TÔN TRỌNG VẠN PHÁP

SHUNRYU SUZUKI

Trích: Thiền Đích Thực";  Huỳnh Văn Thanh dịch, NXB. Hồng Đức; 2018

 

“Thay vì tôn trọng vạn pháp, chúng ta lại muốn sử dụng chúng vì mình, và nếu khó sử dụng được chúng, chúng ta lại muốn chế ngự chúng.”

 

Trong tu tập thiền định, chúng ta ngừng việc suy nghĩ, và tự do thoát khỏi chuỗi cảm xúc của mình. Chúng tôi không nói là chẳng có cảm xúc nào, mà là chúng ta tự do trước những tác động của cảm xúc. Chúng tôi không nói chúng ta chẳng suy nghĩ gì hết, mà là hoạt động sống của chúng ta không bị hạn chế bởi tâm trí tư duy. Nói tóm lại, có thể nói rằng chúng ta tin tưởng hoàn toàn vào mình, không suy nghĩ, không cảm xúc, không phân biệt tốt xấu, đúng sai. Bởi tôn trọng chính mình, bởi đặt niềm tin vào cuộc sống của mình, cho nên chúng ta ngồi thiền. Đó là sự tu tập của chúng ta.

Khi cuộc sống của chúng ta dựa trên sự tôn trọng và hoàn toàn tin tưởng, đó sẽ là sự yên bình viên mãn. Mối quan hệ của chúng ta với tự nhiên cần phải như vậy. Chúng ta nên tôn trọng vạn pháp, và có thể tu tập sự tôn trọng vạn pháp trong cách chúng ta quan hệ với chúng.

Sáng hôm nay, khi quỳ ở thiền đường, chúng tôi nghe thấy tiếng động rất lớn ở trên lầu, bởi vì ở trên đó, trong phòng ăn, người ta đang kéo ghế trên sàn gạch mà chẳng chịu nhấc chúng lên. Đây không phải là cách để đối xử với mấy chiếc ghế, không chỉ bởi vì việc đó có thể gây phiền lòng cho người khác, những người đang quỳ trong thiền đường ở tầng dưới, mà còn bởi vì về cơ bản đây không phải là cung cách cư xử mang tính tôn trọng đối với vạn pháp.

Kéo hay đẩy mấy chiếc ghế trên sàn nhà là rất tiện lợi, nhưng việc đó sẽ mang lại cảm giác lười biếng. Dĩ nhiên, loại thói quen lười biếng này là một phần trong văn hóa ứng xử của chúng ta, và việc đó sau cùng gây ra cho chúng ta những rắc rối, xung đột lẫn nhau. Thay vì tôn trọng vạn pháp, chúng ta muốn sử dụng chúng vì mình, và nếu khó sử dụng được chúng, chúng ta muốn chinh phục chúng. Đây là loại ý niệm không phù hợp với tinh thần tu tập thiền định.

Cùng một cách như vậy, thầy tôi là Kishizawa Ian không cho phép chúng tôi được đẩy amado (những cửa trượt che chắn mưa gió) quá một lần. Chúng là những cánh cửa gỗ nằm ngoài shoji (tấm bình phong ngăn phòng làm bằng giấy) được chống lên để che mưa gió. Ở cuối tòa nhà sẽ có một cái thùng rất lớn để đựng các amado. Bởi vì chúng là những cánh cửa trượt, cho nên một nhà sư có thể dễ dàng đẩy năm sáu cánh cửa cùng lúc, và một nhà sư khác có thể chờ cũng như xếp chúng vào thùng. Nhưng thầy của chúng tôi không thích như vậy. Ông bảo chúng tôi phải di chuyển từng cánh cửa một. Do đó, chúng tôi sẽ đẩy trượt từng cánh cửa và xếp chúng vào thùng, mỗi lần một cái.

Khi chúng ta nhấc cẩn thận các chiếc ghế từng cái một, không gây ra tiếng động gì nhiều, khi ấy chúng ta sẽ có cảm nhận về sự tu tập ở phòng ăn. Dĩ nhiên, chúng ta không chỉ không gây ra tiếng động lớn, mà cảm giác cũng hoàn toàn khác hẳn. Khi tu tập theo cách như vậy, bản thân chúng ta là Phật, và chúng ta đang tôn trọng chính mình. Quan tâm đến những chiếc ghế có nghĩa là việc tu tập của chúng ta đang vượt khỏi thiền đường.

Nếu chúng ta nghĩ thật dễ để tu tập bởi có một ngôi nhà đẹp, đó là một sự nhầm lẫn. Thật ra, có thể là rất khó khăn để tu tập với tinh thần khang kiện trong loại khung cảnh như vậy – nơi chúng ta có một tượng Phật thật đẹp và những bông hoa thơm để trang trí Phật điện. Những Phật tử Thiền tông có một câu nói là với lá cỏ, chúng ta tạo ra một tượng Phật bằng vàng cao năm thước. Đó là tinh thần của chúng ta, do đó chúng ta cần phải tu tập sự tôn kính đối với vạn pháp.

Không phải là chúng ta nên tích lũy cho thật nhiều lá cỏ để làm một bức tượng Phật thật lớn, nhưng cho đến khi có thể nhìn thấy một tượng Phật lớn bên trong một chiếc lá nhỏ, chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Cố gắng đến mức nào thì tôi không biết. Một số người có thể thấy việc đó thật dễ dàng, nhưng đối với một số người, sự nỗ lực rất lớn là cần thiết. Mặc dù việc nhìn thấy một tượng Phật lớn bằng vàng trong Phật điện lộng lẫy thì dễ dàng hơn, nhưng khi bạn nhìn thấy một tượng Phật lớn bên trong một ngọn cỏ bé xíu, niềm vui của bạn sẽ là một cái gì đó thật đặc biệt. Do vậy, chúng ta cần tu tập thái độ tôn kính bằng sự nỗ lực rất lớn.

Trong thiền đường này, ai ai cũng có thể đến và tu tập theo con đường của chúng ta, những môn sinh đã có nhiều kinh nghiệm lẫn những người chưa biết chút gì về Thiền tông. Cả hai sẽ có những khó khăn. Các môn sinh mới sẽ có những khó khăn mà họ chẳng bao giờ có thể tưởng tượng nổi. Các môn sinh cũ thì có bổn phận gấp đôi là vừa tu tập vừa khích lệ những người mới. Bằng cách không nói với họ, “anh phải làm thế này” hoặc “anh không nên làm như thế đó”, các môn sinh cũ sẽ dẫn dắt các môn sinh mới, sao cho họ có thể tu tập theo con đường của chúng ta một cách dễ dàng hơn.

Mặc dù các môn sinh mới chưa biết Phật pháp là gì, nhưng tự nhiên là họ sẽ có cảm giác tốt lành khi bước vào một Phật điện đẹp đẽ. Đó là xứ Phật, nhưng đặc biệt đối với các Phật tử Thiền tông, trang hoàng đích thực của Phật điện chính là những người đang tu tập tại đó. Mỗi người chúng ta nên là một bông hoa đẹp, và mỗi người chúng ta nên là một vị Bồ tát dẫn dắt mọi người trong cuộc tu tập. Bất kể làm gì, chúng ta cũng đều suy nghĩ về cách làm việc ấy như thế nào. Bởi chẳng có những quy tắc đặc biệt về cách đối với vạn pháp như thế nào hay cách thân thiện với người khác ra sao, cho nên chúng ta không ngừng nghiên cứu những gì sẽ giúp mọi người tu tập chung với nhau. Nếu không quên điểm này, bạn sẽ tìm được cách đối xử với mọi người, cách để đối xử với vạn pháp, và cách để đối xử với chính mình.

Đây là những gì chúng ta gọi là Bồ tát đạo. Việc tu tập của chúng ta là để giúp người, và để giúp người, chúng ta phải tìm ra cách để tu tập con đường đạo pháp của mình như thế nào trong từng khoảnh khắc. Ngưng bặt suy nghĩ và thoát khỏi tác động của cảm xúc khi chúng ta ngồi thiền không chỉ là vấn đề tập trung chú ý. Đây là sự nương tựa hoàn toàn vào chính mình, để tìm sự an trú tuyệt đối trong việc tu tập. Chúng ta giống như một em bé đang ngồi trong vạt áo của mẹ mình.

Tôi nghĩ chúng ta đang có một tinh thần rất tốt ở đây, trong thiền đường này. Tôi khá ngạc nhiên trước tinh thần ấy, nhưng câu hỏi kế tiếp là làm thế nào để trải rộng tinh thần ấy vào cuộc sống thường nhật. Bạn làm việc đó bằng cách tôn trọng vạn pháp và tôn trọng lẫn nhau, bởi vì khi tôn trọng mọi sự vật, chúng ta sẽ thấy cuộc sống đích thực của chúng. Khi tôn trọng cỏ cây, chúng ta sẽ thấy được cuộc đời thật của chúng, sự hoàn hảo lẫn vẻ đẹp của các loài hoa.

Mặc dù tình yêu là quan trọng, nhưng nếu nó bị tách rời khỏi sự tôn trọng và thành thật, nó sẽ chẳng có tác dụng gì hết. Với đại tâm và với sự tôn kính đích thực, yêu thương mới có thể thật sự là yêu thương. Do đó, chúng ta hãy hết sức cố gắng và tìm ra cách để tạo ra một tượng Phật lớn từ một cọng cỏ.

Cám ơn các bạn rất nhiều.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC
  2. NHỮNG CÂU NÓI CỦA THIỀN SƯ SHUNRYU SUZUKI

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. NGUỒN LINH SÁNG TRONG VEO
  3. MỞ RỘNG TÂM ĐỂ THẤY MỌI VIỆC NHƯ-NÓ-ĐANG-LÀ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP