CHÍNH KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI LÀ NGƯỜI THẦY HOÀN HẢO

PEMA CHÖDRÖN

Trích: Khi Mọi Thứ Sụp Đổ, Lời Khuyên Chân Thành Trong Những Thời Điểm Khó Khăn; Nguyên tác: When Things Fall Apart; Người dịch: Quảng Diệu; NXB Hà Nội; Công ty Sách Thái Hà, 2023

Dù cuộc chiến của chúng ta có là với một chú chó xù hay một chú chó canh gác dữ dằn, câu hỏi thú vị ở đây là – điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? 

Nói chung, chúng ta xem cảm giác không thoải mái dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là điều không hay. Nhưng với những người thực hành Phật Pháp hay những chiến binh tinh thần – những người khao khát muốn khám phá sự thật ở một mức độ nhất định – những cảm giác như thất vọng, xấu hổ, phiền toái, thù hằn, giận dữ, đố kỵ, và sợ hãi, thay vì được xem là xấu, lại chính là những khoảnh khắc rõ ràng chỉ cho chúng ta thấy chỗ chúng ta đang cố gắng níu giữ và bám chấp. Chúng dạy chúng ta ngẩng cao đầu và tiến sâu hơn nữa, ngay khi chúng ta có chiều hướng cảm thấy suy sụp và muốn tháo chạy. Chúng giống như những sứ giả chỉ cho chúng ta, với sự rõ nét đáng sợ, chính xác nơi chúng ta đang mắc kẹt. Chính khoảnh khắc này là người thầy hoàn hảo nhất, và may mắn thay, nó luôn theo chúng ta đến bất cứ nơi nào. 

Những sự kiện và những người chúng ta gặp trong cuộc đời mình mang đến những vấn đề không giải quyết được có thể được xem là điều tốt lành. Chúng ta không phải săn tìm gì cả. Chúng ta chẳng cần phải tạo ra những tình huống để đẩy mình tới giới hạn bản thân. Chúng sẽ tự đến, đều đặn như kim đồng hồ. 

Mỗi ngày, chúng ta nhận được rất nhiều cơ hội để mở lòng ra hay thu mình lại. Cơ hội quý giá nhất tự nó biểu hiện khi chúng ta ở thời điểm cảm thấy hoàn toàn bất lực trước bất cứ điều gì diễn ra. Quá sức chịu đựng. Mọi thứ đã đi quá xa. Chúng ta cảm thấy mình tệ hại. Chúng ta không có cách nào tác động lên hoàn cảnh để mình có thể thoát ra và trông vẫn ổn. Bất cứ cố gắng nào cũng đều vô ích. Cơ bản là cuộc sống đã đóng đinh ta. 

Cứ như thể bạn nhìn mình trong gương, và thấy một con khỉ xấu xí. Tấm gương ở đó, phản chiếu hình ảnh trông rất tệ của bạn. Bạn cố xoay dịch tấm gương để trông mình khá hơn một chút, nhưng dù có làm gì thì trông bạn cũng vẫn như một con khỉ xấu xí. Đó là cảm giác bị đóng đinh bởi cuộc sống, nơi mà bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp nhận hoặc đẩy nó đi. 

Hầu hết chúng ta không xem những tình huống đó như những bài học. Chúng ta tự động ghét chúng, chạy loạn lên. Chúng ta sử dụng đủ cách để trốn thoát – tất cả những rối loạn tâm thần biểu hiện dưới hình thức nghiện ngập đều phát sinh từ những thời điểm như vậy, khi bản thân bị dồn vào chân tường và không thể nào chịu đựng được nữa. Chúng ta cảm thấy phải làm gì đó để dễ chịu hơn, phủ lấp nó bằng thứ gì đó khác, và rồi trở nên lệ thuộc vào bất cứ thứ gì có thể khiến cơn đau trở nên dễ chịu. Sự thật của sự bùng nổ chủ nghĩa vật chất mà chúng ta thấy trên toàn thế giới phát sinh từ chính những khoảnh khắc như vậy. Có quá nhiều cách đã được sáng tạo ra để giúp chúng ta giải khuây trốn tránh thực tại, khiến thực tại dễ chịu hơn. Những phương pháp này cũng giúp bào mòn các góc cạnh của thực tại, giết chết nó, để chúng ta tránh được toàn bộ nỗi đau phát sinh khi chúng ta không thể điều khiển được tình huống, để nhìn chúng ta ổn hơn khi bản thân chẳng thể làm gì để thay đổi tình thế khiến mình cảm thấy ổn khi bước ra đối diện với cả thế giới ngoài kia. Thiền là một lời mời, lời kêu gọi chúng ta chú ý khi bị đẩy tới giới hạn bản thân, để không bị kéo lôi đi bởi sợ hãi và mong cầu. Qua thiền, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng điều gì đang xảy ra bên dưới những dòng suy nghĩ và cảm xúc của mình, và buông xuống. Có một điều đặc biệt về thiền là cho dù chúng ta khép mình, thì chúng ta cũng không thể khép mình trong sao lãng. Chúng ta nhìn thấy rất rõ mình đang làm gì. Chính bản thân sự nhận biết đó đã bắt đầu là ngọn đèn chiếu sáng bóng tối vô minh. Chúng ta có thể quan sát thấy cách mà chúng ta tháo chạy và lẩn trốn, cách chúng ta giữ mình bận rộn để không bao giờ phải chứng kiến trái tim mình bị tổn thương. Và ta cũng có thể quan sát thấy cách mà chúng ta có thể mở lòng và thả lỏng. 

Về cơ bản, sự thất vọng, xấu hổ, hay bất cứ lúc nào chúng ta cảm thấy mình không ổn là một kiểu “chết”. Đơn giản là chúng ta hoàn toàn đánh mất mọi thứ giữ bản thân lại mặt đất, với thực tế; chúng ta không thể níu giữ chúng theo trật tự mà chúng vốn có và cảm giác như ta đang ở trên tất cả những đống đổ nát đó. Thay vì nhận ra có “tử“ để có sinh, chúng ta đối chọi với nỗi sợ về cái chết. 

Bị đẩy tới giới hạn bản thân không phải là một kiểu trừng phạt. Thật ra đó là một dấu hiệu bình thường, khi gần “chết”, chúng ta cảm thấy run rẩy và sợ hãi. Càng bình thường hơn khi chúng ta không tháo gỡ vấn đề bằng run rẩy và sợ hãi, mà xem nó như là một thông điệp rằng đã đến lúc ngừng vật lộn và nhìn thẳng xem thứ gì đang đe dọa mình. Những cảm xúc như thất vọng và lo lắng chính là sứ giả báo cho chúng ta biết bản thân sắp bước vào địa phận của những điều không biết. 

Tủ đồ phòng ngủ có thể là địa phận chưa biết của vài người. Với những người khác, có thể là việc đi vào không gian vũ trụ. Thứ khơi dậy nỗi sợ hãi và mong cầu là khác nhau tùy vào mỗi người. Người cô của tôi bị đẩy tới giới hạn bản thân khi tôi đem bỏ cái đèn ngủ vào phòng khách. Bạn tôi thì hoàn toàn gục ngã khi cô ấy phải chuyển đến một khu trọ khác. Người hàng xóm của tôi sợ độ cao. Vẫn đề không phải ở chỗ điều gì đẩy chúng ta tới giới hạn bản thân. Quan trọng là sớm muộn gì điều phải đến cũng sẽ đến với tất cả chúng ta. 

Ảnh: Phượng hồng Đà Lạt, @Sang DI

Lần đầu tiên tôi gặp thầy Trungpa Rinpoche là cùng với một nhóm học sinh lớp bốn, bọn trẻ đã hỏi thầy rất nhiều câu hỏi về việc lớn lên ở Tây Tạng và sang Ấn Độ. Một cậu bé đã hỏi thầy có bao giờ sợ không. Rinpoche trả lời là sư phụ thầy luôn khuyến khích thầy đến những nơi đáng sợ như nghĩa địa hay trải nghiệm với những thứ mà thầy không thích. Rồi thầy kể câu chuyện thầy đi cùng những người thị giả đến một tu viện thầy chưa từng nghe tên. Khi gần tới cổng, họ thấy một chú chó giữ cửa khổng lồ với hàm răng to và đôi mắt đỏ ngầu. Nó gầm gừ với vẻ hung tợn và cố giằng khỏi xích trói. Con chó trông dữ dằn và muốn tấn công. Khi Rinpoche tiến gần hơn, thầy thấy nó với cái lưỡi xanh lè và nước dãi nhễ nhại đầy mồm. Họ đi ngang qua chú chó, giữ khoảng cách, và bước vào cổng. Bỗng nhiên dây xích bị đứt, con chó lập tức đuổi theo họ. Những người tùy tùng la hét và tê cứng vì sợ. Rinpoche quay người và chạy nhanh nhất có thể – thẳng về phía con chó. Nó bất ngờ đến độ cong đuôi và chạy mất. 

Dù cuộc chiến của chúng ta có là với một chú chó xù hay một chú chó canh gác dữ dằn, câu hỏi thú vị ở đây là: điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? 

Hành trình tâm linh bao gồm vượt ra khỏi hy vọng và sợ hãi, bước vào lãnh địa chưa biết, và liên tục tiến về phía trước. Điều quan trọng nhất trên con đường tâm linh là liên tục di chuyển. Thường khi chúng ta bị đẩy tới giới hạn bản thân, chúng ta cảm thấy chính xác như những người hầu cận của Rinpoche, tê cứng đi vì sợ. Toàn thân ta đóng băng, cả tâm trí ta tê dại. 

Bằng cách nào chúng ta làm việc với tâm mình khi lâm trận? Thay vì nuông chiều hay rũ bỏ cảm xúc của bản thân, chúng ta có thể làm sao đó để cho dòng năng lượng của cảm xúc, bản chất của cảm giác chúng ta đang trải qua, xuyên thẳng vào trái tim mình. Nói dễ hơn làm, nhưng đó là cách cao quý mà chúng ta có thể sống. Đó thật sự là con đường của lòng bi mẫn – con đường vun bồi lòng dũng cảm và sự tử tế. 

Trong những giáo lý của đạo Phật, chúng ta có nghe đến vô ngã. Nhiều khi chúng ta chẳng biết người ta đang nói về cái gì, rất mơ hồ và khó hiểu. Thế nhưng với những giáo lý về phiền não, chúng ta lại thấy gần gũi và quen thuộc. Đó là thứ thật sự chúng ta có thể hiểu được. Vậy vô ngã là gì? Khi chúng ta bị đẩy tới giới hạn bản thân, nếu chúng ta có khao khát hiểu nó một cách trọn vẹn – hay nói cách khác chúng ta muốn mình không nuông chiêu nhưng cũng không đè nén bất cứ cảm giác gì mình đang trải qua – khi đó một vách ngăn trong chúng ta sẽ bị phá vỡ. Chúng ta trở nên mềm mỏng hơn bởi bất cứ năng lượng nào khởi lên – năng lượng của sự giận dữ, thất vọng, hoặc từ nỗi sợ hãi. Khi không bị cố định theo hướng này hay hướng khác, chính dòng năng lượng đó sẽ xuyên thẳng vào trái tim ta, và khơi mở chúng ta. Đó là một khám phá về vô ngã. Đó là khi tất cả những chuẩn mực thường tình của chúng ta tan rã. Bị đẩy tới giới hạn bản thân giống như việc tìm thấy một cánh cổng của sự thuần khiết và bản chất tốt lành vô điều kiện của con người, hơn là gặp phải chướng ngại hay đối diện với sự trừng phạt. 

Để làm được điều này, nơi an toàn và trưởng dưỡng tốt nhất mà chúng ta nên bắt đầu là ngồi thiền. Trên gối ngồi, chúng ta bắt đầu nắm bắt được thế nào là không nuông chiều và cũng không đè nén và cảm giác để mặc dòng năng lượng là như thế nào. Đó là lý do tại sao chúng ta nên ngồi thiền mỗi ngày và liên tục làm bạn với những hy vọng và sợ hãi trong mình. Nó gieo trong chúng ta những hạt giống cho phép chúng ta tỉnh thức hơn giữa những rối ren thường nhật. Đó là quá trình tỉnh thức dần dần và tích lũy, nhưng nó thật sự xảy ra. Chúng ta không ngồi thiền để trở thành những bậc thiền sư sáng giá. Chúng ta ngồi thiền để tỉnh thức hơn trong cuộc sống. 

Điều đầu tiên xảy ra trong quá trình thiền định là chúng ta bắt đầu để ý thấy những gì đang diễn ra. Thậm chí cho dù bản thân vẫn né tránh, hay nuông chiều chạy theo những suy nghĩ hay cảm xúc của mình, thì chúng ta vẫn nhận biết rất rõ những gì bản thân đang làm. Nhiều người nhầm tưởng khi chúng ta thấy chúng rõ hơn, lập tức chúng sẽ biến mất, thật ra không phải vậy. Chúng ta sẽ phải trải qua một quãng thời gian khá dài với khả năng nhìn thấy chúng một cách rõ ràng. Dần dần cho đến mức độ chúng ta cảm thấy sẵn lòng thấy cách chúng ta nuông chiều hay đè nén một cách tường tận, thì chúng bắt đầu tự mòn đi. Mòn đi không hoàn toàn giống như biến mất. Thay vào đó, một góc nhìn rộng mở hơn, bao dung hơn, và tỉnh thức hơn nảy sinh. 

Cách để chúng ta đứng được ở giữa nuông chiều và đè nén là nhận biết bất cứ điều gì khởi lên mà không phán xét, để mặc cho những suy nghĩ tự chìm xuống một cách nhẹ nhàng, và quay lại với bản chất trần trụi của khoảnh khắc hiện tại. Đó là điều chúng ta thực sự làm trong quá trình thiền định. Khi những suy nghĩ tự chúng khởi lên, thay vì đè nén hay theo đuổi chúng, chúng ta nhận biết và để mặc. Rồi chúng ta quay lại, chỉ tồn tại trong chính khoảnh khắc đó. Như Sogyal Rinpoche phát biểu, chúng ta chỉ cần “đưa tâm mình trở về nhà”. 

Sau một thời gian, nó trở thành cách mà chúng ta liên hệ với hy vọng và sợ hãi trong cuộc sống thường nhật. Rồi bỗng dưng một ngày, chúng ta ngừng vật lộn và thả lỏng. Chúng ta ngừng những cuộc trò chuyện với bản thân và quay về với sự tinh khôi của giây phút hiện tại. 

Điều đó chỉ xảy đến khi chúng ta kiên trì, bền bỉ qua thời gian dài. Quá trình này mất bao lâu? Tôi sẽ nói là cả quãng đời còn lại. Về cơ bản, chúng ta đang không ngừng cởi mở, học hỏi, kết nối nhiều hơn với chiều sâu khổ đau và trí tuệ của con người, chúng ta tiến gần đến hiểu biết thấu đáo và triệt để về cả hai khía cạnh này, và trở thành những con người biết yêu thương và từ bi hơn. Và những giáo lý lại tiếp tục. Luôn còn nhiều thứ để học. Chúng ta chỉ là những kẻ tự phụ đã từ bỏ và chẳng còn dám thách thức mình. Vào những thời điểm bất ngờ nhất, chúng ta vẫn phải đối mặt với những con chó hung dữ ấy. Chúng ta có thể cho rằng khi đã trở nên cởi mở hơn, thì hẳn phải là một tai họa kinh khủng lắm mới đẩy ta tới giới hạn bản thân. Thú vị thay, khi chúng ta càng cởi mở, tai họa lớn sẽ lập tức đánh thức ta và những thứ nhỏ nhặt sẽ khiến ta sao lãng. Tuy nhiên, bất kể kích thước, màu sắc, hay hình dáng, mấu chốt vẫn là tiến thẳng tới những điều mà cuộc sống khiến ta khó chịu và nhìn nó một cách rõ ràng thay vì cố bảo vệ chúng ta khỏi chúng. 

Khi thực hành thiền định, chúng ta không cố gắng theo đuổi một lý tưởng sống nào cả – thực tế khá là trái ngược. Chúng ta chỉ đơn giản là sống với những gì đang trải qua trong giây phút hiện tại, bất kể đó là gì. Nếu đó là trải nghiệm theo kiểu đôi khi chúng ta có quan điểm rõ ràng, đôi khi không, thì cũng hãy chấp nhận và quan sát nó. Dù chúng ta có thể đối mặt với sợ hãi hay không, thì đó cũng là một trải nghiệm. “Chính khoảnh khắc này là người thầy hoàn hảo, và nó luôn hiện diện cùng chúng ta” thật sự là một chỉ dẫn sâu sắc. Chỉ quan sát sự việc đang diễn ra – bài học nằm ngay ở đó. Chúng ta có thể có mặt với những diễn biến hiện tại và không tách rời nó. Tỉnh thức tìm thấy trong sự dễ chịu, trong nỗi đau, trong sự mơ hồ và trong trí tuệ của chúng ta, sẵn có trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống hằng ngày rất đỗi huyền bí, khó hiểu và rất thường của chúng ta.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SÁNG SUỐT – DỊU DÀNG – CỞI MỞ
  2. BỐN ĐIỀU NHẮC NHỞ QUÝ GIÁ
  3. KHÔNG QUÁ CỨNG NHẮC, KHÔNG QUÁ MỀM MỎNG

Bài viết mới

  1. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH
  2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  3. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN