Dr.C.L. CLARIDGE
Trích: Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật; Thảo Triều dịch; Công ty cổ phần sách Thái Hà; NXB. Lao Động
Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.
_ĐỨC PHẬT
Chương này cung cấp các công cụ giúp trẻ phát triển tính kiên cường và giúp chúng ta phát triển mối quan hệ gắn bó với trẻ. Nó chỉ ra những kỹ năng và chiến thuật nào của phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật sẽ thành công trong việc này cũng như những hoạt động nào khác sẽ hỗ trợ cho phẩm tính kiên cường cùng mối quan hệ mà chúng ta có với trẻ.
☘️ Tầm quan trọng của phẩm tính kiên cường
Là cha mẹ, chúng ta muốn giúp con mình xây dựng phẩm tính kiên cường. Chúng ta muốn trẻ có khả năng đối phó hiệu quả với những khó khăn và các sự kiện có khả năng gây đau khổ trong cuộc sống. Phẩm tính kiên cường cũng bảo vệ trẻ khỏi việc tham gia vào các hoạt động xấu, chẳng hạn như dùng ma túy, lái xe không an toàn và phạm tội.
☘️ Làm thế nào để chúng ta xây dựng phẩm tính kiên cường nơi trẻ?
Nhiều kỹ năng và chiến lược được đưa ra trong cuốn sách này giúp bồi đắp phẩm tính kiên cường. Những điều này kết hợp với sự hiểu biết về triết học Phật giáo sẽ giúp trẻ đứng vững khi gặp những tình huống khó khăn. Cả phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật và các nguyên tắc trong Phật giáo đều tạo ra sự kiên cường và sức mạnh cho con của chúng ta.
☘️ Thế nào là một đứa trẻ kiên cường?
Một đứa trẻ kiên cường có:
Sự tự nhận thức
Phần lớn sức mạnh của chúng ta nằm ở việc biết được chúng ta là ai và biết rõ niềm tin của mình. Việc thực hành nhìn sâu, mà chúng ta khuyến khích thông qua lắng nghe thấu cảm và thể hiện bản thân, cho phép trẻ hiểu bản thân mình. Từ đó trẻ có khả năng biết được nhu cầu của mình và hiểu rõ cảm giác, cảm xúc của mình đến từ đâu. Trẻ Có thể kiểm tra tâm trí của mình, nhận trách nhiệm về những gì chúng nghĩ và cảm nhận.
Tâm điểm kiểm soát bên trong
Một đứa trẻ kiên cường nhìn vào bên trong để xác định điều gì là phù hợp với mình. Trẻ không bị ảnh hưởng bởi bạn bè hay giới truyền thông, không làm điều gì mà chúng biết là không đúng. Tiêu chuẩn của trẻ được tự chúng đặt ra chứ không phải theo các giá trị của người khác.
Các kỹ năng ra quyết định và tìm giải pháp
Những đứa trẻ kiên cường biết cách khám phá các lựa chọn thay thế, cân nhắc ưu nhược điểm của các hành động hoặc các quyết định có thể có, đưa ra các quyết định dựa trên nền tảng từ bi và trí tuệ. Chúng có thể xem tình huống từ góc độ rộng hơn để xác định cái gì là có lợi và cái gì không. Những kỹ năng này không chỉ cung cấp cho trẻ những kỹ năng để đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề mà còn cho chúng sự tự tin để biết rằng cho dù con đường có gập ghềnh thế nào thì chúng vẫn sẽ tìm ra cách để tiến về phía trước. Tập trung vào giải pháp có nghĩa là con trẻ là những nhà tư tưởng sáng tạo và đầy năng lực.
Từ ái và trí tuệ
Các kỹ năng và chiến lược của phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật cho phép trẻ phát triển lòng bi mẫn và sự thấu cảm với mọi người. Khi những phẩm chất này kết hợp với trí tuệ mà trẻ có được từ sự hiểu biết và thực hành Phật giáo, trẻ trở nên kiên cường.
Sự tự chủ
Phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật hỗ trợ trẻ phát triển sự tự chủ trong khi vẫn tạo ra một mối liên hệ sâu sắc với cuộc sống xung quanh. Khi con của chúng ta có sự tự chủ và thấy được sự phụ thuộc lẫn nhau của vạn vật, trẻ có thể đưa ra quyết định và hành động sao cho có lợi cho tất cả. Chúng có thể chịu được áp lực để không làm trái với các nguyên tắc Phật giáo và có thể hồi phục lại sau những khó khăn tạm thời.
Những kỹ năng giao tiếp hiệu quả
Các kỹ năng giao tiếp hiệu quả hỗ trợ trẻ phát triển và duy trì những tình bạn có ý nghĩa. Khi con trẻ sử dụng lắng nghe thấu cảm để nhìn sâu vào những người khác, hiểu được cảm xúc và nhu cầu của họ, đồng thời bày tỏ cảm xúc và nhu cầu của mình một cách tôn trọng, chúng sẽ trở thành một người bạn đáng quý. Các mối quan hệ của trẻ bền vững và có ý nghĩa. Khả năng kết nối mọi người theo cách này mang đến sự hỗ trợ trong xã hội và tăng trưởng sự kiên cường trong trẻ.
Luôn giúp đỡ người khác
Khi trẻ tập trung ra bên ngoài và tìm cách giúp đỡ hỗ trợ người khác, chúng sẽ phát triển phẩm tính kiên cường. Giúp đỡ người khác làm tăng cảm giác quyền lực và ý thức về giá trị bản thân. Trẻ có thể làm điều này bằng cách tham gia những công việc tình nguyện thích hợp trong cộng đồng hoặc chúng ta có thể yêu cầu trẻ giúp đỡ chúng ta một số công việc hằng ngày.
Hiểu biết về các nguyên tắc Phật giáo
Khi con của chúng ta có hiểu biết về các nguyên tắc và khái niệm cơ bản của Phật giáo, chúng có khuynh hướng đưa ra các quyết định khôn ngoan và có thể tránh được những đau khổ. Khi trẻ hiểu được lý duyên khởi, chúng đưa ra quyết định trí tuệ vì chúng hiểu rằng chúng phải chịu trách nhiệm về những suy nghĩ, lời nói và hành động của mình, tất cả đều có những kết quả, hoặc tích cực hoặc tiêu cực. Khi trẻ hiểu về sự vô thường, chúng nhận ra rằng cho dù chúng đang ở hoàn cảnh nào thì mọi chuyện sẽ không kéo dài – điều này đúng với cả hoàn cảnh tích cực lẫn tiêu cực. Thay đổi là một phần của cuộc sống. Khi trẻ hiểu tánh không, chúng hiểu được sự đồng nhất của vạn vật và sự hiểu biết này có tác dụng hỗ trợ trong việc đưa ra các quyết định khôn ngoan. Hiểu biết căn bản về Phật giáo sẽ khuyến khích con của chúng ta kiếm tìm hạnh phúc từ bên trong, chứ không phải từ thế giới bên ngoài.
☘️ Phát triển mối quan hệ gắn bó với trẻ
Phương pháp Nuôi Day Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật nhằm giúp chúng ta kết nối sâu sắc hơn với trẻ. Các kỹ năng và chiến lược được trình bày trong cuốn sách này sẽ thúc đẩy các mối quan hệ của chúng ta khi kết hợp chúng với các hoạt động chia sẻ niềm vui trong cuộc sống cũng như vui chơi.
☘️ Các thành phần cho những mối quan hệ gắn bó
Thái độ và động lực
Nếu chúng ta sử dụng phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật với một thái độ và động lực lòng từ ái, đó là muốn giúp con trẻ phát triển Phật tính bên trong, thì chúng ta sẽ phát triển một kết nối sâu sắc với con trẻ. Trẻ em dễ dàng nhận ra thái độ và động cơ của chúng ta hơn là hiểu những lời chúng ta nói. Khi chúng ta kết hợp từ bi và trí tuệ vào việc làm cha mẹ, chúng ta khuyến khích trẻ kết nối sâu sắc không chỉ với chúng ta mà con với những người khác.
Giao tiếp từ ái
Một trong những công cụ tuyệt vời nhất để tạo ra và duy trì mối quan hệ sâu sắc với trẻ là giao tiếp từ ái. Giao tiếp từ ái sẽ là một quá trình hai chiều khi con trẻ có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng các kỹ năng. Giao tiếp từ ái dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng và từ bi đối với cả con trẻ và chính chúng ta. Điều này cho phép chúng ta và con trẻ chia sẻ cảm xúc, nhu cầu và đưa ra các giải pháp lợi ích trong những tình huống khó khăn, đồng thời tăng cường mối liên hệ của chúng ta.
Hãy xem trẻ là bạn thân
Tất cả các tương tác với con trẻ đều phải dựa trên sự thừa nhận Phật tính nơi trẻ. Nếu chúng ta nói chuyện với con không giống như nói chuyện với những người bạn thì chúng ta chưa kết nối được với trẻ. Khi chúng ta thừa nhận Phật tính trong trẻ thì tất cả sự giao tiếp của chúng ta với con, dù bằng lời hay không, đều sẽ thể hiện sự tôn trọng. Lời nói của chúng ta rất tôn trọng, giọng diệu rất trân trọng, và ngôn ngữ cơ thể của chúng ta cũng thể hiện sự trân quý. Khi chúng ta nói chuyện với trẻ thì chúng ta phải dừng lại những việc khác. Chúng ta phải thực sự có mặt cho trẻ. Mắt tiếp xúc với nhau. Hãy cho trẻ thấy rằng chúng ta tôn trọng trẻ và trẻ là người quan trọng đối với chúng ta.
Gia đình là nơi tâm trí này sống với những tâm trí khác. Nếu chúng yêu thương nhau thì ngôi nhà sẽ đẹp như một vườn hoa.
☘️ Giáo lý của Đức Phật
Lắng nghe trẻ
Khi chúng ta lắng nghe con mình, thực sự lắng nghe, chúng ta sẽ thấy rằng chúng khiến cả hai cùng thỏa mãn. Con của chúng ta sẽ cảm thấy được quan tâm, được tôn trọng và biết rằng luôn có một người sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi mình cần.
Vui chơi với trẻ
Vui chơi cùng nhau có thể tăng cường kết nối. Chúng ta nên dành thời gian để chơi với con thường xuyên hơn. Chúng ta không thể xây dựng mối quan hệ gắn bó với trẻ nếu không dành thời gian cho chúng. Khi chơi với trẻ, chúng ta phải thực sự chơi và hoàn toàn chánh niệm khi chơi.
Không quan trọng chơi trò gì, chỉ cần chơi và vui. Tận hưởng niềm vui chính là chia khóa kết nối. Điều này khiến cho thời gian chúng ta dành cho trẻ là thời gian thực sự chất lượng. Nếu chúng ta có một lịch làm việc bận rộn thì có vẻ sẽ khá khó khăn để dành thời gian cho trẻ, nhưng xét về lâu dài thì điều gì quan trọng hơn? Chắc chắn là con trẻ.
Dùng bữa cùng nhau
Ăn là thời gian chia sẻ cùng nhau. Đây là khoảng thời gian dành cho các cuộc trò chuyện và sự vui vẻ. Giờ ăn có thể là một trong những thời điểm được mong đợi nhất trong ngày khi cả gia đình bên nhau, cùng ăn và trò chuyện. Điều này cho phép chúng ta tăng cường quan hệ với con. Nó cũng giúp trẻ có cơ hội kết nối với thức ăn. Nhiều trẻ em không biết thức ăn của chúng được trồng như thế nào và ở đâu, một số trẻ thì không biết bữa ăn được chế biến ra sao. Chúng ta có thể giúp tất cả các mối liên hệ này phát triển và trở nên sâu sắc hơn khi chúng ta ăn cùng nhau.
Tạo những khoảng thời gian đặc biệt
Hãy dành khoảng thời gian đặc biệt cho mỗi đứa trẻ. Điều quan trọng là trẻ biết rằng đây là khoảng thời gian chúng ta dành riêng cho trẻ và các thành viên khác trong gia đình cũng sẽ có khoảng thời gian “đặc biệt” riêng của họ. Một số phụ huynh biến giờ đi ngủ thành khoảng thời gian đặc biệt cho trẻ. Khi trẻ lớn hơn, chúng ta có thể tạo ra khoảng thời gian đặc biệt khác nếu điều đó được trẻ chấp nhận.
Hỗ trợ tinh thần tự lực ở trẻ
Sử dụng các kỹ năng và chiến lược của phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật cho phép trẻ có tinh thần tự lực. Chúng ta có thể tận dụng bất cứ cơ hội nào để hỗ trợ việc này. Trẻ em cảm thấy được trao quyền nhiều hơn khi chúng giúp đỡ những công việc mà chúng ta đang làm.
Thiết lập những hướng dẫn thực tiễn tối thiểu
Trẻ em có cảm giác mình thuộc về một gia đình khi có những ranh giới hoặc các hướng dẫn được tuân theo nhất quán. Như chúng ta đã thấy trước đó việc ra quyết định có sự tham gia của mọi người, nếu trẻ góp phần vào việc đưa ra các hướng dẫn thì chúng cảm thấy mình có giá trị, được công nhận và trao quyền. Sự tham gia này cũng tăng cường các mối liên hệ trong gia đình. Tốt nhất là các hướng dẫn rõ ràng và ngắn gọn.
Mối quan hệ của chúng ta với trẻ kéo dài suốt cuộc đời. Nếu chúng ta chú trọng việc này ngay bây giờ thì chúng ta sẽ gặt hái được những phần thưởng trong một thời gian dài.
Khi sử dụng lợi thế là trở thành cha mẹ để thực hành đạo Phật, chúng ta sẽ được hưởng lợi từ việc vừa là một Phật tử vừa là cha mẹ. Con trẻ sẽ được hưởng lợi ích thông qua sự hỗ trợ của chúng ta nhằm giúp trẻ nhận ra Phật tính của mình.
Cho đến khi con chạm đến con đường giác ngộ
Con đã lang thang khắp chốn
Với vị Phật quý giá
Được cất giấu bên trong
Dưới lớp vỏ tàn tạ
Con đang có một vị Phật quý giá.
Hãy mau cời bỏ lớp vỏ và hiển lộ!
Đức Phật