SƯU TẦM
Nguồn: thanhnien.vn
Chuyên mục: GIỚI TRẺ
Người Việt thường có câu ‘9 người 10 ý’, nghĩa là dù đã đồng ý thống nhất rồi nhưng khi ra ngoài, có người vẫn nói: ‘Tôi vẫn thấy nó không ổn’ hoặc ‘Tôi vẫn thấy cách này cũng không ổn, cách kia chắc sẽ hiệu quả hơn’… Đấy là những yếu tố dẫn đến khả năng làm việc nhóm của các bạn rất kém.
Kỹ năng làm việc nhóm được đánh giá là một trong những kỹ năng quan trọng của mỗi người trẻ
Trong rất nhiều diễn đàn, buổi tọa đàm chia sẻ với người trẻ, đại đa số diễn giả đều có chung nhìn nhận, người trẻ Việt hiện nay nếu làm việc một mình rất giỏi, nhưng khi được giao làm việc nhóm thì ngược lại. Vậy đâu là câu trả lời?
? Làm việc cùng nhau thì rất khó!
Khả năng làm việc nhóm, khả năng phối hợp của người trẻ hiện nay là một trong những rào cản cực lớn trong môi trường công sở. Từ đó dẫn đến việc người lao động Việt Nam mặc dù về trí lực hay các năng lực cốt lõi không thua kém các quốc gia khác, nhưng lại ít cơ hội thăng tiến lên các vị trí lãnh đạo.
– Lê Đình Hiếu –
Trong một chương trình chia sẻ cùng người trẻ về các hoạt động tình nguyện, chị Trần Hoàng Khánh Vân, Trưởng ban Quốc tế Thành đoàn TP.HCM, cho rằng hiện nay người trẻ Việt rất kém về kỹ năng làm việc nhóm: “Chỉ cần trong khối ASEAN thì kỹ năng làm việc nhóm của chúng ta đã thấp hơn rất nhiều so với các nước. Các bạn có thể đi chơi cùng nhau nhưng bảo làm việc cùng nhau thì rất khó”.
Chị Vân cũng khẳng định: “Chỉ khi nào các bạn hạ cái tôi cá nhân xuống thì mới làm việc nhóm tốt được”.
Cũng tại một buổi chia sẻ khác với người trẻ về chủ đề “Nâng cấp phiên bản 4.0 cho sinh viên thời đại số” diễn ra tại TP.HCM, chị Kim Chi – Giám đốc tuyển dụng toàn quốc Ngân hàng Techcombank, nhìn nhận nếu một người Nhật làm với người VN thì chắc chắn không nhanh bằng, không giỏi bằng nhưng một đội của người Nhật thì lại thường thắng chúng ta, vì kỹ năng làm việc nhóm của người trẻ Việt không bằng họ. Nhưng sự thành công thường đến từ kết quả của một đội, và tại công ty của chị cũng vậy, nhiều khi một người không làm thành công nhưng một tập thể lại có thể làm được điều đó.
Từng đại diện VN tham dự rất nhiều chương trình giao lưu quốc tế, Đỗ Phạm Nguyệt Thanh – sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cũng thẳng thắn thừa nhận kỹ năng làm việc nhóm của bạn trẻ VN là không cao so với các bạn trẻ cùng độ tuổi ở các nước khác.
? Thích làm việc một mình hơn là tương tác?
Theo Nguyệt Thanh thì nguyên nhân đến từ tư duy “sợ sai”, tư duy phản biện kém hoặc thích làm việc chỗ yên tĩnh khiến các bạn có xu hướng thích làm việc một mình hơn là phải tương tác với các bạn khác trong nhóm.
Còn anh Lê Đình Hiếu, tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH California, Los Angeles UCLA; Forbes Under 30 năm 2016, phân tích có thể dễ dàng nhìn thấy người VN thường xuyên đạt các kết quả rất cao trong các cuộc thi, các chương trình khảo sát trình độ mang tính cá nhân.
Anh Hiếu đưa ra ví dụ như ở khảo sát PISA (tổ chức 3 năm/lần ở 3 lĩnh vực chính là đọc hiểu, toán học và khoa học) thì kết quả học sinh phổ thông VN nằm trong top 10 thế giới về trình độ khoa học; đồng thời ở 2 lĩnh vực còn lại cũng tương đương với các quốc gia phát triển khác trong nhóm OECD. Tuy nhiên, với các bảng xếp hạng nguồn lực lao động tại VN, nơi khả năng làm việc và lao động trong những môi trường tập thể và theo những chuẩn mực chuyên nghiệp toàn cầu, VN lại có vị trí rất thấp. Đơn cử ở bảng xếp hạng “The Global Human Capital Report 2017” do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện, chỉ số Know-How, vốn được đánh giá quan trọng qua khả năng làm việc nhóm để đạt các mục tiêu tập thể, thì VN chỉ đứng ở vị trí 120 trong tổng số 130 nước được khảo sát.
Nguyên nhân theo anh Hiếu, đầu tiên đến từ bản chất của nền giáo dục chúng ta vốn tập trung vào các môn học mang tính cá nhân, và hầu như thiếu vắng hoàn toàn các phương pháp học, các môn học đòi hỏi sự phối hợp tập thể. Học sinh tự ghi chép, tự học thuộc các kiến thức, khi kiểm tra thì gần như 100% các bài kiểm tra đều dành cho từng cá nhân riêng lẻ.
Anh Hiếu khẳng định: “Khả năng làm việc nhóm, khả năng phối hợp của người trẻ hiện nay là một trong những rào cản cực lớn trong môi trường công sở. Từ đó dẫn đến việc người lao động VN mặc dù về trí lực hay các năng lực cốt lõi không thua kém các quốc gia khác, nhưng lại ít cơ hội thăng tiến lên các vị trí lãnh đạo, đặc biệt khi vị trí lãnh đạo đó đòi hỏi phải phối hợp và làm việc cùng nhiều quốc gia hay các vùng văn hóa khác nhau”. Theo anh Hiếu, cũng không phải ngẫu nhiên mà kỹ năng làm việc nhóm được xác định là 1 trong 10 kỹ năng làm việc quan trọng nhất do diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra.
Ghi chú: Lê Đình Hiếu – Tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH. California (Mỹ)