CHÚ Ý, CHIÊM NGHIỆM VÀ HIỆN DIỆN CỞI MỞ

MATTHIEU RICARD

WOLF SINGER

Trích: Những Nẻo Đường Chiêm Nghiệm; Người dịch: Lê Trường Sơn; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2023

Matthieu: Bạn thấy đấy, liên quan đến sự chú ý, nếu tâm trí bạn lang thang đâu đó thì khi xảy ra sự thay đổi đột ngột trên biểu cảm khuôn mặt, nó sẽ thu hút trở lại sự chú ý của bạn, nhưng lúc đó thì đã quá muộn. Biểu cảm đã đi mất. Nhưng nếu sự chú ý của bạn rõ ràng đang ở trong giây phút hiện tại, trong trạng thái sẵn sàng mọi lúc, thì khi sự kiện đó xảy ra, bạn sẽ nhận thức được. Bạn không cần một sự thay đổi đột ngột mang bạn trở về thực tại. Vì vậy, hoặc là sự chú ý, hoặc là sự nhạy cảm, hoặc là sự cởi mở của bạn đối với cảm xúc của người khác đã được gia tăng – cũng có thể là kết hợp của tất cả. Giờ tôi có nên quay lại những quan điểm khác mà bạn đã đề cập đến không? 

Wolf: Chắc chắn rồi! 

Matthieu: Bạn đã nói về việc hướng sự chú ý vào bên trong. Nhưng thực tế là sự chú ý của chúng ta luôn hướng ra bên ngoài. Trong hầu hết thời gian, chúng ta đều hướng sự chú ý của mình ra thế giới bên ngoài, chú ý đến các hình thức, màu sắc, âm thanh, thị hiếu, mùi vị, chất liệu v.v. 

Wolf: Đây là điều quan trọng với sự sống còn. 

Matthieu: Dĩ nhiên, không phải thắc mắc về điều đó. Nếu bạn cần sang đường thì bạn phải nhận thức được tất cả mọi thứ đang xảy ra. Một trong những bậc thầy vĩ đại của Tây Tạng thường quay lòng bàn tay ra ngoài. Sau đó ông sẽ quay lòng bàn tay vào trong, đồng thời giải thích: “Bây giờ chúng ta nên nhìn vào trong và chú ý đến những gì đang diễn ra trong tâm trí cũng như bản chất của nhận thức”. Đây là một trong những điểm mấu chốt của thiền định. Một số người thấy việc làm này hơi kỳ lạ. Họ nghĩ rằng thật là không lành mạnh khi chú ý quá nhiều vào các quá trình tinh thần và chúng ta nên tiếp tục tương tác với thế giới. Số khác thậm chí còn thấy cuộc phiêu lưu này thật đáng sợ. 

Wolf: Tôi xin phép cắt ngang. Hôm qua, ngài đã nói rằng việc đắm chìm vào bản thân và những trạng thái bên trong mình là sự trầm tư và nó trái ngược với thiền định. Ngài có thể phân biệt điều đó với những gì mình nói bây giờ không? 

Matthieu: Điều đó khác với sự trầm tư. Trầm tư là mặc cho cuộc trò chuyện nội tâm cứ tiếp tục, để cho những suy nghĩ về quá khứ xâm chiếm tâm trí, lại buồn bã về những gì đã xảy ra, dự đoán không ngừng về tương lai, thổi bùng hy vọng và sợ hãi, liên tục bị phân tâm trong thực tại. Làm như vậy, bạn sẽ trở nên ngày càng lo lắng, tự cho mình là trung tâm, bận rộn, phiền não với những điều bịa đặt của tinh thần và sau cùng là trầm cảm. Bạn không thực sự để ý đến khoảnh khắc hiện tại mà chỉ chìm đắm vào những suy nghĩ của bản thân trong một cái vòng luẩn quẩn, nuôi dưỡng cái tôi và sự tự cao của chính mình. Bạn hoàn toàn lạc lối trong sự mê loạn nội tâm, cũng giống như cách mà bạn liên tục bị phân tâm bởi những sự kiện luôn thay đổi bên ngoài. Điều này trái ngược với sự chú ý trần trụi. Hướng sự chú ý của bạn vào trong có nghĩa là nhìn thẳng vào nhận thức thuần khiết và an trú, mà không bị phân tâm, không tận hưởng những bịa đặt về tinh thần, một cách dễ dàng, trong sự tươi mới của thời khắc hiện tại. 

Chúng tôi đã thực hiện một số thí nghiệm khác với Paul Ekman và Robert Levenson tại Đại học California (Berkeley), mà tôi nghĩ có liên quan khá lớn đến khái niệm nhận thức trần trụi này. Chúng liên quan đến phản xạ giật mình mà, chẳng hạn, xảy ra khi một người nghe thấy một âm thanh lớn đến kinh ngạc. Nó kích hoạt một biểu cảm ngạc nhiên mạnh mẽ trên khuôn mặt, kết hợp với một cú giật mạnh của cơ thể và những phản ứng sinh lý đáng kể (thay đổi nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ da v.v.). Giống như tất cả những phản xạ khác, giật mình phản ánh hoạt động của não bộ mà bình thường nằm ngoài phạm vi điều chỉnh chủ ý. Thông thường, mọi người phản ứng càng nhiều thì họ càng có xu hướng trải nghiệm mạnh hơn những cảm xúc tiêu cực, như sợ hãi, ghê tởm v.v. 

Trong trường hợp của chúng tôi, các nhà khoa học đã sử dụng một âm thanh chạm ngưỡng chịu đựng của thính giác –một vụ nổ rất lớn, giống như tiếng súng hoặc tiếng pháo nổ ở sát một bên tai. Nhìn chung, một số người giỏi hơn những người khác trong việc kiểm soát sự giật mình, nhưng nhiều năm nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong số hàng trăm người tham gia thí nghiệm, không ai có thể ngăn trở sự co thắt của cơ mặt cũng như hành động giật bắn mình của cơ thể. Một số người gần như ngã khỏi ghế, và vài giây sau cơn giật mình, lại biểu lộ sự nhẹ nhõm hoặc thích thú. Tuy nhiên, khi chúng tôi áp dụng chiến lược thiền định về sự hiện diện rộng mở, giật mình gần như biến mất. 

Wolf: Thậm chí ngài đã không biết chuyện gì sẽ xảy ra? 

Matthieu: Trong một số thử nghiệm, bạn có thể nhìn thấy việc đếm ngược từ 10 đến 1 trên màn hình trước tiếng nổ, và trong những thí nghiệm khác bạn chỉ biết rằng nó sẽ xảy ra trong vòng năm phút nữa. Thiền giả được yêu cầu hoặc là ngồi trong trạng thái trung tính hoặc tham gia vào một trạng thái thiền định cụ thể. Cá nhân tôi, khi sử dụng trạng thái thiền định hiện diện rộng mở, thì tiếng nổ dường như nhẹ nhàng và ít làm phiền hơn. Sự hiện diện rộng mở là một trạng thái nhận thức rõ ràng mà ở đó tâm trí rộng lớn như bầu trời. Khi ấy, tâm không tập trung vào bất cứ điều gì, nhưng vô cùng sáng suốt, hiện diện trọn vẹn, sống động và tinh khiết. Nó thường không có những suy nghĩ rời rạc, nhưng lại không hề có ý ngăn chặn hoặc phòng ngừa chúng phát sinh. Những suy nghĩ sẽ tự biến mất khi chúng xuất hiện, mà không sinh sôi nảy nở hoặc để lại dấu vết. Nếu bạn có thể ở đúng trong trạng thái này thì tiếng nổ trở nên ít gây xáo trộn hơn nhiều. Trong thực tế, nó còn có thể tăng cường sự trong trẻo cho trạng thái mở. 

Wolf: Vậy nó không tập trung chú ý vào bất kỳ nội dung nào –

Matthieu: – nhưng nó cũng không bị phân tâm. 

Wolf: Ngài mở cánh cửa sổ chú ý của mình –

Matthieu: – đúng, nhưng không cần cố gắng. Không có sự tán gẫu trong tâm trí cũng như sự tập trung chú ý đặc biệt mà chỉ có việc nghỉ ngơi trong nhận thức thuần khiết, thay vì tập trung vào nó. Tôi không thể tìm được từ ngữ nào tốt hơn; nó là một thứ gì đó chói lọi, rõ ràng và ổn định mà không cần nắm bắt. Đó là trạng thái của tâm trí mà tiếng nổ hầu như không tạo được phản ứng xúc cảm nào trên gương mặt cũng như không có bất kỳ thay đổi nào ở nhịp tim. 

Khi chúng tôi lặp lại những thí nghiệm đó trong hai dịp khác, tôi đã cố gắng tham gia vào sự trầm tư và tưởng tượng do chính mình tạo nên bằng cách nhớ lại một trải nghiệm sống động trong cuộc đời. Và tôi đã hoàn toàn bị cuốn đi theo chuỗi suy nghĩ ấy. 

Wolf: Ngài gọi đây là cuộc tán gẫu nội tâm

Matthieu: Đúng, hoặc tán gẫu nội tâm, hoặc là sự bịa đặt của tinh thần. Khi tôi đang cố ý tham gia trạng thái rối loạn này mà tiếng nổ xảy ra thì tôi bị giật mình nhiều hơn. Theo lý giải của riêng tôi thì tiếng nổ bất ngờ đã đưa tôi trở lại với thời điểm hiện tại mà tôi vốn đang ở cách rất xa do lạc lối trong những suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, nếu bạn luôn ở trong nhận thức thuần khiết thì bạn sẽ luôn ở trong sự tươi mới của thời khắc hiện tại, và tiếng nổ chỉ đơn giản là một trong những khoảnh khắc thực tại ấy. Bạn không cần phải bị đưa trở lại bất cứ đâu bởi bạn đã luôn ở đó. 

Dễ hiểu là trong cuộc sống bình thường, khi có một sự kiện đáng ngạc nhiên xảy ra, đòi hỏi sự chú ý ngay lập tức, thậm chí có liên quan đến sự sống còn của mình, nếu bạn bị phân tâm vào thời điểm đó thì tâm trí bạn càng lang thang xa bao nhiêu, sự giật mình sẽ càng mạnh bấy nhiêu. 

Wolf: Vậy phản ứng giật mình là kết quả của việc chuyển sự chú ý từ các sự kiện cụ thể, được ghi nhớ hoặc được trải nghiệm trong thực tại sang kích thích mới bất ngờ.

Matthieu: Đúng! Hay nói đúng hơn là chuyển từ một nơi nào đó khác trong tâm trí bạn đến thời khắc hiện tại. 

Wolf: Do đó, trong trạng thái nhận thức thuần khiết, ngài đã ở hiện tại; sự chú ý cũng ở đó nhưng không được định hướng –

Matthieu: – nên hoàn toàn sẵn sàng cho mọi chuyện. 

Wolf: Sự chú ý có tiêu điểm rộng, ngài luôn sẵn sàng, ngài không cần phải trước tiên tách rời sự chú ý ra khỏi một nội dung nào đó khác, nên ngài không bị giật mình. 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả MATTHIEU RICARD

  1. BỊ LÔI CUỐN BỞI DÒNG THỜI GIAN
  2. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  3. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM

Bài viết khác của tác giả WOLF SINGER

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. TÌNH CỜ PHÁT HIỆN KHẢ NĂNG NGOẠI CẢM
  2. SỰ LỰA CHỌN
  3. LỰA CHỌN ĐỂ NHÌN MỌI NGƯỜI BẰNG ĐÔI MẮT TỬ TẾ