PADMASAMBHAVA
Trích: Những khai thị từ Đức Liên Hoa Sanh về con đường Đại Toàn Thiện
Advice from the Lotus-Born
Tác giả: Padmasambhava
Anh dịch: Eric Pema Kunsang, NXB. Rangjung Yeshe, 1994
Việt dịch: An Phong, NXB. Thiện Tri Thức, 1999
Kính lễ đại sư Padmasambhava ! Người Sanh Từ Hoa Sen của xứ Uddiyana là hóa thân của tất cả chư Phật ba đời, vị vidyadhara vĩ đại của toàn giác bất hoại. Ngài được mời đến Tây Tạng do đức vua và người trị vì Trisong Deutsen. Khi ở đó, tôi, Tsogyal, phụng sự ngài như là người phối ngẫu tâm linh và người phục vụ. Một lần, khi ở trong động Tidro xứ Shotoš, tôi được chỉ cho và nhận ra ý nghĩa của Tâm Yếu Vô Thượng Thậm Thâm của Đại Toàn Thiện. Tôi xác quyết được trạng thái bổn nhiên qua cái thấy như là kinh nghiệm trực tiếp, nó không phải là giả định. Choáng váng vì ngạc nhiên, tôi, công chúa của Kharchen, hỏi rằng :
– Kỳ diệu thay ! Đại sư, vì tất cả các điểm then chốt của Tâm Yếu của Mantra Ẩn Mật đều bao gồm trong ba nguyên lý yếu tính, bản tánh và công dụng,(5) trong ba cái này có thể có sự sai lạc nào hay không?
Đạo sư nói : Tsogyal, con hỏi điều đó thật là tuyệt hay. Thật vậy, mọi điểm then chốt của Tâm Yếu Thậm Thâm đều chứa đựng trong yếu tính, bản tánh và công dụng. Khi một người không hiểu, có ba đường lối đi lạc. Để giải thích điều này, có bốn điểm: cách đi lạc, dấu hiệu của sự đi lạc, khuyết điểm của điều này, và hậu quả của sự đi lạc.
Thứ nhất, cách đi lạc khỏi yếu tính. Tổng quát, ‘yếu tính’ đơn giản là trạng thái bổn nhiên của tánh Giác của con – sự tỉnh giác không giả tạo và không hư hoại. Từ vô thủy đến bây giờ, tánh Giác này thường trụ như một cái biết trống không, nó không được tạo tác từ bất cứ thứ gì. Khi, thay vì an trụ ngay như vậy, có người tu hành bằng cách tưởng tượng nó là trống không, thế là người ấy không thoát khỏi thái độ ý niệm danh tướng của sự trụ vào cái trống không. Bởi thế người ấy lạc vào cái gọi là ‘Tánh Không hư vô luận’.
Dấu hiệu của sự đi lạc là bắt đầu có những suy nghĩ như là “Không có chư Phật ở trên ! Không có chúng sanh bên dưới ! Mọi sự đều không vì chúng không hiện hữu !”
Khuyết điểm của cách đi lạc này là tư tưởng ý niệm, “tất cả đều không.” Một thái độ như vậy làm cho con bỏ mọi hình thức của hoạt động tâm linh như là sùng mộ và tri giác thanh tịnh, quy y và Bồ đề tâm, tâm từ và bi vân vân. Con lại dấn thân vào các theo đuổi thế tục. Đối với cái xấu, thái độ này làm cho con đi vào một cách buông tuồng trong các hành động không đức hạnh. Người nào hành động trong đường lối hư hỏng này chắc chắn sẽ không có chỗ nào khác ngoài Địa Ngục Kim Cương.
Làm hư hỏng chân lý của cái vốn là thiện đức, hậu quả của một thực hành điên rồ như vậy sẽ là tái sanh làm một kẻ chấp không cực đoan. Làm hư hỏng chân lý nhân quả, con sẽ chìm đắm trong đại dương của đau khổ.
Tsogyal, có nhiều người tuyên bố thấu hiểu tánh Không, nhưng ít người thấu hiểu trạng thái bổn nhiên tối hậu.
Bây giờ, về ‘bản tánh’, cũng có bốn điểm để đi lạc, mà điểm thứ nhất, đi lạc khỏi bản tánh là như sau. Quang minh tự nhiên của tánh Giác trống không nó là hiện diện sáng tỏ như là các Thân và trí huệ không có thân (hình tướng) với đầu và tay, không có màu sắc, và không được tạo từ bất cứ thuộc tính hữu hạn nào. Quang minh bổn nhiên của tánh Không này tự có như là một phẩm chất thông tỏ nó không chia lìa khỏi tánh Không. Không nhận ra tánh Không thông tỏ này như là một nhất thể không thể phân chia thì gọi là “cái giác lạc vào tri giác nhị nguyên.”
Dấu hiệu của người nào đi lạc vào lối này là người ấy phát biểu các từ ngữ giáo pháp theo một cách cực đoan. Dầu được dạy cho những lời diễn tả cái nhất thể này, tâm nó cũng không thể nắm được chúng.
Khuyết điểm của sự đi lạc theo lối này là thái độ ý niệm danh tướng khi nhìn đối tượng như là cụ thể có thực sẽ ngăn cản con không hiểu được giáo lý Duy Tâm. Qua biên kiến nặng nề này, con xa lìa khỏi con đường và các cấp bậc đi đến toàn giác. Người nào trụ vào cái được thấy như là một thực tại vững chắc thì không phải là một ứng viên cho giải thoát !
Hậu quả của sự lạc đường này là, bên ngoài, phải sanh lại trong Sắc giới vân vân, vì đem sự chấp tướng vào trong quang minh hiển lộ. Bên trong, thái độ một chiều này, sự thất bại không nhận ra tánh Giác như là sự thông tỏ trống không, là nguyên nhân không thể giải thoát.
Tsogyal, nhiều người tuyên bố đã nhận ra Quang minh, nhưng có ít người tu hành trong nhất thể của cái biết trống không!
Bây giờ về công dụng, có bốn điểm đi lạc, thứ nhất là đường lối, cách thức đi lạc khỏi công dụng. Trong yếu tính, bất kể chúng xuất hiện như thế nào, các tư tưởng khác nhau biểu lộ từ tánh Giác như là sự sáng chiếu tự nhiên của sự thông tỏ trống không thì không bao giờ vượt ngoài tánh Giác trống không. Không hiểu được điều này thì gọi là “đi lạc khỏi tánh Giác trống không.”
Dấu hiệu đi lạc vào lối này là các tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi đều dấn mình vào các cuộc theo đuổi cuộc đời thế tục.
Khuyết điểm của loại đi lạc này là một thái độ ý niệm như thế, trong đó tư tưởng xảy ra không hiện lên như là Pháp thân, sẽ trói buộc con trong mạng lưới của tư tưởng sanh khởi, như vậy làm tê liệt sự thực hành tâm linh của con. Các thói quen tiêu cực thống trị của các khuynh hướng tiềm ẩn làm cho con theo đuổi các mục tiêu của cuộc đời này. Bị khóa trong những cái còng của nghi ngờ nhị nguyên, con tự cột mình vào hy vọng và sợ hãi.
Hậu quả của sự đi lạc theo lối này là làm vững chắc thêm các khuynh hướng thói quen bởi vì không nhận ra sự đi lạc của các tư tưởng ; tiêu phí đời mình trong phóng dật bởi vì không nhớ các hậu quả của nhân quả ; và khi con chết, sẽ đi lạc vào ba cõi.
Nhiều người tuyên bố tự do khỏi tư tưởng, nhưng ít người thấu rõ điểm then chốt như thế nào chúng thoát khỏi sự sanh khởi.
Bà Tsogyal lại hỏi : Vì thật vô nghĩa nếu không cắt đứt ba lối lầm lạc này, làm thế nào chúng ta chuyển hóa nó?
Đạo sư trả lời : Tsogyal, yếu tính trống không của tánh Giác của con thì không do cái gì tạo ra. Không nhân và duyên, nó hiện tiền xưa nay. Chớ cố công thay đổi hay làm biến chất tánh Giác. Hãy để nó hiện hữu đúng như nó là ! Như thế con sẽ thoát khỏi đi lạc và tỉnh giác ở trong trạng thái của thanh tịnh bổn nguyên.
Cùng như thế, bản tánh thông tỏ của con thì hiện tiền một cách nguyên thủy và tự nhiên, không tách lìa tánh Không. Sự biểu lộ của nó, cái công dụng vô ngại của bất cứ cái gì sanh khởi, thì không có sự hiện hữu cụ thể, là vô tự tánh. Hãy nhận biết rằng cả ba phương diện (của tánh Giác) là một nhất thể vĩ đại không thể phân chia. Như thế con tỉnh ngộ như là tính không thể phân chia của Ba Thân.