CHRISTINE MUSELLO
JONICE WEBB
Trích: Lấp đầy trống rỗng: Chữa lành tổn thương cảm xúc thời thơ ấu?/ Jonice Webb, Christine Musello; Việt Tú dịch; NXB. Dân Trí;công ty xuất bản Thiện Tri Trức; 2021
ROBYN
Robyn, 32 tuổi và sống ở trung tâm Seattle. Cô ấy có một sức hấp dẫn tự nhiên, trầm lắng khiến mọi người chú ý đến cô ấy. Sở hữu một mái tóc dài màu nâu vàng, cô ấy thường buộc tóc bằng một chiếc cặp hay buộc cao kiểu đuôi ngựa. Khi mọi người gặp Robyn lần đầu tiên, họ không thể không nhận ra sự kết hợp thú vị giữa mái tóc màu nâu vàng và đôi mắt xanh pha lê, và Robyn nhận được nhiều lời khen ngợi về điều đó. Hầu hết mọi người đều cảm thấy ngạc nhiên là khi họ khen Robyn về điều đó thì cô đáp lại với vẻ ngượng ngùng. Thực sự thì Robyn rất khó chịu với việc ngoại hình của cô gây chú ý hoặc không bình thường. Ngay cả ở tuổi 32, cô ấy vẫn cố gắng giảm bớt sự chú ý tới vẻ ngoài của mình, vì cô ấy cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi có thể giữ mình trong trầm lặng.
Robyn độc thân và chưa từng kết hôn. Cô đã có bằng Cử nhân tâm lý học ở tuổi 21, nhưng sau một vài năm đi làm ở nhiều công việc khác nhau, cô ấy nhận ra rằng mình không thể kiếm sống bằng tấm bằng đó. Vào thời điểm đó, cô đã trở lại trường học và hiện tại, cô có bằng thạc sĩ từ trường UCLA. Cô có một công việc tuyệt vời, được trả lương cao và có một căn hộ đẹp trong một khu phố trung tâm xinh đẹp. Cô ấy sống cách phòng tập thể dục của mình khoảng 1,6 km và mọi người hay thấy cô đến phòng tập vào dịp cuối tuần, cô lên kế hoạch cẩn thận cho việc cân bằng việc luyện tập aerobic và tập sức bền. Bạn bè của Robyn thích trêu chọc cô ấy về những thói quen lành mạnh của cô. Cô là một người ăn uống cẩn thận và sợ ăn đồ nướng khi cô ấy đọc ở đâu đó rằng thực phẩm cháy khét có thể gây ung thư dạ dày. Những người bạn tốt bụng của cô luôn chuẩn bị sẵn cá ngừ đóng hộp khi họ mời Robyn đến nhà ăn uống. Bạn bè cũng hay trêu đùa Robyn về việc cô ghét thú cưng, nhưng cô tiếp nhận những lời bông đùa đó một cách khá thoải mái.
Bạn bè Robyn cho rằng cô khá mâu thuẫn. Họ cảm thấy rằng họ có thể nói với cô ấy bất cứ điều gì vì cô ấy rất giỏi trong việc lắng nghe và đưa ra lời khuyên, đồng thời có thể tin tưởng vào những lời khuyên chắc chắn và chu đáo của cô. Nhưng cô ít khi chia sẻ về bản thân. Cô ấy giỏi cống hiến, nhưng cô ấy không nhờ bạn bè hỗ trợ hoặc hỏi họ cho lời khuyên. Nhưng đôi khi mọi người lại không thể liên lạc với cô. Nhiều khi trong vài tuần liền Robyn không trả lời điện thoại. Bạn bè của cô ấy nói đùa rằng “Robyn đang tu hành”. Mặc dù cô sẽ nhận lời mời tham gia các hoạt động xã hội, nhưng cô ấy hiếm khi chủ động bắt đầu bất kỳ hoạt động nào. Trên thực tế, phần lớn bạn bè của Robyn chưa bao giờ nhìn thấy căn hộ của cô. Phong thái chung của cô là trầm lặng và nền nã, nhưng nếu cô uống một vài ly rượu, cô sẽ là trung tâm của bữa tiệc. Tính hài hước lém lỉnh khiến cô nổi bật, vui nhộn và thậm chí là táo bạo. Bạn bè cảm nhận được chiều sâu của cô, nhưng đôi khi cảm thấy thất vọng vì họ không thể chạm tới nó. Dường như Robyn là một người bạn tuyệt vời, nhưng khi cô ở “chế độ ẩn tu”, cô hoàn toàn không thể tiếp cận được.
Vào một đêm thứ bảy của tháng 6, Robyn đến nhà Trish bạn cô để cùng nấu ăn. Trish có một công thức mới cho martini chanh, và chúng ngon một cách đáng ngạc nhiên. Trong khi mọi người thưởng thức bít tết nướng, Robyn ăn bánh sandwich cá ngừ và uống 3 ly martini chanh. Như thường lệ, cô vui vẻ một cách kỳ lạ vào đêm hôm đó. Họ chơi poker đến quá nửa đêm cho đến khi thấy nên kết thúc cuộc vui và đi về nhà.
Hai ngày sau, Trish nhận được một cuộc điện thoại từ chị gái của Robyn với một tin sốc. Robyn đã được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh, khi chị ấy qua nhà Robyn và thấy có vấn đề khi cô không trả lời chuông cửa. Robyn đã uống thuốc quá liều vào Chủ nhật, một ngày sau buổi tụ tập nấu ăn với bạn bè. Không ai trong bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp của Robyn có thể hiểu được hành động tự hủy hoại bản thân của cô. Làm sao một người thông minh, thành đạt, được yêu mến như vậy lại có thể làm được điều này? Cô ấy có mọi thứ. Tại sao cô ấy lại cố gắng lấy đi mạng sống của chính mình? Tại sao không có dấu hiệu báo trước? Tại sao ai đó không nhận ra rằng Robyn có thể đang lên kế hoạch tự sát? Tất cả những người thân yêu của Robyn vắt óc cố gắng tìm ra manh mối mà họ đã bỏ sót. Họ cố phân tích từng giây từng phút thời gian họ gặp gỡ Robyn trong tuần trước. Không ai nhận ra điều gì bất thường, kể cả những người bạn của cô ấy trong buổi nấu ăn.
Có rất nhiều, rất nhiều vụ tự tử dường như không liên quan đến bất kỳ sự kiện hoặc bệnh tật nào. Đôi khi đây là những người rất thành đạt: sinh viên Harvard, doanh nhân thành đạt, vận động viên trung học đang hạng A. Hoặc đó có thể chỉ đơn giản là một người bạn, hàng xóm, đồng nghiệp hoặc anh chị em mà mọi người đều nghĩ là họ đang ổn. Đôi khi một vài sự kiện được xác định, nhưng dường như nó không đủ nghiêm trọng để khiến ai đó tự giết hại bản thân họ. Thường thì những người thân yêu của người đó không chỉ bị sốc mà còn hoang mang bối rối. Những người bị bỏ lại cuối cùng phải vật lộn với những câu hỏi không thể trả lời, không chỉ là làm sao họ có thể làm điều này, mà còn là tại sao họ lại làm điều đó? Để cố gắng trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy quay lại với Robyn. Cho đến nay, bạn đã trải nghiệm cô ấy giống như cách mà bạn bè và gia đình cô ấy đã trải qua. Từ bên ngoài. Bây giờ chúng ta sẽ đi vào thế giới nội tâm của Robyn, để hiểu từ trong ra ngoài, tại sao cô ấy lại có hành động cực đoan như vậy và điều gì đã thực sự xảy ra với cô ấy.
ROBYN
Robyn lớn lên tại một thị trấn nhỏ yên bình ở bang Washington. Cô là con thứ ba trong số năm người con của hai cha mẹ yêu thương và chu đáo. Cha cô làm kỹ sư cơ khí, còn mẹ cô ở nhà với lũ trẻ cho đến khi tất cả chúng bước vào tuổi thiếu niên, lúc đó bà đi làm trở lại với vị trí trợ giảng trong hệ thống trường học địa phương. Về nhiều mặt, thời thơ ấu của Robyn cơ bản là ổn. Cô và các anh chị em của cô đều gần bằng tuổi. Họ sống trong một khu phố rợp bóng cây với nhiều gia đình và trẻ em, vì vậy Robyn không bao giờ thiếu một người bạn chơi cùng. Cô thân thiết với các chị của mình. Gia đình cô không giàu có nhưng dư dả tiền bạc cho một cuộc sống tốt nên họ không gặp khó khăn về tài chính, họ không bao giờ phải thiếu thốn. Mỗi tháng 4, họ lại gói ghém hành trang đến Disney World trong một tuần, và vào mỗi tháng mười hai, họ dành cả tuần lễ Giáng sinh và Năm mới ở Portland, Oregon với ông bà của Robyn.
Cha mẹ của Robyn hiếm khi tranh cãi và họ ít có khả năng chịu đựng với bất kỳ điều tiêu cực nào. Khi xung đột nổ ra giữa những đứa trẻ, cũng như với tất cả anh chị em, cha mẹ sẽ ngăn cản bằng cách đuổi tất cả về phòng ngay lập tức. Không quan trọng cuộc tranh cãi diễn ra như thế nào, hay một bên rõ ràng là hành xử đúng hay đang là nạn nhân. Phương châm của cha mẹ cô là “Không khoan nhượng”. Họ cũng áp dụng quy tắc này cho việc phàn nàn, hoặc bất kỳ biểu hiện nào của sự không vui, buồn bã hay thất vọng. Kết quả là chúng ta có một gia đình yên bình. Những đứa trẻ đã sớm học được rằng nếu chúng có điều gì đó tiêu cực trong tâm trí, tốt hơn là nên giữ nó cho riêng mình. Bố mẹ không tốn thời gian cho những điều vô nghĩa như vậy. Họ muốn đây là một gia đình hợp tác, hạnh phúc, mọi người hòa thuận và không ai bất mãn. Ngoài ra, với 5 đứa trẻ phải quản lý, họ cảm thấy mình không có thời gian và năng lượng để giải quyết khủng hoảng, xoa dịu nước mắt và xoa dịu nỗi thất vọng. Chính sách “Không khoan nhượng” cho phép họ tiếp tục gánh vác gia đình và họ cảm thấy luôn có cái nhìn tích cực về cuộc sống.
Robyn và anh chị em của cô hiếm khi ở trong nhà. Ngay từ khi còn nhỏ, họ thích chơi trong khu phố với anh chị em và bạn bè của họ. Bên ngoài ngôi nhà, họ được tự do phàn nàn, đấu tranh và bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc của mình, cả tích cực và tiêu cực. Các anh chị em của Robyn đã tìm thấy điều này thật sảng khoái và thoải mái. Họ có thể nhận ra rằng những cảm xúc mà cha mẹ họ không chịu đựng được nhưng lại được chấp nhận ở những nơi khác. Tuy nhiên, Robyn thì khác.
Robyn là một đứa trẻ nhạy cảm ngay từ khi sinh ra. Là con thứ ba, cha mẹ cô nhận thấy ngay tính cách của cô khác với các anh chị của cô. Cô đã khóc rất nhiều, quấy khóc khi mẹ mang tất hoặc cho cô ngậm núm vú giả mới. Cha mẹ có đặt biệt danh cho cô là “Khóc thường xuyên”, một trò đùa vui của cụm từ “Khách hàng thường xuyên”. Khi cô chập chững biết đi và cuối cùng là tuổi mẫu giáo và đi học, cô thường được mọi người trong nhà chiều chuộng vì cô rất mau nước mắt. Những giọt nước mắt lặng lẽ sẽ được cưng nựng dỗ dành. Nhưng khóc lớn là một vấn đề khác. Nếu Robyn kêu khóc, cha mẹ cô áp dụng chính sách “Không khoan nhượng” và ngay lập tức cô được đưa về phòng. Từ đó, Robyn đã học được một bài học: Cảm xúc tiêu cực là xấu và sẽ không được dung thứ. Cô học được rằng bất kỳ cảm xúc nào không lạc quan, vui vẻ hay tích cực đều phải được giữ kín cho riêng mình và giấu kỹ. Cô cảm thấy xấu hổ vì mình đã có những cảm xúc như vậy, và thầm thề rằng sẽ không bao giờ để chúng bị nhìn thấy. Theo thời gian, cô nhớ bài học này tốt đến mức cô đã che giấu cảm xúc tiêu cực của mình ngay cả với bản thân. Cô đảm bảo luôn giữ cho mình sự lạc quan và vui vẻ. Và khi đến mức không thể tỏ ra lạc quan, cô ấy rút lui hoàn toàn khỏi xã hội, giam mình trong căn hộ của mình. Sau đó, cô ấy sẽ dành toàn bộ thời gian cho công việc, hoàn toàn tập trung vào công việc, hoặc nhốt mình trong căn hộ và xem các chương trình truyền hình một cách chăm chú. Điều này giúp cô giữ mọi suy nghĩ và cảm xúc cho đến khi cô có thể lấy lại năng lượng để tiếp tục chống lại mọi tiêu cực và “vui vẻ” trở lại.
Robyn không chỉ chiến đấu trong trận chiến này. Cô đã sống với nó hàng ngày. Cuộc sống của cô ấy được bọc một lớp vỏ dày đủ để đảm bảo rằng cô ấy không tiết lộ, nhìn thấy, biết hoặc cảm thấy bất cứ điều gì tiêu cực từ bên trong bản thân. Việc này tiêu tốn một lượng lớn năng lượng sống. Cô đã cố gắng che giấu phần tiêu cực, đáng xấu hổ của bản thân (phiên bản Robyn của Điểm yếu chí mạng) khỏi thế giới đến mức cô ấy không thể để bất cứ ai biết quá rõ về mình. Đây là lý do tại sao bạn bè của cô ấy không được mời đến căn hộ của cô ấy. Cô sợ rằng họ có thể thoáng thấy phần nào đó mà cô không muốn được nhìn thấy.
Điều quan trọng lưu ý là trong tất cả những điều này, Robyn rất cô đơn. Cô biết rằng bố mẹ, gia đình và bạn bè yêu thương cô, nhưng cô không cảm nhận được điều đó.Thật khó để cảm thấy được yêu mến bởi những người không thực sự hiểu và không có ai thực sự hiểu Robyn. Ngay cả Robyn cũng không. Cô cảm thấy hoàn toàn bị cô lập với phần còn lại của nhân loại. Những người khác có vẻ đều quen biết, quan tâm đến nhau và sống tự do. Họ dường như không có gì phải che giấu về bản thân hoặc phải trải qua những điều khó khăn mà cô gặp phải. Robyn thấy rằng cô như một người xa lạ đang đứng ở bên ngoài và quan sát cuộc sống của mình, xem bản thân như thể cô ấy đang ở trong một màn chiếu, ngắt kết nối với xung quanh, cô đơn và không ai biết đến. Cô thường tự hỏi về quan điểm của sự sống. Nếu cuộc sống là như vậy: trống rỗng, quá nhiều đau khổ, quá đau đớn và không có mục đích, vậy tại sao phải sống?
Kể từ thời niên thiếu, Robyn đã có cảm giác “từ bên ngoài nhìn vào bản thân. Ở tuổi 13, cô bắt đầu tự hỏi mình bị làm sao vậy? Cô đã có một tuổi thơ tuyệt vời, vì vậy không có lời giải thích nào cho việc cô cảm thấy thiếu sót. Có một cái gì đó thiếu vắng, một căn bệnh nào đó, một khoảng trống bí mật bên trong tâm hồn. Cách duy nhất cô có thể xoa dịu bản thân là tưởng tượng mình đã chết. Chết sẽ là một sự nhẹ nhõm. Cô không có ý định tự sát, nhưng cô dành khả năng đó như một tấm lưới bảo hộ. Nếu đến mức không thể chịu đựng được nỗi đau, cô ấy luôn có thể tự kết liễu cuộc đời mình. Khi đó sẽ không còn chật vật, không còn trống trải, không còn cô đơn, không còn đau đớn. Robyn sử dụng trí tưởng tượng về cái chết và tấm lưới an toàn của cô như một phương pháp để xoa dịu bản thân từ năm 13 tuổi cho đến khi trưởng thành, nhưng cô đã không hé một lời về nó với bất kỳ ai.
Bây giờ chúng ta hãy quay trở lại cái ngày sau bữa tiệc nướng, ngày mà Robyn đã kích hoạt tấm lưới an toàn của cô ấy. Đây là những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó: Robyn thức dậy với cảm giác nôn nao nhẹ và với những ký ức vui vẻ về buổi tiệc đêm hôm trước. Cô lấy cho mình một ít ngũ cốc và ngồi xem TV. Cô cảm thấy như có một đám mây đen trên đầu mình, vì cô đã cố gắng chống lại “chế độ ẩn tu” trong vài tuần liền. Cô cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi và trống rỗng, nhưng trên tất cả, tê liệt. Cô cố gắng làm cho sự tê liệt và trống rỗng biến mất bằng cách xem một tập phim cũ của Andy Griffith (diễn viên, nhà sản xuất truyền hình người Hoa Kỳ). Nó không hiệu quả, vì vậy cô ấy nằm xuống ghế sofa của mình và bắt đầu tưởng tượng mình đã chết, vì điều đó thường có tác dụng. Lần này thì không, thay vào đó là sự trống trải và đau đớn ngày càng dữ dội. Cô đứng dậy, đi lại loanh quanh trong phòng khách và càng thấy suy nghĩ trở nên tối tăm hơn, sự trống rỗng càng sâu sắc hơn. Trong khi đang chìm đắm trong suy nghĩ, cô vẫn nhận ra rằng sau bộ phim của Andy Griffith là đến bộ phim Nhà Waltons. Cô chợt nhớ ra kỉ niệm về thời thơ ấu khi mà gia đình cô đã mắng cô không thương tiếc khi cô vừa khóc vừa xem Nhà Waltons. Cô chợt thấy thật xấu hổ và tự tức giận về bản thân mình, bên cạnh là sự trống rỗng. Tuyệt vọng đối phó với sự đau khổ, Robyn lao vào nhà tắm, uống tất cả các loại thuốc mà cô có thể tìm thấy trong tủ thuốc, trong đó có nhiều loại mà cô đã chủ động tích trữ phòng khi mình thấy tuyệt vọng.
Như bạn có thể thấy, Robyn mà mọi người biết và yêu quý là một con người khác. Cô ấy thực chất là một quả bom hẹn giờ, được hẹn giờ để phát nổ theo chu kỳ. Điều gì khác biệt về tình huống cụ thể này đã khiến Robyn có hành động dại dột? Không có một sự kiện kịch tính nào cả. Đó là một chương trình truyền hình dài tập, khiến cô xấu hổ và tự trách bản thân vào thời điểm tồi tệ nhất có thể. Robyn đã đối mặt nhiều rủi ro trước khi xem chương trình Nhà Waltons (Tên một chương trình truyền hình Hoa Kì). Những ký ức về những lời chỉ trích và sỉ nhục của gia đình là chiếc lá cuối cùng rời khỏi cành, khiến cô cảm thấy tuyệt vọng và lún sâu hơn trong chiếc giếng cô độc và cô lập của chính mình, do chính cô tạo ra. Và chỉ cần một chương trình Nhà Waltons là đủ để khiến cô có hành động dại dột.
Robyn may mắn khi chị gái cô ghé qua. Nhiều người như Robyn không được phát hiện cho đến khi quá muộn. Đây là những người không nhận được sự giúp đỡ. Họ không được chia sẻ hay thấu hiểu nỗi đau của mình và họ không có cơ hội giải thích những khoảnh khắc cuối cùng của mình với bất kỳ ai. Tôi nghĩ, họ cũng là những người sẽ khiến người thân của mình cảm thấy bối rối, không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra.