BẮT ĐẦU BẰNG SỰ CHÂN THÀNH, TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ CỞI MỞ

CHADE-MENG TAN

Trích: Search inside yourself – Tạo ra lợi nhuận, vượt qua đại dương và thay đổi thế giới; Kiều Anh Tú dịch; NXB. Lao Động, 2017

“Quyển sách này cùng khóa học mà nó dựa trên đại diện cho một trong những khía cạnh tuyệt vời nhất của văn hóa Google – đó là một cá nhân với một ý tưởng tuyệt vời có thể thực sự thay đổi  thế giới.”

                                                                                   – Eric Schmidt, Giám đốc điều hành Google

“Con người có khả năng tạo ra những thay đổi tích cực. Quyển sách của kỹ sư Google, Chade-Meng Tan, Search Inside Yourself, là sự kết hợp sáng tạo giữa phương pháp thiền cổ xưa và trí thông minh cảm xúc hiện đại. Nó cho thấy rằng, để tránh những loại kết quả nhất định, bạn cần phải thay đổi những điều kiện tạo ra chúng. Nếu bạn thay đổi khuôn mẫu thói quen của tâm trí,  bạn có thể thay đổi thái độ và cảm xúc của mình, từ đó tìm ra an bình và hạnh phúc nội tâm.”                                                                                                                                     Đức Đạt-lai Lạt-ma

“Quyển sách này chứa đựng rất nhiều lời khuyên hữu ích. Tôi đánh giá cao nhất quan điểm của Meng là, khi bạn thể hiện tình yêu thương đối với người khác là bạn đang mang hạnh phúc đến cho chính mình.”

                                                                                     – Jimmy Carter, Tổng thống thứ 39 của Mỹ

Nhiều năm trước, tôi có một người quản lý tên là John, tôi rất yêu quý và kính trọng ông. Tôi và John là những người bạn tốt của nhau. John rời công ty chúng tôi vì gặp phải những tình huống mà theo tôi rất là khó chịu, rất không công bằng với ông. Khi một người quản lý mới tên là Eric đến thay thế ông thì tôi không vui chút nào. Về mặt cảm xúc, tôi cảm thấy ghét Eric nhưng về mặt lý trí, tôi biết đó thật ra không phải là lỗi của Eric. Vì vậy tôi quyết định xóa tan mọi sự oán ghét với Eric. Đến thời điểm đó, tôi đã là một thiền sinh giàu kinh nghiệm, nên tôi biết chính xác mình cần sử dụng công cụ gì, đó là sự đồng cảm.

Eric vốn là người quen của tôi và thỉnh thoảng tôi vẫn làm việc với ông trong những vấn đề nhỏ, vì vậy tôi biết ông không phải là một người xấu. Thực ra, về mặt lý trí, tôi còn cảm giác (hóa ra là đúng) rằng ông là một người tốt và tất cả những gì tôi phải làm là thuyết phục não cảm xúc của mình. Vì vậy trong buổi gặp riêng đầu tiên của chúng tôi kể từ khi ông trở thành người quản lý chính thức, tôi bảo đảm mình chỉ nói về những việc cá nhân và nói bằng tình yêu thương cùng sự cởi mở. Chúng tôi đã trao đổi các câu chuyện cũng như các ước mơ trong cuộc đời mình. Tôi đã hỏi ông rằng ông muốn làm gì để cứu thế giới. Mục đích của tất cả những việc này là cho cả não lý trí và não cảm xúc của tôi một cơ hội để tìm hiểu Eric với tư cách là một con người, để liên kết ông với sự tốt đẹp bên trong ông, để mỗi lần tôi thấy ông, não cảm xúc của tôi sẽ phản ứng là: “Đây là một người tốt, mình thích ông ta”.

Nó hiệu quả như một thần chú vậy. Ngay lập tức Eric đã giành được sự tin cậy của tôi bằng cách hồi đáp lại sự chân thành, tình yêu thương và sự cởi mở của tôi. Tuyệt vời hơn là tôi thấy ông là một người rất tốt và đáng khâm phục. Ví dụ, ông đã dành những năm tháng tuổi trẻ để tham gia các hoạt động xây dựng hòa bình ở các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Ông hiếm khi nói về điều này nhưng tôi vô cùng kính trọng nó. Khi cuộc trò chuyện đầu tiên của chúng tôi kết thúc, não cảm xúc của tôi đã được làm mát và não tư duy đã bảo não cảm xúc của tôi rằng: “Thấy chưa? Tôi đã nói với anh là ông ấy là một người tốt mà!”. Sự oán ghét của tôi đối với ông hoàn toàn tan biến.

Trong phạm vi cuộc trò chuyện riêng một tiếng, tôi và Eric đã thiết lặp được một nền tảng vững mạnh cho sự tin cậy lẫn nhau. Trong khoảng thời gian chúng tôi làm việc cùng nhau, chúng tôi đã có một mối quan hệ công việc rất tích cực và hiệu quả. Tôi rất vui được coi ông là bạn mình.

(Đây là một câu chuyện có thật, tên nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ tôi.)

Tinh thần của câu chuyện này là hãy luôn chuẩn bị bánh rán trong các cuộc họp. Không, tôi chỉ đùa thôi. Tinh thần thật sự của câu chuyện này là lòng tin phải bắt đầu bằng sự chân thành, tình yêu thương và sự cởi mở. Vì vậy, tối ưu nhất là bắt đầu mọi mối quan hệ theo cách đó, cả trong công việc và trong cuộc sống. Bất cứ khi nào có thể, hãy bắt đầu bằng việc giả định rằng đối phương là một người tốt, xứng đáng được đối xử như một người tốt, cho đến khi điều ngược lại được chứng minh.

Một bài học khác là việc luôn đối xử với đối phương như một con người sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Khi xây dựng lòng tin, tôi thấy mình rất dễ xử lý não lý trí, cái khó là làm mát cho não cảm xúc. Để làm mát não cảm xúc, tôi phải nhận ra rằng đối phương là một con người, cũng như mình mà thôi. Đối phương không chỉ là đối thủ trên bàn thương lượng, một khách hàng hay một đồng nghiệp; người đó còn là một con người nữa, cũng như mình thôi. Khi tâm trí của bạn có thể hoạt động ở mức độ đó trong mọi tình huống, đặc biệt là những tình huống khó khăn, bạn sẽ tạo nên được những điều kiện vững chắc cho sự tin cậy lẫn nhau.

Karen May, Phó Chủ tịch phụ trách lãnh đạo và nhân tài của Google – người có khả năng đồng cảm nhất mà tôi từng làm việc cùng – đưa ra thêm hai mẹo nhỏ để xây dựng lòng tin như sau:

1. Tập trao cho mọi người lợi ích của sự nghi ngờ: Phần lớn mọi người làm những việc họ làm vì vào thời điểm đó, dựa trên điều họ muốn đạt được và thông tin họ có được thì dường như, đó là việc nên làm. Họ thấy lý do của mình hợp lý, ngay cả khi chúng ta thấy hành động của họ là vô lý. Hãy giả định rằng họ đang đưa ra lựa chọn đúng đắn dù cho chúng ta không hiểu hoặc chúng ta sẽ đưa ra lựa chọn khác nếu là họ.

2. Ghi nhớ rằng lòng tin sinh ra lòng tin: Một cách tôi có thể dùng để xây dựng lòng tin với bạn là giả định bạn là người đáng tin cậy và đối xử với bạn như thế. Khi cảm thấy một người tin bạn, bạn sẽ dễ tin lại họ hơn và ngược lại.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BA BƯỚC DỄ DÀNG ĐỂ ĐI ĐẾN HÒA BÌNH THẾ GIỚI
  2. THIỀN TRONG HOẠT ĐỘNG
  3. KẾT BẠN VỚI CẢM XÚC

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI