BẠN LÀ ĐẠI TOÀN THIỆN

NYOSHUL KHENPO RINPOCHE

Trích: Đại Toàn Thiện Tự Nhiên - Thiền Tây Tạng và những Bài Ca Kim Cương; Nguyễn An Cư dịch; Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 1999

Một lời dạy về Bồ đề tâm Tương đối và Tuyệt đối vào dịp Ẩn cư hai tháng ở Hoa Kỳ

Tất cả các bậc giác ngộ đã thấu rõ Phật tánh tối thượng và toàn hảo: tất cả chúng sanh, gồm chính chúng ta, cũng có thể làm như thế. Đó không phải là cái gì riêng tư giữa các Lama và đệ tử. Đó là cái khai mở tính vô hạn của bản tánh bổn nguyên của chính chúng ta, tâm thức và tấm lòng tận cùng của chính chúng ta, Bồ đề tâm, một tặng phẩm bẩm sinh không tách lìa với tất cả những sự vật sống động. Ở mức độ tương đối của đời sống hàng ngày, Bồ đề tâm là lòng bi, lòng từ và một sự bằng lòng ưng chịu vô điều kiện. Ở mức độ tuyệt đối hay tối hậu, Bồ đề tâm bao gồm những phương diện trống không, mở khắp, bí mật nhất của cái đang là. Đấy là hai mặt của Bồ đề tâm: tương đối và tối hậu, sự thật và tình thương.

Bất cứ thứ gì chúng ta làm với động cơ ích kỷ, nhỏ hẹp, quy ngã đều rất giới hạn và chắc hẳn nhất thời. Khi chúng ta hành động với sự quan tâm cho chỉ đời này, trong thế giới ta bà này, phạm vi của chúng ta thu nhỏ lại đối với cái thực sự là. Có một câu nói Tây Tạng rằng, “mọi sự đều nằm trên ngọn của động lực mỗi người”. Điều này chỉ ra ý nghĩa trong mỗi phút giây của sự trau dồi ý định vị tha, vô ngã – Bồ đề tâm. Với một tấm lòng sáng soi như vậy, ngay cả những lời nói, hành vi và hành động nhỏ nhất mà người ta thực hiện cũng có những nội dung bao la và lợi lạc. Đây là phép thần chuyển hóa của Bồ đề tâm, một viên ngọc như ý đích thật, giống như hòn đá huyền thoại của những triết gia biến ra vàng mọi thứ nó chạm đến.

Với Bồ đề tâm vị tha ý nghĩa sâu xa, hoặc chúng ta thực hiện những hành động lớn hay nhỏ, cũng có những lợi lạc rộng lớn và xa cho chúng sanh ở bất cứ đâu – gồm cả chúng sanh đời quá khứ, hiện tại và tương lai – bởi vì phạm vi của động lực mặc nhiên bao gồm tất cả chúng sanh. Hoạt động của chúng ta là thiền định, cầu nguyện hay sự thực hành tâm linh, bất cứ điều gì chúng ta làm đều dựa vào động lực của chúng ta.

Theo luật nhân quả, kết quả phải theo hạt giống hay nhân không sai chạy, nhân này đầu tiên và chủ yếu là động lực của chúng ta và thứ hai là tùy thuộc vào hoạt động thể xác của chúng ta. Khi chúng ta làm việc chỉ cho sự thích thú hay hạnh phúc riêng của mình, tự nuôi sống mình hay tìm kiếm tiện nghi cho mình, đây là cái được gọi là một tâm nhỏ hay một cái nhìn chật hẹp. Nó không giống ngay cả với sự làm việc cho gia đình, cha mẹ chúng ta hay như một người bảo vệ cho con cái chúng ta. Khi chúng ta mở rộng động lực này một chút về phía gia đình và bạn bè, tấm lòng và tâm thức cũng mở ra một mức nào đó. Điều quan trọng nhất là có một lòng tốt, một tấm lòng trong sạch và thành thực, nó thực sự là tinh túy nền tảng của tất cả chúng ta, dầu nếu chúng ta không thường hiện thực nó.

Thường thường chúng ta thấy mình liên lụy vào xung đột với gia đình, với những đồng nghiệp v.v… Quan trọng và hữu ích là nhận ra rằng điều này không tránh khỏi khởi ra, nhưng không cần phải thấy đó là một vấn đề lớn lao. Vì mọi sự dựa vào ý định của chúng ta. Chúng ta có thể làm việc với bất cứ sự gì và đem nó vào trong con đường, sự thực hành tâm linh của chúng ta, với một tâm thanh tịnh và một lòng tốt, luôn luôn từ quan điểm làm lợi lạc cho những người khác. Tinh túy thiết cốt của Phật pháp là làm lợi lạc cho những người khác, Bồ đề tâm. Bất cứ thứ gì khác chúng ta có thể làm chỉ là thứ yếu so với nó. Và nếu chúng ta trau dồi lòng tốt này, thái độ vô ngã vị tha này, bấy giờ mọi xung đột và chiến đấu sẽ tự nhiên lặng xuống, được tịnh hóa, được chuyển hóa và ngay cả trở thành lợi lạc cho những người khác qua sự tiếp xúc với lòng tốt này, cái mà chúng ta – những bồ tát – nỗ lực hiện thân.

Dầu cho chúng ta có nghiên cứu đạo trong nhiều năm, nếu chúng ta có một động lực bị pha tạp, không trong sạch, một thái độ quy ngã, con đường của chúng ta bị giới hạn và sự phát triển của chúng ta bị cản trở. Nếu một vị thầy ban cho những bài thuyết pháp tuyệt hảo và những hình thức dạy dỗ khác nhưng động lực của vị ấy bị pha tạp, lợi lạc của những lời dạy ấy cũng cực kỳ giới hạn.

Một vị thầy tâm linh cần hiện thân một cách không khuyết điểm sự trong sạch của tấm lòng, chảy tràn sự rộng lượng tự nhiên và sự ấm áp của Bồ đề tâm vị tha, hướng vào phụng sự: Bồ đề tâm – nguyện vọng tinh ròng mong muốn có khả năng thực sự giúp đỡ và cất bỏ khổ sở của những người khác, trong cả hai nghĩa tương đối và tối hậu.

Người ta thường cảm thấy mình ở trong những tương quan khó khăn. Khi nào chúng ta còn lệ thuộc vào nghiệp và phiền não, sẽ còn không tránh khỏi vô số trồi sụt. Tuy nhiên nếu người ta đã cam kết giúp đỡ lẫn nhau, phụng sự lẫn nhau, tiến bộ và thức tỉnh lẫn nhau, bấy giờ mọi hoàn cảnh và tình huống đều có thể làm việc được, dù bất cứ chìm nổi trắc trở nào bất ngờ xảy đến. Đây là một thí dụ thực hành Bồ đề tâm bằng cách áp dụng thực sự trong đời sống hàng ngày của chúng ta, đấy quả thật là điểm chính yếu.

Khi chúng ta thực hành thiền định Bồ đề tâm, có vẻ như chúng ta một mình, như chúng ta đang thực hành cho chính mình, nhưng chúng ta không thực hành cho chúng ta, và chúng ta không một mình. Tất cả chúng sanh đều nối kết với nhau, và trong nghĩa đó họ đều hiện diện hay bị ảnh hưởng. Milarepa hát, “Khi tôi một mình, thiền định trong núi non, tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai ở cùng với tôi. Guru Marpa luôn ở cùng tôi. Tất cả chúng sanh đều ở đây”.

Chúng ta không thực hành cho riêng chỉ chúng ta, bởi vì mọi người đều tham dự và bao gồm trong phạm vi bao la của những lời nguyện và thiền định của chúng ta về động lực thanh tịnh toàn thiện này. Sự chảy tràn tự nhiên của cái gọi là “thiền định hay cầu nguyện cô đơn” là sự lợi lạc tự nhiên cho những người khác; nó giống như những tia sáng của mặt trời tự nhiên lan tới. Lòng tốt này, lòng trong sạch này, tâm bao la và mở rộng khắp này, trong tiếng Tây Tạng được gọi là sem karpo, tâm trắng. Nó nghĩa là tấm lòng trong sạch, bao la và mở khắp.

Đây là Bồ đề tâm bẩm sinh. Nó không phải là cái gì xa lạ với chúng ta, vì chúng ta biết rõ, tuy nhiên nó là cái chúng ta cần liên hệ hơn nữa, trau dồi, phát sinh, và thể hiện. Chúng ta nói về những giáo lý rộng và sâu của Pháp, như là Đại Toàn Thiện, nhưng không có lòng tốt đẹp này, tính vô ngã này, thì chỉ là nói nhiều, tầm phào và là sự hợp lý hóa của ý thức.

Nếu một người đàn ông tìm hiểu một người sánh đôi, thường khi anh ta chỉ nghĩ rằng anh ta chỉ muốn có một người đàn bà để làm cho anh ta hạnh phúc về phần mình. Ít khi anh ta nghĩ làm sao có thể làm lợi lạc hay giúp đỡ cho người bạn đời. Một tương quan như vậy đã được xây dựng trên ngọn của một động lực hay ý định rất hạn hẹp, và những kết quả từ đó là đáng ngờ. Nhiều người ở trong một khách sạn; khách sạn thì rất quan tâm đến việc làm cho những người khách vui sướng, nhưng thường thường động lực duy nhất của họ là công việc làm ăn. Lý do làm cho khách vui sướng là vì lợi ích của chính họ.

Có một lợi lạc tối hậu nào có thể có ở đấy khi cố gắng làm cho người ta vui sướng theo một cách hạn hẹp như vậy, chỉ vì lợi cho riêng mình? Nếu người ta thực hành giáo lý hiếm có và sâu xa đến khó tin Dzogchen, Đại Toàn Thiện bất nhị, với một ý định như vầy: “Tôi muốn thực hành Đại Toàn Thiện, tôi muốn giác ngộ. Tôi sắp có nó trong đời này”, và có nhiều ích kỷ chụp bắt, năng nổ, hẹp lượng như vậy, làm sao có thể có Đại Toàn Thiện nào? Đấy là cái trái nghịch nhất với Đại Toàn Thiện bao la, rỗng rang không điều kiện. Đấy là tại sao chúng ta lạc khỏi con đường chân thật và trở nên những người thực hành hoang dã và có khi còn điên cuồng. Nếu sự chấp ngã, quý trọng mình, và bám lấy sự có thực của những sự vật còn mạnh, làm sao có thể có Đại Toàn Thiện đích thực, nó là trạng thái chân thật tự nhiên của tự do, lồng lộng và sự toàn thiện nguyên sơ?

Nếu bạn làm những thực hành Bồ đề tâm – tu hành tâm thức, cầu nguyện từ bi, trao đổi mình với những người khác (tong len)… những thực hành này có thể có vẻ như ý niệm và tương đối, nhưng chúng thực sự bao gồm chân lý tuyệt đối, chân lý tuyệt đối này là bản tánh rốt ráo nhất của Đại Toàn Thiện: lồng lộng bao la, tâm trùm khắp, trong sạch, tự do, và không bám níu. Vô ngã không khác với sự rỗng rang bất nhị này, tánh Không bao la này. Đại Toàn Thiện có thể là thanh tịnh và không bao giờ ô nhiễm một cách nguyên sơ như tuyết trinh bạch, nhưng tiếp cận với nó với động lực pha tạp hay nguyện vọng ích kỷ bất tịnh là một giới hạn lớn lao. Khi bạn đi tiểu vào tuyết, tuyết vốn là trắng, nhưng phút chốc hóa màu vàng.

Danh từ Bồ đề tâm trong tiếng Tây Tạng là sem kye. Nghĩa đen là “sự khai mở hay nở hoa của tâm thức” nó là cái đối nghịch với tâm thức nhỏ hẹp, với sự tự lo toan, tự co rút, và hẹp lượng. Dù chúng ta đang ở trên bất cứ con đường thực hành nào – Dzogchen, Kim cương thừa, Bồ Tát thừa, Thừa Theravada căn bản hay con đường nào khác – nếu chúng ta có một thái độ lành mạnh, trong sạch và một tâm rộng rãi và khoan dung, bấy giờ sự thực hành của chúng ta thực sự là sự thực hành Phật giáo; nó cùng một mặt với sự thực hành thực sự làm nở hoa và cởi mở tâm thức. Đây là thật nghĩa của Bồ đề tâm.

Có thể bầu trời thì luôn luôn trong trẻo, sáng sủa, bao la, vô hạn v.v…, nhưng giây phút Đại Toàn Thiện xảy tới thì cũng như mặt trời thình lình mọc. Không phải bầu trời của bản tánh bẩm sinh của chúng ta được cải thiện, nhưng một cái gì quả thực xảy ra. Ẩn dụ mặt trời mọc này ám chỉ rang jung yeshe, trí huệ tỉnh giác tự nhiên tự hữu hay sự tỉnh thức bẩm sinh mọc lên trong bản thể chúng ta. Đây là khoảnh khắc của Đại Toàn Thiện, bình minh của trí huệ tánh giác tự hữu, trí huệ bổn nhiên. Đây là ý nghĩa của cái được gọi là nyur de dzogpa chenpo trong tiếng Tây Tạng nghĩa là “Đại Toàn Thiện bổn nhiên nhanh chóng và sẵn đủ” – một con đường không đòi hỏi những khổ hạnh hay những thực hành gian nan. Nó là trực tiếp, nhanh chóng, rộng rãi, tự nhiên và sẵn đủ. Nó có thể làm được!

Trong một đời người, trong một thân thể, ngay trong một khoảnh khắc của tánh giác tự khởi, cái bình minh của Vajrasattva này – trí huệ tánh giác bổn nhiên tự hữu – chiếu soi như một mặt trời rực rỡ bên trong. Khi bạn liên hệ với trí huệ tánh giác bổn nhiên tự hữu này, khi bạn thực hành Đại Toàn Thiện như nó thực sự là, cuộc đời con người chóng vánh này đầy ý nghĩa tức thời. Và không chỉ cuộc đời này, mà tất cả mọi đời sống của chúng ta có ý nghĩa, như thể tất cả đời sống của mọi người được kết hợp với chúng ta. Kinh nghiệm này về trạng thái tự nhiên của Đại Toàn Thiện bổn nhiên và sáng rỡ bao hàm sự hủy diệt, sự tiêu ma thành bụi nhỏ mọi hình thức chấp ngã và phân biệt nhị nguyên, sự bám chấp vào tính cụ thể có thực của sự vật, vào hình tướng của chúng.

Cái tự do vốn sẵn đủ của hiện thể hiện diện một cách tự nhiên và nguyên thủy. Mọi thấy biết giả ảo tự nhiên không hiện hữu trong bình minh của trí huệ tánh giác bổn nhiên này. Sự sanh sôi của nghiệp và phiền não thì căn cứ trên sự bám chấp nhị nguyên, cái vô minh: trong ánh sáng của tánh giác bất nhị, những phiền não là bất khả đắc. Mọi sự “rơi rụng” vì vốn là vô sanh từ nguyên thủy; và sự tự do của hiện thể toàn thiện, của rigpa, tự nhiên hiện tiền từ vô thủy, được thấu suốt một cách rõ ràng và toàn triệt ngay trong khoảnh khắc ấy.

Thật dễ đi lạc vào những lối tẻ trong cái sâu xa bao la và ngời sáng này. Dĩ nhiên chúng ta biết rằng chúng ta cần một Bồ đề tâm bao la, rộng mở, vị tha. Chúng ta có thể thấy rằng cái Đại Toàn Thiện bẩm sinh, bản tánh tối hậu của sự vật, thì vượt khỏi tâm thức ý niệm và những thấy biết nhị nguyên của nó. Nhưng còn – ở đây điểm lạc lối bắt đầu – chúng ta còn dò thám, tìm kiếm trong một lối nẻo rất co hẹp và giãn ước, tự hỏi: Cái gì là Đại Toàn Thiện? Đâu là Đại Toàn Thiện? Nó là gì? Tôi muốn thấy biết và kinh nghiệm nó.

Điều này tự nhiên thôi, nhưng nó đi trước sự nhận biết thực tánh của chúng ta. Đây là một điểm trệch đường, mà sau khi nhận biết không cần thiết để xảy ra nữa. Cũng giống như sau khi gặp và biết người nào, ta không phải suy nghĩ quá nhiều để tưởng tượng ra người ấy có vẻ giống hay không giống ai: có một sự giải thoát có tính trực giác khỏi những nghi ngờ và suy tính như vậy, và người ta tiến tới với sự cảm nhận trực tiếp, căn nguyên hơn.

Chúng ta có thể có nhiều thắc mắc nảy sanh, như là, khi một tư tưởng khởi lên, nhận xét rằng: Đây là một tư tưởng. Nó khởi lên từ đâu? Nó đang đi đâu? Nó đã về đâu? Đâu là khoảng hở hay không gian mở giữa những tư tưởng mà tôi đã nghe nói trong những giáo lý Đại Ấn Mahamudra, cái tôi tự cho là đã nhận biết?

Điều ấy có hơi dính dáng đến sự thực hành thực sự Đại Toàn Thiện: đấy là thực hành tâm thức, sự thiền định do tâm thức làm ra, mà không phải là thực hành tự thân rigpa. Tuy nhiên những câu hỏi ấy là phần thuộc về những sơ khởi hiển nhiên của thực hành Đại Toàn Thiện và giúp cho người ta biết phân biệt giữa tâm thức (sems) và tánh tỉnh thức bẩm sinh (rigpa).

Sự nguy hiểm là chúng ta nghe quá nhiều và quá sớm. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã hiểu tánh Không, trên bình diện tuyệt đối này lạc vào một cách thế hư vô, và bị che ám bởi những ý niệm. Nagarjuna nói, “Thật buồn khi thấy những người tin vào thực tại cụ thể, vật chất một cách sai lầm, nhưng còn đáng thương hơn nhiều là những người tin vào tánh Không trống rỗng”. Những người tin vào những sự vật có thể được cứu giúp bằng nhiều loại thực hành, bằng đường lối những kinh nghiệm thiện xảo, nhưng những người rơi vào vực thẳm của cái không thì khó có thể vượt lên được, vì không chỗ nào để nắm tay, không có chỗ bước chân, không có sự tiến bộ từ từ, và không có gì để làm cả.

Người ta dễ trở nên say sưa bởi mớ bòng bong của những ý niệm. Thế rồi chúng ta kiệt sức trong phỏng đoán không kết quả, trở nên thất vọng và cuối cùng vất bỏ. Đây là sự nguy hiểm từ việc nghe những lời dạy bất nhị, như Đại Toàn Thiện và tánh Không, trước khi người ta đã thực sự kinh nghiệm và thực hành chúng. Nhưng ai là kẻ đã tạo ra những nỗ lực đáng ngờ và có vẽ gian dối này? Chính là tâm thức diễn dịch hay ý niệm, kẻ namtok. Namtok nghĩa là tính ý niệm, sự suy nghĩ diễn dịch; nó để chỉ tâm thức nhị nguyên, nó tạo ra không dứt mọi nỗ lực vô ích này. Bộ máy namtok, tri thức phân biệt, có hai loại gia đình. Một gia đình là nhóm ba độc (phiền não), hay năm độc, chúng đại diện toàn bộ sự sinh sôi phồn thịnh của tám vạn bốn ngàn phiền não được kể theo truyền thống; những cái ấy bao gồm tất cả mọi thứ tư tưởng, mọi xúc động tích cực và tiêu cực, mê lầm v.v… – Anh chàng namtok này, tâm nhị nguyên này có ba phạm vi: những tư tưởng quá khứ, những tư tưởng hiện tại và những tư tưởng tương lai. Bộ máy Namtok này, cái tâm thức nhị nguyên này cũng có ba nhóm bà con thân thuộc: những tư tưởng, lời nói, và hành vi tốt; những tư tưởng, lời nói hành vi không tốt; và những tư tưởng, lời nói hành vi trung tính. Không chỉ những xúc tình không tốt – như sân giận, si mê và tham luyến – mới là namtok. Ngay cả những tư tưởng, hành vi, hành động tốt – như tình thương, lòng bi và sùng mộ hiến dâng – cũng là namtok. Cái trung tính hay thản nhiên – và ngay cả những tư tưởng vô thức, không được biết đến – cũng là namtok, bởi vì chúng ở trong vòng rào của tâm hữu hạn, nhị nguyên và vô minh.

Bấy giờ, làm thế nào liên hệ với mọi gia đình, giòng tộc này của namtok? Làm thế nào để sống chân lý của Pháp trong cuộc đời bình nhật, nơi mới thực sự đáng kể, nơi mới thực sự có thể phân biệt? Bằng cách thực hànhchân lý của tánh giác bổn nhiên tự-khởi-và-tự-giải-thoát-đồng-thời. Mọi sự trong kinh nghiệm của chúng ta thì thật ra tự nhiên xuất hiện, tự nhiên biến đổi, tự nhiên giải thoát hay tự do, mà không có sự giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta không cần can thiệp, thao tác, tạo tác bất kỳ thứ gì. Đó là quan kiến Đại Toàn Thiện về cách làm thế nào liên hệ với mọi sự, cả trong những thời thiền định chính thức lẫn thời gian sau thiền định, trong đời sống hàng ngày. Nó phối hợp ba phương diện của thực hành rigpa: cái thấy, thiền định,và hành động.

Dzogchen, Đại Toàn Thiện tự nhiên, được cho là một sự thực hành và cái thấy một quan kiến hay viễn cảnh, vượt khỏi tâm thức ý niệm. Bởi thế, thuận theo hay chống lại những hình tướng, hiện tượng, xuất hiện – đó là những điều kiện hoàn cảnh, hoặc ở trong hay ở ngoài, hoặc buông lung hay đè nén namtok – đều là thiền định do tâm thức tạo dựng. Đây là tạo tác và mưu định, không phải thực hành rigpa. Đấy cũng giống như một con chó rượt theo cái đuôi của nó. Đấy không phải là thực hành Đại Toàn Thiện, sự không-thực-hành giải thoát tự nhiên của sanh khởi tự nhiên và giải thoát tự nhiên.

Cho đến khi nào người ta biết bản chất vô tự tánh, trống không, như mộng của mọi namtok, mọi sắc tướng, mọi trạng thái của tâm thức, gồm cả hai thứ bản thể tâm thức và hiện tượng bên ngoài, và người ta nhận biết bản chất rỗng rang và sáng soi của chúng, gồm cả Phật tánh vốn vô ngã, mở khắp và sáng soi của chính mình, cho đến khi người ta tự do với trụ chấp, tác ý hay phản ứng bắt buộc; còn không, nghiệp được tích tập là điều không thể tránh. Tuy nhiên, an trụ trong rigpa – nhận biết bản tánh bổn nhiên của mình, hưởng thọ dòng tự nhiên của tánh thức tỉnh bẩm sinh, tánh giác bổn nhiên bất nhị – cội rễ sâu xa nhất của nhân quả tạo nghiệp, của khổ đau, bị cắt triệt.

Hơn nữa, những điều kiện làm chín muồi những hạt giống nghiệp tiềm tàng không thể tụ hội nữa, thế nên ngay cả những lóng cặn tàn dư thuộc về nghiệp của những hành động quá khứ không còn chỗ để chín. Giống như sự sanh khởi của những sóng trong đại dương: chúng không làm tiến triển, hủy hoại, quấy nhiễu hay làm biến đổi đại dương chút nào, có lẽ trừ mức độ trên bề mặt ngoài nhất. Đây là như thế nào chúng ta có thể, trong cách thức của Đại Toàn Thiện, liên hệ với Phật tánh của chính chúng ta: qua và giữa tất cả hình tướng, tất cả sanh khởi, tất cả trường hợp và điều kiện, hòa hợp mọi hành động vào cuộc hành trình tâm linh. Điều này phát lộ sự tự do và toàn thiện vốn bẩm sinh của Đại Toàn Thiện, cái bản tánh không biến chất, không đổi thay như đại dương của tự thân tánh giác.

Nếu chúng ta bị trói buộc bởi hy vọng và sợ hãi, mong ước và lo âu, chúng ta lại cần tự định hướng trở lại, dùng cái thấy của Đại Toàn Thiện như là một ngôi sao bắc đẩu để vượt biển dễ dàng hơn. Bởi vì chúng là dấu hiệu cho thấy chúng ta không ở trong rigpa, mà còn bị lôi cuốn vào tâm thức thuần ý niệm, đó không phải là sự thực hành Đại Toàn Thiện.

Tuy nhiên, làm thế nào chúng ta cắt đứt công cuộc tìm cầu của chúng ta trước khi nó được đáp ứng trọn vẹn? Chúng ta cần nhận biết bản chất của người tìm cầu để cho sự tìm cầu của chúng ta được thỏa mãn. Sùng mộ và lòng tin vào vị thầy của chúng ta là một thực hành có thể bảo đảm cho chúng ta gần gũi với tinh túy của con đường Đại Toàn Thiện. Một số người sớm kết luận rằng một giáo lý tinh yếu, trực tiếp và trần trụi như là những lời dạy bất nhị của Đại Toàn Thiện thì không, và ngay cả không nên, đòi hỏi niềm tin, sự sùng mộ hay sự thực hành tương đối, hay mọi loại tu hành có chủ định nào. Những người ấy nhảy vào một kết luận vội vã rằng Bồ đề tâm vị tha, những hoạt động công đức, giới luật và những thực hành tâm linh liên hệ không liên quan gì với sự thực hành tự nhiên của Đại Toàn Thiện sâu xa.

Từ một quan điểm người ta có thể nói đấy là sự thật hay có lẽ gần với sự thật. Quả thật là tất cả những điều ấy đều nằm trong bối cảnh của chân lý tương đối, chiều kích của tâm thức (sems). Điều đó không thể chối cãi. Những cố gắng tâm linh như vậy không tất yếu đồng nhất với chính Đại Toàn Thiện, thực tại tuyệt đối siêu vượt khỏi tâm thức. Bởi thế không phải không đúng, ở một mức nào, khi nghĩ rằng sự tin tưởng, sùng mộ, cố gắng với ý định và sự trau dồi của những thực hành tương đối không phải là chính Đại Toàn Thiện – bản tánh tuyệt đối của sự vật, chân lý tuyệt đối, trí huệ tánh giác tự hữu hay bẩm sinh tự nhiên. Quả thật là những thực hành tương đối này là tâm thức, là namtok; chúng không phải là bản thân Đại Toàn Thiện.

Tuy nhiên, những thực hành tương đối này là rất, rất quan trọng cho những người cũng như chúng ta, còn đang bị lôi cuốn sống trong thế giới tương đối. Chúng ta không thể chối bỏ sự vận hành của nghiệp và sự bị qui định của chúng ta tiếp tục trói buộc chúng ta như thế nào. Đối với người nào tức thời chứng ngộ và trong khoảnh khắc ấy hoàn toàn hiện thực hóa Phật tánh toàn thiện của Đại Toàn Thiện – nó không gì khác hơn là rigpa – họ không phải làm gì tương đối nữa: họ không ở trong thế giới này nữa. Tuy nhiên ngày nào họ còn hiện thân và bước trên mặt đất này, chắc chắn họ cần phải là những con người dễ mến, lành mạnh… Tại sao làm tổn hại những người khác, họ cũng giống như chúng ta?

Nếu bạn muốn vào một ngôi nhà, bạn cần đi qua một cửa cái. Dĩ nhiên vào lúc bắt đầu, quả thực là bạn cần đi qua một cửa cái, nhưng sau khi bạn hiểu về nhà cửa, bạn thấy có những lối khác để vào, như những cửa sổ, ống khói lò sưởi… Nhưng chúng ta chắc chắn còn dùng cửa cái trong hầu hết trường hợp, dù chúng ta không nhất thiết phải giới hạn trong cách vào ấy. Tương tự, đã hiện thực được rigpa, chân lý tuyệt đối, người ta vẫn thường tiếp tục hoạt động trong thực tại tương đối, thể hiện trong một phong cách lành mạnh, hợp lý và bình thường, sống có đạo đức, hành động một cách từ bi v.v… Tại sao chúng ta không như vậy nhỉ? Đức Khyentse Rinpche nói, “Khi bạn thực sự hiểu chân lý tuyệt đối của tánh Không, bạn hiểu những vận hành của nghiệp ở cấp độ chân lý tương đối. Cái gì khác làm chuyển động mọi chuyện?”.

Đại Toàn Thiện giống như cái chìa khóa mở vào bầu trời, một không gian mở khắp bao trùm không gian trong tòa nhà; lòng tin và sự sùng mộ thì cũng giống như chìa khóa mở cửa. Không gian bên trong và bên ngoài tòa nhà cả hai đều giống như sự mở khắp bao la, “tử tế” của bản thân rigpa, nhưng ban đầu để đi vào, có lẽ cần có chìa khóa. Hơn nữa phần đông chúng ta thường cần sống trong một ngôi nhà, dầu cho thực sự nó chỉ là một ý niệm do ai đó dựng nên một lúc nào sau thời kỳ người-vượn. Bạn có thấy như thế nào chúng ta không thể từ chối phương tiện của những cơ cấu ý niệm, dù cho chúng là một cái gì giới hạn? Trong thí dụ này, chìa khóa có vẻ như khác với ngôi nhà; nhưng để vào một ngôi nhà khóa cửa, người ta cần một chìa khóa. Niềm tin và sùng mộ thì giống như cái chìa khóa cho ngôi nhà này, lâu đài bao la của Đại Toàn Thiện bổn nhiên. Một khi người ta thực sự ở trong nhà, người ta biết ngôi nhà là gì và có thể hưởng thọ nó theo nhiều cách khác nhau.

Bồ đề tâm quý báu, niềm tin, sự sùng mộ, lòng bi vô giá và mọi thực hành tương đối là hữu ích và trợ giúp phi thường cho sự chứng ngộ tuyệt đối được gọi là Đại Toàn Thiện; tất cả những vị Kim Cương Sư đều đồng ý về điểm cốt yếu này. Mọi phương diện này của những cấp độ tương đối và tuyệt đối của thực tại thực sự liên kết với nhau một cách bất khả phân. Sự chứng ngộ tối hậu, hay phương diện tuyệt đối của Bồ đề tâm, là Đại Toàn Thiện, rigpa, Như Lai tạng, hay Phật tánh. Đây là tòa nhà vĩ đại, chỗ ở tối hậu chúng ta đang nói.

Trong lúc ban đầu người ta có thể quan niệm ra những chìa khóa, và cửa cái, cửa sổ, trần, tường… Nhưng sau khi đã an trụ trong đó, nó cũng giống như hòn đảo ngọc thần thoại, đó là kinh nghiệm về cái rigpa bẩm sinh nguyên thủy này. Dầu người ta có tìm kiếm trên hòn đảo huyền thoại ấy, người ta không thể nào tìm thấy chút nhỏ nào là đá, sỏi, hay rác rến. Tương tự, trong cảnh giới bao la của rigpa, mọi tư tưởng và cảm giác chỉ được thấy như sự phô diễn của Pháp thân. Người ta không thể tìm đâu ra một chút tư tưởng hay thấy biết nhị nguyên.

Tòa nhà không thể nghĩ bàn hay đô thị của rigpa giống như một ngôi nhà vĩ đại và trống không. Nó không cần phải khóa, bảo vệ, củng cố hay giữ gìn, bởi vì những tư tưởng nhị nguyên như những tên trộm không có gì để đánh cắp. Namtok có thể đến và đi như nó muốn, bởi vì ở đây không có gì để cầm giữ, không có gì để mất, không có gì để bảo vệ. Đúng thế! Emaho! Thật kỳ diệu!

Mọi sự là bản tánh của Đại Toàn Thiện Dzogchen. Bạn là Đại Toàn Thiện – Dzogchen bổn nhiên. Không có cái gì để được hay mất. Đây là bản tánh hay trạng thái của Phật tánh nguyên sơ, Samantabhadra (Phổ Hiền), nghĩa đen là Trọn Hảo.

Mọi sự đều ô kê, mọi sự đều tốt đẹp, cái gì cần phải làm đã được làm xong rốt ráo.

Vị tổ giác ngộ và người giữ dòng Đại Toàn Thiện Long- chenpa, ngài là Phật nguyên thủy Samantabhadra trong hình thức con người, đã giải thích rằng có năm đại toàn thiện trong Đại Toàn Thiện sáng ngời. Ngài nói rằng sanh tử xưa nay là Samantabhadra toàn thiện; niết bàn xưa nay là Samantabhadra toàn thiện; mọi thấy biết và hình tướng hiện tượng xưa nay là Samantabhadra toàn thiện; bản thân tánh Không xưa nay là Samantabhadra toàn thiện; và mọi sự là Phật Samantabhadra bổn nguyên. Emaho! Kỳ diệu! Đấy là vì sao Samantabhadra bật lên mười hai cái cười kim cương nổi tiếng của ngài – cái cười vũ trụ, một bùng nổ của niềm vui thanh tịnh.

Saraha cũng hát một bài ca như vậy, nhảy múa cuồng loạn và vung vẫy đôi tay, nói rằng mọi sự là “Cái Ấy”. Saraha hát, “Trong mười phương thế giới, bất cứ tôi nhìn chỗ nào, không có cái gì ngoài Phật bổn nguyên này, ngài không tay không chân, và thuần túy là một bầu vô biên và sáng tỏ”.

Cũng trong bài ca đó, Saraha hát, “Giờ đây công việc của chúng ta đã chấm dứt trọn vẹn, chúng ta không có gì để làm và có thời gian để làm bất cứ thứ gì chúng ta muốn”. Đây là sự nhảy múa và bài ca tối hậu tự thân chúng ta cần hát. Khi sự thực hành tâm linh là đích thực, nó có thể là bài ca của bạn, sự nhảy múa của bạn, và thực tại của bạn – thực tại của chúng ta. Cái chúng ta cần là cái mà chúng ta vốn đã nhận được, nó vừa vặn với lòng tay của chúng ta. Xin hãy yêu quý nó, giữ gìn nó đúng ở chỗ nó đang là ngay lúc này. Nó là đang cùng với bạn, là bất cứ cái gì bạn đang mong ngóng, ước ao, cần thiết; nó đang cùng chúng ta, và là chúng ta. Dù có nhiều ngàn bình giải, kinh điển và giáo lý đầy ắp những sóng điện âm thanh, tinh túy của chúng là sự nhận biết bản tánh chân thật của tâm thức chúng ta, và sự thực hành hay hiện thực hóa cái ấy.

Những người Thiên Chúa giáo có một bộ sách tốt đẹp và khổng lồ là Kinh Thánh, và trong Kinh Thánh có Cựu Ước và Tân Ước và hơn nữa có nhiều tủ sách bình giải từ khi Kinh Thánh mới ra đời. Hai phần Kinh Thánh này có mặt ở Tây Tạng vào thế kỷ mười chín bằng một bản dịch của những nhà truyền giáo Jesuit. Trong Ấn Độ giáo có những kinh Veda, Upanishad, Bhavagad Gita v.v… Nhiều kinh điển và bình giải rực rỡ, nhiều loại trong đó đã được dịch rất tốt ra tiếng Tây Tạng hơn ngàn năm qua. Kinh Koran cũng có đầy đủ một số trang, và nhiều tác phẩm khác hơn ngàn năm qua đã được lấy từ nguồn gốc ấy.

Ngoài những truyền thống tôn giáo và tâm linh của thế giới, có rất nhiều sách, triết học, khoa học, tâm lý học, quan điểm chính trị và những thứ thích thú để đọc và nghiên cứu và suy nghĩ, nhiều như vô số lá trong rừng. Nhưng dù người ta biết tất cả các thứ đó hay không, nếu và khi người ta khám phá và nhận biết trí huệ tánh giác bổn nhiên, thật tánh của tất cả mọi sự – gọi là Đại Toàn Thiện hay là Phật tánh – đấy mới là tâm của vấn đề, cái mà tất cả mọi người cần. Đó là thứ thuốc trị muôn chứng có tầm mức vũ trụ, nó chữa lành mọi bệnh, giải quyết tất cả mê vọng và nghi ngờ, và nó giải thoát và tự do một cách toàn triệt.

Mười bảy Tantra Dzogchen giống như những kinh điển của Phật nguyên thủy. Một Tantra chính gọi là Kunshi Gyalpo Gyu, Tantra Chủ Quyền Tối Cao Của Mọi Hoạt Động. Nếu người ta hiểu ý nghĩa của Đại Toàn Thiện Dzogchen, chỉ nghe nhan đề của một tantra như vậy là đủ giải thích mọi sự: chỉ có một cái tối thượng vĩ đại, bậc làm chủ của mọi hoạt động – dĩ nhiên ám chỉ đến rigpa hay Phật tánh, bản tánh bổn nhiên của mọi người. Ý nghĩa và giá trị độc nhất của sự thực hành là thấu hiểu, nhận biết và thực sự kinh nghiệm một cách sâu xa bản tánh chân thực của mọi sự.

Nếu bạn thực sự muốn nghiên cứu và nghe về Đại Toàn Thiện, có nhiều tác phẩm: có bộ ba nổi tiếng của Longchenpa, được Guenther dịch thành Tác Phẩm Bộ Ba Của An Nhàn Và Thong Dong, và một bộ ba sâu xa khác của ngài, Rangetrol Kozsum, chưa được dịch; Bảy Kho Tàng của Longchenpa; nhiều bài ca kim cương của Rigdzin Jigme Lingpa, gồm Yonten Dzod rất thấu đáo và nhiều tác phẩm thú vị của con người lang thang giác ngộ đầu thế kỷ Patrul Rinpoche, và vị đồng thời với ngài là Lama Mipham. Gần đây hơn, vị lãnh đạo vĩ đại quá cố của Nyingma, Đức Dudjom Rinpoche, vị thầy yêu quý của chúng ta, đã trang hoàng cho thế giới này với nhiều bài thơ, tác phẩm và bản văn-kho tàng giác ngộ của ngài. Có cả một toàn thể vũ trụ những cái như vậy; chúng ta rất may mắn được tiếp xúc với chúng.

Chúng ta cũng may mắn trong việc không phải đọc tất cả các tác phẩm ấy. Những kinh điển, lời dạy và thực hành không phải là đường lối tối hậu, chúng là những suy nghĩ về nó. Ý nghĩa thực sự của Đại Toàn Thiện là tự tánh của bạn, chứ không phải là cái gì bạn cần tìm ở ngoài. Chân lý không có trong sách, nó chỉ được diễn tả trong sách. Nó không phải như thức ăn phải được ăn vào và đến từ bên ngoài. Giáo pháp không giống như thực phẩm, nó chỉ có thể thỏa mãn cơn đói tạm thời; chứng ngộ bản tánh tối hậu thực tại bên trong là sự đáp ứng thực sự lâu dài và thỏa mãn tối hậu.

Bản thân Đại Toàn Thiện là Tam Bảo. Nó là tự tánh bổn nguyên của thân, ngữ và tâm của chúng ta: ba thân hay những thân Phật. Hãy để cho nó an nghỉ trong thong dong tự nhiên, thong dong vô tư, tự nhiên và bình an với mọi sự. Không cần tập trung nhất niệm vào đối tượng nào, hay phân tích và cố gắng hình dung hay tìm hiểu sự vật. Những cái ấy chỉ là nền móng sơ khởi cho những người sơ học, nếu đứng trong ánh sáng của loại thực hành tuyệt đối, bất nhị này. Một khi bạn đã được giới thiệu vào thật tánh của bạn, và đã nhận biết nó, bạn có thể thực sự bắt đầu thực hành Đại Toàn Thiện. Bởi thế, hãy ở trong sự thong dong bao la bẩm sinh, mở ra với mọi sự, tỏ biết bản thân cái tỉnh thức bẩm sinh, trạng thái tự nhiên nơi mỗi người.

Một trong những cuốn sách hay nhất của Longchenpa toàn giác là Semnyi Ngalso, Sự An Lạc Thong Dong Tự Nhiên Của Tâm. Điều này ám chỉ sự an lạc thong dong bẩm sinh, chẳng phải là thành phẩm của những cố gắng và ráng sức khác thường. Semnyi Ngalso cũng là tên đặt cho tư thế thiền định đặc biệt của ngài, với tay trên đầu gối và cái nhìn thẳng tự nhiên. Nếu bạn muốn nghiên cứu tất cả tác phẩm của Longchenpa, hãy nghỉ ngơi trong sự an lạc thong dong lồng lộng bẩm sinh của tư thế này: điều này làm trọn vẹn sự nghiên cứu của bạn.

Hãy thưởng thức Đại Toàn Thiện bổn nhiên, nó là của tất cả các bạn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TRƯỞNG DƯỠNG BỒ ĐỀ TÂM
  2. TRUNG ĐẠO
  3. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP