GẠT ĐI CÁI TÔI TỰ ÁI ĐỂ VƯƠN LÊN

TRẦN THỊ THÙY TRANG

Trích: Tìm đường tuổi 20s; NXB. Lao động - Xã hội; Công ty Cổ phần sách Alpha, 2017

 

Với người trẻ, bước được ra khỏi vỏ ốc an toàn để trải nghiệm, để học, để lớn đã rất khó. Làm sao để mình không chui lại vào góc nhỏ yên ấm kia khi vấp váp, ngã đau còn khó hơn bội phần.

Tôi vẫn thường được nghe câu chuyện của những người trẻ đã dũng cảm vượt qua rào cản tự ti, nhút nhát để bước ra ngoài, đón nhận cơ hội, thách thức mới. Nhưng trong đó, cũng không ít bạn bị vỡ mộng bởi những thất bại đầu đời, để rồi mất hết niềm tin vào bản thân, trốn tránh, bỏ cuộc, quay trở lại điểm xuất phát.

Cách đây không lâu tôi có nhận được lá thư của một em gái tâm sự rằng em đang ở trong một mớ bòng bong với rất nhiều cảm xúc tiêu cực, những áp lực nặng nề không thoát ra được.

Em nhận nhiệm vụ làm leader của một nhóm nhỏ trong một sự kiện ở trường. Vì là lần đầu tiên đảm đương một vai trò quan trọng như vậy, em không thực hiện được tốt trách nhiệm của mình, phải để một thành viên khác gánh “team” thay em. Em cảm nhận rõ sự chán nản của những người trong nhóm, cảm nhận rõ sự phán xét, chê cười của mọi người dành cho mình. Sự kiện kết thúc, ai cũng đều hân hoan. Riêng em thấy buồn và thất vọng về bản thân lắm. Em biết em phải học cách vượt qua nhưng sao em thấy khó khăn quá. Ngay lúc này khi mọi áp lực đang dồn xuống, em chỉ ước giá mình không nhận vai trò leader ngay từ đầu.

Câu chuyện của em làm tôi nhớ lại khoảng thời gian đầu tiên phải đối mặt với thất bại của bản thân, cũng là thời điểm mình vừa mới bước được một chút ra khỏi vỏ ốc an toàn để trải nghiệm, khôn lớn.

Tôi bắt đầu làm thực tập sinh tại Đại sứ quán Mỹ vào tháng chín, đầu năm thứ hai đại học. Đối với tôi ngày ấy, việc được thực tập tại đây quả là một điều kỳ diệu khó tin xảy ra với cô bé vốn chẳng có thành tích gì nổi bật.

Cơ hội này giúp tôi nhận ra mình có thể sắp xếp lại những định kiến tiêu cực về bản thân. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Nền móng của niềm tin tích cực về bản thân chỉ vững chắc nhất khi mình vượt qua được thời khắc đổ bể, thất bại, thời khắc tự thấy thất vọng nhất về chính mình.

Thời gian đầu tại đại sứ quán Mỹ, chủ yếu tôi làm trong thư viện, xếp sách trên giá, hỗ trợ các bạn sử dụng các tài liệu học tập, giúp đỡ diễn giả trong các chương trình. Công việc chưa có gì thú vị lắm ngoài việc được tha hồ đọc sách và tạp chí bằng tiếng Anh trong thư viện những lúc rảnh và được luyện tập tiếng Anh hàng ngày với các bạn đến thư viện học. Tôi thích được điều phối các chương trình bằng tiếng Anh hơn, nhưng chỉ các anh chị thực tập sinh “xịn” đã làm việc lâu năm, có tiếng Anh và kỹ năng “public speaking” (nói trước đám đông) tốt mới được làm công việc này.

Không rõ có phải ánh mắt tôi quá háo hức khi nhìn các chị dẫn chương trình bằng tiếng Anh hay không mà khoảng một tuần sau đó, chị phụ trách cũng quyết định cho tôi được tham gia dẫn thử một phần trong chương trình. Tôi thấy run và hồi hộp lắm. Nghĩ đến viễn cảnh được như các chị điều phối nói tiếng Anh siêu hấp dẫn trên sân khấu, tôi đã rất háo hức rồi.

Tôi dành nhiều thời gian chuẩn bị ở nhà. Tôi xem các show giải trí, học cách khuấy động đám đông. Rồi đứng trước gương luyện tập hàng giờ. Tôi còn quyết định dùng khoản tiền tiết kiệm của mình lúc đó để đầu tư mua một bộ váy thật đẹp. Đó là bộ váy đầu tiên của tôi từ ngày lên đại học. Tính tôi từ trước đến giờ vốn giản dị, chẳng điệu đà váy vóc gì cả. Sự kiện này hẳn phải rất quan trọng với tôi ngày ấy nên mới quyết định đầu tư như vậy.

Ngóng chờ mãi, cuối cùng cũng đến ngày diễn ra sự kiện.

Không hiểu sao, dù đã dồn rất nhiều tâm huyết và thời gian để chuẩn bị, phần điều phối của tôi vẫn không được như ý. Và cuối chương trình, tôi được các anh chị gọi vào phòng họp kín để…tâm sự riêng.

Hôm đấy, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm cảm giác mình là nguyên nhân làm hỏng cả một chương trình.

Đây là chương trình về tiếng Anh và văn hóa, không phải kiểu sự kiện sôi động để cần phải hoạt náo, khuấy động đám đông. Đây chắc hẳn là hậu quả của việc học theo show truyền hình giải trí và áp dụng sai cách. Kiểu dẫn của tôi cũng chưa được chuyên nghiệp, nói tiếng Anh còn hay nuốt âm nên phần nào khiến việc truyền đạt nội dung không trôi chảy. Tôi buồn và xấu hổ vô cùng. Buồn vì bị phê bình là một chuyện, cái khiến tôi buồn nhất là chương trình không thành công như ý muốn mà phần lớn là lỗi tại tôi.

Càng tâm huyết, dồn sức vào việc chuẩn bị bao nhiêu, khi thất bại, tôi càng cảm thấy xấu hổ về bản thân bấy nhiêu.

Tối hôm đấy tôi khóc nhiều lắm. Những lời nhận xét như xát muối vào tim tôi. Tôi cảm thấy xấu hổ, chỉ muốn chui vào một góc và biến mất để không ai thấy mình nữa.

Có lẽ những người tự ti chẳng dám làm gì phần nào cũng xuất phát từ việc họ sợ hãi phải trải qua cảm giác thất vọng, buồn chán về bản thân khi thất bại. Và nếu họ đã dám dũng cảm tiến về phía trước để rồi bị thất bại dìm xuống, họ càng dễ tìm được lý do để bỏ cuộc. Người ta thấy cái người ta muốn thấy, nghĩ cái người ta muốn nghĩ. Nếu bản thân vốn đã không đủ niềm tin vào chính mình, dù nỗ lực đến đâu cũng sẽ chỉ thấy những bất ổn, những lý do để bỏ cuộc.

Thời điểm ấy tôi cũng đã nghĩ đến việc bỏ cuộc. Có lẽ đây không phải chỗ dành cho mình. Mình còn thiếu quá nhiều kỹ năng để làm tốt công việc. Mình không muốn vì mình mà làm hỏng việc của tổ chức.

Trước đây tôi đã có lần trải qua những cảm giác tương tự. Lúc ấy, sự khao khát được vươn lên, chiến thắng chính mình, khao khát một tuổi trẻ thú vị, đầy trải nghiệm, bay cao, bay xa giúp tôi lấy lại năng lượng để bật dậy. Nhưng lần này lại rất khác. Vấn đề của tôi không chỉ gây ảnh hưởng đến tôi mà còn tác động lên những người khác nữa. Nếu tôi bỏ cuộc, sẽ không chương trình, sự kiện nào xảy ra vấn đề ngoài ý muốn vì tôi nữa. Không có tôi, mọi việc cũng vẫn ổn, dù sao tôi cũng chưa mang lại được giá trị đặc biệt gì cho tổ chức.

Nhưng rồi tôi tự hỏi mình liệu trốn tránh có đúng là giải pháp hay không? Hay đó chỉ là cách dễ dàng nhất để làm dịu cái tôi đầy tự ái và mong manh của mình?

Nếu tôi bỏ cuộc, chui vào vỏ ốc, bao nhiêu nỗ lực, công sức tôi bỏ ra để vượt lên chính mình sẽ đổ sông đổ bể. Tôi đã nỗ lực được đến lúc này, tại sao không thể cố gắng tiếp? Rồi tôi không quyết định được. Đầu óc cứ quẩn quanh, băn khoăn giữa chuyện tiếp tục hay từ bỏ.

Cảm thấy bất lực khi đầu óc căng lên và rối như mớ bòng bong, tôi bắt đầu cầm bút và viết ra tất cả những suy nghĩ của mình, tất cả những vấn đề mình đang gặp phải. Ngày ấy tôi làm việc này hoàn toàn theo bản năng. Nhưng về sau tôi nhận ra đây là một cách hữu hiệu để giải quyết các vấn đề về tinh thần mình đang đối mặt.

Chỉ cần dành 10-15 phút tập trung viết. Có thể viết lan man, lủng củng, không có định hướng cũng chẳng sao. Chỉ cần viết hết ra những gì mình đang nghĩ liên quan đến vấn đề của mình. Nếu viết xong, vẫn chưa thấy thông suốt, ngày hôm sau lại đặt bút viết tiếp. Dần dần những cái lan man, lủng củng ấy sẽ hiện lên cụ thể và trôi chảy hơn. Một khi vấn đề cũng như nguyên nhân đã rõ ràng, tự nhiên mình sẽ không bị stress vì nó nữa. Thay vào đó, mình sẽ tập trung tìm giải pháp, hướng đến hành động nhiều hơn.

Hầu hết các vấn đề tinh thần người trẻ gặp phải xuất phát từ sự rối rắm, nhùng nhằng, không sáng rõ trong tư duy do bị cảm xúc tiêu cực phủ lên. Viết lách là một cách hiệu quả để chuyển cuộn chỉ bị vò rối đó thành những đường chỉ rõ ràng để cảm xúc tiêu cực không còn cản trở tư duy mạch lạc của chúng ta.

Ngày ấy, tôi không nhớ mình đã viết trong bao lâu, nhưng tôi bắt đầu nhìn nhận mọi việc rõ ràng hơn và không bị cảm xúc tiêu cực chi phối nữa. Tôi đã được lựa chọn trong rất nhiều hồ sơ ứng tuyển vị trí thực tập sinh tại đây, như vậy hẳn tôi không thể không mang lại được giá trị gì. Họ đã nhìn thấy tiềm năng của tôi. Tôi thất bại lần này vì tôi mới chỉ dừng lại ở mức “tiềm năng”, trong khi các kỹ năng khác cần phải rèn luyện, cải thiện nhiều. Chẳng phải việc nâng cao kỹ năng, vượt lên chính mình cũng là mục đích của tôi khi đăng ký làm trong một môi trường chuyên nghiệp như thế này hay sao?

Nếu tôi bỏ cuộc, tôi sẽ mãi mãi chỉ dừng ở mức “tiềm năng”, thậm chí là một sự tiềm năng đáng thất vọng. Tôi cần phải dẹp tự ái cá nhân sang một bên để có thể vươn lên từ thất bại, nỗ lực phát triển bản thân để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Dẹp tự ái sang một bên, tôi đăng ký xin được hỗ trợ làm chân chạy mic cho các chị MC “xịn” tại các sự kiện. Thay vì chứng tỏ bản thân, tôi hạ thấp cái tôi xuống để quan sát và học hỏi cách các chị làm.

Mỗi chị MC lại có một cách chuẩn bị cho chương trình rất riêng. Có chị sọan sẵn tất cả những gì mình định nói đến từng câu, từng chữ. Có chị lại thích được thoải mái, tự nhiên nên thường luyện tập với khung chương trình có sẵn. Các chị đều có phong cách nhẹ nhàng nhưng rất hóm hỉnh. Cách diễn đạt của các thực tập sinh “kỳ cựu” này cũng rất rõ ràng và dễ hiểu, thỉnh thoảng lại có những yếu tố bất ngờ và biết cách chơi chữ để tạo được hứng thú cho người nghe.

Mỗi ngày đi hỗ trợ chương trình, tôi lại học được thêm rất nhiều điều hay từ kinh nghiệm của các tiền bối. Điều này về sau đã giúp tôi hình thành thói quen giữ được sự cởi mở trong suy nghĩ để đón nhận cái hay, cái đẹp, cái đáng học hỏi. Rõ ràng nếu chúng ta chỉ mải mê thể hiện bản thân hay đầu óc không cởi mở, chỉ tập trung bắt lỗi người khác, không bao giờ chúng ta học được điều gì giá trị, hữu ích. Tôi vẫn nhớ kể cả sau này khi tham dự những sự kiện về chuyên môn mà khách đến dự chán nản bỏ về sớm vì diễn giả không có phong cách nói hấp dẫn, tôi vẫn ở lại đến phút cuối để học hỏi vì tôi biết diễn giả là người có chuyên môn tốt và sẽ cho tôi một bài học nào đó. Những tích góp nho nhỏ, mỗi ngày một chút dần dần trở thành một kho tri thức của riêng tôi.

Những ngày đầu làm thực tập sinh, tôi nói tiếng Anh còn bị nuốt âm nhiều. Qua các sự kiện, chương trình, khi được các chị quý mến hơn, tôi bắt đầu nhờ tư vấn cách luyện tập để chữa được “bệnh” này. Về nhà tôi tập nói chậm lại. Không phải cứ nói tiếng Anh nhanh đã là hay. Thậm chí, nói nhanh lại còn nguy hiểm vì rất khó sửa lỗi. Để phát âm được chuẩn, việc đầu tiên là cần nói chậm lại và học cách nói rõ ràng. Khi đã phát âm chuẩn từng từ, cụm từ và cả câu, lúc đó mới bắt đầu nói nhanh dần để có được tốc độ giao tiếp tự nhiên nhất. Tôi sử dụng các từ điển có phần phát âm của người bản xứ để nghe, phân tích từng âm trong từ để bắt chước cho chuẩn nhất, sau đó mới luyện tập với cả câu. Khi từng âm đã rõ ràng, tôi bắt đầu luyện tập với các phim có phụ đề tiếng Anh để nhại giọng các nhân vật trong phim sao cho vừa giữ được ngữ điệu câu lại không làm mất âm trong từ. Sau khoảng một tháng kiên trì luyện tập, tôi chữa được “bệnh” nuốt âm.

Khi ta nỗ lực đủ nhiều, quyết tâm đủ lớn, năng lực đủ “chín”, kiểu gì cũng có ngày cơ hội xuất hiện để ta được “hái quả”.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. VƯỢT LÊN SỰ NGHI NGỜ BẢN THÂN
  2. BÀI HỌC TỪ CẬU BÉ HARVARD
  3. 1% CƠ HỘI CŨNG VẪN LÀM: ỨNG TUYỂN HỌC BỔNG TOÀN PHẦN SANG MỸ

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ