TOÀN TÂM GIÚP CHÚNG TA HÒA THUẬN VỚI NGƯỜI KHÁC

Franz Metcalf

Trích “Đưa Đức Phật Vào Nơi Làm Việc” FRANZ METCALF , BJ GALLAGHER Bùi Quang Khải dịch NXB Hồng Đức, 2016

LÀM VIỆC VỚI NGƯỜI KHÁC

Thống nhất trong khác biệt

Toàn tâm giúp chúng ta hòa thuận với người khác?

Nó cho đi cái gì ưa thích, nhận công việc khó khăn, gánh chịu đau khổ, thú nhận điều riêng tư, bảo vệ kẻ khác, giúp đỡ người túng thiếu, không bao giờ hắt hủi kẻ thất bại.

_ Tăng Chi Bộ Kinh, 7.35

CON ĐƯỜNG dẫn đến công việc toàn tâm rõ ràng không phải là con đường dễ dàng và êm ái. Đức Phật biết rằng để thoát khỏi đau khổ và tìm được hạnh phúc, chúng ta phải từ bỏ nhiều điều mà thoạt tiên có vẻ gắn bó rất tự nhiên đối với chúng ta. Là con người, chúng ta có khuynh hướng tìm con đường dễ dàng để làm mọi việc, bám chặt điều mình ưa thích, tránh né đau khổ, che giấu chuyện riêng tư, đàm tiếu chuyện thiên hạ, xa lánh người thấp kém hay kẻ thất bại trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu làm theo khuynh hướng ấy, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ tạo dựng được mối quan hệ tốt với người khác tại nơi làm việc. Việc tìm kiếm vị thế tại nơi làm việc khiến mọi người khốn khổ.

Nếu ta muốn có quan hệ tốt với đồng nghiệp, ta phải vâng theo lời dạy của Đức Phật càng nhiều càng tốt. Hãy cho kẻ khác ngay cả khi ta muốn ích kỉ, hãy làm công việc cần làm, chấp nhận điều khó khăn mà không than phiền, hãy thẳng thắn nhìn nhận lỗi lầm và đề nghị giúp đỡ, giữ kín bí mật mà người khác tâm sự với mình, giúp đỡ kẻ túng thiếu, và trung thực với bạn bè đang bị đối xử tệ hại. Nếu ta muốn người khác làm những điều nói trên với mình, thì ta nên làm những điều đó với người khác trước đã.

Đức Phật sẽ nói gì về cây thước vàng?

Philip hỏi Suzuki tại sao người Nhật làm tách trà quá mỏng manh và dễ vỡ như vậy. “Không hẳn là quá dễ vỡ mà là do bạn không biết cầm đó thôi. Bạn phải thích nghi với môi trường, chứ không phải ngược lại”.

_ David Chadwick

ĐỨC PHẬT BIẾT tính tự kỷ và khuynh hướng của chúng ta lấy bản thân làm thước đo để đánh giá và phê phán mọi người, mọi vật. Tính tự kỷ là một thước đo tiện dụng, nhưng cũng là thước đo không chính xác, vì bất cứ cái gì khác dường như cũng khiếm khuyết.

Việc dùng cây thước vàng là tốt. Cư xử với người khác theo cách mình muốn được cư xử thường tạo ra mối quan hệ tốt. Nhưng cũng có nhược điểm đáng kể trong lối suy nghĩ này: đó là giả định rằng mọi người đều giống mình. Hãy cứ nhìn vào gia đình của bạn, bạn sẽ thấy rằng điều này không đúng. Chắc chắn con người ai cũng khác nhau. Thoạt nhìn, họ xem ra có vẻ giống nhau nhưng khi nhìn gần hơn thì chúng ta sẽ khám phá được những khác biệt nổi bật.

Đức Phật có lẽ gợi ý thay cây thước vàng bằng viên ngọc ba mặt. Cư xử với người khác theo cách người khác muốn được cư xử. Thay vì phê bình tách trà quá mỏng manh thì hãy thay đổi cách cầm tách trà. Thay vì phê phán người khác không giống mình (do đó tỏ ra khó tính) thì hãy tìm hiểu nhiều hơn về họ sao cho mối quan hệ trở nên thật sự hỗ trợ lẫn nhau. Trong thị trường toàn cầu với lực lượng lao động đa dạng thì khả năng uyển chuyển, linh hoạt và thích ứng không phải là sự tùy tiện mà là thói quen căn bản.

Thực vậy, có một phiên bản Phật giáo của cây thước vàng: “Đừng làm hại người khác theo cách mà mình không muốn bị làm hại” (Kinh Pháp Cú – Phẩm Ưu Đà Na 5.18[139]). Điều chúng ta muốn có thì thay đổi cực kỳ nhanh, nhưng điều ta muốn tránh lại thay đổi còn nhanh hơn. Vì vậy, hãy khiêm tốn hơn khi bộc lộ tính ích kỉ và tốt hơn hết hãy thích ứng với môi trường.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. DỊCH VỤ KHÁCH HÀNG LÀ CÔNG VIỆC BỒ TÁT
  2. ĐỨC PHẬT NGHĨ GÌ VỀ XU HƯỚNG KINH DOANH “MÔI TRƯỜNG XANH” VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
  3. ĐƯA ĐỨC PHẬT VÀO NƠI LÀM VIỆC

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG