CHÂN NGÔN THỐT RA LỜI VÀ CHÂN NGÔN TRONG TÂM

LAMA THUBTEN YESHE

Trích: Trở Thành Đức Phật Từ Bi; Dịch Giả: Thái An; NXB. Hồng Đức; 2014

Có lẽ bạn đang nghĩ: “Làm sao mình có thể hiện thực hóa một hành trì sâu xa như vậy, với tất cả những chủ đề bao quát này, chỉ trong một buổi?” Nếu bạn cho rằng đây là quá nhiều thì nó sẽ khó. Thực ra, khi mọi thứ được khớp lại với nhau, nó khá dễ. Bởi vậy hãy đi qua toàn bộ hành trì từ đầu tới cuối.

? Hành Trì – Chuyển Hóa Mọi Thứ Thành Chân Ngôn

1. Quán tưởng trước mặt bạn là sự hợp nhất giữa Đạo sư và Avalokiteshvara thiêng liêng, ngồi trên mặt trăng, mặt trăng ở trên tòa sen, và tòa sen ở trên một ngai báu rực rỡ. Đừng nghĩ rằng bạn đã đặt ngài ở đó; thay vì vậy, hãy tưởng tự ngài đã đến với bạn bằng năng lực tâm linh của mình, trong không gian trước mặt bạn: “Nếu ngươi muốn ta thì hãy nhìn đi, ta đây!” Om Mani Padme Hum, Om Mani Padme Hum, Om Mani Padme Hum…

2. Trì bài cầu nguyện 7 phần, cúng dường mandala, và trì bài cầu nguyện con đường tuần tự đến giác ngộ.

3. Ngai ánh sáng rực rỡ ấy hòa nhập vào hoa sen, hoa sen hòa nhập vào mặt trăng, mặt trăng hoà nhập vào thân thể Đạo sư Avalokiteshvara. Từ đỉnh đầu trở xuống và bàn chân trở lên, ngài hòa vào luân xa tim, trở thành một ánh sáng rực rỡ hình quả trứng. Ánh sáng hình quả trứng ấy, tức bản chất tối cao siêu việt của Đạo sư Avalokiteshvara, đi qua đỉnh đầu bạn vào kênh trung tâm, xuống tới tim. Hãy cảm nhận sự hợp nhất, trở thành một với Đạo sư Avalokiteshvara.

4. Từ ánh sáng hình quả trứng ấy, rất nhiều ánh sáng rực rỡ tỏa ra lấp đầy tâm trí của bạn. Thân thể ánh sáng của bạn hút lấy từ đỉnh đầu trở xuống và bàn chân trở lên, rồi mỗi lúc một nhỏ hơn… Và cuối cùng biến mất vào không gian trống rỗng, vô giới hạn. Tâm thức bạn đi vào không gian trống rỗng, thấy được bản chất toàn thể, không có khởi đầu… không có kết thúc… không có tự thể… Hãy buông tâm vào trạng thái bất nhị.

5. Rồi từ không gian vô hạn, từ trạng thái bất nhị ấy, một đóa sen báu xuất hiện, trên nó là một vầng trăng. Ở trung tâm của vầng trăng là một chùm sáng, tức âm Hrih. Tập trung vào đó, tâm thức bạn chìm vào nó mà không có sự phân chia. Từ chùm sáng ấy, vô số tia sáng tỏa khắp thế gian, bao trọn mọi năng lượng vũ trụ, cả bốn đại, chuyển hóa mọi thứ thành ánh sáng rực rỡ. Trải nghiệm sự hợp nhất toàn diện, một cảm giác năng lượng hòa hợp. Tâm thức bạn bao trùm toàn bộ vũ trụ.

Giờ, bạn nghe thấy âm thanh Om Mani Padme Hum vang dội trong không gian; nó tiếp năng lượng cho ánh sáng rực rỡ, để ánh sáng ấy tái hòa nhập trở lại vào chùm sáng trên vầng trăng.

6. Chùm sáng, tức là bạn, giờ chuyển hóa thành thân đại thủ ấn của Avalokiteshvara: sắc trắng, thân ánh sáng rực rỡ, thân cầu vồng, thân sáng tỏ, thân sâu xa, thân trong như pha lê, có thể nhìn thấu từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong. Thân đẹp đẽ thiêng liêng xiết bao! Một khuôn mặt, mà chỉ nhìn vào cũng khơi dậy phúc lạc lớn lao. Bốn cánh tay: hai tay chắp trước ngực, biểu thị sự hợp nhất toàn diện, và hai tay kia tách ra, một tay cầm tràng hạt pha lê, một tay cầm sen báu.

Quán chiếu thân Avalokiteshvara thiêng liêng với bản chất phúc lạc của bạn, đừng cố phân tích, và hãy có cảm giác hợp nhất: “Đây chính là ta”. Buông xả. Chỉ cần thấy thân thiêng liêng vô cùng đẹp đẽ này, phúc lạc tự động trào dâng trong bạn.

7. Giờ đây, sự tập trung chuyển từ thân thiêng liêng sang chân ngôn ở trái tim, chân ngôn ấy tỏa ánh sáng đến tâm trí Avalokiteshvara của bạn. Sau đó ánh sáng đi ra, bao trọn và tịnh hóa khắp thế gian, cả bốn đại, chuyển hóa mọi thứ thành chân ngôn, chuyển hóa mỗi chúng sanh thành Avalokiteshvara. Mọi thứ đều có bản chất là trí tuệ và từ bi siêu việt. Tiếp tục tập trung vào chân ngôn và trì: Om Mani Padme Hum, Om Mani Padme Hum, Om Mani Padme Hum…

8. Giờ đây, bạn, tức Avalokiteshvara, tan chảy từ đỉnh đầu xuống và từ bàn chân lên, hòa vào vầng trăng ở trái tim; ánh sáng cầu vồng biến mất. Vầng trăng hòa nhập vào chân ngôn Om Mani Padme Hum, và chân ngôn hòa nhập vào chùm sáng Hrih. Hrih bị hút lên trên, biến mất vào không gian trống rỗng. Một lần nữa, từ không gian xuất hiện một vầng trăng, trên đó là một chùm sáng, chùm sáng ấy chuyển thành thân thiêng liêng của Avalokiteshvara. Tập trung vào bản thân bạn dưới hình tướng ấy.

? Hành Trì – Trì Trong Đầu Và Giữ Hơi Thở

Dưới đây là một kỹ thuật khác bạn có thể sử dụng. Đầu tiên, hãy thực hành các giai đoạn trước đó: 1, 2, 3, 4, 5, 6.

9. Tiếp theo, khi cảm thấy sự tập trung vào thân Avalokiteshvara thiêng liêng đã ổn định, hãy chuyển sang chân ngôn. Nhưng lần này chúng ta trì trong đầu, không thốt ra lời.

Đồng thời, hãy sử dụng năng lượng vật lý của mình, là hơi thở. Trong khi đang tập trung vào chân ngôn trong tâm, hãy hít vào, từ từ, nhẹ nhàng, trọn vẹn. Giữ hơi thở. Tiếp theo, đến khi phải thở ra, hãy thở ra chầm chậm. Đừng chú ý gì đến hơi thở, chỉ tập trung vào chân ngôn. Quá trình này khiến dễ phát triển sự tập trung mãnh liệt hơn, dẫn đến nhập định.

Khi sự tập trung đã tốt rồi, bạn sẽ cảm thấy hơi thở biến mất vào luân xa trái tim. Bạn không còn cảm thấy chuyển động của hơi thở nữa, cứ như thể nó đã dừng lại.

Khi khí lực động, tâm bạn cũng động; chúng di chuyển cùng nhau. Nếu có thể kiểm soát hơi thở, tâm bạn sẽ tĩnh lặng. Thay vì liên tục xáo động và xao nhãng, tâm bạn sẽ tập trung hơn. Ngay trong kinh nghiệm hằng ngày, bạn cũng có thể thấy được mối quan hệ giữa khí lực và tâm: khi chúng ta rơi vào cảm xúc mãnh liệt, hơi thở trở nên rất nặng nề, các hơi hít vào rất mạnh trong khi hơi thở ra thì không.

Trong một số thời hành thiền, hãy tập trung vào hình dạng của chân ngôn trong khi bạn tỏa ánh sáng ra khắp không gian vũ trụ, chuyển hóa mọi chúng sanh thành hình tướng Avalokiteshvara, chuyển hóa cả thế gian thành chân ngôn với bản chất ánh sáng siêu việt, phúc lạc, rực rỡ.

Trong những thời hành thiền khác, một khi đã đi qua toàn bộ quá trình – tức các giai đoạn hòa nhập…để giúp bạn định tâm – hãy tập trung vào chân ngôn trong đầu thay vì trì ở miệng. Nếu bạn chỉ hiểu hành trì này ở góc độ lý trí thì đến lúc này có vẻ là quá nhiều; nhưng khi thực hiện, nó khá dễ dàng.

Và đừng quên rằng bạn có thể tụng chân ngôn ở mọi nơi. Nhưng đừng trì tụng lớn, chỉ thì thầm thôi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHUYỂN HÓA MỌI BIỂU HIỆN THÀNH AVALOKITESHVARA
  2. CÁI THẤY RÕ VÀ NIỀM KIÊU HÃNH THIÊNG LIÊNG

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM LÀ TÔN GIÁO CỦA BẠN
  2. TẠI SAO NÊN THIỀN ĐỊNH ? MỘT KHẢO SÁT TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO
  3. BIẾN MỌI KHOẢNH KHẮC THÀNH TU TẬP – LAMA YESHE

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP