HÃY HIỂU CHÍNH MÌNH

DANIEL GOLEMAN

Trích: Trí tuệ xúc cảm; Daniel Goleman/ Nguyễn Kiến Giang dịch. NXB Lao động-Xã hội, 2018

Tiến sĩ Daniel Goleman nhận bằng tiến sĩ của Đại học Harvard và từng phụ trách mục bản tin về trí não và khoa học hành vi cho tờ NewYork Times trong 12 năm và hiện là thành viên của Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ.

Theo một truyện cổ Nhật Bản, có anh chàng võ sĩ hung hăng thách thức một vị thiền sư giải thích cho anh ta thế nào là thiên đường và địa ngục. Thiền sư đáp lại với thái độ khinh miệt:

– Anh là kẻ lỗ mãng, ta không muốn mất thì giờ với những kẻ như anh.

Cảm thấy bị lăng nhục, võ sĩ giận điên người và rút kiếm ra, thét to:

– Ta có thể giết ngươi vì sự hỗn xược.

– Đó chính là địa ngục – Thiền sư thản nhiên đáp lại.

Kinh ngạc vì lời nói rất đúng ấy, võ sĩ bình tĩnh trở lại, tra gươm vào vỏ, chào thiền sư và cảm ơn ông ta vì đã giúp mình “đốn ngộ”.

– Đó chính là thiên đường – Thiền sư nói thêm.

 

Câu chuyện này cho thấy, buông thả mình theo những xúc cảm và có ý thức về chúng thật khác nhau. Yêu cầu của Socrate là “Hãy hiểu chính mình!” nói lên nguyên tắc cơ bản của xúc cảm: phải có ý thức về những tình cảm của mình ngay từ khi chúng vừa xuất hiện.

Có vẻ như những tình cảm của chúng ta rất rõ ràng, nhưng khi nhớ lại những tình tiết đã xảy ra, chúng ta đều không chú ý tới tình cảm thật sự của mình, hoặc có chú ý tới thì quá muộn. Các nhà tâm lý học gọi ý thức về tư duy của mình là siêu nhận thức (metacognition) và ý thức về những xúc cảm của mình là siêu tâm trạng (metamood). Tôi thích nói tới ý thức về bản thân (self-awareness) để chỉ sự chú ý thường xuyên tới trạng thái nội tâm của mình. Trong ý thức hướng nội ấy, tinh thần thường quan sát và xem xét chính kinh nghiệm của mình, kể cả các xúc cảm.

Ý thức về bản thân dường như xuất phát từ sự kích thích của vỏ não mới, đặc biệt là những vùng của ngôn ngữ phụ trách việc nhận biết và gọi tên những xúc cảm được gây ra.

Tóm lại, theo cách nói của John Mayer, một trong những cha đẻ của lý thuyết về trí tuệ xúc cảm, thì ý thức về bản thân có nghĩa là chúng ta đồng thời “có ý thức” về tâm trạng tức thời và cả về những ý nghĩ liên quan với tâm trạng ấy. Ý thức về bản thân có thể mang hình thức sự quan tâm “khách quan” không xét đoán đối với những trạng thái nội tâm của mình. Nhưng Mayer nhận xét rằng tính nhạy cảm ấy cũng có thể kém vô tư hơn. Khi đó, ý thức về những xúc cảm của mình được thể hiện thành ý nghĩ như: “Lẽ ra ta không nên cảm thấy như thế.”, “Mình sẽ nghĩ đến những điều tốt đẹp để vui lên.” hoặc nếu phạm vi của ý thức hẹp hơn, đó là ý nghĩ thoáng qua, như “Đừng nghĩ tới điều đó nữa.” để phản ứng với sự kiện đặc biệt gây khó chịu.

Tuy có sự phân biệt logic giữa việc có ý thức về những tình cảm của mình và việc muốn thay đổi chúng, Mayer cho rằng trên thực tế, hai thái độ ấy thường đi đôi với nhau tức là, thừa nhận mình đang ở trong tâm trạng hung dữ cũng là muốn mình không như vậy. Nhưng sự chấp nhận này khác với những cố gắng của chúng ta nhằm chấm dứt tình trạng mình bị bốc đồng cuốn theo. Khi chúng ta nói “Dừng lại ngay” với đứa trẻ vừa đánh bạn nó, chúng ta có thể bắt nó dừng lại, nhưng không hẳn làm cho nó bình tâm được. Sự giận dữ vẫn ám ảnh đứa trẻ – “Nhưng nó làm vỡ đồ chơi của cháu!” – vì nó không được xoa dịu. Ý thức về bản thân có ảnh hưởng mạnh hơn với những xúc cảm thù địch và gây hấn. Hiểu rằng mình đang giận dữ sẽ mở rộng các khả năng giải quyết quyết định cứ để mặc nó hoặc tự giải thoát khỏi nó.

Theo Mayer, con người có thể được chia thành ba nhóm khác nhau tùy theo quan hệ của họ với xúc cảm:

  • Những người có ý thức về bản thân mình. Những người này tinh tế trong đời sống tình cảm của mình. Sự hiểu biết về những xúc cảm của chính họ đôi khi làm rõ thêm một số nét nhân cách khác như: độc lập, có tâm lý tốt, có ý thức về giới hạn của bản thân và nói chung có quan niệm tích cực về cuộc sống. Khi ở trong tâm trạng xấu, họ không bao giờ u uất kéo dài mà có thể nhanh chóng thoát ra. Tóm lại, tính cách của họ giúp họ chế ngự các xúc cảm.
  • Những người để những xúc cảm của mình nhấn chìm. Những người này thường nghĩ họ không thể thoát khỏi những xúc cảm của mình, như thể bị chúng chỉ huy. Họ thất thường và không hề có ý thức về những tình cảm của mình, đến mức bị chìm ngập vào đó và bỏ mất mọi cảm giác về không gian. Do đó, họ cũng chẳng làm gì nhiều để thoát khỏi tâm trạng xấu và thường có cảm giác là không thể kiểm soát được đời sống tình cảm của mình.
  • Những người chấp nhận các thiên hướng tinh thần của mình. Họ là người vừa có ý thức về những gì mình cảm nhận vừa chẳng làm gì để điều chỉnh lại. Dường như nhóm người này chia thành hai: một bên là những người có tâm trạng tốt, do đó, ít muốn thay đổi tâm trạng; một bên là những người vừa có ý thức về sự biến đổi tâm trạng của mình và chấp nhận chúng, lại vừa có khuynh hướng buông xuôi và chẳng làm gì cả. Khuynh hướng này thường gặp ở những người suy sụp, cam chịu thất vọng.

Ý thức về bản thân là cái căn bản đối với trực giác. Một phần quan trọng của sự điều trị tâm lý chính là tìm cách củng cố năng lực này. Đối với Howard Gardner, Sigmund Freud là hiện thân điển hình cho trí tuệ nội tâm. Freud đã chứng minh sáng rõ rằng đời sống xúc cảm phần lớn là vô thức. Có thể kiểm nghiệm định đề ấy bằng kinh nghiệm. Nhiều cuộc thí nghiệm cho thấy người ta có thể tỏ ra thích thú đặc biệt với những gì mà mình không có ý thức là đã nhìn thấy trước đó. Tất cả các xúc cảm có thể là vô thức, và thường là như vậy.

Sự khởi đầu về mặt sinh lý của một xúc cảm diễn ra trước khi ta ý thức được nó. Chẳng hạn, khi đưa tấm ảnh chụp một con rắn cho người thường sợ rắn rết, thì nhiều vùng trên da anh ta liền xuất hiện mồ hôi, dấu hiệu đặc trưng cho sự sợ hãi, trong khi đó anh ta vẫn quả quyết rằng mình chẳng cảm thấy điều đó. Sự phản ứng bằng mồ hôi ấy vẫn xảy ra ngay cả khi anh ta xem bức ảnh con rắn ấy thật nhanh khi chưa kịp có ý niệm cụ thể về cái mình vừa xem, cũng như sau đó, khi anh ta có thể biết mình bắt đầu lo hãi. Khi những vận động xúc cảm tiền ý thức đầu tiên ấy hiện rõ lên, chúng sẽ có đủ sức mạnh để thâm nhập vào trường ý thức. Như vậy, có hai mức độ xúc cảm: mức độ hữu thức và mức độ vô thức. Khoảnh khắc xúc cảm trở thành hữu thức tương ứng với sự ghi nhận nó trong vỏ não trán.

Những xúc cảm ấp ủ ở bên này ngưỡng ý thức có thể ảnh hưởng sâu sắc tới cái cách chúng ta tri giác sự vật và phản ứng lại, tuy chưa hay biết gì về hoạt động của những xúc cảm ấy. Ví dụ, một người vừa mới bị phật ý, anh ta cáu gắt vì một lý do rất nhỏ và quát mắng những người gần gũi mình mà không có duyên cớ thật sự nào. Sự bực bội của anh ta được nung nấu ở rìa ý thức và đẩy anh ta tới những phản ứng nặng nề, nhưng có thể là anh ta không biết và thậm chí ngạc nhiên khi có người nào đưa ra nhận xét ấy với anh ta. Nhưng khi anh ta đã biết được điều đó – khi sự bực bội được vỏ não anh ta nhận biết – thì anh ta có thể đánh giá lại mọi chuyện, quyết định thoát ra khỏi tình cảm tiêu cực của mình và thay đổi thái độ ấy. Như vậy, ý thức về những xúc cảm của mình là nền tảng cho hình thức căn bản thứ hai của trí tuệ xúc cảm: năng lực tự giải thoát khỏi tâm trạng xấu.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRÍ TUỆ XÚC CẢM – NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO BÊN TRONG
  2. SỐNG HÀI HÒA VỚI CẢM XÚC
  3. TÔI LÀ AI?

Bài viết khác của tác giả

  1. NÂNG ĐỠ NGƯỜI KHÁC – TRÍ TUỆ XÚC CẢM ỨNG DỤNG TRONG CÔNG VIỆC
  2. TRÍ TUỆ CẢM XÚC QUAN TRỌNG KHÔNG KÉM CHỈ SỐ IQ
  3. CẢM XÚC DÙNG ĐỂ LÀM GÌ ?

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG