CHUYỆN TIỀN THÂN CỦA A NAN VÀ ĐỨC PHẬT

HELLMUTH HECKER

NYANAPONIKA THERA

Trích: Đại Đệ Tử Phật – Bước Thầy Con Theo; Hiệu đính: Bhikkhu Bodhi; Hướng dẫn: Hòa Thượng Kim Triệu Khippapanno; Soạn dịch: Ban Biên Tập Thích Ca Thiền Viện; NXB. Tôn Giáo; 2017

Vào thời Đức Phật Padumuttara, một trăm ngàn kiếp trái đất trước, khi quan sát vị thị giả của Đức Phật tận tụy phục vụ Ngài và chư tăng trong mùa an cư kiết hạ, Thái tử Sumanakumara – tiền thân của Trưởng lão Ananda – nảy sanh lòng kính mến, ngưỡng mộ dày sâu.

Sau ba tháng cúng dường và phục vụ Đức Phật và chư tăng trong mùa an cư, Sumanakumara quỳ dưới chân Đức Phật thệ nguyện hồi hướng công đức để vun bồi phước báu được làm thị giả của một vị Phật tương lai. Thái tử được Đức Phật Padumuttara thọ ký trong tương lai sẽ là thị giả của Đức Phật Gotama.

Từ ngày ấy về sau, kinh sách ghi lại rằng, Sumanakumara luôn cảm thấy như mình đã bắt đầu đi sau lưng và mang y bát của Đức Phật Gotama.

Trong các chuyện tiền thân (Jataka) kể về những mối liên hệ mật thiết giữa Ananda và Đức Bồ Tát (tiền thân Đức Phật Gotama), Trưởng lão từng là anh em, con, cha, hầu cận, đồng môn, bạn hữu của Bồ Tát.

Tiền thân của Ananda thường là người, hiếm khi là thần linh hay thú vật. Trong khi đó, tiền thân của Anuruddha thường là thần linh và Devadatta thường là thú vật.

Ba thí dụ dưới đây đề cao những nỗ lực trau giồi đức hạnh không ngừng nghỉ của Ananda trong tiền kiếp.

? JATAKA 498

Ngày nọ, khi đang ngụ tại tịnh xa Jetavana, Đức Thế Tôn được Tăng chúng trình lên rằng họ đang tán thán tình bằng hữu của hai người bạn đồng tu của ngài Maha Kassapa. Hai vị này vô cùng thân thiết, phân chia mọi thứ công bình, sống rất hòa hợp; ngay cả khi khất thực hai vị cũng cùng ra đi và cùng trở về với nhau.

Đức Phật dạy: “Này các tỳ khưu, tình bạn này chỉ trong một đời sống không là việc lạ thường, bởi vì các bậc thiện trí ngày xưa đã giữ được tình bằng hữu bền chặt qua ba bốn kiếp sống.”

? Nói xong, ngài kể câu chuyện tiền thân sau đây.

Một thuở nọ, Citta (tiền thân của Đức Bồ Tát) và Sambhuta (tiền thân của Ananda) là anh em họ, sanh ra trong giai cấp candalas (chiên-đà-la, hạ đẳng). Khi lớn lên, hai cậu học thông thạo nghề quét đường và một hôm biểu diễn tay nghề ở cổng thành.

Bây giờ trong kinh thành có hai phụ nữ, một cô là con một thương nhân và cô nọ là con một tế sư, đang đi dạo chơi quanh thành cùng gia nhân, mang theo nhiều thực phẩm ngon quý. Khi thấy Citta và Sambhuta, họ hỏi;

“Chúng là ai?”

Được cho biết đó là hai kẻ giai cấp hạ đẳng, hai cô bảo:

“Thật là một điềm xui xẻo tồi tệ!”

Hai cô liền rửa mắt bằng nước tẩm hương thơm rồi ra về, bỏ cuộc dạo chơi và yến tiệc. Lúc ấy, dân chúng bao quanh Citta và Sambhuta chửi mắng:

“Này bọn hạ đẳng tồi tàn kia, mi đã làm chúng ta mất phần cơm rượu miễn phí!”

Citta và Sambhuta bị đánh đập tàn nhẫn. Họ than thở với nhau:

“Tất cả đau đớn ê chề này giáng xuống chúng ta chỉ vì dòng giống ta sanh ra. Ta sẽ không bao giờ làm kẻ candalas nữa mà phải giấu tung tích dòng họ, giả dạng thanh niên bà-la-môn, đến trường ở Takkasila để học hành.

Giấu giếm không bao lâu thì tung tích gia tộc của họ bị phơi bày, và họ bị các học sinh cùng trường đánh đập, nguyền rủa.

Có một vị bà-la-môn hiền đức ngăn cản rồi xua hai người đi và nói:

“Đi đi! Vết nhơ đã nằm trong huyết thống. Phải đi ngay! Hãy đến đâu đó mà làm ẩn sĩ khổ hạnh.”

Hai anh em đi vào rừng, sống đời ẩn sĩ khổ hạnh trọn đời còn lại.

Sau khi chết, họ tái sanh làm hai anh em nai con, luôn luôn kề cận bên nhau. Một ngày nọ, cả hai cùng chết ở cùng một chỗ, bởi cùng một mũi tên của một người thợ săn.

Kiếp kế tiếp, họ tái sanh làm con của chim ưng biển, luôn luôn quấn quít không rời nhau, và lại cũng chết bên nhau dưới tay một người săn chim.

Sau đó Citta tái sanh làm con vị tế sư của hoàng gia. Còn Sambhuta là hoàng tử. Ngay từ ngày được đặt tên, hai vị đã có khả năng nhớ lại các đời trước của mình. Song Citta nhớ lại đủ cả ba đời trước theo thứ tự, còn Sambhuta chỉ có thể nhớ lại đời candala.

Năm mười sáu tuổi, Citta xuất gia làm ẩn sĩ khổ hạnh, tu hành tinh tấn, phát khởi hỷ lạc và tuệ giác thiền định. Trong lúc ấy, Sambhuta lên ngôi vua. Biết tin này, Citta suy nghĩ: “Ta không bao giờ đủ sức giáo hóa một vị tân vương trẻ tuổi. Khi nào hiền hữu đến tuổi già, ta sẽ đến thăm và khuyên nhủ bạn sống đời ẩn sĩ khổ hạnh.”

Năm mươi năm sau, Bồ Tát về viếng thăm vua.

Ngài giảng giải tính vô thường, bất toại nguyện của các pháp trong vòng tục lụy và tán dương hạnh phúc thanh cao của đời sống ẩn sĩ phạm hạnh. Vua hoan hỷ lắng nghe và liền nhìn nhận những điều Bồ Tát khuyên dạy là lẽ phải. Nhưng vua thú thật rằng mình đã bị chôn chặt trong vũng bùn dục lạc, không sao lìa bỏ được, như một con voi lún sâu xuống đầm lầy.

Nghe vậy, Bồ Tát chỉ bày cho vua rằng, một vị vua cũng có thể huân tập đức hạnh bằng cách nhân từ và công bằng cai trị muôn dân, giảm thuế, hộ trì những vị chân tu hay bậc hiền đức. Còn khi lửa ái dục bùng cháy vì nữ sắc thì vua hãy hồi tưởng lại hình ảnh của mẫu thân trong tiền kiếp Sambhuta nghèo hèn xưa, khi không mái nhà trú thân, nằm lây lất giữa đàn chó, và mẫu thân vừa cho bú mớm vừa làm việc quần quật.

Rồi Bồ Tát dạy:

“Ta đã khuyên nhủ đại vương rồi. Bây giờ tùy ý đại vương có muốn sống đời ẩn sĩ khổ hạnh hay không, nhưng ta sẽ tiếp tục với thiện nghiệp của ta, và thiện nghiệp rồi trổ quả lành.”

Nói xong Bồ Tát giã từ bạn, bay lên không. Bụi bặm trên đôi chân Ngài rơi xuống hoàng bào của bạn. Cảnh tượng này làm rúng động tâm can vua. Không bao lâu sau vua giao lại quốc độ cho thái tử và tìm đến Bồ Tát xin xuất gia tu hành. Bồ Tát truyền giới cho vua sống đời phạm hạnh và dạy vua thiền tập. Vua tinh tấn tu tập và khi mệnh chung cùng Bồ Tát tái sanh lên cõi Phạm thiên.

? JATAKA 421

Đức Phật kể chuyện sau khi đang ngụ tại tịnh xá Jetavana. Hôm ấy, Ngài giảng giải về lễ Bố tát (Uposatha, ngày tụng đọc giới). Đây là một pháp tu hành tích cực cho đệ tử xuất gia cũng như tại gia, thường được áp dụng trong một ngày một đêm (hai mươi bốn tiếng).

Trong ngày cư sĩ Bồ tát, người cư sĩ thọ Tám giới để giữ gìn cho thân tâm thanh tịnh, thiện lành:

1) không sát sanh,
2) không trộm cướp,
3) không tà dâm,
4) không nói dối,
5) không uống rượu và dùng chất say,
6) không trang điểm, thoa đầu thơm, múa hát và xem múa hát,
7) không nằm, ngồi giường cao rộng sang đẹp,
8) không ăn quá giờ ngọ.

Thế Tôn dạy: “Này các cư sĩ, trong ngày Bố tát, các con nên nghiêm túc trì giới, bố thí cúng dường, khởi lòng bi mẫn, chế ngự sân hận, hành thiền, và thi hành mọi phận sự của người tu. Các bậc trí nhân ngày xưa đã được thọ hưởng bao phước lành chỉ nhờ giữ giới trong một phần của ngày Bố tát.”

? Rồi Ngài kể chuyện tiền thân sau đây.

Ngày xưa có một phú thương chuyên tâm bố thí và làm các việc thiện lành của giới cư sĩ. Toàn thể gia quyến và gia nhân của ông đều thọ đầy đủ Tám giới trong các ngày Bố tát hằng tháng.

Thuở ấy, Đức Bồ Tát sanh vào một nhà nghèo, phải chật vật kiếm kế sinh nhai bằng cách làm thuê. Ngài được người phú thương mướn làm công trong nhà.

Vào một ngày Bố tát, gia quyến và các công nhân của phú thương đến thọ thực buổi sáng, sau đó nhịn ăn, và về nhà tham thiền trên đề mục trì giới cho đến hết ngày. Vì không biết việc này nên Bồ Tát dậy sớm và đi làm việc cả ngày đến chiều mới quay về.

Khi biết được, Bồ Tát nguyện thọ giới nửa ngày còn lại, nhịn ăn và về nhà tham thiền. Vì không ăn gì suốt một ngày làm việc cật lực, vào canh cuối Ngài cảm thấy đau đớn tột cùng. Tuy vậy Ngài vẫn cương quyết nhịn ăn và nguyện trì giới dù phải thiệt mạng.

Đến rạng sáng Bồ Tát bất tỉnh. Tưởng Ngài sắp chết nên người nhà mang Ngài ra ngoài yên nghỉ. Lúc ấy có vị quốc vương đang kinh hành đi ngang qua. Thấy sự uy nghi lộng lẫy của hoàng gia, Bồ Tát sanh lòng ao ước và cầu nguyện được làm vua. Khi mệnh chung, do phước báu của việc giữ giới trong nửa ngày Bố tát, Ngài đạt ước nguyện và tái sanh làm vua.

Ngày nọ, kinh thành của vua (Đức Bồ Tát) có lễ hội tưng bừng náo nhiệt. Vợ chồng người gánh nước nghèo cũng nôn nao muốn đi dự hội. Gia tài người gánh nước (tiền thân của Ananda) chỉ có nửa xu tiền, dấu trong một viên gạch ở bờ tường ngoại thành phía Bắc. Người vợ nói bà cũng có để dành nửa xu và hối thúc chồng đi lấy nửa xu dấu kín của ông về. Với số tiền hai người góp chung, họ có thể mua tràng hoa, hương liệu và thức uống để tham dự lễ hội.

Vui thích với hình ảnh người vợ dệt lên, người gánh nước lập tức lên đường dù lúc ấy đang giữa trưa, trời nóng như lửa.

Vừa đi, ông vừa hứng chí ca hát.

Khi ấy vua đang ngự trong vườn ngự uyển. Nghe tiếng hát vui vẻ của người gánh nước giữa nắng trưa gay gắt như đổ lửa, vua ngạc nhiên truyền gọi ông vào và hỏi lý do.

Người gánh nước trả lời rằng ông không cảm nhận sức nóng thiêu đốt của mặt trời trên da thịt bởi vì tham muốn đang nung cháy trong lòng, và ông kể cho vua nghe chuyện của mình.

Nghe vậy, vua tưởng đâu của cải của người gánh nước lớn lao lắm, để chừng cả trăm ngàn đồng tiền. Không ngờ đó chỉ là nửa đồng xu. Người gánh nước giải thích rằng, tuy trọn gia tài chỉ có nửa xu nhưng nó sẽ mang lại cho vợ chồng ông chung một niềm hoan lạc.

Với tâm tánh nhân hậu, vua không muốn người gánh nước lặn lội dưới trời nắng gắt vì số tiền cỏn con như vậy nên hứa cho ông nửa xu để ông khỏi vất vả tìm nửa xu của ông. Người gánh nước nói sẽ nhận nửa xu của vua nhưng vẫn cương quyết đi tìm nửa xu mình đã dành dụm để chia sẻ niềm vui với vợ.

Cảm mến tình nghĩa của người gánh nước, vua tiếp tục tăng số tiền tặng lên cao mãi, đến bạc triệu, rồi cả đến danh tước phó vương, người gánh nước vẫn không bỏ ý tìm nửa xu của mình. Cho đến khi vua đề nghị chia nửa vương quốc thì ông bằng lòng. Giang sơn chia đôi; người gánh nước cai trị một nữa. Ông chọn nửa phần Bắc phận do lòng yêu thích nửa đồng xu của mình đầu ở bờ tường phía Bắc, và được gọi là Vua Nửa Xu.

Hai vị vua cai trị phần đất nước của mình hòa hợp trong tình thân hữu.

Một hôm, hai vị cũng đi săn. Khi thấm mệt, Bồ Tát nằm gối đầu trên bắp vế Vua Nửa Xu nghỉ ngơi. Ngài thiếp ngủ trong lúc quân hầu cận tản mác nơi khác. Chợt lòng tham nổi dậy trong Vua Nửa Xu, và ý tưởng giết vua để cai trị trọn vương quốc đến với ông.

Vì thế ông rút kiếm ra định giết bạn. Nhưng khi nhớ lại ân nghĩa của người bạn nhân ái đã đưa mình từ chỗ nghèo hèn đến địa vị quốc vương, ông nhận thức được tư tưởng sát nhân ấy là tội lỗi và độc ác. Ông liền tra kiếm vào bao.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, ác niệm khởi lên và lại được chế ngự. Cảm thấy tư tưởng bất thiện này khởi lên mãi có thể đưa đến ác nghiệp, ông vứt kiếm đi, đánh thức Bồ Tát dậy, quỳ dưới chân Ngài thú tội và xin được tha thứ.

Bồ Tát tha thứ cho ông, nói rằng Ngài sẵn sàng nhường trọn giang san cho Vua Nửa Xu và sẽ vui lòng làm phó vương phụng sự bạn.

Nhưng Vua Nửa Xu đã thức tỉnh, không còn chút quyến luyến ước vọng quyền lực. Ông đã thấy được lòng tham nổi lên và gia tăng trong tâm như thế nào, và giờ đây ông chỉ muốn nhổ tận gốc rễ tham dục. Ông giao lại quốc độ cho bạn, đến ẩn cư trên vùng Himalaya, sống đời phạm hạnh và nỗ lực hành thiền.

? JATAKA 282

Vào thời Đức Phật tại thế, có một vị quan đại thần của xứ Kosala phục vụ cho quốc vương rất tận tụy, đắc lực, và được nhà vua ban cho nhiều ân sủng. Các vị quan khác ganh ghét ông nên bịa chuyện vu cáo và phỉ báng ông. Vua vì tin lời họ mà không tra xét tội trạng, ra lệnh giam ông vào ngục.

Ông sống đơn độc trong tù. Tuy nhiên, nhờ hiểu được Giáo Pháp và đức hạnh thanh cao mà tâm ông bình an, tự tại. Với tâm định tĩnh, ông tham thiền và đắc thánh quả nhập lưu. Ít lâu sau, nhận ra ông vô tội nên nhà vua trả lại tự do cho ông và càng quý trọng ông nhiều hơn nữa.

Ông đến tịnh xá Jetavana, đảnh lễ Đức Phật để tỏ lòng tôn kính và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con gặp một vận xui nhưng đã biến vận xui thành mối duyên lành. Khi ngồi tù, con thiền tập và đắc quả nhập lưu.”

Thế Tôn dạy:

“Các bậc thiện trí ngày xưa cũng từng chuyển hóa nghịch duyên thành phước duyên như ông vậy.”

? Nói xong, Ngài kể chuyện xưa sau đây.

Thuở ấy vua xứ Benares là một vị minh quân và giữ mười phẩm hạnh của một hiền vương như bố thí, trì giới, và hành trì lễ Bố tát.

Ngày nọ nhà vua biết được rằng một quan cận thần đã thông gian với cung phi của mình. Vị vua nhân từ tha tội chết cho ông ta, chỉ đày biệt xứ và còn cho phép mang theo gia đình và của cải. Ông sang một nước láng giềng đầu phục và dần dần được vị vua xứ này tin dùng. Bấy giờ ông thuyết phục vua láng giềng rằng xâm chiếm Benares là việc dễ dàng vì vua Benares quả đỗi nhân từ.

Thoạt tiên, vua láng giềng còn nghi ngờ và e ngại vì biết xứ Benares hùng cường và vững mạnh. Vị quan xúi giục vua láng giềng thử tấn công một địa phận của Benares. Nếu có một ai bị bắt giữ làm tù binh, họ sẽ được tha tội và không chừng còn được tặng thưởng nữa. Y như thế, khi nghe các tù binh than khóc kể lể rằng họ chỉ là những người nghèo đói nên phải cướp bóc để kiếm ăn chứ không phải là quân xâm lăng, vua Benares động lòng trắc ẩn nên tha tội và chu cấp tiền bạc.

Lúc này vua láng giềng hoàn toàn tin tưởng vào lời xúi giục của vị quan phản quốc kia nên ồ ạt xua quân xâm chiếm Benares. Vị nguyên soái quân đội hoàng gia xin vua Benares cho lệnh chống trả để bảo vệ giang sơn, nhưng nhà vua nhân từ không chấp thuận vì không muốn giữ vương quốc bằng cách giết hại, gây đổ máu. Rồi Ngài thản nhiên để vua láng giềng vào thành và giam Ngài vào ngục.

Trong ngục tù, vua Benares tham thiền nhập định. Vì lòng thương xót vị vua xâm lăng dâng tràn, Ngài rải tâm từ đến ông. Do đại từ tâm này mà vị vua xâm lăng bỗng dưng thấy thân nóng hừng hực như lửa đốt và tâm tư bứt rứt, hối hận và đau đớn cùng cực. Ông vào ngục thất cầu xin vua Benares thứ lỗi, hoàn trả vương quốc, và cam kết sẽ là đồng minh trung thành của Ngài mãi mãi.

Vua Benares thu hồi vương quốc và khuyên dạy triều thần về sức mạnh của giới đức và lòng từ bi. Ngài nói rằng do đem lòng hiếu hòa, nhân hậu đối xử với quân xâm lược mà đã tránh được chết chóc cho hàng trăm sanh mạng trên chiến trường.

Sau đó Ngài rời bỏ ngai vàng, từ biệt kinh thành hùng vĩ, và ẩn cư trên dãy Himalaya để sống đời tu hành phạm hạnh.

Chấm dứt câu chuyện, Thế Tôn cho biết vua Benares là tiền thân của Đức Phật – khi hết tuổi thọ kiếp ấy thì sanh vào cõi Phạm thiên. Vị vua láng giềng là tiền thân của Ananda – sau khi sám hối với vua Benares đã trở thành một minh quân đức độ.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả HELLMUTH HECKER

  1. A NAN ÐA LÚC PHẬT GẦN NHẬP NIẾT BÀN
  2. NẺO ĐƯỜNG RIÊNG – CÂU CHUYỆN VỀ NGƯỜI THỊ GIẢ TRUNG THÀNH CỦA ĐỨC PHẬT
  3. A NAN ÐA ĐỐI VỚI NỮ GIỚI

Bài viết khác của tác giả NYANAPONIKA THERA

  1. NẺO ĐƯỜNG RIÊNG – CÂU CHUYỆN VỀ NGƯỜI THỊ GIẢ TRUNG THÀNH CỦA ĐỨC PHẬT
  2. BÁO ÂN MẸ – MÓN NỢ CUỐI ĐÃ TRẢ
  3. PHẤN ĐẤU ĐỂ THÂN CHỨNG GIÁO PHÁP

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ