DỊCH VỤ KHÁCH HÀNG LÀ CÔNG VIỆC BỒ TÁT

BJ GALLAGHER

Franz Metcalf

Trích “Đưa Đức Phật Vào Nơi Làm Việc” Tác giả: Franz Metcalf, Bj Gallagher Người dịch: Bùi Quang Khải NXB Hồng Đức, 2016

Đức Phật Nói Gì Về Việc Phục Vụ Khách Hàng?

Ở nhiều phương diện, tôi muốn làm nơi nương tựa cho chúng sinh trên khắp thế gian chừng nào chúng sinh còn cần đến tôi.

_ Tịch Thiên – Nhập bồ đề hành luận, 3.22

——

ĐỨC PHẬT DẠY rằng phục vụ người khác là công việc chính đáng của chúng ta, bất kể loại hình công việc nào mà chúng ta có thể làm. Bởi vì qua việc phục vụ người khác mà chúng ta chiến thắng khuynh hướng xem mình là trung tâm vũ trụ. Đây quả thực là công việc của mọi người, vì công việc này giúp chúng ta cùng nhau thoát khỏi đau khổ. Khi còn tập trung vào bản thân thì chúng ta còn bị lôi cuốn bởi dục vọng và tham sân si; nhưng khi hướng về nhu cầu người khác thì chúng ta cảm thấy hạnh phúc, và chúng ta thoát khỏi lòng tham bất tận của mình.

Nếu là hôm nay, Đức Phật sẽ bảo rằng người phục vụ khách hàng là người quan trọng nhất trong tổ chức của chúng ta. Tổ chức của chúng ta tồn tại để phục vụ nhu cầu người mua hàng hóa hoặc người mua dịch vụ (nếu không thì tổ chức sinh ra để làm gì?), và các thành viên quan trọng nhất trong tổ chức là những người giao dịch trực tiếp với khách hàng. Điều này vẫn đúng dù ta làm việc cho tổ chức tìm kiếm lợi nhuận, tổ chức phi lợi nhuận, hoặc một cơ quan công ích. Dịch vụ khách hàng là loại sinh kế phù hợp cơ bản nhất. Sinh kế phù hợp hay chính mệnh là vấn đề trọng tâm của Bát Chánh Đạo.

Phục vụ người khác biến đổi tổ chức của ta trong khi tổ chức của ta biến đổi thế giới. Nếu gặp khách hàng cáu kỉnh, bực bội và ta đáp ứng được yêu cầu của họ, ta sẽ biến họ thành một khách hàng trung thành. Đến lượt, họ sẽ nói cho người khác biết cách mà ta đã giúp họ, và như vậy người khác cũng sẽ đến với ta. Và nếu ta đối đãi với họ tốt, họ sẽ truyền miệng cho người khác và lời đồn này sẽ lan nhanh giúp xây dựng doanh nghiệp của ta trong khi ta phục vụ nhu cầu của người khác.

Hãy học cách công ty Nordstrom thiết lập một mô hình mới về chuỗi cửa hàng bán lẻ, đơn giản chỉ bằng cách phục vụ tuyệt vời và không ngừng nghỉ. Hãy xem cách Disney thay đổi thế giới giải trí gia đình bằng công viên, phim ảnh, chương trình truyền hình và cửa hàng bán lẻ. Hãy xem các hãng hàng không Southwest lập tiêu chuẩn mới cho ngành du lịch hàng không bằng các dịch vụ căn bản: vé giá rẻ, chuyến bay đúng giờ và món ăn nhẹ. Mỗi người trong các tổ chức này đều có một công việc phục vụ. Nếu mỗi doanh nghiệp và tổ chức xem việc phục vụ là mục tiêu số một của mình, thế giới này sẽ thay đổi, và mức tăng trưởng của họ cũng vậy.

Đức Phật Dạy Nhân Viên Phục Vụ Điều Gì?

Rõ ràng là ai cũng muốn được bình an trong tâm hồn. Vấn đề là làm sao đạt được điều đó. Chúng ta có thể đạt được bình an tâm hồn bằng lòng tốt, tình thương, lòng trắc ẩn.

_ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

——

ĐỨC PHẬT BIẾT rằng phục vụ là công việc nặng nhọc và khó khăn. Phục vụ khách hàng là công việc khó khăn bởi vì tính cách tiêu cực của người khác dễ làm xáo trộn tâm trí của ta. Đức Phật luôn nhắc nhở về cốt lõi lòng trắc ẩn của tất cả chúng ta. Trong mọi dịch vụ, công việc của ta là đem lại trạng thái bình an cho khách hàng. Chúng ta phải thực hiện điều đó bằng sự ân cần và thông cảm.

Công việc toàn tâm chỉ là công việc thông thường được thực hiện bằng cái tâm giác ngộ. Không đâu đúng hơn trong dịch vụ khách hàng, ở đó ta phục vụ người khác, giúp họ giải quyết vấn đề của họ, chăm lo cho nhu cầu của họ. Trong dịch vụ khách hàng, thái độ là tất cả. Ta có thể cố gắng chăm sóc khách hàng bằng tâm trạng chán chường, thờ ơ hoặc bực bội; nhưng ta sẽ không vui, và họ cũng thế. Hãy chăm sóc khách hàng bằng thái độ ân cần. Ta sẽ cảm thấy thỏa mãn trong công việc của mình đồng thời khách hàng cũng hài lòng với sự phục vụ của ta.

Nếu làm được như vậy, thì người được bình an tâm hồn là khách hàng và cũng có thể là ta. Nếu ta không cảm thấy thú vị hoặc ta gặp một ngày xui xẻo thì sao? Đức Phật dạy rằng: “Hãy hành động theo tinh thần tích cực” Hãy cố gắng thay đổi cảm giác khó chịu bằng hành động dễ chịu. Con đường ngắn nhất là qua sự phục vụ. Làm việc cho khách hàng một ngày là một ngày làm việc cho ta.

——

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỨC PHẬT NGHĨ GÌ VỀ XU HƯỚNG KINH DOANH “MÔI TRƯỜNG XANH” VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
  2. ĐƯA ĐỨC PHẬT VÀO NƠI LÀM VIỆC
  3. TOÀN TÂM GIÚP CHÚNG TA HÒA THUẬN VỚI NGƯỜI KHÁC

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU