BỐN ĐIỀU NHẮC NHỞ QUÝ GIÁ

PEMA CHÖDRÖN

Trích: Đối Mặt Với Thực Tại Và Con Đường Của Yêu Thương-The Wisdom of No Escape and The Path of Loving-Kindness; Việt dịch: Nguyên Hạnh

Bốn điều nhắc nhở truyền thống là bốn điều nhắc nhở căn bản về tại sao người ta có thể tạo nên một nỗ lực liên tục để quay trở về với phút giây hiện tại. Điều đầu tiên nhắc nhở chúng ta về sự sinh ra làm người quí giá của chúng ta; điều thứ hai, nhắc nhở về sự thực tập về vô thường; điều thứ ba, về qui luật của nghiệp; điều thứ tư, về sự vô nghĩa của việc liên tục luẩn quẩn trong vòng luân hồi. Hôm nay, tôi muốn nói về bốn phương thức liên tục đánh thức bạn và nhắc bạn tại sao bạn thực tập, tại sao khi bạn quay về nhà, bạn nên cố gắng tạo một không gian để có thể Thiền tập mỗi ngày và chỉ để hiện hữu với chính bạn theo cách mà bạn đã ở đây trong một tháng. Tại sao thậm chí thật uổng phí thời giờ để tỉnh thức hơn là để ngủ? Tại sao phải dành thời gian còn lại gieo những hạt giống của tỉnh thức, tham vọng mà bạn muốn tạo một bước nhảy, cởi mở hơn và trở thành một chiến sĩ ? Tại sao? Khi có tất cả những lo âu về tài chính, về vật chất, khi có vấn đề với bạn bè, với cộng đồng, vấn đề với mọi thứ và bạn cảm thấy bị kẹt, tại sao phải tốn công nhìn lên bầu trời và gắng tìm ra một lỗ hổng hay một khoảng không gian trong sự hỗn loạn đó? Chúng ta luôn tự hỏi về những vấn đề rất cơ bản này.

Bốn điều nhắc nhở sẽ khơi mở cho những vấn đề này. Bạn có thể suy nghĩ về chúng bất kỳ lúc nào, dù bạn sống ở tu viện Gampo hay ở Vancouver hoặc ở Minnesota, Chicago, New york City, Black Hole of Calcutta, trên đỉnh Everest, dưới đáy đại dương. Dù bạn là một con rắn nước Naga (water-being; Sinh vật nước) hay một con ma, một con người, một sinh vật địa ngục (hell-being), một loại chư thiên (god-realm person)–bất kể bạn là gì–bạn có thể suy nghĩ kỹ về 4 điều nhắc nhở này và tại sao bạn thực tập.

Điều nhắc nhở đầu tiên là sự đáng quí khi được làm người. Tất cả chúng ta ngồi đây đều có được cái mà truyền thống gọi là một sự sinh ra hiếm quí và tuyệt vời. Tất cả những gì bạn phải làm là nhặt một tạp chí Time lên và so sánh chính bạn với hầu như bất kỳ ai trên bất kỳ trang báo nào để nhận ra rằng, thậm chí bạn có những nỗi khổ đau của bạn, sự không hài lòng tâm lý của bạn, cảm giác bị mắc kẹt của bạn…nhưng bạn vẫn thuộc loại diễm phúc hơn khi so sánh với những người bị cán bởi xe tăng, bị chết đói bị đánh bom, bị ở tù, bị nghiện rượu nghiêm trọng hay nghiện ma túy hoặc bất cứ cái gì mang tính tự hủy hoại bản thân. Ngày hôm kia tôi đọc một tờ báo kể về một cô gái 19 tuổi bị nghiện ma túy. Cả cuộc đời cô, cô sẽ tiếp tục chích ma túy cho đến khi cô chết. Mặc khác, sống một cuộc sống thoải mái trong đố mọi thứ đều hoàn toàn đắt tiền cũng không hữu ích gì cả. Bạn không có cơ hội để phát triển hiểu biết về con người đau khổ ra sao hay có ý thức nhiều về tấm lòng cởi mở. Tất cả đều bị kẹt trong một cảm giác có 2 hay 3 trăm đôi giày trong tủ, như Imelda Marcos, hay một căn nhà đẹp với một hồ bơi hoặc bất cứ cái gì bạn có.

Điều cơ bản là nhận ra rằng chúng ta có mọi thứ đang đi cùng chúng ta. Chúng ta không có nỗi đau cực kỳ nào mà không thể tránh khỏi. Chúng ta không có niềm vui hoàn toàn nào dụ dỗ chúng ta vào si mê. Khi chúng ta bắt đầu cảm thấy chán nản, thật hữu ích để nghĩ kỹ về điều đó. Có lẽ đây là lúc tốt nhất để đọc báo nhiều và nhận ra cuộc đời có thể khủng khiếp như thế nào. Chúng ta luôn ở trong một vị trí mà một điều gì đó có thế xảy ra cho chúng ta. Chúng ta không biết chúng ta là những người Do thái sống ở Pháp, Đức hoặc Hà Lan vào những năm 1936, chúng ta chỉ dẫn dắt cuộc đời bình thường của chúng ta, thức dậy vào buổi sáng, ăn 2 hay 3 bữa trong một ngày, có những thói quen hằng ngày và rồi một ngày kia Gestapo đến và đưa chúng ta đi. Hoặc có thể chúng ta đang sống ở Pompeii và đột nhiên một núi lửa bộc phát và chúng ta ở dưới nhiều dung nham núi lửa. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Bây giờ là một thời gian không chắc chắn. Chúng ta không biết–ngay cả ở mức độ cá nhân, ngày mai, bất kỳ ai trong chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta có một căn bịnh vô phương cứu chữa hay rằng một ai đó mà chúng ta rất yêu mắc phải căn bệnh đó.

Nói cách khác, cuộc đời có thể đảo lộn tất cả bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Thật đáng quí, thật ngọt ngào và quí báu cuộc đời của chúng ta! Chúng ta đang ở độ tuổi trẻ đẹp này, chúng ta có sức khỏe và thông minh, có giáo dục, tiền bạc và đại loại như vậy. Tuy mỗi người trong chúng ta đều có hơi chán nản suốt khóa học này, mỗi một người trong chúng ta đều có cảm giác đó trong lòng mình. Điều đó xảy ra một cách xác định. Một điều mà Rinpoche dạy và cũng thật sự bày tỏ với tất cả chúng ta–ngay cả khi không dễ thành công trong việc đẩy nó đi–là rằng chỉ vì bạn đang cảm giác chán nản không có nghĩa là bạn quên đi sự quí giá của cả tình huống. Sự chán nản cũng giống như thời tiết, nó đến rồi đi. Rất nhiều những cảm giác, xúc cảm, ý nghĩ khác nhau đến rồi đi mãi mãi, nhưng đó không phải là lý do để quên đi giá trị của cả tình huống. Sự nhận ra cuộc đời quí giá như thế nào là một trong những năng lực mạnh mẽ nhất của bạn. Nó giống như lòng biết ơn. Nếu bạn cảm thấy biết ơn đối với cuộc đời, thì dù những chiếc xe tải Nazi đến và mang bạn đi, bạn cũng không đánh mất cảm giác biết ơn đó. Có một khẩu ngữ Đại thừa (Mahayana) như sau: “Hãy biết ơn mọi người”. Về cơ bản, một khi bạn có cảm giác biết ơn này đối với cuộc đời và sự quí báu của việc sinh ra làm người thì nó sẽ giúp bạn rất nhiều. Nếu bạn nghĩ bạn có thể bắt đầu cảm thấy biết ơn khi bạn ở cõi địa ngục, nếu bạn nghĩ bạn có thể bỗng nhiên trở nên vui tươi, bạn sẽ nhận ra khoảng 50% khó khăn trong tình huống hiện tại của chúng ta; bạn sẽ có phiền toái khi làm điều đó. Chúng ta thực sự ở trong tình huống dễ nhất và tốt nhất. Rất tốt để nhớ điều đó. Rất tốt để nhớ tất cả những cuộc nói chuyện mà bạn đã từng nghe về điều thiện cơ bản, lòng vui vẻ và sự biết ơn.

Truyền thống Vajrazana nhấn mạnh nhiều đối với tình yêu sâu sắc mà có thể là một hình thức của lòng biết ơn vô hạn, có nhiều sự suy niệm trong đó. Tình yêu sâu sắc tức là nhớ tất cả những ai làm việc cực nhọc, có cùng nỗi đau, có cùng chứng loạn thần kinh như chúng ta, có cùng sự chán nản, sự đau răng, quan hệ khó khăn, cùng những khó khăn như chúng ta–mọi thứ đều giống nhau–mà họ không từ bỏ được; họ là một nguồn cảm hứng cho chúng ta. Bạn có thể nói họ là những nam và nữ anh hùng, bởi vì khi chúng ta đọc những câu chuyện của họ (khi chúng ta đọc câu chuyện của Milarepa chẳng hạn), thay vì cảm thấy khủng khiếp, chúng ta đồng cảm với vị ấy trong suốt câu chuyện. Chúng ta nhìn thấy chính chúng ta trong mỗi đoạn, chúng ta nhận ra rằng có thể tiếp tục và không vứt bỏ. Chúng ta cảm thấy tình yêu sâu sắc đối với những người làm việc vất vả để tạo sự thoải mái cho chúng ta. Đôi lúc bạn gặp một giáo viên đặc biệt hình tượng hóa điều đó cho bạn, và rồi bạn cũng có một lãnh tụ tinh thần để cảm thấy yêu thương sâu sắc. Nó như thể những người này truyền xuống một dòng dõi của lòng biết ơn và sự không sợ hãi, niềm vui và khả năng nhìn thấy sâu sắc. Và họ cũng như chúng ta, ngoại trừ rằng đôi khi chúng ta đánh mất tâm hồn. Có những ví dụ làm chúng ta biết ơn to lớn và thương yêu đối với những người này. Nó cho chúng ta một ý niệm về tinh thần mà chúng ta có thể theo đuổi trong dòng dõi đó. Rồi thì những gì chúng ta làm để nhận ra sự quí báu của việc sinh ra làm người có thể là một nguồn cảm hứng cho những người khác.

Trong những năm đầu thập niên 70, một người bạn nói với tôi: “Bất kỳ điều gì bạn có thể học về việc làm bạn với cảm giác nản lòng, hay cảm giác sợ hãi, hoặc về tình trạng khó khăn, phức tạp, ý niệm về sự bị hạ cấp, ý niệm về sự phẫn hận–bất kỳ điều gì bạn có thể làm với những điều này là hãy vui lòng với chúng, bởi vì điều đó sẽ là một nguồn cảm hứng đối với người khác”. Đó thật sự là một lời khuyên tốt. Vì vậy khi tôi bắt đầu trở nên phiền muộn, tôi thường nhớ “Bây giờ đợi một phút. Có lẽ tôi phải nghĩ ra cách để tự đánh thức mình thật sự, bởi vì có nhiều người đau khổ như vậy, và nếu tôi có thể làm điều đó, họ cũng có thể làm được điều đó”. Tôi cảm giác một ý niệm về sự liên hệ. “Nếu một Shmuck như tôi có thể làm điều đó, bất cứ ai cũng có thể làm được điều đó”. Đó là những gì tôi thường nói, rằng nếu một người đau khổ như tôi, người hoàn toàn bị kẹt trong giận dữ và phiền muộn, bội phản–nếu tôi có thể làm điều đó thì bất kỳ ai khác cũng có thể làm, vì thế tôi đang cố gắng. Đó là một lời khuyên thường giúp tôi nhận ra sự sinh ra làm người quí báu của tôi.

Điều nhắc nhở thứ hai là về tính vô thường của vạn hữu. Đời sống rất ngắn ngủi. Thậm chí chúng ta sống 100 tuổi, nó cũng rất ngắn. Hơn nữa, tuổi thọ của con người là không thể nói trước. Cuộc đời của chúng ta là vô thường. Chính tôi có cao nhất là 30 năm nữa để sống, có thể là 35 năm, nhưng rồi nó sẽ dừng lại. Cũng có thể tôi chỉ có 20 năm để sống. Có thể thậm chí tôi không có một ngày nữa để sống. Thật hữu ích để nghĩ rằng tôi còn rất ít chặng đời dài đó. Nó làm tôi cảm thấy rằng tôi muốn sử dụng nó thật tốt. Nếu bạn nhận ra rằng bạn không có nhiều năm nữa để sống và nếu bạn sống như thể bạn thật sự chỉ còn sống một ngày, thì ý niệm vô thường làm mạnh hơn cảm giác quí báu và sự biết ơn. Về mặt truyền thống thường cho rằng mỗi khi bạn sinh ra, cũng tức là bạn bắt đầu chết đi. Tôi nhớ rằng ở Boulder, hàng năm người Hare Krishna thiết lập một cuộc trưng bày về hình dáng cuộc đời con người bắt đầu là một đứa bé mới sinh rồi qua tất cả những giai đoạn của cuộc đời. Bạn không thể không nhận ra cái hình dáng này lớn lên và mạnh lên hơn trong sự quan trọng nhất của cuộc đời, cho đến khi toàn bộ sự việc bắt đầu đi xuống và hình dáng được biểu hiện trở nên già hơn và cái cuối cùng là một xác chết. Bạn cũng không biết là bạn có đặc ân đi qua toàn bộ tiến trình ấy hay không. Ngay cả nếu bạn có, thì vô thường cũng rất thật. Khi bạn bị phiền muộn, bạn có thể nói với chính mình: “Tại sao phải tốn công ngồi? Tại sao phải mất công tìm ra cho chính tôi và cho người khác, sự phiền muộn này là gì? Tại sao nó làm tôi chán nản? Tại sao bầu trời hôm nay trong xanh như vậy nhưng hôm nay mọi thứ lại xám xịt. Tại sao mọi người tươi cười với tôi hôm qua nhưng bây giờ họ lại nhăn mặt với tôi? Tại sao hôm qua tôi dường như làm đúng mọi việc mà hôm nay lại làm sai mọi việc? Tại sao và tại sao?”. Nếu bạn một mình ở nơi ẩn dật, bạn sẽ vẫn bị phiền muộn. Không có ai để trách cứ; chỉ là cảm giác ấy nảy sinh. Bạn tự hỏi nó là gì? Nó là gì? Nó là gì? Tôi muốn biết. Làm thế nào tôi có thể tự đánh thức mình? Làm thế nào tôi có thể làm điều đó mà nó không phải là một thói quen hoàn toàn? Làm thế nào tôi có thể thoát ra khỏi lối sống nhàm chán này?

Làm thế nào chúng ta từ bỏ sự nhàm chán của cuộc sống chúng ta? Giáo lý dạy: “À, đó là lý do chúng ta ngồi Thiền. Đó là ý nghĩa của chánh niệm. Nhìn một cách cẩn thận, chú ý đến từng chi tiết”. Nhớ về vô thường là động cơ thúc đẩy bạn nhìn lại, quay lại giáo lý để xem chúng nói với bạn điều gì, làm thế nào để làm việc với cuộc đời của bạn, làm thế nào để đánh thức chính bạn, làm thế nào để tươi vui lên, làm thế nào để đối mặt với các cảm xúc. Đôi lúc, bạn sẽ vẫn đọc lui đọc tới nhưng bạn không thể tìm ra câu trả lời ở đâu cả. Nhưng rồi một ai đó trên xe buýt sẽ nói cho bạn, hoặc bạn sẽ tìm ra nó ở giữa một cuốn phim, hoặc có thể thậm chí trong một chương trình thương mại trên Tivi. Nếu bạn thật sự có những câu hỏi này, bạn sẽ tìm ra những câu trả lời bất kỳ ở đâu. Nhưng nếu bạn không có câu hỏi, rõ ràng sẽ không có câu trả lời.

Vô thường nghĩa là thực tế cuộc đời trôi nhanh. Có vài người rất tinh xảo trong thực tập chánh niệm đến nỗi họ có thể thực sự thấy mỗi một sự chuyển động nhỏ của tâm trí–thay đổi, thay đổi, thay đổi. Họ cũng có thể cảm thấy thân thể thay đổi, thay đổi và thay đổi. Thật rất đáng ngạc nhiên. Trái tim bơm máu luôn luôn và máu luôn lưu thông, thức ăn được tiêu hóa và toàn tiến trình sống xảy ra. Nó gây kinh ngạc và nó rất vô thường. Một ngày nào đó bạn du lịch trên một chiếc xe hơi và đó có thể là một sự kết thúc. Nếu bạn thật sự hoang tưởng, vô thường có thể làm cho bạn điên tiết bởi vì bạn hoảng sợ sẽ vượt khỏi sự kềm chế, bạn sợ đi khỏi nhà của bạn. Bạn nhận ra cuộc đời nguy hiểm như thế nào. Thật tốt để nhận ra nó nguy hiểm như thế nào bởi vì điều đó làm cho ý niệm về vô thường được chú trọng. Thật tốt để nhận ra rằng bạn sẽ chết, rằng sự chết đang ở ngay trên vai bạn luôn luôn. Rất nhiều tôn giáo có nhiều suy tư về cái chết để nó ăn sâu trong bộ não của chúng ta rằng cuộc đời không phải kéo dài mãi mãi. Nó có thể kết thúc trong một khoảnh khắc sắp tới? Đôi khi người ta cho rằng sự chấm dứt của mỗi hơi thở ra của chúng ta thật sự là sự chấm dứt; cơ hội là ở chỗ chết một cách hoàn toàn. Suzuki Roshi đưa ra sự chỉ dẫn: “Ngồi yên, không đoán trước. Sẵn lòng chết đi chết lại”. Hãy lấy đó như một câu nhắc nhở. Sẵn lòng chết đi chết lại làm mạnh hơn sự nhắc nhở đầu tiên, ý niệm về lòng biết ơn và sự quí báu. Vô thường có thể dạy bạn nhiều về cách làm thế nào để vui tươi lên. Đôi khi hãy để nó làm bạn hoảng sợ. Thường là: “Thực tập như thể tóc bạn đang bị lửa cháy”. Cũng được nếu nó làm bạn hoảng sợ. Sợ hãi có thể làm bạn bắt đầu hỏi nhiều về các vấn đề. Nếu nó không làm bạn sa sút tinh thần, nó sẽ làm bạn phân vân: “Nỗi sợ hãi này là gì? Nó đến từ đâu? Tôi sợ điều gì?” Có thể bạn hoảng sợ về những điều kích động nhất mà bạn phải học. Vô thường là một nhắc nhở lớn.

Điều nhắc nhở thứ ba là sự nhắc nhở về Nghiệp (karma): Mỗi hành động đều dẫn đến kết quả. Người ta có thế đưa ra cả một cuộc hội thảo lớn về Nghiệp. Nhưng về cơ bản, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, đó là một điều nhắc nhở rằng chúng ta cần phải sống như thế nào, đặc biệt quan trọng ở cấp độ tâm linh. Mỗi lần bạn có thiện ý nhận thức ý nghĩ của bạn, hãy để chúng trôi đi và quay trở lại với sự bắt đầu mới của khoảnh khắc hiện tại; bạn đang gieo những hạt giống của tỉnh thức trong sự vô thức của bạn. Sau một thời gian những gì xảy ra là một ý nghĩ tỉnh thức hơn, cởi mở hơn. Bạn đang huấn luyện chính bạn về hướng cởi mở hơn là say ngủ. Bạn có thể nhận thấy mình bị kẹt, nhưng bạn có thể giải thoát chính bạn bằng cách dùng tâm trí của chính mình, bằng cách thật sự sẵn lòng quay trở lại chỉ với hiện tại, với tính cấp thiết của giây phút hiện tại. Mỗi lần bạn có thiện ý làm điều đó là bạn đang gieo những hạt giống cho tương lai của bạn, trau dồi sự tỉnh thức bằng cách khao khát buông bỏ và làm một điều gì mới mẻ hơn. Về cơ bản, điều đó chính là buông bỏ những ý nghĩ, những dòng cuộn của ý nghĩ và quay trở về khoảnh khắc hiện tại.

Trong một bài kệ tụng chúng ta đọc: “Bất cứ cái gì nảy sinh đều mới. mẻ, là thiết yếu của nhận thức. Mong sao sự thực tập Thiền của tôi được tự do vượt thoát khỏi các dự tính”. Sự bắt đầu trở lại ở đây có nghĩa là sẵn lòng ngồi thẳng lên nếu như bạn uể oải. Nếu bạn muốn nằm trên giường cả ngày với chăn trùm trên đầu, có nghĩa là sẵn lòng đứng dậy và đi tắm với xà bông thật tốt, đi đến hiệu thuốc và mua một thứ gì có vẻ tốt, ủi áo sơ mi của bạn. đánh bóng giày của bạn, bất kỳ điều gì làm bạn tỉnh thức. Nó có nghĩa là làm bất cứ điều gì để kháng cự lại lòng ham muốn của bạn muốn ném đi tất cả những thứ trên nền nhà, đẩy nó xuống giường, không chùi rửa, chìm vào bóng tối. Khi những cảm giác này nảy sinh, nó như thể cả thế giới là sự cộng tác với trạng thái tâm trí của chính bạn. Bóng tối dường như ở khắp nơi. Người ta bị tức giận vì bạn, mọi thứ dường như được khép kín lại. Cố gắng làm mình vui lên không phải dễ, và đôi khì nó có vẽ phê bình quá gắt gao, giống như một điều trái tự nhiên. Nhưng, điều nhắc nhở là nếu bạn muốn thay đổi sự mắc kẹt quen thuộc của bạn, bạn là người duy nhất có thể làm điều đó.

Tôi không nói với bạn điều gì để làm, tôi chỉ nói về việc quan sát làm thế nào bạn luôn làm nhưng điều quen thuộc tương tự khi những cảm giác xấu–khó chịu, phiền muộn, sợ hãi–bắt đầu xảy ra. Bạn luôn làm cùng một điều, bạn ngưng một số thói quen rất cũ. Theo luật Nghiệp quả, mọi hành động đều dẫn đến kết quả. Nếu bạn nằm trên giường cả ngày với chăn trùm đầu, nếu bạn ăn quá no, cầm thử một triệu trong đời bạn, nếu bạn say, say bí tỉ… tất cả những điều đó cũng chỉ làm bạn phiền muộn và làm bạn thất vọng. Càng lớn tuổi,bạn sẽ càng biết chúng sẽ làm bạn cảm thấy khốn khổ như thế nào. Quy luật về Nghiệp cho rằng: Á, bạn muốn cảm thấy như thế nào vào ngày mai, tuần tới, năm tới, 5 năm nữa, 10 năm nữa? Điều ấy tùy thuộc bạn sử dụng cuộc đời bạn như thế nào. Nó không có nghĩa là bạn phải là người hay làm vui tươi lên, hay rằng những xu hướng quen thuộc của bạn không bao giờ thắng bạn. Đó chỉ là điều bạn phải làm với ý niệm về sự tự nhắc nhở. Đôi khi bạn có thể nói: “Không quan tâm”, nhưng sau ngày thứ tư nằm dưới những tấm ra trải giường trong áo quần dơ bẩn bốc mùi của bạn, với chiếc chai trống rỗng bên giường–dù viễn cảnh như thế nào–bạn sẽ thầm nhủ: “Có thể ta nên đi ra ngoài và mua một áo sơ mi mới, tắm và đi ngắm biển hoặc đi bộ dưới chân núi, ăn một bữa ăn ngon hay làm một điều gì đó để nâng cao tinh thần của mình, để làm ta tươi vui lên”. Thậm chí chúng ta có thể rất nặng lòng, thay vì ăn thức ăn dở, chứng ta cố thể đi ra ngoài mua một miếng thịt bò phi-lê (flletmignon) ngon nhất hoặc bất cứ cái gì có thể–trong trường hợp của tôi là một quả đào ngon nhất.

Giáo lý về Nghiệp dạy chúng ta hãy gieo những hạt giống tốt để gặt được những quả tốt. Hãy nhớ rằng điều đó cực kỳ hữu ích. Vì vậy khi bạn nhận thấy mình ở một nơi tối tăm, nơi mà bạn đã đến không biết bao nhiêu lần, bạn có thể nghĩ: “Có thể đó là lúc lấy một cái xẻng vàng nhỏ và bẩy chính mình ra khỏì nơi này”. Tôi nhớ rất rõ lần phỏng vấn đầu tiên với thầy giáo của tôi, Chogyam Trungpa Rinpoche, bởi vì tôi đã quá ngập ngừng như thế nào đó khi tôi nói với ông về những gì thực sự là vấn đề trong đời tôi. Thay vào đó, tôi đã lãng phí cả cuộc phỏng vấn để nói huyên thuyên. Chốc lát ông lại hỏi: “Sự thực tập Thiền của con ra sao?” và tôi trả lời: “Ồ, tốt” và rồi tôi lại nói huyên thuyên. Khi cuộc phỏng vấn kết thúc, tôi thốt lên “Tôi đã có khoảng thời gian khủng khiếp này và tôi đầy giận dữ, plah-plah-plah”. trong nửa giây cuối. Rinpoche đưa tôi đến cửa và nói: “À, điều đó có vẻ như một lượng sóng lớn tiến đến và đẩy bạn xuống. Bạn nhận thấy mình nằm dưới đáy đại dương với mặt chạm cát và thậm chi cát tràn vào mũi, vào miệng, vào tai, vào mắt bạn, bạn đứng dậy và bạn bắt đầu đi bộ trở lại. Rồi lượng sóng tiếp theo tiến đến và lại đánh bạn ngã xuống. Sóng cứ tiến đến, nhưng mỗi một lần bạn bị đánh ngã, bạn đứng lên và cứ tiếp tục đi Sau một lúc, bạn sẽ nhận thấy những con sóng dường như trở nên nhỏ bé hơn”.

Đó là sự hoạt động của nghiệp. Nếu bạn cứ nằm ở đó, bạn sẽ chết đuối, nhưng bạn thậm chí không có đặc ân của sự chết. Bạn chỉ sống với ý niệm về chết đuối luôn luôn. Vì vậy đừng thất vọng và nghĩ? “À, tôi leo ra khỏi giường, đi tắm một cái. Tại sao tôi không ở trong rạp chiếu bóng Walt Disney bây giờ. Tôi nghĩ tôi sắp hóa thành Bạch Tuyết. Tôi nghĩ tôi sẽ sống một cách hạnh phúc sau đó. Hoàng tử đứng bên tôi; tôi đứng dậy. Làm sao tôi không sống hạnh phúc sau đó?”. Sóng cứ đến và đẩy chìm bạn xuống, nhưng bạn lại đứng lên và với một ý niệm tự nâng mình lên, đứng thẳng lên. Như Rinpoche bảo: “Sau đó một lúc bạn sẽ nhận ra rằng sóng dường như trở nên nhỏ bé hơn?” Đó thật sự là những gì diễn ra, đó là cách mà Nghiệp hoạt động. Vì vậy hãy để điều đó thành một điều nhắc nhở. Nó quí giá và nó ngắn gọn, bạn có thể sừ dụng nó tốt.

Đây là một câu chuyện khác về Rinpoche sắp đi gặp thầy của ông, Jamgon Kongtrul. Rinpoche nói rằng vào một buổi sáng đặc biệt khi ông đi vào, Jamgon Kongtrul cầm lên một vật được làm bằng bạc trắng rất đẹp, lấp lánh trong ánh nắng mặt trời với một tay cầm dài và một cái gì giống như mũi chĩa trên đầu. Jamgon Kongtrul bảo rằng nó được gởi đến cho ông từ nước Anh. Rinpoche tiến đến và ngồi xuống, họ nhìn vào đó. Jamgon Kongtrul bảo: “Nó dùng để ăn” và khi những người giúp việc mang thức ăn vào, ông cầm bốn mũi chĩa, đâm nó vào trong những mẫu thức ăn, cầm chúng lên, bỏ vào miệng và nói: “Đây là cách họ ăn với cái này ở nước họ. Họ đâm nó vào trong thức ăn và thức ăn dính với bốn mũi chĩa này, rồi họ bỏ nó vào miệng”. Rinpoche nhìn vào vật đó và nghĩ nó thật là một vật tinh xảo. Rồi Jamgon Kongtrul bảo ông: “Một ngày nào đó con sẽ gặp những người làm những vật này và con sẽ làm việc với họ. Nó sẽ không dễ dàng, bởi vì con sẽ nhận ra rằng chúng thật thú vị khi ngủ hơn là thức dậy”. Đó là những gì ông ta bảo chúng tôi. Vì vậy khi bạn nhận thấy rằng điều đó cũng đúng với bạn, tự nhắc nhở bạn rằng nó tùy thuộc vào bạn để bạn thật sự kinh nghiệm sự biết ơn và sự quí giá của cuộc đời bạn, sự lướt nhanh và sự quí hiếm của nó, hay để bạn trở nên phẫn hận hơn, cay nghiệt hơn, chua xót và cảm thấy đầy lừa dối hơn. Nó tùy thuộc vào cách mà luật Nghiệp quả hoạt động như thế nào.

Điều nhắc nhở cuối cùng là sự vô nghĩa của việc liên tục luẩn quẩn trong vòng Luân hồi (Samsara). Một vài người từng nói rằng họ cảm thấy như thể họ ở trên một dĩa nhạc mà cứ quay vòng vòng hoài; họ bị mắc kẹt theo vết xe cũ này, và một lần họ đi quanh, vết xe trên dĩa hát cũng ngày càng sâu hơn. Đôi khi tôi cũng được nghe người ta nói điều đó, khi họ nghe chính họ nói, họ cảm thấy như thể họ là một máy ghi âm chơi lui chơi tới với một băng nhạc. Họ chán ngấy điều đó nhưng dù sao họ cũng cứ chơi nó bởi vì có một sự xác định nhỏ buồn cười ở đó tạo cho họ cảm giác an toàn dù nó có thể là đau đớn. Đó là Luân hồi (Samsara).

Cái cốt lõi của Luân hồi là khuynh hướng tìm niềm vui và tránh đau khổ của chúng ta, tìm sự an toàn và tránh sự không có chỗ dựa, tìm an ủi và tránh sự bất an. Lời dạy căn bản là rằng đó là cách chúng ta làm chính chúng ta khổ đau, không hạnh phúc, kẹt trong một quan niệm, một giới hạn nhỏ bé của thực tại. Đó là cách chúng ta giữ chúng ta bị dính trong một kén tằm. Ngoài kia là tất cả những hành tinh, tất cả các thiên hà và không gian mênh mông, nhưng bạn bị dính mắc trong cái kén này, hoặc có thể bạn đang ở trong một bao con nhộng, giống như một viên Vitamin. Khoảnh khắc này nối tiếp khoảnh khắc khác, bạn đang quyết định rằng bạn thà ở trong chiếc vỏ bọc con nhộng đó. Bạn thà tồn tại là một viên Vitamin hơn là chịu đau bước ra khỏi và vào trong không gian to lớn ấy. Cuộc đời trong vỏ bọc con nhộng là ấm cúng và an toàn. Chúng ta tự lo liệu lấy nó. Nó an toàn, có thể nói như vậy, nó thuận tiện và nó đáng tin cậy. Chúng ta biết khi chúng ta đi vào trong căn nhà của chúng ta đúng nơi dồ dạc được bày biện và đó là lối sống chúng ta giống như vậy. Chúng ta biết chúng ta có tất cả những trang thiết bị chúng ta cần và chúng ta có áo quần mà chúng ta thích. Nếu chúng ta cảm thấy không thoải mái, chúng ta chỉ cần lấp đầy những lỗ hổng đó. Trí óc chúng ta luôn tìm kiếm những nơi an toàn. Chúng ta đang ở vùng an toàn này và đó là những gì chúng ta xem xét cuộc đời, tự lo liệu lấy sự an toàn. Chết là sự mất đi điều đó. Đó là điều chúng ta hải sợ, đó là điều làm chúng ta lo lắng. Bạn có thể gọi sự chết là một điều bối rối, cảm thấy lúng túng, hoàn toàn nhầm lẫn và không biết con đường nào để hướng đến nên bạn rất hãi sợ. Chúng ta muốn biết những gì sẽ xảy ra. Tâm trí luôn tìm kiếm những nơi an toàn, và những nơi an toàn này thì liên tục bung vỡ ra nhiều mánh. Rồi chúng ta bò leo để kiếm một vùng an toàn khác. Chúng ta tiêu phí tất cả năng lượng của chúng ta, lãng phí cuộc đời để gắng tạo lại những vùng an toàn luôn bị bung vỡ ra này. Đó là luân hồi.

Sự thách thức của luân hồi là khi tất cả những bức tường đổ xuống, khi cái kén hoàn toàn biến mất và chúng ta hoàn toàn cởi mở đối với tất cả những gì có thể xảy ra, không rút lui, không trọng tâm hóa chính chúng ta. Đó là những gì chúng ta mong muốn làm, là hành trình của một chiến sĩ. Đó là những gì kích thích và gây cảm hứng cho chúng ta: Nhảy, bị ném ra khỏi tổ, đi qua các lễ nhập môn, lớn lên, bước vào những nơi chưa biết. Từ quan điểm đó, sự chết trở thành niềm an ủi và an toàn này, cái kén này và viên Vitamin con nhộng này. Đó là sự chết. Luân hồi thích sự chết hơn là sự sống. Bốn điều nhắc nhở là để nhớ điều đó. Khi bạn nhận thấy chính bạn với những cảm giác quen thuộc, xưa cũ, lo lắng bởi vì thế giới của bạn đang bị bung vỡ và bạn không thể đo đạc hình ảnh của chính bạn, mọi người làm bạn khó chịu không thể tả bởi vì không ai làm điều gì mà bạn muốn và mọi người đang phá hoại mọi thứ và bạn cảm thấy khủng khiếp về chính bạn và bạn không thích ai khác và cả cuộc đời đầy dẫy những đau khổ cảm xúc, nhầm lẫn và mâu thuẫn, vào lúc đó chỉ nhớ rằng bạn đang đi qua tất cả những biến động tình cảm đột ngột này bởi vì sự ấm cúng của bạn vừa mới biểu hiện trong một cách nhỏ hay lớn, một cách cơ bản, bạn thích sống và chiến đấu hơn là chết.

Hi vọng bốn điều nhắc nhở truyền thống này, sự quí giá của việc được sinh ra làm người, sự thật về vô thường, qui luật Nghiệp quả và sự vô nghĩa của việc liên tục luẩn quẩn trong vòng luân hồi bất tận–sẽ giúp bạn và tôi trong phần đời còn lại của chúng ta, dù chúng ta rời khỏi nơi đây hay vẫn ở nơi đây, tỉnh thức. Vì vậy hãy có một chuyến quay về thật tốt, và luôn luôn ghi nhớ – đừng bao giờ bỏ cuộc!

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CẢM NHẬN NHỮNG GÌ BẠN CẢM THẤY
  2. NỚI RỘNG VÒNG TRÒN CẢM THÔNG
  3. BẠN ĐÃ SẴN SÀNG THOÁT KHỎI SỰ KIỀM HÃM BẢN THÂN?

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP