CÁI BÂY GIỜ

CHOGYAM TRUNGPA

Trích: Xã Hội Giác Ngộ (SHAMBHALA Con Đường Thiêng Liêng Của Người Chiến Sĩ); NXB Thiện Tri Thức - Năm 2003

“Chúng ta cần tìm thấy mối nối kết giữa những truyền thống và kinh nghiệm hiện tại của chúng ta về đời sống. Cái bây giờ, hay sự kỳ diệu đầy phép lạ của khoảnh khắc hiện tiền, là cái kết nối minh triết của quá khứ với hiện tại.”

Tiểu sử Ngài Chogyam Trungpa Rinpoche:

Chogyam Trungpa, người sáng lập Tu Tập Shambhala, cũng là người sáng lập và chủ tịch của Viện Naropa, một đại học những đề tài nghiên cứu tự do và sáng tạo. Ông cũng là chủ tịch của Vajradhatu, một hiệp hội gồm hơn một trăm trung tâm thiền định và nghiên cứu Phật giáo ở Mỹ, Canada và châu Âu.

Là một vị nắm giữ dòng phái và một vị thầy thiền định trong phái Kagyu của Phật giáo Tây Tạng, Chogyam Trungpa là tu viện trưởng tối cao của những Tu Viện Surmang ở Tây Tạng, nơi ông cũng đã nhận học vị Khyenpo, tương đương với Tiến sĩ Thần học ở Tây phương. Chogyam Trungpa cũng nghiên cứu và thực hành những bộ môn nghệ thuật truyền thống như thư pháp, thi ca, múa và vẽ thangka.

Năm 1959, ở Ấn Độ, được Đức Dalai Lama chỉ định giữ chức cố vấn tâm linh cho Trường Những Lama Trẻ. Năm 1963, ông đến Anh, nơi đó ông học đại học Oxford, nghiên cứu về triết học, tôn giáo, nghệ thuật và ngôn ngữ. Ông cũng nghiên cứu cắm hoa Nhật Bản và nhận bằng thầy dạy cắm hoa ở trường Sogetsu.

Năm 1970, Chogyam Trungpa  được mời qua Hoa Kỳ. Từ đó làm nhà ở Boulder, Colorado, và đi dạy khắp Bắc Mỹ và châu Âu.

—-***—

Từ giây phút bạn sinh ra, khi tiếng khóc đầu tiên và hơi thở đầu tiên thoát khỏi lòng mẹ, bạn là một cá nhân riêng biệt. Dĩ nhiên, vẫn còn một gắn bó tình cảm, hay một sợi dây rốn tình cảm nói kết bạn với cha mẹ bạn, nhưng càng lớn lên và từ thơ ấu qua thanh niên và trưởng thành, mỗi năm qua đi, sự gắn bó càng giảm. Bạn trở thành một cá nhân có thể hoạt động tách lìa khỏi cha và mẹ.

Mỗi cá nhân càng lớn sự độc lập càng được củng cố, và họ bắt đầu tách lìa.

Trong hành trình qua cuộc đời như vậy, người ta phải vượt qua tinh thần bám luyến cứ mãi làm con cái. Những nguyên lý của tính chiến sĩ chúng ta đã bàn luận trong Phần Một nói về những cá nhân có thể khai triển kỷ luật của con người mình như thế nào để họ trở nên trưởng thành và độc lập và bởi vậy kinh nghiệm một cảm thức tự do cá nhân. Nhưng bây giờ, một khi sự khai triển này đã có, quan trọng là cũng chia sẻ tình bạn hữu của xã hội loài người. Đây là một diễn tả có hệ thống về quan kiến vĩ đại của tính chiến sĩ. Nó căn cứ trên sự cảm kích một thế giới rộng lớn hơn. Trong tiến trình trở thành một chiến sĩ, bạn tự nhiên bắt đầu cảm thấy một tình bạn sâu xa với những con người. Đó là căn cứ đích thực cho sự giúp người khác và một cách rốt ráo, cho sự đóng góp đích thực vào xã hội.

Tuy nhiên, sự nối kết của bạn với những người khác và sự quan tâm của bạn về sự an vui của họ phải được biểu lộ một cách cá nhân và thực tiễn. Chăm lo cho những người khác một cách trừu tượng thì chưa đủ. Cách thực tiễn và trực tiếp nhất để bắt đầu chia sẻ với những người khác và làm việc cho lợi lạc của họ là làm việc với chính hoàn cảnh trong nhà của bạn và trải rộng ra từ ở đó. Thế nên một bước quan trọng trong việc trở thành một chiến sĩ là trở thành một con người gia đình, một người tôn trọng cuộc sống hàng ngày trong nhà và dấn thân nâng cao hoàn cảnh đó.

Đầu tiên hãy là một con người gia đình…và mở rộng hơn sau đó.

Bạn không thể giúp đỡ xã hội chỉ thuần túy trên nền tảng của quan kiến của bạn về quốc gia hay thế giới. Có nhiều ý tưởng làm sao để tổ chức một xã hội để nó thỏa mãn được những nhu cầu của dân chúng. Có ý tưởng phổ thông về sự cai trị dân chủ, cai trị bởi dân chúng. Một đường lối khác là sự cai trị bởi một tầng lớp thượng lưu sẽ tạo ra một xã hội phát triển. Một ý tưởng thứ ba là dùng một đường lối khoa học để cai trị, trong đó những tài nguyên thiên nhiên được phân phối đều và một sinh thái được hoàn toàn quân bình. Những ý tưởng này và những cái khác đều có giá trị, nhưng chúng phải hòa nhập với kinh nghiệm của một cá nhân của đời sống trong gia đình. Nếu không bạn sẽ có một hố ngăn cách khổng lồ giữa quan kiến vĩ đại của bạn về xã hội và thực tại của đời sống hàng ngày. Chúng ta cần tôn trọng đời sống trên cấp độ thường trực này, bởi vì cách duy nhất để thực hiện quan kiến của chúng ta cho xã hội là đem nó xuống hoàn cảnh của một gia đình.

Trở thành một người trong gia đình cũng có nghĩa là chăm chút cái minh triết di sản của gia đình. Từ quan điểm Shambhala, tôn trọng gia đình và sự dạy dỗ không phải là chia cách bạn với những người khác hay trở nên kiêu ngạo vì tổ tiên của bạn. Hơn thế, nó đặt nền trên nhận thức rằng cấu trúc và kinh nghiệm của đời sống gia đình thực sự phản ánh minh triết cối lõi của một nền văn hóa. Minh triết đó đã được truyền xuống bạn, và nó thực sự hiện diện trong đời sống gia đình mỗi ngày của bạn. Thế nên cảm mến truyền thống gia đình bạn, bạn đang mở rộng chính mình hơn nữa cho sự phong phú của thế giới.

Tôi nhớ rất rõ ràng sự khám phá mối liên hệ của tôi với di sản gia đình. Tôi sinh ra ở một chuồng bò ở Đông Tây Tạng, nơi người ta không hề thấy một cái cây. Người dân của vùng ấy sống trên đồng cỏ không có cây thâm chí không có cả bụi cây. Họ tồn tại nhờ thịt và sữa suốt cả năm. Tôi là đứa con của đất đai nguyên sơ ở đó, đứa con của một người nông dân. Vào lúc còn rất nhỏ, tôi được công nhận là một tulku, một lạt ma tái sanh, và tôi được đưa đến những tu viện Surmang để tu hành và thành một nhà sư. Thế nên, hầu như từ khi sanh ra, tôi đã ra khỏi hoàn cảnh gia đình và ở trong một môi trường tu viện. Tôi luôn luôn được gọi bằng pháp danh, Trungpa Rinpoche. Tuy nhiên, tôi không bao giờ quên sự sanh ra của mình.

Chogyam Trungpa và gia đình thời thơ ấu.

Khi tôi được đưa đến tu viện, mẹ tôi theo tôi và ở với tôi trong vài năm, cho đến khi tôi đủ lớn cho sự giáo dục chính thức. Một lần khi tôi khoảng bốn hay năm tuổi, tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, tên chúng ta là gì?” Bà trở nên rất ngượng. Bà nói: “Con nói chúng ta là sao? Con biết rằng tên con là Trungpa Rinpoche.” Nhưng tôi nài nỉ, tôi hỏi, “Tên chúng ta là gì? Tên gia đình chúng ta? Chúng ta đến từ đâu?” Và bà nói, “Vâng, con nên quên điều đó.” Nhưng tôi vẫn khăng khăng, “Tên gia đình chúng ta là gì? Tên gì?”

Vào lúc đó tôi đang chơi với mấy củ cải ngâm chua dành cho ngựa ăn. Tôi nhặt vài miếng để trên sàn ngoài bếp tu viện. Những tulku không được ăn loại đó, nhưng tôi nhai một cái, và nói, “Mẹ, tên chúng ta là gì? Tên gia đình chúng ta là gì?” Tôi sắp ăn cái thứ hai, nó dơ bẩn, và mẹ tôi rất bối rối, và bà rất ngượng ngùng. Nhưng bà vẫn im lặng về điều tôi đã hỏi. Chúng tôi có một phút giây ngần ngại giữa hai người.

Tôi nhớ rằng đó là một ngày nắng, mặt trời chiếu từ một cửa sổ trên mái vào mặt bà. Bà trông vừa già vừa trẻ. Tôi vẫn hỏi, “Tên gia đình chúng ta là gì?” Và cuối cùng, bà nói, “Mukpo, dĩ nhiên là Mukpo. Nhưng đừng nhai thứ củ cải này. Cái đó để cho ngựa.” Tôi sợ việc nhai chúng, nhưng tôi nhớ mình đã nhai. Tôi nhìn vào mẹ tôi và hỏi, “Thế nghĩa là con cũng là Mukpo phải không?” Bà không hoàn toàn xác định. Bà nói, “Vâng, con là Rinpoche!” Rồi tôi nhớ rất rõ đã hỏi bà, tôi có là đứa con từ lòng bà, và ban đầu bà trả lời, “Phải.” Nhưng rồi bà nói, “Vâng, có thể tôi là một chúng sanh không phải là người, một chúng sanh dưới người. Tôi có một thân thể đàn bà; tôi có một sự sanh ra thấp kém. Xin trở lại gốc của ngài.” Và bà bồng tôi, đưa tôi từ bếp đến chỗ của tôi. Tuy nhiên tôi đã giữ lại cái tên Mukpo như tên gia đình tôi, bản sắc và niềm kiêu hãnh của tôi.

Mẹ tôi là một người rất dịu dàng. Theo tôi biết bà chưa làm điều gì hiếu chiến, và bà luôn luôn tùy thuận và tốt lòng với những người khác. Tôi đã học được nhiều về những nguyên lý của xã hội con người từ minh triết của mẹ tôi.

Trong thời hiện đại, tầm quan trọng đã chuyển dời khỏi gia đình như là chỗ tập trú của xã hội. Ngày xưa, sự tập trú vào gia đình là một vấn đề sống còn. Chẳng hạn, trước khi có bác sĩ và bệnh viện, một người đàn bà thường nương dựa vào mẹ để giúp nuôi những con cái. Nhưng ngày nay, y học phổ thông đã bao gồm những minh triết của những ông bà, và trẻ con được giao cho bác sĩ nhi đồng. Trong hầu hết lãnh vực, minh triết của bậc ông bà không còn cần nữa, và không có vai trò gì. Họ chấm dứt cuộc đời trong một viện dưỡng lão hay một cộng đồng về hưu, và thỉnh thoảng họ đến thăm con cháu và xem chúng vui chơi dễ thương như thế nào.

Cuộc sống hiện đại đã thay đổi nhiều hơn.

Trong nhiều xã hội, người ta thường thiết lập bàn thờ để thờ cúng tổ tiên. Đến ngày nay, trong một xã hội hiện đại như Nhật Bản, vẫn còn một truyền thống mạnh mẽ thờ cúng tổ tiên. Bạn có thể nghĩ rằng những thực hành như vậy hoàn toàn là việc suy nghĩ sơ khai hay mê tín, nhưng thật ra, sự tôn thờ dòng tổ tiên là một dấu hiệu tôn kính đối với minh triết đã tích tập của nền văn hóa của bạn. Tôi không gợi ý chúng ta phải tái lập thờ cúng tổ tiên, nhưng cần phải cảm kích, mến phục điều mà hàng ngàn năm, nhân loại đã tích tập thành minh triết. Chúng ta cần cảm kích những thành tựu của tổ tiên chúng ta: những người ấy đã làm ra những dụng cụ, đã phát triển thành những nền văn minh. Chúng ta không nên không biết gì về những đóng góp của quá khứ.

Làm sao để xây dựng một tòa nhà cao tầng là sự thành tựu của hàng ngàn năm lịch sử với bao nhiêu công sức kể cả hy sinh mạng sống của nhiều thế hệ. Một minh triết như vậy cần được tôn trọng. Bạn có thể nói một thành tựu như vậy là không có ý nghĩa, nhưng ngược lại, không cảm phục sự tháo vát của hiện hữu con người – cái chúng ta gọi là tánh thiện căn bản – đã trở nên một trong những vấn nạn lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, tôn thờ quá khứ tự thân nó không giải quyết những vấn nạn của thế giới. Chúng ta cần tìm thấy sự nối kết giữa truyền thống của chúng ta và kinh nghiệm hiện tại của chúng ta về đời sống. Cái bây giờ, hay sự kỳ diệu đầy phép lạ của khoảnh khắc hiện tiền, là cái nối kết minh triết của quá khứ với hiện tại. Khi chúng ta thưởng thức một bức tranh hay một đoạn nhạc hay một tác phẩm văn chương, dù nó đã được sáng tạo vào lúc nào, bạn thưởng thức nó bây giờ. Bạn kinh nghiệm cùng cái bây giờ trong đó nó đã được sáng tạo. Nó luôn luôn là bây giờ.

Nhưng hãy sống và hết mình cho khoảnh khắc hiện tại này.

Cách kinh nghiệm cái bây giờ là nhận thức rằng ngay khoảnh khắc này, ngay điểm này trong cuộc đời bạn, luôn luôn là cái thời điểm đúng, cái cơ hội. Thế nên nhận định bạn ở đâu và bạn là cái gì, ngay tại chỗ, là rất quan trọng. Bạn cần nhìn mái nhà gia đình bạn là thiêng liêng, là một cơ hội bằng vàng để kinh nghiệm cái bây giờ. Hân thưởng, cảm kích sự thiêng liêng bắt đầu rất đơn giản bằng cách quan tâm đến mọi chi tiết của đời sống bạn. Quan tâm chỉ đơn giản là áp dụng tỉnh giác với cái đang xảy ra, đang diễn tiến trong đời sống hàng ngày của bạn – tỉnh giác khi bạn nấu ăn, tỉnh giác khi bạn lái xe, tỉnh giác khi bạn thay vải giường, thậm chí tỉnh giác khi bạn tranh luận. Tỉnh giác như vậy có thể giúp bạn thoát khỏi vội vã, hỗn loạn, loạn thần và mọi loại ác cảm. Nó có thể giải thoát bạn khỏi những chướng ngại ngăn che cái bây giờ, để bạn có thể vui sướng ngay tại chỗ, luôn luôn mọi lúc.

Nguyên lý của cái bây giờ cũng rất quan trọng cho bất kỳ nỗ lực thiết lập một xã hội giác ngộ nào. Bạn có thể tự hỏi rằng cái gì là đường lối tốt nhất để giúp đỡ xã hội và làm thế nào bạn có thể biết rằng cái bạn đang làm là đúng thực và tốt đẹp. Câu trả lời độc nhất là cái bây giờ. Bây giờ là điểm quan trọng. Cái bây giờ này là một cái bây giờ đích thực. Nếu bạn không thể kinh nghiệm cái bây giờ, lúc đó bạn sẽ hỏng vì bạn tìm kiếm một cái bây giờ khác, điều đó không thể. Nếu bạn làm thế, thì chỉ có thể là quá khứ hay tương lai.

Khi hư hỏng thâm nhập một nền văn hóa, đó là bởi vì nền văn hóa ấy thôi là bây giờ; nó trở nên quá khứ và tương lai. Những thời kỳ trong lịch sử khi những nghệ thuật lớn được sáng tạo, khi học vấn tăng tiến, hay hòa bình lan tràn, tất cả chúng ta đều bây giờ. Những hoàn cảnh đó đã xảy ra vào khoảnh khắc đích xác của cái bây giờ của chúng. Nhưng sau khi cái bây giờ xảy ra, những nền văn hóa đã mất cái bây giờ của chúng.

Khi bạn sống một cuộc sống hoàn toàn bình thường với cái bây giờ, nó là phi thường!

Bạn phải duy trì cái bây giờ, để cho bạn không lặp lại sự hư hỏng, để cho bạn không làm hư hỏng cái bây giờ, và để cho bạn không có những đồng nghĩa giả tạo với cái bây giờ. Quan kiến về một xã hội giác ngộ là truyền thống, văn hóa, minh triết và phẩm cách này có thể kinh nghiệm được tại bây giờ và có thể giữ gìn ngay bây giờ về phần mỗi người. Theo cách ấy không bao giờ có hư hỏng, lũng loạn thuộc bất cứ loại nào.

Xã hội giác ngộ phải an định trên một nền tảng tốt đẹp. Cái bây giờ của hoàn cảnh gia đình bạn là nền tảng đó. Từ nó, bạn có thể mở rộng. Bằng cách nhìn mái nhà của bạn là thiêng liêng, bạn có thể đi vào những hoàn cảnh gia đình với tỉnh giác và với hân hoan, hơn là cảm thấy mình bị trói buộc vào hỗn độn. Rửa chén và nấu ăn có thể hoàn toàn là những hoạt động thế tục, nhưng nếu bạn đưa tỉnh giác vào mỗi tình huống này, bấy giờ bạn huấn luyện toàn thể con người của bạn để cho bạn có thể mở rộng mình hơn nữa, thay vì bó hẹp đời sống mình lại.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. OM MANI PADME HUM
  2. THẦN LỰC CỦA QUÁN ÂM
  3. NGHIỆP

Bài viết khác của tác giả

  1. HÃY BIẾT ƠN MỌI NGƯỜI
  2. MỘT THOÁNG GIÁC NGỘ
  3. THIỀN VÀ VAI TRÒ CỦA SƯ PHỤ

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG