CÁCH TU TẬP CỦA NGƯỜI TẠI GIA

ĐẠI SƯ AJAHN CHAH

Trích: Tâm Tĩnh Lặng - A Still Forest Pool; Nhà Xuất bản Hồng Đức, người dịch: Minh Vy

Bạn thường hỏi về cách tu hành của người tại gia. Đời sống gia đình vừa khó lại vừa dễ – khó làm, nhưng dễ hiểu. Chẳng khác gì bạn đến đây than phiền với tôi về một cục than đỏ mà bạn đang nắm trong tay. Nhưng khi tôi bảo bạn bỏ nó xuống, thì bạn la lên:

– Không. Tôi không thể làm vậy. Tôi chỉ muốn cho nó nguội đi.

Bạn chỉ có hai cách. Một là bạn bỏ nó xuống, hai là bạn phải vô cùng nhẫn nại.

Bạn hỏi, “Làm sao tôi có thể vứt bỏ nó được?”. Bạn có thể vứt bỏ gia đình của mình không? Hãy buông bỏ nó trong tâm của bạn. Buông bỏ sự ràng buộc bên trong. Giống như một con chim đã đẻ trứng, bạn có trách nhiệm phải ấp trứng. Nếu không trứng sẽ thối.

Có thể bạn muốn những người trong gia đình tôn trọng và thông cảm lý do bạn hành động theo một cách nào đó, nhưng có thể họ cố chấp và hẹp lượng với bạn. Nếu người cha là kẻ trộm, và đứa con không chấp thuận hành động đó, thì đứa con có phải là một người xấu không? Hãy cố gắng giải thích cho họ hiểu, và rồi đừng nghĩ đến vấn đề đó nữa. Nếu bạn bị bệnh và đến gặp bác sĩ, nhưng tất cả thuốc men của ông ấy không thể chữa lành bệnh của bạn. Trong trường hợp đó, bạn có thể làm gì khác hơn ngoại trừ chấp nhận thực trạng và cứ an nhiên.

Nếu bạn cứ nghĩ rằng đó là gia đình của tôi, sự tu hành của tôi – thói quen xem mình là trung tâm của mọi việc cũng là một nguyên nhân của đau khổ. Đừng cố tìm kiếm hạnh phúc, dù khi sống một mình hay sống với người khác. Hãy cứ sống trong giáo pháp. Phật pháp giúp chúng ta giải quyết mọi vấn đề, nhưng trước hết chúng ta phải tu hành để có trí huệ. Bạn không thể bỏ gạo vào nồi nước, là có thể có cơm ăn ngay. Bạn phải nhóm lửa, và nấu gạo một hồi cho chín thành cơm. Với trí huệ, mọi vấn đề cuối cùng đều có thể được giải quyết. Hơn nữa, nhận biết đời sống gia đình, bạn sẽ hiểu rõ luật nhân quả, và rồi bạn sẽ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến cách cư xử của mình.

Tu hành với một đoàn thể, trong một thiền viện, hay tại một cuộc bế quan thì không khó lắm. Bạn sẽ cảm thấy ngượng ngùng nếu không ra ngồi thiền với những người khác. Nhưng khi bạn về nhà, bạn cảm thấy khó, vì biếng nhác hay vì không có thời giờ. Bạn cho đi năng lực của bản thân, và hướng nó vào những người khác, những hoàn cảnh hay vị thầy bên ngoài bạn. Hãy thức tỉnh! Bạn có thể tạo ra một thế giới riêng cho chính mình. Điều quan trọng là bạn có muốn tu hành hay không?

Các tăng sĩ chúng tôi ở đây phải phấn đấu với những giới luật và lối tu khổ hạnh, để phát triển sự kỷ luật bản thân dẫn tới giải thoát. Các bạn, những người tại gia, cũng phải nỗ lực như vậy.

Khi tu hành tại gia, bạn nên cố giữ những giới luật căn bản một cách tinh tế hơn. Cố gắng kiểm soát hành động và lời nói. Hãy nỗ lực tu hành. Về việc tập trung tư tưởng, đừng nản lòng chỉ vì bạn mới thử một vài lần và chưa cảm thấy bình an. Tại sao sự tập trung tâm trí phải cần một thời gian lâu dài? Tại sao không tự hỏi bạn đã cho phép đầu óc lôi kéo mình đi lung tung bao lâu rồi? Vậy thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu bạn vẫn chưa thể làm cho tâm trí tĩnh lặng sau một vài tháng.

Dĩ nhiên, huấn luyện đầu óc là một điều khó khăn. Khi con ngựa quá cứng đầu, đừng cho nó ăn một lúc – nó sẽ biết nghe lời. Khi nó bắt đầu đi đúng đường, hãy cho nó ăn chút ít. Sự kỳ diệu của đời sống chúng ta là, đầu óc có thể được huấn luyện. Với nỗ lực đúng đắn, chúng ta có thể đạt được tuệ giác.

Để sống tại gia và tu hành chính pháp, bạn phải sống trong thế gian, nhưng vượt lên trên thế gian. Đức hạnh, bắt đầu với ngũ giới, là điều vô cùng quan trọng- đó là nguồn gốc của mọi điều thiện. Giới luật là cơ sở để xóa khỏi tâm mọi ý niệm sai lầm, xóa bỏ nguyên nhân của mọi đau khổ và âu lo. Hãy trì giới thật rõ ràng. Rồi tập hành thiền khi hoàn cảnh cho phép. Có lúc bạn thiền rất tốt, có lúc thì không. Đừng bận tâm về việc này. Cứ tiếp tục. Nếu tâm khởi niệm nghi ngờ, hãy nhận biết rằng chúng, cũng như mọi thứ khác trong tâm, đều vô thường cả.

Nếu bạn kiên trì, thì sẽ định được tâm. Hãy dùng định tâm này để phát triển trí huệ. Nhận biết mọi cảm giác yêu ghét sinh khởi từ các giác quan mà không dính mắc vào chúng. Đừng nôn nóng có kết quả hay tiến bộ nhanh chóng. Một đứa bé phải tập bò, và tập đi, rồi mới có thể chạy được. Cứ nghiêm trì giới luật và tiếp tục hành thiền.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LOẠI BỎ SIẾT CHẶT VÀ BUÔNG LỎNG
  2. BUÔNG BỎ NGAY BÂY GIỜ HAY TIẾP TỤC RƠI

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT TÂM HỒN MẠNH MẼ
  2. TRÍ TUỆ PHÁT SANH
  3. SỰ KHÍCH LỆ CỦA PHẬT

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG