CHỌN CÔNG VIỆC TOÀN TÂM – TẠO DỰNG CHÁNH MỆNH

BJ GALLAGHER

Franz Metcalf

Trích: Đưa Đức Phật Vào Nơi Làm Việc; Tác giả: Franz Metcalf & BJ Gallagher; NXB Hồng Đức

Lợi ích của làm việc toàn tâm là gì?

Vì không có gì để chứng đắc nên bồ tát an trụ theo trí huệ bát nhã mà tâm không ngăn ngại; vì không ngăn ngại nên không sợ hãi.

Bát Nhã Tâm Kinh

LỢI ÍCH của làm việc toàn tâm là gì? Đức Phật sẽ nói rằng đó là sự giác ngộ bởi vì làm việc có định tâm mang sự giác ngộ đến môi trường làm việc. Điều này hoàn toàn đúng vì về cơ bản giác ngộ là trạng thái hoàn toàn tỉnh thức hoàn toàn định tâm, có tâm thức trọn vẹn về thực tại. Người đầu tiên nhìn thấy Đức Phật sau khi Ngài giác ngộ đã hỏi Đức Phật rằng “Ngài là ai?”. Đức Phật trả lời “Ta là người thức tỉnh”. Giác ngộ là thức tỉnh về bản chất của thực tại.

Vì vậy câu hỏi đặt ra là “Thực tại là gì và vì sao ta phải thức tỉnh về thực tại?” Câu trả lời là “Thực tại là sự liên kết mọi thứ và ta cần thức tỉnh về thực tại vì nó sẽ giải thoát ta khỏi những giới hạn.

Giác ngộ, hay còn gọi là hoàn toàn định tâm về thực tại là cốt lõi của Phật pháp, và chẳng có lý do gì cho rằng giác ngộ không thể là cốt lõi trong công việc. Làm việc định tâm sẽ tỉnh thức môi trường làm việc và thế giới này. “Trí huệ Bát Nhã” như mô tả trong Bát Nhã Tâm Kinh là sự tu tập Phật pháp, nhưng nó mang ý nghĩa ra sao? Làm việc cũng có thể được xem là tu tập. Đích đến cuối cùng của tu tập là định tâm. Do vậy, những cảnh giới đời sống không tách biệt nhau. Không tách biệt nghĩa là hiện hữu (tại công sở hoặc tại nhà mà không có ngăn ngại hay sợ hãi chứ không phải là đạt được điều gì đó.

Có thể ta sẽ hỏi “Cái nào có trước? Định tâm hay làm việc định tâm?” Vậy ngay lúc này ta đang ở đâu? Hãy trong hiện tại. Hãy chọn định tâm trước. Đảm bảo rằng định tâm không phải là một hành trình trọn vẹn và cũng không phải là câu trả lời đầu tiên hay cuối cùng. Cứ tiếp tục như thế!

Làm sao chọn được nghề nghiệp hay công việc phù hợp?

Một người đánh bẫy chim nói với đạo sư “Gia đình con cả đời làm nghề đánh bẫy chim. Nếu ngừng đánh bẫy, chúng con sẽ chết đói. Nhưng nếu làm điều ác này, liệu con có thể đạt Phật quả?”.

Đạo sư trả lời “Tâm thức sẽ chịu khổ chứ không phải thân thể. Vì vậy khi con sát hại một con chim, nghĩa là con đang sát hại tâm thức của mình. Ngay cả làm điều này, con vẫn có thể đạt Phật quả”.

Suzuki Shosan – Roankyõ (Lư yên kiều)

PHẦN LỚN MỌI NGƯỜI đã từng một lần hay nhiều lần tự hỏi “Làm sao ta có thể tìm được nghề nghiệp hay công việc phù hợp để rồi sau đó cảm thấy mãn nguyện và vui vẻ với chọn lựa đó?” Nếu bạn đang tìm hiểu lời giáo huấn của Đức Phật thì câu hỏi này cực kỳ quan trọng vì trong Bát Chánh Đạo – một phần cốt lõi của Phật pháp – có chánh mệnh, là sinh kế phù hợp. Điều này có nghĩa là hãy làm những công việc có lợi chứ không phải là có hại cho muôn loài. Khi Đức Phật mang công việc vào đời sống tâm linh, Ngài cũng mang tâm linh vào đời sống công việc. Chánh mệnh chính là đưa Đức Phật vào công việc hàng ngày.

Với nhiều người, đây là một vấn đề nghiêm trọng. Bạn sẽ ra sao nếu làm việc cho một công ty sản xuất ra những công cụ hủy diệt? Bạn sẽ ra sao nếu bạn làm việc cho một tổ chức có sứ mệnh cơ bản không phù hợp với các giá trị riêng của bạn? Liệu bạn vẫn có thể làm việc toàn tâm? Liệu bạn vẫn có thể coi đó là sinh kế phù hợp?

Câu trả lời ở đây của thiền sư Suzuki rất lý thú. Ông dạy rằng chúng ta phải cố gắng tránh làm hại các sinh linh khác và tạo sự hòa hợp giữa giác ngộ và việc đánh bẫy chim. Làm sao có thể thực hành được điều này? Có vẻ vấn đề mấu chốt không nằm ở những thứ mà cơ thể đang làm mà là những thứ mà tâm thức đang thực hiện. Tất nhiên, tâm thức và cơ thể gắn kết với nhau rất mật thiết và cái này theo sau cái kia. Tuy nhiên, sự gắn kết này không nhất thiết phải luôn như thế. Ta có thể để cho cơ thể tham gia vào một hoạt động nào đó và để cho tâm thức tập trung vào một thứ khác. Ở đây, thiền sư Suzuki đã khuyên người đánh bẫy chim không quá dày vò về việc sát hại con chim nếu anh ta nhất định phải làm vậy (thiền sư nhận ra rằng con người phải tạo ra sinh kế) trong khi vẫn giữ cho tâm thức không hướng đến việc sát sinh (sinh kế sai lầm) mà hướng đến việc loại bỏ tham sân si. Nhiều lúc chúng ta không hiểu rõ việc mình đang làm là gây hại.

Dĩ nhiên, Đức Phật sẽ không bao giờ chấp nhận điều nói trên là một giải pháp đúng đắn. Ngài sẽ khuyên người đánh bẫy chim đổi nghề khác. Đánh bẫy chim đơn giản không phải là sinh kế phù hợp. Có thể vào thời điểm đó, anh ta chẳng có chọn lựa nào cả. Bạn phải nuôi dưỡng bản thân và gia đình, nghĩa là bạn phải tạo ra sinh kế theo một cách thức thỏa hiệp. Bạn phải làm việc cật lực hơn để giữ cho tâm thức luôn thanh tịnh cho đến khi bạn tìm được một công việc được xem là chánh mệnh. Bạn có thể theo đuổi giác ngộ dẫu cho bạn làm nghề gì và bạn có thể biến công việc nhàm chán hay không theo ý muốn của mình thành một công việc toàn tâm bằng cách thay đổi cách nghĩ của bạn về công việc và thay đổi tâm thức của bạn. Bạn có thể chọn nghề thu gom rác trên tinh thần yêu thương và phục vụ và bạn có thể làm việc thiện trên con đường dẫn đến Phật quả. Chắc chắn rằng thu gom rác là một sinh kế phù hợp nhưng một chức vụ được trả lương cao trong một lĩnh vực đầy tham sân si thì không. Dù bạn làm bất cứ nghề gì, hãy bắt đầu từ đó; chấp nhận chánh niệm và dùng chánh niệm làm hành trang trên con đường dẫn đến Phật quả. Thật vậy, con đường này có thể khiến bạn thay đổi nghề nghiệp nhưng Đức Phật không yêu cầu bạn phải làm hại bản thân để có thể thay đổi nghề nghiệp. Nói tóm lại, chỉ có công việc hữu ích mới khiến bạn hoàn toàn mãn nguyện.

Trở thành nhân viên tuyệt vời có ý nghĩa gì?

Một nhân viên giỏi sẽ làm việc theo 5 cách thức dậy và bắt đầu công việc trước khi người chủ đến; ngừng làm việc sau khi người chủ về; chỉ nhận những gì mà người chủ trao cho; cố gắng làm việc thật tốt, và làm rạng rỡ danh tiếng của người chủ.

Trường Bộ Kinh, 31

NẾU BẠN ĐANG TỰ HỎI mình có thể làm gì để được cấp trên quý mến và trở thành một nhân viên tuyệt vời, thì Đức Phật sẽ có vài lời dạy cho bạn. Hãy trở lại với những điều cơ bản. Hãy vứt bỏ sự nịnh bợ vì chẳng ai ấn tượng với nịnh bợ cả. Để trở thành một nhân viên tuyệt vời, bước khởi đầu là làm việc thật tốt. Dưới đây là 5 gợi ý của Đức Phật: Thức dậy và bắt đầu công việc trước khi người chủ đến. Làm việc sớm hơn một chút sẽ chẳng gây hại gì; như vậy bạn sẽ trở nên điềm tĩnh và tự chủ khi bắt đầu ngày mới của mình.

Ngừng làm việc sau khi người chủ về: sẵn sàng ở lại lâu hơn để hoàn tất những việc dở dang hoặc giúp đỡ một đồng nghiệp là cách tuyệt vời để bạn chứng minh rằng mình sẵn lòng làm việc nhiều hơn. Và đôi khi, thời gian dự ra lại là thứ mang lại nhiều năng suất nhất trong ngày.

Chỉ nhận những gì mà người chủ trao cho. Không nhận những gì không phải của mình là một trong năm giới luật cơ bản của Phật giáo. Dường như chẳng có gì nghiêm trọng khi bạn mang về nhà một cây bút hay một vật nho nhỏ gì đó nhưng thực ra không phải của bạn, và đó là bước đi đầu tiên trên một đường xoắn ốc dài hướng xuống. Ai cũng có thể làm vậy nhưng chắc chắn bạn không muốn giống như họ? Bạn muốn trở thành người đáng tin cậy. Cố gắng làm việc thật tốt. Điều này có vẻ rất rõ ràng nhưng nhiều người chỉ muốn làm vừa phải thôi, để rồi sau đó tự hỏi vì sao mình không thể thăng tiến trong sự nghiệp. Đừng lãng phí thời gian vào việc toan tính hay mơ mộng vì Đức Phật luôn chú trọng đến sự nỗ lực. Điều quan trọng hơn tất cả đó là làm việc thật tốt!

Làm rạng rỡ danh tiếng của người chủ. Với nhiều người khác, bạn là người đại diện cho công ty. Hãy nói tốt về người chủ của bạn và duy trì tốt hình ảnh của người chủ trước công chúng để rồi bạn sẽ nhận được phần thưởng bất ngờ.

Phải mất bao lâu mới trở thành nhân viên tuyệt vời? Có thể bạn bổ sung thêm vào danh sách nói trên nhưng Đức Phật đã vạch sẵn cho bạn rồi, đó là “bắt đầu bằng những điều cơ bản.”

Bình luận


Bài viết khác của tác giả BJ GALLAGHER

  1. DỊCH VỤ KHÁCH HÀNG LÀ CÔNG VIỆC BỒ TÁT
  2. ĐỨC PHẬT NGHĨ GÌ VỀ XU HƯỚNG KINH DOANH “MÔI TRƯỜNG XANH” VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
  3. PHÊ BÌNH MANG TÍNH XÂY DỰNG VÀ TIẾP NHẬN Ý KIẾN PHẢN HỒI

Bài viết khác của tác giả Franz Metcalf

  1. DỊCH VỤ KHÁCH HÀNG LÀ CÔNG VIỆC BỒ TÁT
  2. ĐỨC PHẬT NGHĨ GÌ VỀ XU HƯỚNG KINH DOANH “MÔI TRƯỜNG XANH” VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
  3. ĐƯA ĐỨC PHẬT VÀO NƠI LÀM VIỆC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP