YU DAN
Trích: Trang Tử Tâm Đắc; Biên dịch: Lê Tiến Thành;
NXB. Tổng Hợp Tp.HCM; 2016
Hạnh phúc đích thực ở chốn nhân gian là không có việc vướng bận trong lòng. Vậy thì sự vướng bận đó biểu hiện ở cái gì? Biểu hiện ấy chính ở chỗ chúng ta tự dựng chướng ngại cho mình, khiến tầm nhìn của chúng ta không được rộng mở.
Thế thì trong cuộc sống, làm thế nào để tầm nhìn trở nên rộng mở hơn?
Thiền tông có một câu thế này: “Mắt có bụi tam giới cũng hẹp, lòng thanh thản một giường cũng rộng”. Trong mắt có bụi, trong lòng có vướng mắc thì người ta thấy “tam giới cũng hẹp”. Tam giới là gì? Là kiếp trước, kiếp này, kiếp sau. Chỉ cần việc trong mắt không hóa giải được, trong lòng suốt ngày phiền muộn, bạn sẽ thế chấp cả kiếp này, kiếp trước, kiếp sau của mình. Thế nhưng, nếu bạn mở rộng tấm lòng, mà chỉ cần ngồi trên giường nhà mình bạn cũng có thể cảm thấy trời đất rộng lớn mênh mông.
Vì vậy, muốn thực sự đạt đến tiêu dao cùng trời đất, trước hết cần phải mở rộng tầm nhìn của mình.
Đạo tuân theo tự nhiên, tức là để tâm chúng ta cảm nhận khí của trời đất. Trời đất có ở khắp nơi nên Đạo cũng có ở khắp nơi.
Đạo tuân theo tự nhiên, tức là khích lệ mỗi người đo lịch trình của mình bằng chính bước chân mình, mở mang trí mình bằng chính sự thể nghiệm của mình.
Đạo tuân theo tự nhiên, tức là làm cho chúng ta nhìn thấy mọi chỗ.
Về vấn đề Đạo tuân theo tự nhiên, Trang Tử nói về Đạo như thế nào?
Đông Quách Tử hỏi Trang Tử:
– Đạo ở đâu?
Trang Tử đáp:
– Đạo có ở khắp mọi nơi.
Đông Quách Tử không hiểu, bắt bẻ:
– Chí ít thầy cũng phải nói một chỗ chứ?
Trang Tử buột miệng nói:
– Ở con sâu cái kiến – Đạo ở trên mình những con côn trùng nhỏ.
Đông Quách Tử rất bất mãn, nói:
– Đạo thấp hèn như vậy sao?
Trang Tử lại nói
– Ở trên cây túc ma, ở trên cây cỏ dại bé nhỏ.
Đông Quách Tử càng bất mãn:
– Tại sao Đạo lại càng thấp hèn đến thế?
Trang Tử nói nặng giọng hơn:
– Trong gạch ngói.
Đông Quách Tử càng thêm bực bội:
– Sao càng nói càng thấp hèn như vậy?
Trang Tử bực mình, bèn nói:
– Trong đống phân.
Lần này thì Đông Quách Tử chẳng biết nói năng sao.
Thực ra, nếu thật sự hiểu được đoạn đối thoại này, chúng ta sẽ thấy rằng Đạo tuân theo tự nhiên có nghĩa là trong tự nhiên toàn là đạo lý.
Trời đất có ở khắp nơi nên Đạo cũng có ở khắp nơi.
Có một câu ngạn ngữ nói rằng: chân sườn núi nở đầy hoa tươi, nhưng trong mắt bò dê thì chúng chỉ là thức ăn.
Đây chính là cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta có thể nhìn thấy hoa tươi, nhưng khi tâm con người bị hai con thuyền danh và lợi che khuất thì thế giới mà chúng ta nhìn thấy có lẽ cũng toàn là thức ăn. Thức ăn là thứ ăn được, là hữu dụng, còn hoa tươi là thứ thần bí, thứ thẩm mỹ, thứ gợi mở tâm trí.
Đừng cho rằng chỉ có bò dê mới nhìn thấy chỉ toàn thức ăn, thực ra trong cuộc sống ngày nay, hàng ngày chúng ta nhìn thức ăn nhiều hơn, thấy hoa tươi ít hơn.
Điều này khiến chúng ta cần thiết phải trở lại với phạm trù Đạo mà Trang Tử nói. Chúng ta cần nhìn trong những thứ thấp hèn nhất, thậm chí bẩn thỉu nhất xem có đạo lý chân chính hay không. Hạ thấp lòng mình xuống để phát hiện, đó là một thái độ. Nói theo lời nhà Phật, chỉ khi cúi đầu, người ta mới nhìn thấu, bạn không cúi đầu sẽ không nhìn thấy.
Cảnh giới tiêu dao du bảo chúng ta phải phóng tầm mắt cho xa, cho chúng ta biết Đạo có mặt ở mọi nơi, thậm chí cho ta biết Đạo ở trong đóng phân, tức là muốn chúng ta để tâm suy nghĩ, để tâm hỏi, để tâm nhìn.
Có thể nói trên đời này, đạo lý đích thực vừa cần chúng ta có tầm mắt rộng, vừa cần chúng ta có thực tiễn.
Tương truyền có một hôm Đức Phật không thuyết pháp như mọi ngày mà trước đông đảo tăng thân đại chúng, ngài lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Trong số đệ tử chỉ có Ca Diếp mỉm cười. Khoảnh khắc Ca Diếp mỉm cười gọi là khoảnh khắc tâm hội, tức là tâm linh thần hội, bởi ngài đã hiểu nên mỉm cười.
Chúng ta thử nghĩ đến hai kết quả, thứ nhất là khi Đức Phật giơ cành hoa lên, tất cả mọi người không ai cười; nếu vậy buổi giảng kinh đã thất bại. Thứ hai là khi Đức Phật niêm hoa, tất cả mọi người có mặt đều cười, thực ra như thế cũng là thất bại bởi đó là điều không tưởng.
Chỉ cần đó là một đạo lý tinh diệu, một đạo lý gần gũi lòng người, thì sự tham ngộ của con người sẽ có nông có sâu, sẽ có xa có gần, sẽ có sự phân biệt cao thấp tùy thuộc vào tâm trí từng người, sự trải nghiệm của từng người, khuynh hướng giá trị của từng người, cảnh giới lý tưởng của từng người.
Thế giới này không bao giờ có cái gì hoàn chỉnh, giúp bạn hiểu đạo lý chính xác giống như một cộng một bằng hai.
Khi Đức Phật giơ cành hoa lên, chỉ có Ca Diếp mỉm cười; khi Trang Tử tiêu dao du, có bao nhiêu tâm hồn thật sự có được không gian rộng lớn để bay bổng, thật sự có được mấy người đạt đến cùng cảnh giới với ông?
Câu hỏi này chúng ta không thể hỏi Trang Tử, nhưng chúng ta có thể truy vấn chính nội tâm của mình.
“Lãnh ngộ trong tâm thái tự do tự tại, chỗ kỳ diệu của nó khó có thể nói cho người hay”, đó là một câu trong bài từ của Trương Hiếu Tường thời Tống, thực ra khi chúng ta đọc Trang Tử, mỗi người đều có cảm ngộ giống như khi Đức Phật niêm hoa Ca Diếp mỉm cười; khi chúng ta chậm rãi gập lại một trang sách, cảm thấy tấm lòng lãnh ngộ, thì giá trị của Trang Tử đã được thể hiện ra thật sự. Bởi lẽ Tiêu dao du của ông đã mang lại cho cuộc sống phàm tục của chúng ta một đôi cách phi phàm.