BẢN CHẤT CỦA TÁNH BIẾT

RUPERT SPIRA

Trích: Bản Chất của Tánh Biết; Việt dịch: Minh Tuệ Đỗ Minh.

Ảnh: Rupert Spira

Tất cả những kinh nghiệm khách thể đều được nhận biếtChúng ta nhận biết được những kinh nghiệm của mình.

Không thể nào có một kinh nghiệm mà không có sự biết hay nhận biết được.Ý nghĩ hiện thời, một ký ức thời thơ ấu, bất cứ tình cảm hay cảm xúc nào đang có mặt, cảm giác đau hay đói, tiếng xe cộ, những dòng chữ này hay quang cảnh nhìn từ cửa sổ .v.v tất cả đều được biết hay kinh nghiệm.

Như vậy, việc biết hay nhận biết đều có mặt trong tất cả những kinh nghiệm.

(Từ ‘kinh nghiệm’ trong ngữ cảnh này muốn nói đến tất cả kinh nghiệm xảy ra bên trong như ý nghĩ, hình ảnh, ký ức, cảm xúccảm giác cùng với những tri giác qua các giác quan về thế giới bên ngoài như cảnh vật, âm thanhmùi vịcảm giác xúc chạm và hương vị. Những kinh nghiệm này muốn nói đến một cách chung chung như là ‘những đối tượng’ hay ‘kinh nghiệm khách thể’.)

Dù cho chúng ta bị trầm cảm, cô đơn, buồn bã, vui vẻan lạc, đang yêu, lo âu, chán chường, ganh tị, phấn khích hào hứng hay hạnh phúc . . . chúng ta đều nhận biết. Dù cho chúng ta đang suy nghĩ, đang ăn, đang bước đi, đang lái xe, đang khiêu vũ, đang học, đang mơ hay đang hoang tưởng, chúng ta đều nhận biết.

Bất cứ chúng ta suy nghĩ gì, cảm xúc gì, tri giác hay làm gì . . . chúng ta đều nhận biếtChúng ta nhận biết bất cứ những gì đang được biết hay đang được kinh nghiệm, bất chấp nội dung của hiểu biết hay kinh nghiệm ấy là cái gì.

Như vậy, việc biết hay nhận biết là một nhân tố có mặt không gián đoạn trong tất cả hiểu biết và kinh nghiệm.Nó có mặt liên tục xuyên suốt trong cả ba trạng thái thức, mơ và ngủ. Không có một nhân tố nào khác của kinh nghiệm tiếp diễn liên tục cả.

Thực ra thì việc nhận biết không phải liên tục kéo dài trong thời gian – nó lúc nào cũng hiện diện ở đó. Tuy nhiên, như là nương theo đối với niềm tin của tâm trí trong thực tại của thời gian nên chúng ta tạm thời nói rằng việc nhận biết là một nhân tố liên tục có mặt trong tất cả mọi kinh nghiệm.

Tất cả những kinh nghiệm khách thể – ý nghĩhình ảnhcảm xúccảm giác và tri giác đều xuất hiện và biến mất – nhưng kinh nghiệm biết hay nhận biết thì luôn xuất hiện hay chằng bao giờ biến mất cả.

Nó vẫn có mặt xuyên suốt trong tất cả những thay đổi của kinh nghiệm, giống như màn hình vẫn luôn luôn có mặt xuyên suốt trong tất cả những bộ phim.

Biết hay nhận biết có mặt đều khắp trong tất cả những kinh nghiệm, nhưng không bao giờ bị thay đổi bởi bất cứ một kinh nghiệm cụ thể nào.

Ý nghĩcảm xúccảm giác hay tri giác của các giác quan thay đổi vô số lần trong cuộc đời của chúng ta, nhưng cái biết nhận biết được chúng – kinh nghiệm đơn giản của việc biết bao giờ cũng vẫn như vậy.

Tri thức cùng kinh nghiệm luôn luôn thay đổi nhưng việc biết hay nhận biết thì không bao giờ thay đổi.

Những gì được biết luôn luôn đổi thay và cái biết thì không bao giờ thay đổi.

                                                                                   ***
Mối quan hệ giữa việc biết hay nhận biết đối với tri thức và kinh nghiệm cũng giống như sự quan hệ giữa một màn hình có khả năng nhận biết đối với một bộ phim. Không giống như màn hình theo kiểu cổ đang được xem bởi một người đang ngồi trên ghế sofa, màn hình nhận biết của cái biết hay nhận biết thuần khiết này đang xem bộ phim của những kinh nghiệm đang diễn ra trong nó.

Việc biết hay nhận biết không phải là không thể tiếp cận được, không thể biết được, hay chôn sâu bên trong chúng ta. Nó đang chiếu sáng một cách rõ ràng ở phần nền hậu cảnh của tất cả những kinh nghiệm, có thể nói rằng nó giống như màn hình đang hiển hiện rõ ràng ở phần nền hậu cảnh của một bộ phim vậy.

Tuy nhiên, giống như màn hình thường bị bỏ quên, không được để ý tới khi đang xem phim do sự quyến rũ của những màn diễn trong phim, cũng vậy, việc biết hay nhận biết hay chính cái biết thường vẫn không được chú ý đến do chúng ta giới hạn sự tập trung chú ý của mình đến những đối tượng của kinh nghiệm.

Việc biết hay nhận biết không lệ thuộc vào điều kiện hay phẩm chất riêng biệt nào của những kinh nghiệm. Nó chiếu sáng đều lên tất cả những kinh nghiệm, bất chấp kinh nghiệm như thế nào, có thể là dễ chịu hay khó chịu, có thể tốt hay xấu, có thể đúng hay sai, cũng giống như màn hình vẫn rõ ràng xuyên suốt những bộ phim được chiếu, mặc cho nội dung của chúng là gì.

Việc biết hay nhận biết là một nhân tố kinh nghiệm cốt lõi, không bị suy giảm. Nó là nền tảng cho mọi kinh nghiệm. Nó chính là nhân tố kinh nghiệm không thể bị loại trừ ra khỏi chính nó.

Việc biết hay nhận biết không bao giờ bị biến dạng bởi những kinh nghiệm cả. Nó không bao giờ di chuyển hay biến động. Đó là nhân tố ổn định duy nhất trong những kinh nghiệm.

Việc biết hay nhận biết này là thành phần chủ đạo trong tất cả những tri thức và kinh nghiệm. Nó là cái nền hậu cảnh mà trên nó tất cả tri thức và kinh nghiệm đang xảy ra.

Việc biết hay nhận biết là nơi cho tất cả những kinh nghiệm xuất hiện trên nó và trong nó. Nó là pháp mà với nó tất cả những kinh nghiệm được nhận biết và, cuối cùng, nó là  cái nền hay thực tại mà từ đó tất cả những kinh nghiệm được tạo ra.

Nó chính là nhân tố biết trong tất cả những kinh nghiệm. Nó chính là sự kinh nghiệm trong tất cả những kinh nghiệm.

                                                                                  ***
Giống như màn hình không bao giờ xuất hiện như là một đối tượng trong bộ phim, mặc dù nó có mặt trọn ven xuyên suốt khi phim đang chiếu, cũng vậy, việc biết hay nhận biết không bao giờ xuất hiện như một đối tượng của tri thức hay kinh nghiệm và dù là như vậy, nó vẫn chiếu sáng rõ ràng trong tất cả những tri thứckinh nghiệm.

Dù cho việc biết và nhận biết tự nó không phải là một kinh nghiệm khách thể, theo nghĩa một ý nghĩcảm xúccảm giác hay tri giác là một kinh nghiệm có tính khách thể, tuy nhiên chúng ta nhận biết được rằng chúng ta đang nhận biết. Như thế, dù cho việc biết hay nhận biết không có phẩm chất của đối tượng, là vô tướng nhưng đồng thời nó cũng được nhận biết.

Trong văn cảnh này, tôi muốn nói đến ‘kinh nghiệm’ của việc biết hay nhận biếtTuy nhiên, để phân biệt việc biết hay nhận biết với tất cả tri thức và kinh nghiệm khách thể, nó được nói đến như là một kinh nghiệm biết hay nhận biết không mang tính khách thể, kinh nghiệm vô tướng.

Việc biết hay nhận biết tự bản thân nó không phải là kinh nghiệm có tính đối tượng, nhưng nếu không có nó, sẽ không thể có bất cứ kinh nghiệm nào. Nó làm cho mọi kinh nghiệm có thể có mặt, tuy nhiên tự nó không phải là một kinh nghiệm.

Việc biết hay nhận biết không có tính đối tượng, trong suốt hay không màu. Nó trống rỗng tất cả những đối tượng nhưng lại trọn vẹn đầy đủ trong chính nó. Như vậy, nó là một kinh nghiệm hoàn toàn duy nhất, độc đáo. Chúng ta không thể biết nó như là một đối tượng, tuy nhiên không phải là nó không thể được biết.

Đó là một nhân tố rõ ràng nhất và cũng là một nhân tố bị bỏ quên nhiều nhất.

Trong truyền thống Kashmir Shaivite nó được nói đến như là “một bí mật lớn nhất, chôn kín sâu hơn những gì bị chôn kín, nhưng lại rõ ràng nhất trong những cái rõ ràng”

                                                                                             ***
Không cần phải có những điều kiện tiên quyết nào cả để chúng ta nhận ra việc biết hay nhận biết này . Để nhận ra kinh
nghiệm
 biết hay nhận biết không đòi hỏi một phẩm chất đặc biệt nào hay trình độ thông minh nào cả. Không cần đến bất
cứ nổ lực nào để nhận ra kinh nghiệm biết hay nhận biết, điều này không khác gì với việc không cần nổ lực gì để thấy
được cái màn hình lúc xem phim.

Không cần thiết để khống chế tư tưởng, ngồi theo tư thế đặc biệt nào đó hay tập luyên cái gì đó được gọi là thiền để có thể nhận biết được kinh nghiệm của nhận biếtKinh nghiệm nhận biết vô-đối-tượng hay vô tướng là một kinh nghiệm đơn giản nhất, gần gũi nhất, rõ ràng nhất, tự nó là hiển nhiên nhất.

Kinh nghiệm nhận biết độc lập với những gì được chúng ta nhận biết. Không có một kinh nghiệm nào ảnh hưởng được kinh nghiệm nhận biết vô tướng này cả, cũng giống như không có gì xảy ra trong phim ảnh hưởng đến màn hình mà trên đó phim đang được trình chiếu.

Không cần thiết phải thay đổi hay kiểm soát những kinh nghiệm theo cách nào đó để nhận ra được cái nền đơn giản của nhận biếtChúng ta có thể sợ hãi, chán chường, xáo động, trầm cảm, đang yêu, đang an lạc, nhưng kinh nghiệm nhận biết thì vẫn như vậy trong mọi trạng thái.

Giống như không có biến cố nào trong một bộ phim có khả năng che mờ màn hình trừ phi chúng ta cho phép nó làm điều đó, cũng vậy không có kinh nghiệm nào có khả năng che mờ kinh nghiệm của biết hay nhận biết trừ phi chúng ta cho phép chúng làm như vậy. Khi chúng ta không cho phépkinh nghiệm của biết hay nhận biết sẽ trở nên rõ ràng.

Hãy cho phép kinh nghiệm nhận biết có mặt nơi phần tiền cảnh phía trước của những kinh nghiệm, và để ý nghĩ, cảm xúccảm giác và tri nhận của các giác quan lùi lại nơi phần hậu cảnh phía sau. Chỉ đơn giản ghi nhận kinh nghiệm của nhận biếtAn lạc và hạnh phúc mà tất cả mọi người khao khát có được đều nằm an trú ở đó. HÃY NHẬN BIẾT SỰ NHẬN BIẾT.

BẢN CHẤT CỦA TÁNH BIẾT

Trong nhiều truyền thống tâm linhkinh nghiệm biết hay nhận biết được nói đến như là “Tâm” (‘Bản Tâm’) hay ‘Cái Biết’ (‘Tánh Giác’). Hậu tố “ness” trong từ ‘consciousness’ hay ‘awareness’ có nghĩa là ‘trạng thái hay sự hiện hữu của (cái gì đó)’, vì vậy từ “tánh giác’ có nghĩa là trạng thái hay sự hiện hữu của việc nhận biết. Việc sử dụng những danh từ như ‘bản tâm’ hay ‘tánh biết’ có nguy cơ gây hiểu lầm, bởi vì chúng là những danh từ, nên có khuynh hướng đối tượng hóa hay cụ thể hóa kinh nghiệm của cái biết thuần khiết hay việc nhận biết đơn thuần không có tính khách thể này (nghĩa là biến việc biết trở thành một đối tượng cụ thể).

Khi làm như vậy, dùng những danh từ như vậy, họ ám chỉ  rằng Cái Biết hay Cái Tâm là một loại kinh nghiệm đặc biệtvi tế, có thể được thấy hay biết giống như cách mà chúng ta thấy hay biết những kinh nghiệm mang tính khách thể. Kết quả là, nhiều người đã dấn thân vào cuộc tìm kiếm vĩ đại này, hy vọng sẽ đạt được sự giác ngộ, một trạng thái được ‘chứng’ như là một kinh nghiệm hay là một trạng thái tâm siêu việttối thắng.

Cuộc tìm kiếm giác ngộ kiểu này có khuynh hướng tách kinh nghiệm của việc nhận biết ra khỏi tính thân thiết và tính trực tiếp gần gũi của kinh nghiệm nhận biết và tạo ra một ấn tượng rằng kinh nghiệm đó là một pháp gì đó bất khả tri, huyền bí và xa lạ.Nó hàm ý rằng hiểu biết về Tánh Giác hay Bản Tâm này là một kinh nghiệm phi thường có thể ‘ngộ’ được ở trong tương lai. Một cuộc tìm cầu như vậy đơn giản chỉ là một dạng vi tế của việc tìm cầu hạnh phúc thông thường trong phạm vi giới hạn nơi những đối tượng và cuối cùng chỉ dẫn đến thất vọng mà thôi.

Giác ngộ hay thức tỉnh không phải là một kinh nghiệm đặc biệt nào đó hay một trạng thái tâm cụ thể nào đó có thể thành tựu được bằng cách luyện tập đủ gian khổ hay hành thiền đủ dài, đủ lâu. Giác ngộ chính là sự nhận ra, thấy ra được chính cái bản chất của tâm trí này. Không có gì quen thuộc hơn là kinh nghiệm biết đơn giản. Không có gì được rõ biết hơn là kinh nghiệm biết đơn giản.

Nếu có ai đó hỏi chúng ta câu hỏi. ‘Bạn có đang nhận biết không?’ chúng ta nhất định sẽ trả lời ‘Có chứ’ với sự chắc chắn tuyệt đối. Câu trả lời đó đến từ kinh nghiệm trực tiếp. Nó phát xuất từ kinh nghiệm nhận biết đơn thuầnhiển nhiên rõ ràng và gần gũi của chúng ta.

Mặt khác, nếu có ai đó hỏi chúng ta, ‘Tâm có hiện hữu không?’ hay “Tánh Giác, Tánh Biết là gì?’ chúng ta có khả năng khựng lại một chút và ngập ngừng phân vân không hiểu chính xác rằng những từ ngữ này muốn ám chỉ cái gì đây. Vì vậy nên hiểu rằng bất cứ khi nào những từ như ‘Tâm’ hay ‘Giác’ được dùng trong sách này là để thay thế cho ’việc biết’ hay ‘sự nhận biết’.

Chúng ta nên hiểu rằng những danh từ này muốn ám chỉ trực tiếp, muốn nói thẳng đến kinh nghiệm biết hay nhận biết không có tính đối tượng, vốn rõ ràng, gần gũi, mà tất cả mọi người đều có như nhau, giống nhau và kinh nghiệm biết đó bao trùm, có mặt đều khắp mọi hiểu biết và kinh nghiệm của chúng ta một cách bình đẳng.

***

Sau khi ghi nhận được kinh nghiệm của nhận biết là kinh nghiệm trực tiếp và thân mật nhất của chúng ta, ta có thể tự hỏi rằng Ai hay Cái gì biết hay có được kinh nghiệm nhận biết này. Cái gì biết được kinh nghiệm biết? Cái gì nhận biết được sự nhận biết?

Tên phổ biến cho kinh nghiệm nhận biết là ‘Tôi’. Tôi nhận biết được suy nghĩ của bạn tôi. Tôi nhận biết được những hoài niệm của thời thơ ấu. Tôi nhận biết được những cảm xúc buồn bã, cô đơn hay hổ thẹn. Tôi nhận biết được hình ảnh của ngôi nhà tôi. Tôi nhận biết được cảm giác đau hay đói. Tôi nhận biết được cảnh của căn phòng tôi hay tiếng của xe cộ.

Trong mỗi ví dụ này, ‘Tôi’ là tên mà chúng ta đặt cho cái biết và nhận biết được tất cả những tri thức và kinh nghiệm. Như vậy, ‘Tôi’ là nhân tố biết hay nhận biết trong mọi tri thức và kinh nghiệm. ‘Tôi’ chính là Cái Biết. Nên chúng ta có thể đặt lại câu hỏi ‘Cái gì nhận biết được sự nhận biết?’ như thế này, ‘Ai hay cái gì biết Tôi đang nhận biết?’. Có phải Tôi đang nhận biết được sự nhận biết, hay là kinh nghiệm nhận biết được biết bởi ai đó hay cái gì đó ngoài chính tôi?

Rõ ràng là Tôi nhận biết được rằng Tôi đang nhận biết. Nghĩa là ‘Tôi, Cái Biết’ đang nhận biết sự nhận biết. Chính Cái Biết biết được hay nhận biết được rằng có một sự biết. Như vậy, nhận biết hay chính cái biết là tự tri, tự nhận biết. Giống như mặt trời tự chiếu sáng chính nó, cũng vậy,, Cái biết tự biết chính nó.

Trước khi Cái Biết biết bất cứ cái gì ngoài chính nó, như một ý nghĩcảm xúccảm giác hay tri giác, Cái Biết nhận biết chính nó. Bản chất của Cái Biết là nhận biết chính nó, và như vậy kinh nghiệm chủ đạo đầu tiên của Cái Biết là nhận biết chính nó.

Kinh nghiệm ‘Tôi đang nhận biết’ là sự biết của Cái Biết về chính nó. Do đó, khi chúng ta hiểu biết  chính mình là hiểu biết của Cái Biết về chính nó. Giống như mặt trời không cần phải hướng ánh sáng của nó theo một chiều hướng đặc biệt nào để chiếu sáng chính nó, cũng vậy, Cái Biết không cần hướng sự chú ý, ánh sáng của nhận biết theo bất kỳ hướng cụ thể nào để có thể biết được chính nó.

Thực ra thì bất kỳ phương hướng nào mà mặt trời hướng tia sáng đến cũng chỉ để chiếu sáng vật gì đó ngoài chính nó mà thôi.Tương tự, bất cứ hướng nào mà Cái Biết chiếu ánh sáng biết của nó đến cũng chỉ làm cho nó biết cái gì đó cụ thể ngoài chính nó. Như vậy, để tự biết chính mình, Cái Biết không cần phải tham dự vào bất kỳ hoạt động nào hay hướng ánh sáng của nhận biết theo bất kỳ hướng cụ thể nào. Không cần nổ lực gì để Cái Biết nhận biết được chính nó. Thực ra thì mọi nổ lực đều đưa nó ra khỏi chính nó mà thôi. CÁI BIẾT BIẾT CHÍNH NÓ CHỈ ĐƠN GIẢN BẰNG CÁCH LÀ CHÍNH NÓ.

***

Giống như màn hình không bao giờ bị khuấy động bởi những màn kịch diễn trong một bộ phim, cũng vậy nhận biết hay cái biết tự nó không bao giờ bị khuấy động bởi những nội dung của kinh nghiệmÝ nghĩ có thể xáo động, cảm xúc có thể trầm uất, cơ thể có thể đau đớnthế giới bên ngoài có thể rối ren – nhưng cái biết thuần tịnh, sự nhận biết hay chính cái biết không bao giờ bị xao động bởi bất kỳ điều gì xuất hiện trong những kinh nghiệm. Như vậy, bản chất của nó chính là sự an lạc.

Sự an lạc này không phải là loại an lạc dễ bị tan biến, tùy thuộc vào sự bình ổn tương đối của tâm trí, của thân thể hay thế giới bên ngoài, mà là sự bình an nội tại vốn đã có sẵn, luôn luôn có mặt nơi phần nền hậu cảnh, cái nền đó đã có đó trước khi có những kinh nghiệm và độc lập với sự hoạt động hay không hoạt động của tâm trí.

Không có gì xảy ra nơi những kinh nghiệm làm tăng hay giảm kinh nghiệm của nhận biết hay chính cái biết này, cũng giống như màn hình không bị thêm vào hay bị lấy bớt đi bởi bất cứ điều gì xảy ra trong bộ phim.

Cái Biết không bao giờ tăng hay giảm phẩm chất của nó bằng cách lãnh hội kiến thức hay sự có mặt của bất cứ kinh nghiệm cụ thể nào. Nó chẳng cần gì, chẳng sợ gì nơi những kinh nghiệm. Nó an trú vững vàng mà không cần đạt thêm được gì, không mất mát gì từ những kinh nghiệm đặc biệt nào đó.

Cái Biết tự nó vốn đã là trọn vẹn, đầy đủ và hoàn hảo. Như vậy, bản chất của nó chính là Hạnh Phúc – không phải là loại hạnh phúc tùy thuộc vào điều kiện của tâm tríthân thể hay thế giới bên ngoài, mà là một Niềm Hỷ Lạc không có nguyên nhân, vốn đã có trước và độc lập với tất cả những trạng tháihoàn cảnh hay nhân duyên.

Giống như màn hình không có chung những phẩm chất, đặc tính hay sự giới hạn của bất kỳ đối tượng hay nhân vật nào trong bộ phim, cũng vậy, sự nhận biết mà với nó tất cả những tri thức và kinh nghiệm được nhận biết, không có chung những phẩm chất, đặc tính hay sự giới hạn của bất kỳ cái gì được nhận biết hay kinh nghiệm. Như vậy nó không bị giới hạn hay là pháp vô hạn.

Giống như màn hình không bị điều kiện hóa bởi bất kỳ điều gì xuất hiện trong bộ phim, cũng vậy,  sự nhận biết hay chính cái biết tự nó không bao giờ bị điều kiện hóa bởi bất kỳ kinh nghiệm nào. Việc biết, sự nhận biết hay chính cái tâm biết là bản chất cốt lõi, không thể bị suy giảm của tâm trí, nó có mặt trước khi những điều kiện mang dạng hình tướng của những kinh nghiệm khách thể xuất hiện. Như vậy, nó là pháp vô điều kiện hay pháp vô vi.

* * *
Nếu chúng ta bị cuốn hút vào phim thì đầu tiên có vẻ như màn hình đang nằm phía sau những hình ảnh trong phim. Tương tự, nếu bị kinh nghiệm lôi cuốn thì chúng ta đã bỏ qua kinh nghiệm đơn giản cuả việc nhận biết hay chính cái biết, mà lúc đầu chúng ta có lẽ đã xác định vị trí của nó nơi phần hậu cảnh của kinh nghiệm.

Trong bước đầu tiên, việc biết hay cái biết được nhận ra như là một chủ thể làm nhân chứng cho tất cả những kinh nghiệm khách thể.

Khi nhìn kỹ hơn, chúng  ta sẽ thấy rằng màn hình không chỉ là hậu cảnh của hình ảnh mà còn bao trùm toàn bộ chúng. Tương tự, tất cả kinh nghiệm được thấm đẫm với cái biết đang biết chúng. Nó được bao trùm đều khắp với kinh nghiệm của nhận biết hay chính cái biết này. Không có một phần nào của ý nghĩcảm xúccảm giác hay tri giác không được thấm đẫm  với cái biết.   Sự hiểu biết thứ hai này sẽ làm sụp đổ, ít nhất một mức độ nào đó, sự phân biệt giữa cái biết và những đối tượng

Trong bước thứ ba, chúng ta hiểu rằng sẽ không hợp lý khi cho rằng sự biết, việc nhận biết hay chính cái biết bao trùm tất cả kinh nghiệm, như thể kinh nghiệm là một pháp và cái biết là một pháp khác. Giống như màn hình là tất cả những gì có đối với một hình ảnh, cũng vậy, sự biết thuần khiết, việc nhận biết hay chính cái biết là tất cả những gì có  đối với những kinh nghiệm.

Tất cả những gì có đối với một ý nghĩ là suy tư, tất cả những gì có đối với suy tư là nhận biết.

Tất cả những gì có đối với tình cảm là cảm xúc, tất cả những gì có đối với cảm xúc là nhận biết.

Tất cả những gì có đối với một cảm giác là cảm nhân, tất cả những gì có đối với cảm nhận là nhận biết.

Tất cả những gì có đối với một tri giác là tri nhận, tất cả những gì có đối với tri nhận là nhận biết.

Như vậy, tất cả những gì có đối với những kinh nghiệm là nhận biết, và chính cái biết nhận biết được sự nhận biết này. Hoàn toàn một mình, ngoài chính nó ra thì không có gì có thể bị giới hạn hay bị phân chiaviệc biết hay cái biết thuần khiết là trọn vẹnhoàn hảo, đầy đủ, bất phân chia và vô hạn.

Sự vắng mặt của nhị nguyên, tách biệt và phân biệt ‘ta-người’ là kinh nghiệm của tình yêu và vẻ đẹp, trong đó bất cứ sự phân biệt nào giữa một cái tôi và một đối tượng, người khác hay thế giới bên ngoài đều bị tan biến.

Như vậy, tình yêu và vẻ đẹp là bản chất của cái biết. Trong kinh nghiệm của tình yêu và vẻ đẹp quen thuộc nàycái biết đang nếm hương vị của thực tại vô hạn, vĩnh hằng của riêng nó.

                                                                             * * *
Một nhân vật trong phim có thể du hành khắp nơi trên thế giới, nhưng màn hình, nền tảng và thực tại duy nhất của nó, chẳng bao giờ đi đâu cả. Tương tự, mặc dù tâm trí liên tục di chuyển – dưới dạng suy tư, tưởng tượng, cảm xúccảm giác và tri giác – nhưng cái biết thuần khiết, việc nhận biết hay chính cái biết, nền tảng và thực tại của riêng nó, không bao giờ di chuyển bất cứ nơi đâu.

Trong hình tướng của tâm trí, cái biết di chuyển nhưng không có chuyển động.

Giống như màn hình bị tô màu bởi bộ phim nhưng không bao giờ bị biến dạng bởi nó, cũng vậy, cái biết bị tô màu bởi kinh nghiệm nhưng chẳng bao giờ bị lu mờ hay nhơ bẩn bới những gì xảy ra trong nó cả. Việc biết thuần tịnh, sự nhận biết hay chính cái biết luôn luôn trong tình trạng tinh khôi tươi mới. Không một kinh nghiệm nào lưu lại dấu vết trên cái nền hiện hữu cốt lõi, tự tri của chúng ta được.

Giống như màn hình hoàn toàn không có sự phòng thủ bảo vệ chống lại bất cứ điều gì xảy ra trong bộ phim đang chiếu, tuy vậy vẫn không bị hủy hoại bởi những hoạt động xảy ra trên nó. Cũng vậy, cái biết hoàn toàn rộng mở hay dễ dàng bị mọi kinh nghiệm tấn công, nhưng đồng thời vẫn không thể bị tổn hại, không thể bị hủy hoại.

Kinh nghiệm nhận biết ngay bây giờ vẫn giống hệt như cách đây năm phút, cách đây hai ngày, hai tháng, hai năm hoặc cách đây hai mươi năm. Sự nhận biết khi chúng ta kinh nghiệm lúc còn là một cậu bé hay cô bé năm tuổi cũng giống hệt như sự nhận biết mà chúng ta đang kinh nghiệm ngay lúc này.

Như vậy, bản chất cốt lõi của sự biết, việc biết hay chính cái biết không có tuổi tác. Vì lý do đó mà khi chúng ta có tuổi vẫn cảm thấy rằng mình không thực sự bị già. Càng lớn tuổi, chúng ta càng cảm thấy mình vẫn luôn luôn là cùng một người. Tính ‘vẫn như cũ, giống hệt nhau trong chúng ta chính là bản chất ‘vẫn như cũ’, giống hệt nhau của cái biết.

Tương tự, cái biết nhận biết được những ý tưởng thông minh cũng giống hệt như cái biết nhận biết được những ý tưởng không sáng suốt.

Cái biết nhận biết được những cảm giác đau đớncăng thẳng hay xao động cũng giống hệt như cái biết nhận biết được những cảm giác khả lạc, thư giãn hay ấm áp nồng nhiệt.

Cái biết nhận biết được những kinh nghiệm giận dữsầu muộn hay thống khổ cũng giống hệt như cái biết nhận biết được kinh nghiệm về lòng biết ơn, sự tử tế hay niềm hỷ lạc.

* * *

Tâm trí tin rằng cái biết cư trú trong thân thể và như thế có chung giới hạn và số phận với nó.

Vì vậytâm trí tin rằng khi thân thể được sinh ra thì cái biết được sinh ra; khi thân thể già nua bịnh tật, thì cái biết sẽ già nua bịnh tật; khi thân thể chết đi và hoại diệt thì cái biết cũng chết theo và biến mất theo nó.

Tuy nhiên, khi nhân vật trong phim được sinh ra thì màn hình không được sinh ra; khi nhân vật trong phim già đi thì màn hình vẫn không bị già; khi nhân vật trong phim chết đi thì màn hình không chết, không biến mất theo.

Tương tự, khi thân thể xuất hiện hay được sanh ra, cái biết không có sự sanh ra; khi thân thể già đi thì cái biết vẫn không già; khi thân thể biến mất hay chết thì cái biết vẫn không chết hay biến mất. Nó vẫn nguyên vẹn xuyên suốt trong tình trạng không có tuổi.

Cái biết không bao giờ kinh nghiệm sự xuất hiện hay biến mất cả, không bao giờ kinh nghiệm sự khởi đầu hay kết thúc, không bao giờ kinh nghiệm sự sanh sự tử cả. Để nói về một kinh nghiệm như vậy, cái biết nhất định phải hiện hữu trước khi sự xuất hiện, bắt đầu hay sanh ra của riêng nó và nhất định phải hiện hữu sau khi sự biến mất, kết thúc hay chết đi của riêng nó.

Tâm trí hữu hạn tưởng tượng rằng cái biết biến mất trong những giấc ngủ sâu, nhưng trong kinh nghiệm của cái biết thì chính tâm trí đã biến mất trong giấc ngủ sâu, để cho cái biết hoàn toàn còn lại một mình. Giấc ngủ sâu không phải là sự vắng mặt của cái biết; mà chính là sự nhận biết của cái vắng mặt.

Như vậy, trong kinh nghiệm riêng của chính nó, cái biết là pháp duy nhất biết được chính nó – cái biết là thực tại không sanh không diệt. Nói cách khác, cái biết là thực tại vĩnh hằng.

Giống như chẳng có gì xảy ra cho màn hình khi nhân vật trong phim bị bịnh tật, cũng vậy, chẳng có gì xảy ra cho cái biết khi thân thể bị ốm đau. Chính vì lý do này mà khi biết được bản chất thật sự của mình là cái biết thuần tịnh thì đó là sự chữa lành tuyệt đối. Nếu biết mình chính là cái biết thuần khiết hay kinh nghiệm đơn giản nhận biết thì chúng ta sẽ luôn luôn sống trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn.

Không có gì từng xảy ra cho cái biết cả.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÁI BIẾT ĐƯỢC CỞI TRÓI
  2. CÁI BIẾT BỊ BỎ QUÊN

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU