DAVID J. POLLAY
Trích: Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác; Nguyên tác: The Law of the Garbage Truck; NXB. Tổng hợp Tp.HCM; Công ty CP Văn hóa Trí Việt – First News
“Bí mật của thành công là kiên trì theo đuổi mục tiêu.” – Benjamin Disraeli
Hãy cam kết xây dựng một môi trường làm việc không có “xe rác” – từ phía bạn và từ phía những đồng nghiệp khác. Bạn có thể tạo ra sự khác biệt trong công ty, bất kể vị trí công việc của bạn là gì. Nếu bạn là lãnh đạo trong cơ quan hay đang dự kiến trở thành lãnh đạo trong tương lai, bạn có thể tạo ra tầm ảnh hưởng lớn hơn. Khi đó, bạn có thể tuyên bố trước tập thể rằng mọi hành vi ứng xử giống “chiếc xe rác” trong tổ chức đều không được chấp nhận vì chúng ảnh hưởng xấu tới công việc chung của tập thể, gây căng thẳng quá mức trong các mối quan hệ và làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung. Một nhà lãnh đạo sáng suốt sẽ đưa ra chiến lược phát triển dựa trên sự bền vững, quy trình đào tạo đúng chuẩn, chế độ khen thưởng họp lý, xây dựng mối quan hệ gần gũi với nhân viên.. Bạn cũng cần đưa ra quy định rõ ràng trong việc tuân thủ cam kết, xác định ranh giới rõ ràng về những vấn đề không được vượt quá giới hạn.
XÂY DỰNG LÒNG TIN
Trong công việc mọi người sẽ khó tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm, dẫn đến những cuộc tranh luận nảy lửa. Vì thế, xây dựng lòng tin giữa các thành viên trong tổ chức là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo. Các nhân viên cần phải cảm thấy công ty đánh giá đúng vai trò của họ và luôn hỗ trợ họ khi cần thiết.
Người lãnh đạo có trách nhiệm định hướng môi trường làm việc cũng như văn hóa ứng xử trong tổ chức. Để làm được điều đó, người lãnh đạo cần kêu gọi các nhân viên cam kết thực hiện cam kết này. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo, hãy giải thích cho đội ngũ nhân viên của mình rõ tầm quan trọng của họ trong việc xây dựng một môi trường làm việc không có “xe rác”.
Đôi khi giữa bạn với khách hàng, nhà cung cấp, đối tác nảy sinh mâu thuẫn, hay có sự bất đồng ý kiến giữa các nhóm trong cùng bộ phận. Mọi người đều có thể tranh luận, và thậm chí phản đối ý tưởng của ai đó, nhưng đừng công kích tác giả của ý kiến đó. Có thể bất đồng, nhưng không bất hòa. Hãy tập trung tìm giải pháp cho vấn đề đang bàn luận, chứ đừng biến buổi họp thành cuộc tranh cãi mang tính cá nhân. Hãy nhớ rằng mọi người có quyền thể hiện ý kiến riêng theo những cách khác nhau. Giải pháp cho tình huống này là bạn hãy hướng cuộc thảo luận tập trung vào chủ đề chính.
Khi xuất hiện những ý kiến trái chiều, mọi người trong nhóm cần xác định yếu tố nào nằm ngoài tầm kiểm soát và yếu tố nào là có thể chấp nhận được, từ đó tìm biện pháp hỗ trợ nhau tháo gỡ khó khăn.
Hãy nhắc nhở lẫn nhau khi thấy ai đó bắt đầu có hành vi đi quá giới hạn. Như vậy, năng lượng tiêu cực sẽ bị triệt tiêu, thay vào đó cả tập thể sẽ làm việc trong nguồn năng lượng tích cực, thúc đẩy sự sáng tạo, gia tăng hiệu suất công việc. Tinh thần làm việc của nhân viên phấn chấn hơn, khách hàng cũng cảm thấy hài lòng hơn. Tám bước thực hiện với mục tiêu hướng tới xây dựng môi trường làm việc không có “xe rác” và với tư cách của một nhà lãnh đạo, bạn cần làm gì để nhân viên của mình tôn trọng cam kết nói không với “xe rác” ở nơi làm việc? Sau đây là tám chỉ dẫn nhằm giúp bạn thực hiện nhiệm vụ trên.
1. Đặt ra các kỳ vọng và đảm bảo rằng mọi người trong tổ chức đều hiểu rõ chúng.
2. Hỏi các thành viên trong nhóm xem đã thông suốt các kỳ vọng đó chưa; nếu cần, hãy thảo luận thêm.
3. Giữ cho hành động của chính bạn nhất quán với những kỳ vọng đã đặt ra.
4. Công nhận và tôn vinh những cá nhân đáp ứng các kỳ vọng đó.
5. Khi thành viên nào không đạt được những kỳ vọng đó, hãy đưa ra ý kiến phản hồi thẳng thắn và chân thành.
6. Tổ chức huấn luyện và đào tạo cho những nhân viên cần sự hỗ trợ.
7. Tổ chức lại nhân sự nhằm cảnh cáo những cá nhân vi phạm cam kết.
8. Đưa ra các mức độ hình phạt – từ khiển trách đến sa thải – đối với những nhân viên không thể đáp ứng được kỳ vọng của tổ chức.
Nhiệm vụ của bạn là đảm bảo rằng trong tổ chức không một ai có quyền cản trở người khác, cũng không ai phải chịu đựng “rác rưởi” của người khác. Trong quá trình thực hiện các bước trên, hãy thường xuyên tìm hiểu thông tin phản hồi từ phía các thành viên để kịp thời có những điều chỉnh thích hợp.
Hãy bắt tay xây dựng một môi trường làm việc không có “xe rác” ngay tại tổ chức của bạn, ngay hôm nay.
TẤM GƯƠNG MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO VĨ ĐẠI
Những lãnh tụ vĩ đại đều hiểu rằng họ không được phép để hành vi, tâm trạng của người khác chi phối mình. Họ phải chịu trách nhiệm trước mọi hành động của mình. Nếu các nhà lãnh đạo không biết kiểm soát bản thân họ thì có lẽ thế giới của chúng ta đã phải đứng trước bờ vực của những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Nelson Mandela đã vượt qua 27 năm trong chốn tù đày, một phần nhờ ông không để những kẻ giam giữ ông – từ kẻ chóp bu tới những tay gác ngục – khiến ông nản lòng, chùn bước. Mandela nhận thức rõ rằng ông không thể điều khiển hành vi của những kẻ đàn áp ông, nhưng ông có quyền quyết định cách phản ứng của mình.
Mandela có quyền căm thù những kẻ đã tước đi quyền tự do của ông, nhưng không, ông đã lấy niềm tin để thay thế sự thù hận. Ông vững tin vào một tương lai tự do và công bằng không chỉ cho người dân Nam Phi, mà cho người da màu trên toàn thế giới. Ông kiên cường đấu tranh và ông đã thành công. Niềm tin của Nelson Mandela đã dẫn lối cho hành động của ông.
Tấm gương của Mandela nhắc chúng ta không được phép để lòng căm hận làm mờ tâm trí.
Ông viết trong tự truyện Long Walk to Freedom (Đường dài tới tự do):
Tôi biết rằng trong sâu thẳm trái tim mỗi con người luôn tồn tại sự khoan dung và lòng nhân hậu. Không ai sinh ra đã ghét bỏ người khác vì màu da, vì tầng lớp xã hội, hay vì tôn giáo của họ. Để biết ghét, con người cũng cần phải học. Và nếu con người có thể học cách căm ghét, ắt hẳn con người có thể học cách yêu thương, để dòng chảy của yêu thương, chứ không phải là sự căm hận, đến với trái tim họ một cách tự nhiên… Lòng tốt của con người là một ngọn lửa, đôi khi nó có thể ẩn khuất đâu đó, nhưng sẽ không bao giờ tắt.