SỰ HÀI HÒA GIỮA CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Nguồn: Tạp Chí Văn hóa Phật Giáo số 315, ngày 15-02-2019

Mục đích của mỗi người và cả loài người là phát triển lên tầng tâm linh. Phát triển lên tầng tâm linhcon người mới hoàn thành được sứ mệnh làm người của mình. Tiến hóa lên tầng tâm linh, đó là chiều tiến hóa của lịch sử, của từng cá nhân, cũng như của cả loài người.

Để đi lên hay trở về tầng tâm linh, của cải tài nguyên của con người gồm có tầng giác quan và tầng ý thức. Con đường đi đến thực tại tối hậu nằm trong chính thân tâm con người. Thân tâm con người là những con đường đi đến cội nguồn hay nền tảng cuộc đời của nó. Đạo Phật dạy cho chúng ta cách sử dụng những khả năng đang có sẵn để thiết lập con đường trở về nguồn thực tại tối hậu. Tất cả những gì đang có của con người ở tầng thứ nhất (các giác quan) và tầng thứ hai (ý thức) đều được huy động. Ở đây chúng ta chỉ phác lược vài điều.

Hai khả năng của ý thức khiến con người hơn hẳn thú vật là sự tập trung (mà đạo Phật gọi là Chỉ hay Định) và trí quan sát tưởng tượng (đạo Phật gọi là Quán). Đây là hai khả năng của ý thức để đưa ý thức tiếp xúc và đạt đến thực tại. Theo sự phân định của nghiên cứu hiện đại, tầng thứ hai ý thức có hai phần: trí thông minh (intelligence) và trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence).

– Trí thông minh: Chúng ta sử dụng trí thông minh để khảo sát, phân tích; nhưng ở mức độ cao nhất có thể của nó, tức là ở cấp độ thiền định và thiền quán, để phân tích sự vật, những hiện tượng, và thấy được sự không có hiện hữu riêng, độc lập của chúng, sự vô tự tánh của chúng, lúc ấy chúng ta bắt đầu thấy bản chất của mọi sự là tánh Không. Cái thấy biết bản chất của mọi sự là tánh Không này được gọi là trí huệ Bát nhã. Từ trí thông minh của ý thức được hỗ trợ, phát huy bằng những phương pháp Phật giáo, trí thông minh ấy đạt đến tầng tâm linh, nơi ấy người ta thấy biết trực tiếp thực tại.

– Trí thông minh cảm xúc: Đó là những lời nguyện, phát tâm, lòng sùng mộ, đức tin, sám hối, sự kiên trì, … những động lực này sẽ đưa chúng ta tiếp cận thực tại tối hậu.

Với các giác quan, chúng ta đi đến tận nguồn của mỗi giác quan, và khi đến tận nguồn, chúng ta sẽ thấy các giác quan là sự biểu lộ của nguồn cội. Điều này Kinh Lăng Nghiêm gọi là các căn (giác quan) viên thông. Đi đến tận nền tảng, tận nguồn gốc của mọi kinh nghiệm, chúng ta sẽ thấy cái nền tảng, nguồn gốc của mọi kinh nghiệm thì không có đáy. Đó cũng là sự giải thoát, tự do đích thực của chúng ta.

Chỉ sơ lược như thế, chúng ta cũng đã hiểu đạo Phật đưa tất cả những khả năng của con người vào con đường tâm linh, những khả năng đó thuật ngữ gọi là Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Với những khả năng có sẵn của mình, chúng ta có thể tìm thấy thực tại không chỉ ở trong thân tâm mình mà còn ở thế giới bên ngoài mình. Thực tại ấy có mặt ở tất cả nơi chốn và tất cả thời điểm.

Chúng ta đi từ cuộc sống đang có của chúng ta đến nền tảng, nguồn cội của cuộc sống ấy. Chúng ta đi từ đời sống đang biểu hiện với các giác quan và ý thức để đến nền tảng, nguồn cội của tất cả đời sống đang biểu hiện. Nhưng thật ra, đứng ở phương diện nền tảng thì tất cả mọi sinh hoạt của chúng ta và hoạt động của thế giới là sự biểu lộ của nền tảng. Chính ở nơi sự biểu hiện của chúng mà chúng ta thấy ra nền tảng. Chính ở nơi sắc mà chúng ta thấy ra Không. Thế nên, đạo Phật không chỉ nhìn cuộc sống thế gian của con người là Khổ, mà ở một cái nhìn toàn vẹn hơn, đời sống thế gian là sự biểu lộ của thực tại tối hậu, mà ta thường gọi là Đạo. Chính nhờ sự biểu lộ ra hình tướng ấy mà con người có thể trở lại nguồn là Đạo. Kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp sư Công đức nói, “Tư sanh sự nghiệp. Làm ăn sinh sống đều là thật tướng, đều là Phật pháp”, tức là đời và những hoạt động trong đời đều là Đạo, không hai không khác. Tiếp xúc và sống được đời sống tâm linh, con người mới sống đầy đủ cả ba tầng, mới trở nên con người đầy đủ, và tiến vào sự hoàn thiện và toàn diện rốt ráo của chính nó.

Như vậy, mục đích của mỗi người và cả loài người là phát triển lên tầng tâm linh. Phát triển lên tầng tâm linh, con người mới hoàn thành được sứ mệnh làm người của mình. Tiến hóa lên tầng tâm linh, đó là chiều tiến hóa của lịch sử, của từng cá nhân, cũng như của cả loài người. Đời sống con người trên trái đất này, những sinh hoạt và những cơ cấu xã hội của nó cần chú trọng đến chiều hướng tiến hóa này.

Ngày trước, vào lúc mà Karl Jaspers gọi là Thời Trục (Periode Axiale) và phần đông gọi là Thời Bình minh của Nhân loại, cách đây khoảng 2,600 năm, đời sống ở đời (Đời) và đời sống tâm linh (Đạo) gắn liền với nhau. Đó là thời kỳ bắt đầu của đời sống tâm linh với những vị Thầy như Đức Phật ở Ấn Độ, Khổng Tử và Lão Tử ở Trung Hoa, Socrates và những triết gia Hy Lạp, … Ngày nay, sự phát triển về vật chất và ý thức tiến rất nhanh, nhưng về tâm linh đã gần như tách lìa với đời sống xã hội. Trong tình hình ấy, nguyên nghĩa “nối kết trở lại” của từ religion càng có ý nghĩa nổi bật. Đã đến lúc con người cần nối kết trở lại giữa Đời và Đạo.

Đời mà thiếu Đạo thì không có hướng đi, mất trật tự và dễ sa xuống chỗ hỗn độn. Chẳng hạn như một xã hội không có niềm tin vào định luật nhân quả thì sẽ có nhiều tệ nạn, không trật tự và hỗn loạn. Nếu Đời và Đạo gắn liền nhau, người ta sẽ thấy ra ý nghĩa và thậm chí cả sự thiêng liêng của bản thân đời sống nữa. Ngày xưa, người ta học nghề và học đạo ở cùng một chỗ, như học chữ ở các chùa, tu viện. Các nghề đều lấy sự rèn luyện tính khí, đạo đức làm trọng, như nghề y, võ thuật, phong thủy, xây nhà cửa, làm nghề nông, … Thế nên mỗi nghề đều có một ông tổ, hoặc được thêm vào chữ đạo: y đạo, võ đạo, kiếm đạo, họa đạo, thi đạo, … Ngày nay, đạo đức vẫn có trong kinh tế học, chính trị học, xã hội học, … biểu lộ bằng thành ngữ “có đạo lý”, nhưng không được chú trọng thành một ngành chính nữa. Chúng ta không thể mong việc học đạo được dạy ở nhà trường, nhưng chúng ta có thể tự học hoặc học ở các tổ chức tôn giáo, miễn là chúng ta phải thấy được tầm quan trọng của nó, tầm quan trọng của tâm linh.

Đời sống tâm linh phải là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua mọi giai đoạn của đời con người, bởi vì nó còn xuyên qua cái chết. Ngày xưa, ở Ấn Độ và Trung Hoa, cuộc đời người được chia làm bốn giai đoạn, trong đó Đời và Đạo gắn liền nhau, cùng đưa con người tiến lên theo công cuộc tiến hóa.

🌺Từ thiếu niên đến lập gia đình: Học để làm người, có nghề nghiệp, có kiến thức, có tư duy, trí thông minh, trí thông minh cảm xúc, … đồng thời phải biết về Đạo: quy luật nhân quả, biết phân biệt tốt xấu đúng sai, biết những thực tập căn bản của đời sống tâm linh, như thiền định, thiền quán, …

🌻Từ làm một người chủ gia đình và một công dân xã hội: Áp dụng Đạo vào Đời để đưa cuộc sống bình thường thành một cuộc sống tâm linh, nghĩa là sống ở cả ba tầng, giác quan, ý thức và tâm linh; và do đó, là một cuộc sống hài hòa, có giá trị và hạnh phúc.

🌺Giai đoạn chín muồi của cuộc sống làm người (tương đương với sắp về hưu): Người ta truyền lại những kinh nghiệm gia đình, xã hội và tâm linh cho thế hệ sau.

🌻Giai đoạn rút lui để chuẩn bị ra đi qua đời sau.

Bốn giai đoạn của đời người tương đương với bốn mùa trong năm của thiên nhiên. Khái quát là như vậy nhưng tiến như thế nào và tiến đến đâu thì tùy thuộc khả năng của từng người.

Các giai đoạn dài hay ngắn cũng thế. Đức Thích-ca đã rút ngắn lại giai đoạn gia đình và làm việc trong xã hội. Vua Trần Nhân Tông thì trải qua cả bốn giai đoạn. Bốn giai đoạn ấy dài ngắn, thành công đến đâu là do mỗi người, cùng với những đời quá khứ của nó. Nhưng cái chính yếu là giai đoạn nào thì đời và đạo, đời sống giác quan với ý thức và đời sống tâm linh, đều đồng bộ với nhau. Phát triển là phát triển cả ba thành phần, thành công là thành công với đủ cả ba thành phần. Trưởng thành là trưởng thành với ba thành phần.

Cần nhấn mạnh vào sự đồng bộ này, vì như chúng ta thấy, đã từ lâu, phần đông người đã bỏ quên hoặc không cần biết đến đời sống tâm linh, để đến quá nửa đời người, khi thân tâm đã hao mòn, năng lượng sống đã dùng chủ yếu cho hai giai đoạn đầu của đời người, lúc ấy mới biết lo đến đời sống tâm linh. Cũng từ đó mà đời sống tâm linh hay tôn giáo được xem một cách sai lầm là chỉ để dành cho khi chết.

Sự hài hòa của ba thành phần cấu tạo nên một con người cần phải có ngay từ lúc đầu. Sự hài hòa ấy không chỉ nằm trong đời sống cá nhân, mà còn trong đời sống xã hội. Có như thế, các lãnh vực xã hội mới hài hòa với nhau, sự hài hòa ở tận nền tảng, tận nguồn cội. Năng lượng của đời sống tâm linh là năng lượng mạnh nhất, sinh khí mạnh nhất để làm cho một xã hội thành trật tự, hài hòa.

Chính sự hài hòa của ba thành phần nơi một cá nhân và nơi toàn xã hội, đó là an vui, hạnh phúc của cá nhân và xã hội.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÚNG TA ĐẾN TRẦN GIAN NÀY ĐỂ LÀM GÌ ?
  2. THANH NIÊN TRƯỚC Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI
  3. TIẾN HÓA LÊN TẦNG TÂM LINH

Bài viết khác của tác giả

  1. TU QUÁN
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH