BHIKKHU BODHI
Trích "Hợp Tuyển Lời Phật Dạy Từ Kinh Tạng Pali"/ Bhikkhu Bodhi, Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch. NXB Hồng Đức, 2015.
1. TÂM LÀ CHÌA KHÓA
1) Này các Tỷ kheo, ta không thấy một pháp nào khác khó sử dụng như tâm không tu tập. Tâm không tu tập quả thật khó sử dụng.
2) Này các Tỷ kheo, ta không thấy một pháp nào khác dễ sử dụng như tâm có tu tập. Tâm có tu tập quả thật dễ sử dụng.
3) Này các Tỷ kheo, ta không thấy một pháp nào khác lại đưa đến tai hại lớn như tâm không tu tập. Tâm không tu tập quả thậtđưa đến những tai hại lớn.
4) Này các Tỷ kheo, ta không thấy một pháp nào khác lại đưa đến lợi ích lớn như tâm có tu tập. Tâm có tu tập quả thật đưa đến những lợi ích lớn.
9). Này các Tỷ kheo, ta không thấy một pháp nào khác đem lại nhiều đau khổ như tâm không tu tập và không làm cho sung mãn. Tâm không tu tập và không làm cho sung mãn đem lại nhiều đau khổ.
10. Này các Tỷ kheo, ta không thấy một pháp nào khác đem lại nhiều an lạc như tâm có tu tập và được làm cho sung mãn. Tâm có tu tập và được làm cho sung mãn đem lại nhiều an lạc.
(Tăng Chi BK I- III. Phẩm Khó Sử Dụng: 1-10 , tr 15-17)
2. PHÁT TRIỂN HAI KỸ NĂNG
(1) Chỉ và Quán ( Định và Tuệ)
– Này các Tỷ kheo, có hai pháp đưa đến tri kiến như thật. Thế nào là hai ? Đó là chỉ và quán.
– Khi chỉ phát triển, hành giả cảm nghiệm được lợi ích gì ? Tâm được tu tập. Khi tâm được tu tập, hành giả cảm nghiệm được lợi ích gì ? Tất cả tham dục được đoạn trừ.(4)
– Khi quán được phát triển, hành giả cảm nghiệm được lợi ích gì ? Trí tuệ được phát triển . Khi trí tuệ được phát triển, hành giả cảm nghiệm được lợi ích gì ? Tất cả vô minh được đoạn trừ. (5)
– Tâm bị tham dục làm ô nhiễm thì không thể giải thoát; trí tuệ bị vô minh làm ô nhiễm thì không thể phát triển. Như vậy, này các Tỷ-kheo, sự đoạn diệt của tham dục đem lại tâm giải thoát; và sự đoạn diệt của vô minh đem lại tuệ giải thoát.” (6)
(Tăng Chi BKII: iii, 10; I 61)
(2) Bốn Con Đường Đưa Đến Quả A-la-hán
Tôi nghe như vầy. Một thời, Tôn giả Ānanda đang cư ngụ tại Kosambi , ở tu viện Ghossita. Ở đó, Tôn giả Ananda nói với các Tỷ-kheo như sau:
– Này các huynh đệ
– Vâng, thưa hiền huynh, các Tỷ-kheo trả lởi.
Tôn giả Ānanda nói như sau :
– Này các huynh đệ, bất cứ vị tăng hay ni nào tuyên bố với tôi là họ đã chứng được quả A-la-hán, tất cả các vị ấy phải đi theo một trong bốn pháp đưa đến giải thoát. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các huynh đệ, vị Tỷ-kheo phát triển định trước tuệ sau.(7) Trong lúc vị ấy phát triển định trước tuệ sau như vậy, con đường giải thoát khởi lên trong tâm . Giờ đây vị ấy quyết chíthực hành, phát triển và tu tập con đường ấy, và trong lúc làm như vậy, các kiết sử được đoạn trừ và các tùy miên bị loại bỏ.(8)
Lại nữa, này các huynh đệ, hoặc là vị Tỷ-kheo phát triển tuệ trước định sau.(9) Trong lúc vị ấy phát triển tuệ trước định sau như vậy, con đường giải thoát khởi lên trong tâm . Giờ đây vị ấy quyết chí thực hành, phát triển và tu tập con đường ấy, và trong lúc làm như vậy, các kiết sử được đoạn trừ và các tùy miên bị loại bỏ.
Hoặc lại nữa, này các huynh đệ, vị Tỷ-kheo phát triển định và tuệ cùng một lượt.(10) Trong lúc vị ấy phát triển định và tuệ cùng một lượt như vậy, con đường giải thoát khởi lên trong tâm . Giờ đây vị ấy quyết chí thực hành, phát triển và tu tập con đường ấy, và trong lúc làm như vậy, các kiết sử được đoạn trừ và các tùy miên bị loại bỏ.”
Hoặc lại nữa, này các huynh đệ, tâm của vị Tỷ-kheo bị xâm chiếm bởi sự dao động về giáo lý .(11) Nhưng rồi một thời gian sau nội tâm của vị ấy vững chải, an trú, nhất tâm và định tĩnh; rồi con đường giải thoát khởi lên trong tâm . Giờ đây vị ấy quyết chí thực hành, phát triển và tu tập con đường ấy, và trong lúc làm như vậy, các kiết sử được đoạn trừ và các tùy miên bị loại bỏ.”
Này các huynh đệ, bất cứ vị tăng hay ni nào tuyên bố với tôi là họ đã chứng được quả A-la-hán, tất cả các vị ấy phải đi theo một trong bốn pháp này để đạt được giải thoát.”
( Tăng Chi BK 4: 170; II 156-57)
(3) Bốn Hạng Người
– Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này được thấy có mặt trong đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chứng được định nội tâm nhưng không chứng được tuệ quán cao thượng về các pháp.(12) Có người chứng được tuệ quán cao thượng về các pháp nhưng không chứng được định nội tâm. Lại có hạng người không chứng được định nội tâm và cũng không chứng được tuệ quán cao thượng về các pháp. Và có hạng người khác vừa chứng cả định nội tâm lẫn tuệ quán cao thượng về các pháp.
Tại đấy, này các Tỷ-kheo, người đã chứng được định nội tâm nhưng không chứng được tuệ quán cao thượng về các pháp phải đi đến gặp người chứng được tuệ quán cao thượng và hỏi như sau : ‘ Thưa hiền giả, các hành cần phải thấy như thế nào ? Các hành cần phải khám phá như thế nào ? Các hành cần phải nhận biết bằng cách quán như thế nào ? ’ (13)
Người kia cần trả lời như đã thấy và hiểu vấn đề như sau: ‘Các hành cần được thấy như thế này, chúng cần được khám phá như thế này; chúng cần được nhận biết bằng pháp quán như thế này.’ Sau một thời gian tu tập, người này chứng được cả định nội tâm lẫn tuệ quán cao thượng về các pháp.
Tại đấy, này các Tỷ-kheo, người đã chứng được tuệ quán cao thượng về các pháp nhưng không chứng được định nội tâm phải đi đến gặp người chứng được định nội tâm và hỏi như sau: ‘ Thưa hiền giả, làm thế nào để tâm vững chãi ? Làm thế nào để an trú tâm? Làm thế nào để hợp nhất tâm ? Làm thế nào để định tâm? ’Người kia cần trả lời như đã thấy và hiểu vấn đề như sau: ‘ Tâm cần phải được làm cho vững chãi như thế này, an trú như thế này, hợp nhất như thế này, và định tâm như thế này’. Sau một thời gian tu tập người này chứng được cả định nội tâm lẫn tuệ quán cao thượng về các pháp.
Tại đấy, này các Tỷ-kheo, người không chứng được định nội tâm và cũng không chứng được tuệ quán cao thượng về các pháp cần đến gặp người đã chứng được cả hai pháp ấy để hỏi như sau :‘Thưa hiền giả, làm thế nào để tâm vững chãi ?… ‘Thưa hiền giả, các hành cần phải thấy như thế nào ?… Người kia cần trả lời như đã thấy và hiểu vấn đề như sau: ‘Tâm cần phải được làm cho vững chãi như thế này… Các hành cần được thấy như thế này…’ Sau một thời gian tu tập, người này chứng được cả định nội tâm lẫn tuệ quán cao thượng về các pháp.
Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người chứng cả định nội tâm lẫn tuệ quán cao thượng về các pháp cần phải tự mình an trú trong các thiện pháp này và tiếp tục nỗ lực tu tập để tận diệt các phiền não cấu uế.
( Tăng Chi BK I- ChX, Phẩm Asura, (94) Thiền Định,tr.731-734 )
3. NHỮNG CHƯỚNG NGẠI TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN TÂM THỨC
Rồi người Bà-la-môn Sangārava đi đến Thế Tôn, trao đổi những lời thăm hỏi với ngài, rồi ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, tại sao đôi lúc có những bài kinh dù tôi đã đọc tụng trong một thời gian dài vẫn không nhớ được, nói gì đến những bài chưa được đọc tụng ? Và tại sao đôi lúc có những bài kinh chưa đọc tụng trong một thời gian dài tôi lại nhớ ra, nói gì đến những bài đã được đọc tụng?”
– Này Bà-la-môn, khi một người để tâm trí bị ám ảnh bởi tham dục, bị xâm chiếm bởi tham dục, và không hiểu được đúng như thật sự vượt thoát khỏi những tham dục đã khởi lên,(14) trong trường hợp đó người ấy không biết và cũng không thấy đúng như thật những điều thiện của chính mình, hay những điều thiện của kẻ khác, hay những điều thiện của cả hai. Lúc ấy, ngay cả những bài kinh đã được tụng đọc trong một thời gian dài cũng không nhớ được, nói gì đến những bài kinh chưa được tụng đọc.
Này Bà-la-môn, giả sử có một bát nước trộn lẫn với các phẩm nhuộm màu đỏ, vàng, xanh, hay đỏ tía. Nếu một người có mắt tốt muốn nhìn mặt mình phản chiếu trong bát nước, sẽ không biết hay thấy được mặt mình đúng như thật. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi một người để tâm trí bị ám ảnh bởi tham dục… ngay cả những bài kinh đã được tụng đọc trong một thời gian dài cũng không nhớ được, nói gì đến những bài kinh chưa được tụng đọc.
Lại nữa, này Bà-la-môn, khi một người để tâm trí bị ám ảnh bởi sân hận, bị xâm chiếm bởi sân hận, và không hiểu được đúng như thật sự vượt thoát khỏi những sân hận đã khởi lên, trong trường hợp đó người ấy không biết và cũng không thấy đúng như thật những điều thiện của chính mình, hay những điều thiện của kẻ khác, hay những điều thiện của cả hai. Lúc ấy, ngay cả những bài kinh đã được tụng đọc trong một thời gian dài cũng không nhớ được, nói gì đến những bài kinh chưa được tụng đọc.
Này Bà-la-môn, giả sử có một bát nước được đun sôi trên một ngọn lửa, đang sôi sủi bong bóng, sôi sùng sục. Nếu một người có mắt tốt muốn nhìn mặt mình phản chiếu trong bát nước, sẽ không biết hay thấy được mặt mình đúng như thật. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi một người để tâm trí bị ám ảnh bởi sân hận … ngay cả những bài kinh đã được tụng đọc trong một thời gian dài cũng không nhớ được, nói gì đến những bài kinh chưa được tụng đọc.
Lại nữa, này Bà-la-môn, khi một người để tâm trí bị dật dờ buồn ngủ ám ảnh, bị dật dờ buồn ngủ xâm chiếm, và không hiểu được đúng như thật sự vượt thoát khỏi những cơn dật dờ buồn ngủ đã khởi lên, trong trường hợp đó người ấy không biết và cũng không thấy đúng như thật những điều thiện của chính mình, hay những điều thiện của kẻ khác, hay những điều thiện của cả hai. Lúc ấy, ngay cả những bài kinh đã được tụng đọc trong một thời gian dài cũng không nhớ được, nói gì đến những bài kinh chưa được tụng đọc.
– Này Bà-la-môn, giả sử có một bát nước bị rong rêu che phủ. Nếu một người có mắt tốt muốn nhìn mặt mình phản chiếu trong bát nước, sẽ không biết hay thấy được mặt mình đúng như thật. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi một người để tâm trí bị ám ảnh bởi dật dờ buồn ngủ… Ngay cả những bài kinh đã được tụng đọc trong một thời gian dài cũng không nhớ được, nói gì đến những bài kinh chưa được tụng đọc.
– Lại nữa, này Bà-la-môn, khi một người để tâm trí bị bất an và hối hận ám ảnh, bị bất an và hối hận xâm chiếm, và không hiểu được đúng như thật sự vượt thoát khỏi những bất an và hối hận đã khởi lên, trong trường hợp đó người ấy không biết và cũng không thấy đúng như thật những điều thiện của chính mình, hay những điều thiện của kẻ khác, hay những điều thiện của cả hai. Lúc ấy, ngay cả những bài kinh đã được tụng đọc trong một thời gian dài cũng không nhớ được, nói gì đến những bài kinh chưa được tụng đọc.
– Này Bà-la-môn, giả sử có một bát nước bị gió thổi làm dao động, làm gợn sóng, xoay vòng, tạo thành những đợt sóng nhỏ. Nếu một người có mắt tốt muốn nhìn mặt mình phản chiếu trong bát nước, sẽ không biết hay thấy được mặt mình đúng như thật. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi một người để tâm trí bị ám ảnh bởi bất an và hối hận… ngay cả những bài kinh đã được tụng đọc trong một thời gian dài cũng không nhớ được, nói gì đến những bài kinh chưa được tụng đọc.
Lại nữa, này Bà-la-môn, khi một người để tâm trí bị nghi ngờ ám ảnh, bị nghi ngờ xâm chiếm, và không hiểu được đúng như thật sự vượt thoát khỏi những nghi ngờ đã khởi lên, trong trường hợp đó người ấy không biết và cũng không thấy đúng như thật những điều thiện của chính mình, hay những điều thiện của kẻ khác, hay những điều thiện của cả hai. Lúc ấy, ngay cả những bài kinh đã được tụng đọc trong một thời gian dài cũng không nhớ được, nói gì đến những bài kinh chưa được tụng đọc.
Này Bà-la-môn, giả sử có một bát nước nhiều bùn dơ, bị khuấy vẫn đục, không lắng yên, được đặt trong bóng tối. Nếu một người có mắt tốt muốn nhìn mặt mình phản chiếu trong bát nước, sẽ không biết hay thấy được mặt mình đúng như thật.
Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi một người để tâm trí bị ám ảnh bởi nghi ngờ… ngay cả những bài kinh đã được tụng đọc trong một thời gian dài cũng không nhớ được, nói gì đến những bài kinh chưa được tụng đọc.
Này Bà-la-môn, đây là lý do tại sao có những bài kinh dù đã đọc tụng trong một thời gian dài vẫn không nhớ được, nói gì đến những bài chưa được đọc tụng.
Này Bà-la-môn, khi một người không để tâm trí bị ám ảnh bởi tham dục, sân hận, dật dờ buồn ngủ, bất an hối hận và nghi ngờ, trong trường hợp ấy những bài kinh chưa đọc tụng trong một thời gian dài vẫn nhớ được, nói gì đến những bài đã được đọc tụng.
Này Bà-la-môn, giả sử có một bát nước không bị trộn lẫn với các phẩm nhuộm; không phải đang sôi sùng sục; không bị rong rêu che phủ; không bị gió thổi làm dao động và tạo thành những làn sóng nhỏ; một bát nước trong sạch, lắng yên, trong suốt, được đặt ở chỗ sáng sủa. Nếu một người có mắt tốt muốn nhìn mặt mình phản chiếu trong bát nước, sẽ biết hay thấy được mặt mình đúng như thật. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi một người không để tâm trí bị ám ảnh bởi tham dục, sân hận, dật dờ buồn ngủ, bất an hối hận, hay nghi ngờ; trong trường hợp đó ngay cả những bài kinh chưa được tụng đọc trong một thời gian dài cũng có thể nhớ được, nói gì đến những bài kinh đã được tụng đọc.
– Này Bà-la-môn, đây là lý do tại sao có những bài kinh chưa đọc tụng trong một thời gian dài vẫn có thể nhớ được, nói gì đến những bài đã được đọc tụng…
Khi Thế Tôn nói như vậy, người Bà-la-môn Sangārava bạch Thế Tôn : “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama !…. Cầu xin Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung con xin trọn đời quy ngưỡng.”
( Tương Ưng BK5- Ch.VI Phẩm Tổng Nhiếp Giác Chi. 55 V. Sangārava, tr 190-199)