nhiên này cũng mong Phật cứu độ mà niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Hai bên hoàn toàn không khác gì nhau.

20. Niệm Phật của Pháp Nhiên này với Niệm Phật của anh Cát Đằng hoàn toàn như nhau. Nếu cho rằng không giống nhau, là hoàn toàn không biết ý nghĩa của Niệm Phật vậy. Như lấy gấm vóc mà gói vàng ròng, hoặc lấy vải dơ mà gói vàng ròng thì cũng là vàng ròng cả.

21. Hỏi: Niệm Phật khi tâm thanh tịnh với Niệm Phật khi tâm vọng động, hơn kém ra sao?

Đáp: Công đức bằng nhau, không có gì sai khác!

22. Hỏi: Tôi tuy Niệm Phật mà tâm cứ tán loạn không biết làm sao đây?

Đáp: Chuyện đó thì Pháp Nhiên này cũng làm không nổi!

23. Tâm của hạng phàm phu làm sao mà không tán loạn được! Cũng chính vì thế mới gọi là Pháp Môn Dễ Tu.

24. Đã sinh làm người trong cõi dục giới tán địa này thì tâm đều tán loạn cả. Nếu bảo rằng phải bỏ cái tâm tán loạn mới vãng sinh được thì thật là vô lý.

Tán tâm Niệm Phật mà được vãng sinh, đó là chỗ đáng quý của BỔN NGUYỆN vậy.

25. Chẳng phải thanh tịnh cái tâm của mình, trừ đi nghiệp chướng này rồi mới Niệm Phật, mà do thường Niệm Phật thì tội chướng tiêu diệt.

—*—
Nguồn: “Niệm Phật tông yếu”- Pháp Nhiên Thượng Nhân, (Dịch giả: Viên Thông – Nguyễn Văn Nhàn)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NIỀM TIN LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU CỦA MỌI THÀNH CÔNG VĨ ĐẠI
  2. NIỆM PHẬT TÔNG YẾU
  3. NIỆM PHẬT LÀ CHUYỆN MÌNH LÀM, VÃNG SANH LÀ CHUYỆN PHẬT LÀM.

Bài viết khác của tác giả

  1. NIỆM PHẬT TÔNG YẾU
  2. NIỆM PHẬT TÔNG YẾU
  3. BẤT LUẬN LÀ AI, HỄ NIỆM PHẬT ĐỀU VÃNG SANH.

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP