ĐỘNG LỰC THỰC SỰ LUÔN BẮT NGUỒN TỪ BÊN TRONG

HAL URBAN

Trích: "Những bài học cuộc sống"

Nguyên tác: Life's Greatest Lessons

Tác giả: Hal Urban

Việt dịch: Tư Thắng

NXB. Tổng hợp Tp.HCM, Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News, 2017

Dù bạn là ai hoặc bạn bao nhiêu tuổi, nếu muốn thành đạt, thì động lực cho sự thành đạt đều nhất thiết phải xuất phát từ chính bên trong con người bạn.
_ Paul J. Meyer

 

Động lực thúc đẩy - Joseph Strauss và chiếc cầu nổi tiếng Golden Gate

Joseph Strauss và chiếc cầu nổi tiếng Golden Gate (Cầu Cổng Vàng – biểu tượng của San Francisco) – niềm tự hào của người Mỹ – Nguồn Internet

Động lực là một khái niệm cụ thể nhưng dễ dẫn đến hiểu lầm. Nhiều người, khi nghe nói từ này thường liên hệ đến những câu như “Hãy chiến đấu và chiến thắng vì màu cờ sắc áo của Gipper”, câu nói của huấn luyện viên bóng bầu dục huyền thoại của Knute Rockne với các học trò của mình; hoặc Vince Lombardi lên tinh thần cho các cầu thủ đội Green Bay Packers rằng “Ý chí chiến thắng là trên hết”. Nhưng đó không phải là động lực; đó chỉ là sự kích thích nhất thời. Trong thể thao thường đòi hỏi sử dụng năng lượng thể chất cao độ trong một quãng thời gian ngắn, sự kích thích là cực kỳ cần thiết, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, sự kích thích như thế sẽ không đi đến đâu. Làm như thế thoạt đầu nghe có vẻ phấn chấn song khi không còn hô vang những lời khích lệ thì động lực ấy cũng không còn hiệu lực nữa. Vậy động lực là gì, xuất phát từ đâu, làm thế nào để tự tạo động lực cho mình?

Các nhà tâm lý vẫn chưa thống nhất về lý do tại sao một số người tìm thấy động lực trong cuộc sống trong khi một số khác thì không. Theo tôi, khi nhìn lại những gì lịch sử đã viết về những người thành đạt, họ luôn tự tạo ra động lực cho bản thân mà không cần dựa vào những yếu tố bên ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên hiểu rằng “ động lực là cái đến từ bên trong mỗi cá nhân, hơn là do tác động từ bên ngoài, thúc đẩy chúng ta hành động”. Nói cách khác, mọi hành động của chúng ta đều có động cơ, có lý do. Chúng ta xuất phát từ những nhu cầu sâu xa bên trong. Chúng ta cần phải nghĩ về chính chúng ta. Động lực nằm trong chính những suy tư ấy. Khi là một động lực thực sự, nó có thể thúc đẩy chúng ta đi đến thành công ngoài sức tưởng tượng.

BA YẾU TỐ CHÍNH ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC

Hãy suy nghĩ về mục tiêu quan trọng mà bạn muốn đạt tới – một mục tiêu mà bạn mong muốn đạt được trong tương lai và trả lời 3 câu hỏi sau:

? Bạn có đủ khát vọng để vươn đến đích không?

? Bạn có thực sự tin là bạn có thể đạt được mục tiêu đó không?

? Bạn có hình dung rõ về mục tiêu mà bạn mong muốn đạt được không?

Nếu các câu trả lời là Có thì đó chính là những chìa khóa giúp bạn tự tạo động lực cho chính mình.

⭐️ Khát Vọng

Khát vọng là hạt giống mà từ đó mọi sự thành công nảy nở và phát triển. Nó xác định bạn sẽ trở thành một con người bình thường hay thành đạt trong cuộc sống. Khát vọng khác với khả năng, là điểm khác biệt duy nhất giữa người bình thường với người thành công. Chính khát vọng tạo nên điều kiện để người bình thường đạt được những điều phi thường. Người có khát vọng cháy bỏng hầu như không thể dừng lại, cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Ngọn lửa khát vọng cháy càng mạnh, lòng quyết tâm càng lớn thì càng dễ đạt đến thành công.

Một khía cạnh quan trọng của khát vọng là sự cam kết thực hiện lời hứa với chính mình. Điều này giúp chúng ta không nản chí khi theo đuổi con đường đã chọn cho dù gặp phải những trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua.

⭐️ Niềm Tin

Chúng ta có nhiều khả năng hơn chúng ta tưởng và ít khi chúng ta sử dụng đến nguồn năng lực nội tại này. Bước đầu tiên để đánh thức những tiềm năng đó là gia tăng niềm tin vào chính chúng ta, ít nhất đủ để cố gắng, thậm chí để chấp nhận thất bại. Niềm tin ban đầu đó sẽ mang đến những thành tựu nho nhỏ và dần vun đắp sự tự tin của bạn.

⭐️ Biết Tưởng Tượng, Hình Dung Ra Trước Kết Quả

Đầu những năm 1930, một kỹ sư tên Joseph Strauss thường đi công tác đến một công trường ở San Francisco, nơi ông có thể ngắm cảnh từ một phía của vịnh San Francisco hoang vu. Trong trí óc, ông luôn hình dung bức tranh về một chiếc cầu nối liền hai phía. Càng nghĩ, bức tranh về chiếc cầu càng hiện rõ trong ông. Và ông đã bắt đầu thực hiện việc xây dựng chiếc cầu trong mơ đó trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt của địa lý và thời tiết cùng biết bao khó khăn khác. Và đến năm 2005, người Mỹ kỷ niệm lần thứ 68 ngày khánh thành chiếc cầu nổi tiếng Golden Gate – niềm tự hào của người Mỹ.

Năm 1961, Tổng thống John Kennedy nói rằng, người Mỹ nên hướng tới mục tiêu đưa con người lên mặt trăng và trở về trái đất an toàn trước khi thập niên chấm dứt. Hàng triệu người cho rằng điều đó là không thể được, nhưng tại NASA có một nhóm nhân viên đã hình dung trước viễn cảnh đó và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Khi chúng ta chứng kiến Neil Armstrong đi bộ trên mặt trăng và trở về trái đất vào năm 1969, thì nhóm người làm việc tại NASA đã từng “ xem” những thước phim đó hàng ngàn lần trong trí tưởng tượng của họ rồi.

Khi Bill Gates đang học tại trường Harvard, chiếc máy vi tính cá nhân hãy còn ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Nhiều người xem chiếc máy vi tính như là một chiếc máy dùng để lưu trữ dữ liệu và để xử lý văn bản. Thế nhưng Bill Gates đã nhận ra những khả năng khác nữa: ông thường nghĩ về chúng khi ngồi nghe giảng những môn học mà ông không mấy thích thú. Ông còn hình dung ra những phần mềm mà sau này làm nên cuộc cách mạng trong cuộc sống của chúng ta. Bức tranh trong sự tưởng tượng đó được chuyển thành những bản thiết kế trên giấy, và ai trong chúng ta cũng đều biết rõ phần sau của câu chuyện.

Tất cả những hành động trên là hình dung sự việc trong trí não. Khi hình dung hành động của chúng ta càng rõ và càng thường xuyên bao nhiêu thì khả năng thực hiện càng nhiều bấy nhiêu. Hình ảnh trong trí óc ta là động lực thúc đẩy chúng ta hành động để đi đến thành công.

Nếu bạn ấp ủ một khát vọng cháy bỏng, một niềm tin sắt đá, và hình dung trong tâm trí rõ ràng về công việc mình sẽ thực hiện thì bạn đã có được động lực dẫn đến thành công.

Một số người chỉ mơ về thành công còn số khác sẽ biến nó thành hiện thực.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỨC MẠNH CỦA Ý CHÍ
  2. HÃY PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI BẠN
  3. HÃY HIỂU CHÍNH MÌNH

Bài viết khác của tác giả

  1. BIẾT QUÝ TRỌNG NHỮNG ĐIỀU ĐANG CÓ
  2. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  3. MẠNH DẠN ĐI TÌM GIẢI PHÁP CHO NHỮNG KHÓ KHĂN

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH