BỐN SỰ THẬT CAO QUÝ

KHANGSER RINPOCHE

Trích: Làm Chủ Cuộc Đời; Dịch giả: Trần Gia Phong; NXB. Hồng Đức; Công ty Văn hóa Sáng tạo FirstNews – Trí Việt; 2016

 

Sau khi giác ngộ và trở thành một vị Phật, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giữ im lặng trong suốt 49 ngày. Đây được xem là sự im lặng cao quý và linh thiêng. Trong 49 ngày đó, đức Phật chỉ quán sát và quán sát. Đức Phật quán sát xem ngài sẽ giảng giáo lý cho ai và giảng điều gì. Rất khó để diễn tả thành quả giác ngộ mà Phật đã đạt được. Đôi khi rất khó để chúng ta bày tỏ cảm xúc và việc diễn giải những gì đức Phật đã đạt được khi giác ngộ thậm chí còn khó hơn vì chưa từng có ai đạt đến trạng thái đó. Cuối cùng, đức Phật thấy rằng cần phải diễn giải giáo pháp theo trình độ của từng người nghe chứ không nên diễn giải theo mức độ chứng ngộ của ngài.

Trước khi giác ngộ, đức Phật đã thử rất nhiều cách tu, kể cả tu khổ hạnh bằng cách nhịn đói. Tuy nhiên, cuối cùng ngài nhận ra những phương pháp đó đều sai lầm và vô ích. Nhiều người phạm sai lầm và đang đi sai đường nhưng rất khó để họ nhận ra điều đó. Ở đây, điều ấn tượng là đức Phật đã nhận ra con đường trước kia của ngài là sai lầm; vì vậy, đức Phật từ bỏ đường lối cũ và ngài khám phá con đường mới đưa ngài đến giác ngộ.

Đức Phật dạy Bốn Sự Thật Cao Quý cho năm vị đệ tử đầu tiên tại Varanasi

Đức Phật thuyết Pháp lần đầu tiên tại Varanasi và đó được xem là lần chuyển Pháp luân thứ nhất. Giáo pháp ngài dạy khi ấy là Tứ Thánh Đế, hay Bốn Sự Thật Cao Quý. Lúc đó, chỉ có năm vị nghe Phật giảng bốn sự thật cao quý này. Họ là những người nghe Pháp tốt nên sau đó họ đã chuyển tải chính xác thông điệp của đức Phật đến tất cả mọi người. Điều này cho thấy số lượng người nghe không quan trọng bằng chất lượng của người nghe Pháp. Hiện tại có rất nhiều người nghe Pháp nhưng lại có rất ít người nghe tốt. Vậy thế nào là một người nghe Pháp tốt? Người nghe Pháp tốt là người không những nghe Pháp mà còn thực hành những gì mình đã nghe. Phật pháp không giống âm nhạc. Đối với âm nhạc, chúng ta chỉ cần nghe và thưởng thức mà không cần thực hành. Đối với Phật pháp, điều quan trọng nhất là bạn phải thực hành những gì mình đã nghe. Muốn đạt điểm cao trong kỳ thi thì bạn phải học hành chăm chỉ; tương tự, nếu bạn muốn tu tập tiến bộ thì phải tinh tấn hơn nữa trong việc thực hành Pháp.

NGƯỜI NGHE PHÁP TỐT LÀ NGƯỜI KHÔNG NHỮNG NGHE PHÁP MÀ CÒN THỰC HÀNH NHỮNG GÌ MÌNH ĐÃ NGHE

Tứ Thánh Đế là giáo lý về bốn sự thật cao quý:

1/  Sự thật cao quý về khổ (khổ Thánh Đế),

2/  Sự thật cao quý về nguồn gốc của khổ (tập Thánh Đế),

3/  Sự thật cao quý về diệt khổ (diệt Thánh Đế), và

4/  Sự thật cao quý về con đường diệt khổ (đạo Thánh Đế)

Trong bài Pháp đầu tiên của đức Phật, ngài đã đề cập đến bốn sự thật. Vì vậy, trước hết ta phải hiểu thế nào là “sự thật.” Đặc biệt, đối với các khái niệm “đúng” và “sai”, rất khó để ta phân định cái gì đúng và cái gì sai. Đôi khi, đúng và sai phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của bạn. Nhiều lúc bạn cảm thấy những gì mình tin đều đúng và chúng đều là sự thật. Căn cứ vào niềm tin của bản thân, bạn phán xét đúng sai và phân định giữa sự thật và không phải sự thật. Thậm chí ta còn phán xét đúng sai, thật giả dựa vào văn hóa, truyền thống, và tín ngưỡng. Khi được hỏi điều gì đó đúng hay sai, mọi câu trả lời của chúng ta đều căn cứ vào niềm tin cá nhân chứ không dựa vào những gì ta nhìn nhận một cách chính xác.

Khi đức Phật giảng Tứ Thánh Đế, ngài không căn cứ vào niềm tin cá nhân hay bất cứ truyền thống nào, mà Phật đã thuyết giảng từ trải nghiệm của chính ngài sau sáu năm thiền định và đạt giác ngộ. Vi đức Phật đã giác ngộ và tỉnh thức nên bấy giờ ngài tri nhận thực tại một cách hoàn hảo, và từ trong trạng thái đó, đức Phật phân định đúng và sai, sự thật và không phải sự thật. Ngài hoàn toàn không dựa vào niềm tin cá nhân. Hiện tại, chúng ta phán xét sự thật và giả dối, đúng và sai chủ yếu dựa vào niềm tin cá nhân. Đây là sự khác biệt to lớn.

Tứ Thánh Đế là nền tảng của Phật giáo, và bốn chân lý này có thể được diễn giải theo nhiều mức độ, từ cơ bản đến thâm sâu. Ở đây tôi sẽ diễn giải Tứ Thánh Đế ở mức độ đơn giản.

Sự Thật Cao Quý Về Khổ

Đức Phật thành tựu giác ngộ vào năm 35 tuổi, và từ thời điểm đó đến hơn 80 tuổi, ngài liên tục thuyết giảng trong hơn 45 năm. Trong bài Pháp đầu tiên của đức Phật, ngài đã giảng Khổ Đế. Sự thật về khổ cho ta thấy rõ cách cuộc sống này vận hành.

Tất cả chúng ta đều khóc khi chào đời; tôi chưa từng nghe nói có bất cứ người nào cười khi được sinh ra đời. Con người khóc lúc chào đời cho thấy sự thật đầu tiên: sự thật về khổ đau, nghĩa là nhiều khó khăn và thử thách luôn hiện diện trong cuộc sống. Chính đức Phật khi chưa xuất gia tìm đạo, cũng đã từng rất đau khổ và phiền muộn vì những cảnh tượng như bệnh, già, và chết; và đạo Phật là kết quả của hành trình tìm đường thoát khổ của ngài. Tuổi già, bệnh tật, cái chết, cùng vô số khó khăn và thử thách khác là thực tại khổ đau mà rất nhiều người đang phải đối mặt trong cuộc sống. Chính vì vậy, đức Phật đã nói về khổ ngay sau khi ngài giác ngộ.

THÔNG QUA KHỔ ĐẾ, ĐỨC PHẬT DẠY TA PHẢI CHẤP NHẬN NGHỊCH CẢNH VÀ KHỔ ĐAU HIỆN DIỆN TRÊN CÕI ĐỜI NÀY.

Trong cuộc sống, ai cũng muốn mọi thứ diễn ra hoàn hảo, nhưng ta cần biết điều đó không thể xảy ra. Khi đức Phật nói khổ là sự thật cao quý, điều đó có nghĩa là sẽ luôn có thử thách, khổ đau, và những điều không thuận lợi xảy đến trong cuộc đời; và bước đầu tiên để ta đương đầu với nghịch cảnh là chấp nhận chúng. Khi thấy người khác thành công, nếu có thể chấp nhận thì bạn sẽ được truyền cảm hứng, nhưng nếu không thể chấp nhận thì bạn sẽ sinh tâm ganh tỵ. Giữa cảm hứng và ganh tỵ là một ranh giới rất hẹp: bạn có thể chấp nhận thành công của người khác hay không. Khi có chuyện tồi tệ xảy ra trong cuộc sống hoặc khi có người làm những việc mà bạn không thích, nếu có thể chấp nhận thì bạn sẽ nhẫn nhịn, nhưng nếu không thể chấp nhận thì bạn sẽ nổi giận. Nhẫn nhịn hay sân giận, điều đó tùy thuộc vào việc bạn có chấp nhận hoàn cảnh hay không. Thông qua khổ đế, đức Phật dạy ta phải chấp nhận nghịch cảnh và khổ đau hiện diện trên cõi đời này.

Đức Phật dạy bà Kisa Gautami: ” Đúng như vậy! Ai cũng phải chết chứ chẳng phải riêng gì con bà. Tất cả mọi người đều có cùng nỗi khổ đó.”

Khi đức Phật dạy khổ là một chân lý, ta cần hiểu khổ đau và nghịch cảnh xảy đến với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng ta. Mỗi khi gặp khó khăn bạn thường nghĩ “Tại sao lại là tôi?” Tuy nhiên, thực tế thì ai cũng gặp thử thách và khổ đau chứ không riêng gì bạn. Vào thời đức Phật còn tại thế, có một người mẹ tên Kisa Gautami và bà rất đau khổ khi đứa con trai duy nhất của bà qua đời. Quá đau khổ, bà Gautami đến gặp Phật và cầu xin ngài hãy giúp con trai bà sống lại. Đức Phật nói, “Ta có thể giúp con bà sống lại, nhưng bà phải mang đến cho ta tro từ nhà chưa hề có người chết.” Người mẹ đi tìm khắp làng nhưng dù tìm kiếm suốt ngày bà cũng không thể tìm được ngôi nhà nào chưa từng có người chết. Bà Gautami trở lại gặp Phật và thưa rằng bà không thể tìm ra nhà nào chưa từng có ai chết. Phật dạy, “Đúng như vậy! Ai cũng phải chết chứ chẳng phải riêng gì con bà. Tất cả mọi người đều có cùng nỗi khổ đó.”

Là người ai cũng có hai nỗi khổ: khổ thân và khổ tâm. Trong đó, căng thẳng tinh thần và phiền não nghiêm trọng hơn những vấn đề về thân, vì nếu tâm đầy phiền não thì người ta có thể tìm đến cái chết. Khi con người có nỗi đau trong thân thể, rất dễ để họ chấp nhận rằng mình đang khổ thân. Nhưng khi đau đớn về tinh thần, họ cảm thấy thật khó chấp nhận rằng mình đang khổ tâm. Thật khó khăn để nói “Tôi đang khổ tâm lắm!” Khi thân thể đau đớn, người ta sẵn sàng đến bệnh viện và nói “Tôi đang bị đau chân…” hoặc tương tự. Tuy nhiên, họ lại cảm thấy xấu hổ khi bản thân có vấn đề trong tâm.

Nhiều năm trước, tôi đã đến một trong những bệnh viện tâm thần lớn nhất tại Bangalore để làm một số khảo cứu về tâm với các bác sĩ tâm thần. Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận về khoa học và Phật giáo. Khi tôi đang trên đường đi đến bệnh viện tâm thần, một người học trò nói với tôi, “Nếu chúng ta đi đến bệnh viện tâm thần nhiều như vậy thì người ta sẽ nghĩ mình bị điên.” Rất khó để con người chấp nhận rằng họ đang có vấn đề về tinh thần.

KHI TÂM AN LẠC, CUỘC SỐNG CỦA BẠN SẼ BỚT CĂNG THẲNG; NẾU THẤY TÂM ĐẦY PHIỀN NÃO BẠN SẼ THẤY CUỘC ĐỜI NÀY NHƯ MỘT THẢM KỊCH.

Đối với thân bệnh, bác sĩ sẽ xác định bạn có mắc bệnh hay không, nhưng nếu có nỗi khổ trong tâm thì chỉ có bạn mới biết. Khi đang khổ tâm và phiền não, ta phải chấp nhận điều đó. Bạn không nên tỏ ra hạnh phúc dù bản thân đang đau khổ, vì chúng ta đã có cách vượt thoát khổ đau và kiến tạo hạnh phúc trong tâm. Đây chính là mục tiêu của đạo Phật. Khi tâm an lạc, cuộc sống của bạn sẽ bớt căng thẳng; nếu tâm đầy phiền não bạn sẽ thấy cuộc đời này như một thảm kịch. Vì khổ tâm nghiêm trọng hơn khổ thân nên đạo Phật luôn nhấn mạnh việc đối trị phiền não nhằm giúp con người sống hạnh phúc hơn.

Sự Thật Cao Quý Về Nguồn Gốc Của Khổ

Xá Lợi Phất (Shariputa) là vị đệ tử xuất sắc nhất của đức Phật. Khi Xá Lợi Phất còn là một tu sĩ ngoại đạo, thầy đã chứng ngộ nhờ một câu nói của Phật: “Mọi hiện tượng đều là kết quả của nguyên nhân. Người nào tránh được nhân thì sẽ tránh được quả.” Vì mọi hiện tượng đều có nguyên nhân nên sau khi nói về khổ đế, đức Phật đã giảng chân lý thứ hai: nguồn gốc của khổ. Qua sự thật thứ hai về nguồn gốc của khổ, Phật dạy mọi nỗi khổ đều có nguyên nhân. Khi gặp khó khăn và nghịch cảnh, bạn cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ của chúng. Khi đã tìm được nguyên nhân gốc rễ của khổ đau thì ta sẽ dễ dàng thoát khổ. Trong sự thật cao quý thứ hai, Phật đã dạy hai nguyên nhân chính của khổ là ác nghiệp và phiền não, và vì vậy nguyên nhân của khổ không đến từ bên ngoài mà bắt nguồn từ bên trong. Hiện tại, khi gặp khó khăn và nghịch cảnh chúng ta luôn cố tìm nguyên nhân nơi ngoại cảnh; tuy nhiên nguyên nhân thực thụ của khổ đến từ bên trong, ác nghiệp và phiền não. Đây là sự thật cao quý thứ hai.

Có một câu chuyện kể về một vị thầy thường đi khất thực bằng một cái bình bát đã cũ. Quốc vương thấy vị thầy khất thực bằng một cái bình bát rất tồi nên vua cúng dường cho thầy một cái bình bát bằng vàng. Một tên trộm đã trông thấy và hắn lén đi theo vị thầy để trộm cái bình bát. Đêm đến, khi vị thầy đang ngủ, tên trộm đến lục lọi tìm cái bình bát. Trong lúc tìm cái bình bát, hắn đã vô tình đánh thức vị thầy. Vị thầy nói, “Tôi biết ông đến đây để trộm cái bình bát vàng. Tôi sẽ cho ông cái bình bát, nhưng bây giờ ông đừng làm phiền tôi. Nãy giờ ông lục lọi đã làm phiền giấc ngủ của tôi rồi. Tôi muốn ngủ yên nên ông đừng có làm phiền tôi, cứ lấy cái bình bát đi.” Rồi vị thầy đưa cái bình bát vàng cho tên trộm. Tên trộm rất sung sướng vì bây giờ hắn không cần phải trộm nữa mà chính vị thầy đã cho hắn cái bình bát. Vài ngày sau, tên trộm trở lại nơi ở của vị thầy. Hắn nói, “Thầy có một bí mật lớn mà tôi muốn biết. Tôi cần thầy giúp. Sau khi thầy cho tôi cái bình bát vàng, thầy đã ngủ rất ngon. Sau khi lấy cái bình bát về, suốt vài ngày tôi không thể chợp mắt. Đêm đầu tiên tôi không thể ngủ vì quá vui sướng. Đêm thứ hai tôi không thể ngủ vì sợ có tên trộm khác đến lấy mất cái bình bát. Đến đêm thứ ba tôi lại gặp vấn đề khác. Tôi phải tranh cãi với người nhà tôi về việc ai sẽ giữ cái bình bát, và làm sao để bán cái bình bát vàng đó. Chúng tôi đã cãi nhau và tôi không thể ngủ. Tại sao khi thầy cho tôi cái bình bát thầy lại ngủ rất ngon, thậm chí khi thầy nhận được cái bình bát đó thầy vẫn ngủ ngon? Còn tôi, tại sao khi tôi nhận được cái bình bát thì tôi không thể ngủ được trong suốt vài ngày như vậy?” Tên trộm nghĩ rằng mọi thứ đều do cái bình bát vàng, vì cái bình bát có thể mang đến hạnh phúc và nó cũng có thể mang đến khổ đau. Anh ta nghĩ cái bình bát chính là vấn đề. Thực tế thì vấn đề không nằm ở cái bình bát vàng, mà cách suy nghĩ của chúng ta quyết định tất cả.

Vô minh là phiền não căn bản dẫn đến khổ đau. Người ta thường nói vô minh là hạnh phúc, nhưng đức Phật đã dạy vô minh là khổ đau. Vậy vô minh là hạnh phúc hay đau khổ? Một buổi nọ, tôi đi bộ trên con đường trong tu viện Sera ở miền Nam Ấn Độ. Ở Nam Ấn có rất nhiều rắn hổ mang chúa. Khi đó, tôi và học trò đang đi trong một con hẻm, hai bên là tường cao. Tôi đã đi qua một đoạn nhưng học trò tôi vẫn không đi theo tôi mà chỉ đứng nhìn. Tôi quay lại và thấy anh học trò không đi theo, nhưng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Anh học trò nhìn tôi, chỉ vào một con rắn hổ mang và nói tôi đã đi qua rất gần con rắn mà không biết. Tôi đã không nhìn thấy con rắn và không biết rằng mình đã đi rất gần con rắn. Khi đó, anh học trò nói với tôi, “Ồ Rinpoche, ngài đã không biết có con rắn,” và anh ta nói “Vô minh là hạnh phúc.” Nếu con rắn cắn tôi thì vô minh không còn là hạnh phúc nữa, mà lúc đó vô minh là khổ đau cùng cực. Trên phương diện ngắn hạn, vô minh là hạnh phúc, nhưng về mặt dài hạn thì vô minh là khổ đau. Vì vậy đức Phật đã dạy vô minh dẫn đến mọi ác niệm và khổ đau.

Vài năm trước ở Ấn Độ, người ta cố viết một chương trình phần mềm trên điện thoại di động để mỗi khi gọi điện cho người khác, bạn sẽ biết được vị trí của người đó. Tác giả phần mềm chủ yếu nhắm vào giới trẻ. Khi các bạn trẻ gọi điện cho bạn trai hay bạn gái và hỏi người yêu của mình đang ở đâu, phần mềm đó có thể giúp họ kiểm tra người yêu của họ có nói dối hay không. Điều này cho thấy trong tình yêu vẫn có nghi ngờ; sự nghi ngờ sẽ dẫn đến cãi vã và cuối cùng dẫn đến ly hôn. Trong tình huống này, mọi khổ đau đến từ tâm nghi ngờ, và tâm nghi nảy sinh vì ta không biết rõ sự việc, vì ta vô minh.

TRONG SỰ THẬT CAO QUÝ THỨ HAI NGHIỆP CHÍNH LÀ NGUỒN GỐC CỦA MỌI KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC

Nguyên nhân chính thứ hai của khổ là ác nghiệp. Ví dụ, dù bạn sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng tốt và tập thể dục mỗi ngày, đôi lúc bạn cũng mắc phải thân bệnh. Một dịp nọ, tôi gặp một người phụ nữ. Cô ấy đến phòng tập thể dục mỗi ngày 90 phút, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhưng lại mắc một chứng bệnh nghiêm trọng. Cô ấy khóc và hỏi tôi tại sao cô lại mắc bệnh như vậy. Một dịp khác, tôi gặp một bà cụ đã ngoài 90. Bà ấy rất năng động, thậm chí còn trông coi đàn gia súc. Lúc đó tôi nghĩ có lẽ bà ấy phải có bí quyết sống khỏe nào đó. Tôi hỏi người nhà của bà cụ về thực phẩm mà bà dùng… và họ nói bà ấy ăn đủ loại thức ăn, thậm chí còn uống rượu và trước kia cũng hút thuốc. Cụ già uống rượu, hút thuốc mà vẫn khỏe mạnh; còn người phụ nữ trẻ đến phòng tập thể hình mỗi ngày một giờ rưỡi, chế độ dinh dưỡng tốt nhưng lại mắc trọng bệnh. Vì sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy, đâu là nguyên nhân của sự việc đó; không có câu trả lời theo quan điểm khoa học. Tôi vẫn còn nhớ gương mặt của cụ già. Răng của bà đã rụng gần hết, chỉ còn hai cái răng hai bên mà thôi. Và tôi cũng nhớ gương mặt của người phụ nữ trẻ. Sức khỏe và thọ mạng của họ rất trái ngược so với lối sống của họ. Tại sao lại như vậy? Các nhà khoa học cho rằng tuổi thọ liên quan đến gen. Khoa học luôn cho rằng ăn chay và tập thể dục sẽ mang lại sức khỏe tốt và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, ta hay nói đùa rằng loài thỏ chỉ ăn thực vật và tập thể dục bằng cách nhảy nhót suốt ngày nhưng chúng chỉ sống được khoảng 5 năm, còn loài rùa ngủ cả ngày và chẳng bao giờ tập thể dục nhưng chúng sống đến hơn trăm năm. Chúng ta phải tìm rõ nguyên nhân khiến một người sống lâu hay chết trẻ, và ở đây nguyên nhân chính là nghiệp, hay quy luật nhân quả.

Ta có thể tạo nghiệp và cũng có thể hủy hoại nghiệp. Nếu mang nhiều ác nghiệp thì bạn cũng đừng quá lo lắng, vì ta có thể tịnh hóa ác nghiệp. Dù đã tạo nhiều thiện nghiệp nhưng bạn vẫn phải rất thận trọng, vì thiện nghiệp có thể bị hủy hoại. Trong sự thật cao quý thứ hai mà đức Phật đã khám phá, nghiệp chính là nguồn gốc của mọi khổ đau và hạnh phúc. Ở đây, điều thú vị là chúng ta có thể tạo thiện nghiệp và tịnh hóa ác nghiệp, có nghĩa là ta có thể tự quyết định cuộc đời của chính mình. Ở Tây Tạng chúng tôi có một quyển sách rất nổi tiếng với tựa đề Giải Thoát Trong Lòng Tay (của Pabongka Rinpoche). Tôi đổi tựa sách một chút và nói: Cuộc đời nằm trong tầm tay của bạn. Thông qua sự thật cao quý thứ hai, đức Phật đã dạy rõ chúng ta có thể quyết định cuộc đời của chính mình.

Sự Thật Cao Quý Về Diệt Khổ

Tiếp theo là diệt đế, hay sự thật cao quý về diệt khổ. Thông qua thực hành con đường diệt khổ, bạn có thể diệt trừ mọi ác niệm, phiền não, ác nghiệp; và cuối cùng là thành tựu giác ngộ. Đây là sự thật về diệt khổ.

Sự Thật Cao Quý Về Con Đường Diệt Khổ

Bây giờ chúng ta nói đến đạo đế, tức sự thật về con đường diệt khổ. Làm thế nào để diệt khổ? Khi đức Phật chỉ bày con đường vượt thoát khổ đau, ngài đã dạy ba phần: chuẩn mực đạo đức (giới), thiền định (định), và trí tuệ (tuệ). Chúng ta phải thực hành ba con đường này thật đúng đắn để vượt thoát khổ đau. Những phương cách đức Phật dạy trong đạo đế là những điều chúng ta có thể thực hành được chứ không phải là bất khả thi. Sự thật về con đường thoát khổ có ba phần: giới, định, và tuệ. Đây là sự thật về con đường diệt khổ.

Giới

Để đi trên con đường diệt khổ, trước hết, trong cuộc sống chúng ta phải tuân theo các chuẩn mực đạo đức, hay giới luật. Điều này rất quan trọng. Khi nói đến giới luật, người ta nghĩ giới luật khiến họ mất tự do. Tuy nhiên, bạn hãy nhìn một đoàn tàu chạy trên đường ray, nếu đoàn tàu trượt khỏi đường ray thì nó sẽ có tự do, còn kết quả thế nào thì bạn đã biết. Vì vậy, chuẩn mực đạo đức và giới luật rất quan trọng, và đức Phật đã dạy năm giới cho người cư sĩ tại gia: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu hoặc dùng chất kích thích.

Khi Phật dạy giới luật, ngài đã dạy không uống rượu. Việc uống rượu đôi khi mang đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Tôi thấy so với các nước khác thì người Việt mắc phải rất nhiều chứng bệnh. Tôi cảm thấy đó là do người ta uống rượu hoặc ăn thịt quá nhiều. Có thể tôi biết không rõ lắm, nhưng tôi có cảm nhận như vậy. Việc từ bỏ uống rượu không chỉ là vấn đề tôn giáo, mà còn liên quan đến sức khỏe. Uống rượu rất có hại và nguy hiểm cho sức khỏe.

Định

Thiền định chủ yếu nói đến việc hành thiền, đặc biệt là thiền chỉ. Tất cả những điều này thuộc về phần thiền định. Con đường thiền định chính là các pháp hành thiền. Việc hành thiền không chỉ để giác ngộ hay liên quan đến tôn giáo, mà hành thiền còn mang đến vô lượng an lạc và hạnh phúc nội tâm. Có lẽ tôi sẽ giảng giải chi tiết phần thiền định ở một dịp khác. Nếu bạn là người mới học thì bạn có thể xem đoạn phim tài liệu chúng tôi thực hiện về tác dụng của thiền chỉ.

Tuệ

Làm thế nào để diệt trừ vô minh? Vô minh cũng giống như bóng tối. Bạn làm gì để xua tan bóng tối? Chúng ta không thể đẩy bóng tối đi nơi khác, cũng không thể cầu xin bóng tối hãy đi nơi khác. Chỉ có một cách để xua tan bóng tối, đó là thắp lên một ngọn đèn. Khi ngọn đèn được thắp lên, bóng tối sẽ tự nhiên tan biến. Bóng tối chẳng là gì ngoài trạng thái thiếu vắng ánh sáng. Tương tự, nếu muốn diệt trừ vô minh thì bạn cần trí tuệ. Ở đây, bạn không nên nhầm lẫn trí tuệ với kiến thức. Ta có thể thu thập thông tin để trau dồi kiến thức; tuy nhiên đó không phải là trí tuệ. Trí tuệ chỉ nảy sinh từ hiểu biết và tư duy phân tích cặn kẽ của bạn. Có trí tuệ thì bạn sẽ có thể diệt trừ vô minh, và nếu thiếu trí tuệ thì bạn sẽ càng vô minh hơn nữa. Đạo Phật khuyến khích chúng ta trau dồi trí tuệ. Trí tuệ có nhiều tầng mức, và mức độ thâm sâu nhất là trí tuệ thực chứng tánh Không. Bạn chỉ có thể đạt đến trí tuệ ở mức độ cao nhất khi thực chứng tánh Không.

Trích: Làm Chủ Cuộc Đời; Dịch giả: Trần Gia Phong; NXB. Hồng Đức; Công ty Văn hóa Sáng tạo FirstNews – Trí Việt; 2016

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐIỀU PHỤC TÂM BẰNG HAI ĐOÀN QUÂN TỪ VÀ BI
  2. QUẢ BÁO CỦA VIỆC SÁT SINH
  3. CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU THÀNH TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN

Bài viết khác của tác giả

  1. THỰC HÀNH TU DƯỠNG TÂM TỪ BI
  2. 08 YẾU TỐ ĐỂ SỐNG ĐỜI HẠNH PHÚC (PHẦN 1)
  3. NHỮNG NGỘ NHẬN TRÊN CON ĐƯỜNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP