BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN

SHUNRYU SUZUKI

Trích trong “Không Hẳn Luôn Như Vậy”; Viên Chiếu chuyển dịch Việt ngữ.

1.

Khi bạn sống hoàn toàn trong mỗi niệm, không mong cầu gì cả, bạn không có ý niệm thời gian. Khi bạn bị cuốn vào ý niệm thời gian – hôm nay, ngày mai, năm tới – tập khí vị kỷ bắt đầu. Nhiều tham vọng khởi lên một cách tinh quái. Bạn có thể nghĩ bạn nên xuất gia, hay lo lắng về bước kế tiếp của mình sẽ là gì. Cố gắng để trở thành một người khác, bạn lạc mất sự tu tập và đức hạnh của mình. Khi bạn thành thật với vị trí hay công việc của mình, sự hiện hữu chân chính của bạn đang ở đó cùng bạn. Đây là một điểm rất quan trọng.

Không có ý niệm thời gian, bạn tiếp tục và tiếp tục tu tập. Từng niệm một, hết khoảnh khắc này tới khoảnh khắc khác, bạn trở thành chính mình. Sự tu tập này không phải dễ dàng gì. Bạn có lẽ không thể tiếp tục nó ngay cả một thời thiền. Bạn sẽ cần phải có nỗ lực rất lớn lúc ban đầu. Rồi thì bạn có thể thực hành như thế từng khoảnh khắc. Cuối cùng trải rộng nó ra trong cuộc sống hằng ngày của bạn.

Cách để mở rộng sự tu tập là biểu lộ chính bạn như bạn là, không cố gắng trở thành người khác. Khi bạn rất thành thật với chính mình và đủ can
đảm, bạn có thể biểu lộ chính bạn một cách trọn vẹn.

Thật là sai lầm lớn nếu nghĩ rằng, cách tốt nhất để thể hiện chính mình là làm bất cứ gì bạn muốn, hành động theo bất kì cách nào bạn thích. Đó không phải là thể hiện chính mình. Khi có nhiều cách có thể biểu lộ mình, bạn không biết chắc mình phải làm gì, bạn sẽ làm một cách hời hợt. Nếu bạn biết làm gì một cách chính xác và hành động, thì bạn có thể biểu lộ chính mình một cách trọn vẹn.

Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra. Nếu bạn quên biểu hiện chính bạn tròn đầy trong mỗi khoảnh khắc, bạn có thể hối tiếc về sau. Vì bạn mong chờ vào một thời hạn tương lai nào đó, nên bạn lỡ mất cơ hội của mình, và bạn bè sẽ hiểu lầm bạn. Đừng chần chờ để biểu hiện chính bạn một cách trọn vẹn.

Cám ơn các bạn rất nhiều.

2.

Đôi khi bạn phải tranh luận với vị Thầy của mình. Vậy cũng được, nhưng bạn nên cố gắng hiểu Thầy và sẵn sàng từ bỏ luận điểm của mình – khi bạn sai, khi bạn thấy mình điên rồ bám vào một quan điểm, hay khi bạn đang bào chữa. Đó là cách để thành thật với chính bạn. Bạn có thể từ bỏ: “Thôi được, con sai rồi. Con xin lỗi”.

Bạn và Thầy mình đang muốn có một tương giao hoàn hảo. Đối với vị Thầy, điểm quan trọng là thường sẵn sàng để nhượng bộ đệ tử. Khi vị Thầy
thấy mình sai, ông có thể nói, ‘Ồ! Con đúng, ta sai’. Nếu Thầy bạn có tinh thần đó, bạn sẽ được khuyến khích cũng thừa nhận lỗi của mình, ngay
cả những lúc không dễ dàng lắm.

Chúng ta không ai giống ai. Mỗi người chúng ta khác nhau, và có những vấn đề riêng. Bạn may mắn được những người đang tu tập với mình nâng đỡ. Đây không phải là ô dù che mát để bảo vệ bạn nhưng là không gian bạn có thể tu tập thực sự, một nơi bạn có thể biểu lộ mình trọn vẹn. Bạn có thể mở mắt để hiểu rõ sự tu tập của người khác, và bạn sẽ nhận thấy rằng có thể truyền đạt tư tưởng mà không cần ngôn từ. Nếu bạn tiếp tục tu tập như thế, người ta có thể nói, “Anh khùng rồi. Có gì đó không ổn ở anh.” Nhưng không thành vấn đề, điều đó không quan trọng.

Chúng ta không chỉ trích mà cố gắng để hiểu và thông cảm với người khác. Đôi khi, có thể bạn cảm thấy mình biết rất rõ một ai đó, và khó thông cảm với họ vì tâm bạn nhỏ bé. Nếu tiếp tục tu với nhau, và tâm bạn đủ lớn để tự bộc lộ và chấp nhận những người khác, tự nhiên các bạn sẽ trở thành những người bạn tốt. Hiểu bạn mình là hiểu điều gì đó vượt trên chính cái tôi của mình, thậm chí vượt trên cả người bạn của mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. NGUỒN LINH SÁNG TRONG VEO
  3. MỞ RỘNG TÂM ĐỂ THẤY MỌI VIỆC NHƯ-NÓ-ĐANG-LÀ

Bài viết mới

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN
  3. LÒNG TỪ ÁI